Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nổi mẩn ngứa ở bắp chân là do những nguyên nhân nào?

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ

Triệu chứng nổi mẩn ngứa ở bắp chân gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng này, trong đó có một số trường hợp có thể liên quan đến các bệnh lý, cần phải được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nổi mẩn ngứa ở bắp chân là tình trạng thường gặp đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng. Thông thường tình trạng mẩn ngứa này có thể tự cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp nổi mẩn ngứa kéo dài thì có thể là dấu hiệu của bệnh lý mạn tính.

Nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa ở bắp chân

Có nhiều nguyên nhân gây cảm giác ngứa và xuất hiện các vết mẩn đỏ trên da chân gồm da khô, tiếp xúc với các chất gây kích ứng, các vấn đề liên quan đến nội tiết của cơ thể.

Ngứa chân do côn trùng cắn

Khi bị các côn trùng như ong, muỗi, kiến, bọ chét cắn có thể làm cho da chân ngứa và sưng. Thường thì không có gì nguy hiểm, nhưng trong trường hợp sau khi bị cắn mà bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng như chóng mặt, nhịp tim nhanh, khó thở hoặc buồn nôn, bạn cần đến bệnh viện ngay.

Nổi mẩn ngứa ở bắp chân là do những nguyên nhân nào? 1
Nổi mẩn ngứa ở bắp chân có thể do côn trùng cắn gây sưng, ngứa

Viêm nang lông

Viêm nang lông có thể gây nổi mẩn ngứa ở bắp chân do viêm nhiễm, suy giảm hệ thống miễn dịch, lông mọc ngược, mụn trứng cá. Triệu chứng của bệnh thường là nổi mẩn đỏ ở lỗ chân lông, gây ngứa hoặc đau rát.

Bệnh vẩy nến

Bệnh vảy nến là tình trạng da đỏ, gây bong tróc, ngứa ở chân, đặc biệt ngứa vào ban đêm. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều phần khác nhau của cơ thể, bao gồm cả chân. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch tấn công tế bào da khỏe mạnh, dẫn đến các tế bào da mới được tạo ra quá nhanh, gây nên vảy nến và nổi mẩn đỏ.

Nổi mày đay

Có nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay như mang giày quá chật, da chân tiếp xúc với các vật liệu gây kích ứng hay mủ thực vật. Biểu hiện thường gặp là nổi các vết đốm mẩn hồng nhạt hoặc đỏ trên da, gây ngứa và đau rát. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài và trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện ngay.

Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ thuộc nhóm bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào da và gây tổn thương. Các dấu hiệu điển hình của bệnh như nổi mẩn đỏ và ngứa trên da, đặc biệt là ở lòng bàn tay, chân, mặt và cổ đi kèm các triệu chứng sốt, đau nhức và mất khả năng tư duy tạm thời. Lupus ban đỏ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tim, gan và thận.

Ngứa, nổi mẩn do bệnh chàm

Bệnh chàm hay còn gọi là viêm da dị ứng là tình trạng liên quan đến viêm da. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh chàm, nhưng có thể di truyền và yếu tố môi trường góp phần gây ra. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vùng da đỏ mẩn, nứt nẻ và nổi mụn nước ở bắp chân và ngón tay, gây ngứa rất khó chịu cho người bệnh.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc thường xuất hiện với biểu hiện phát ban đỏ và gây ngứa. Nguyên nhân là do da tiếp xúc với các chất kích ứng hoặc dị ứng như hóa chất trong giày, keo, hóa chất trong sơn móng tay, thuốc mỡ chứa neomycin.

Nổi mẩn ngứa ở bắp chân là do những nguyên nhân nào? 1
Viêm da tiếp xúc thường xuất hiện với triệu chứng phát ban đỏ và ngứa

Suy giảm chức năng gan

Khi chức năng gan bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng thanh nhiệt và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, làm tích tụ độc tố. Kết quả, triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa xuất hiện ở chân gây cảm giác mệt mỏi trên cơ thể. Những người có tiền sử bệnh lý gan mật thường gặp tình trạng này. Mẩn ngứa có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể, bao gồm cả bắp chân và bệnh thường trở nên nghiêm trọng hơn khi gặp thời tiết nóng và môi trường ô nhiễm.

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa khiến đường huyết tăng cao và nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Một trong số các triệu chứng mà người bệnh có thể trải qua là ngứa và tê ở chân. Hơn nữa, nguy cơ nhiễm trùng từ vi khuẩn và nấm tăng cao do bệnh tiểu đường gây ra.

Dấu hiệu khi bị nổi mẩn ngứa ở bắp chân

Cảm giác mẩn ngứa ở chân được mô tả như cảm giác có kiến bò, nhột, da khô, gây khó chịu, thường kích thích phản xạ gãi. Người bệnh gãi nhiều có thể làm tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng hơn, khiến mẩn ngứa lan rộng, gây tổn thương và thậm chí gây nhiễm trùng da.

Mẩn ngứa ở bắp chân thường đi kèm với các dấu hiệu khác như sau:

  • Da khô và bong vảy;
  • Da phồng rộp, có mụn mủ ở bắp chân;
  • Gãi gây ban đỏ, sưng tấy lan rộng;
  • Mẩn ngứa còn xuất hiện ở nhiều vùng da khác trên cơ thể, ngoài chân;
  • Mệt mỏi, đau nhức, ngứa chân mùa hè hoặc mùa đông trong một vài trường hợp.

Hầu hết những người bị mẩn ngứa ở bắp chân ở mức nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp nổi mẩn ngứa nghiêm trọng, kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và xác định nguyên nhân có phải do các bệnh lý tiềm ẩn gây ra hay không. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc như xét nghiệm máu, nuôi cấy, sinh thiết hoặc cạo da.

Nổi mẩn ngứa ở bắp chân là do những nguyên nhân nào?4
Bạn nên đến bệnh viện thăm khám khi mẩn ngứa nghiêm trọng, kéo dài

Cách điều trị nổi mẩn đỏ ngứa ở bắp chân

Cách điều trị nổi mẩn ngứa ở bắp chân thường tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây ngứa do dị ứng, người bệnh cần tránh sử dụng các loại thuốc hoặc sản phẩm gây dị ứng. Trong trường hợp ngứa do bệnh lý, tùy thuộc vào bệnh cụ thể sẽ có cách điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng giúp giảm mẩn ngứa ở chân, bao gồm:

Phương pháp dân gian

Lá trầu không

Do lá trầu không có tính kháng nấm, kháng khuẩn, giúp giảm mẩn ngứa, nên người bệnh có thể nấu nước lá trầu không để ngâm, rửa chân mỗi ngày. Để giảm đáng kể mẩn ngứa, bạn ngâm chân trong khoảng 10 - 15 phút/lần. 

Nổi mẩn ngứa ở bắp chân là do những nguyên nhân nào? 3
Lá trầu không có tính kháng khuẩn, kháng nấm và giảm mẩn ngứa

Lá trà xanh

Để làm dịu mẩn ngứa, có thể dùng lá trà xanh để tắm hoặc ngâm chân. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống trà xanh để thanh lọc cơ thể.

Lá ổi

Lá ổi có tính kháng viêm, giảm ngứa và thường được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian để điều trị các bệnh về da. Người thường xuyên bị nổi mẩn ngứa ở bắp chân có thể nấu nước lá ổi để rửa, tắm hoặc ngâm chân, vừa làm dịu da vừa giảm ngứa khó chịu.

Dùng thuốc trị mẩn ngứa ở chân

Để điều trị mẩn ngứa ở chân, có thể dùng các loại thuốc bao gồm:

Thuốc kháng histamine H1

Thuốc diphenhydramine (Benadryl) giúp giảm ngứa. Thuốc kháng histamine có thể gây ra buồn ngủ, chóng mặt và các tác dụng phụ khác. Người lớn tuổi là đối tượng chống chỉ định với thuốc.

Thuốc xịt hoặc kem chống nấm

Nếu nguyên nhân do nhiễm nấm, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng nấm để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc chống ngứa tại chỗ

Loại thuốc này chứa các chất làm mềm da như kem steroid và petrolatum giúp giảm ngứa cục bộ trên da.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể có thể dùng các loại thuốc kê đơn như gabapentin, SSRIs hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Bài viết trên đây đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết về tình trạng nổi mẩn ngứa ở bắp chân. Khi gặp triệu chứng này, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có cách điều trị phù hợp.

Xem thêm: Trẻ bị nóng trong mẩn ngứa là do những nguyên nhân gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin