Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ thể người?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nước là thành phần quan trọng của cơ thể. Tỷ lệ nước trong cơ thể con người sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào giới tính, cân nặng, chiều cao, tuổi tác… Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên, nước chiếm hơn một nửa trọng lượng của cơ thể. Vậy cụ thể nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ thể người? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp trong bài viết sau.

Với cuộc sống hiện đại ngày nay, việc nâng cao chất lượng sống ngày càng được quan tâm. Người ta thường chú ý nhiều đến những vấn đề về sức khỏe, trong đó có nước, bởi đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự sống của con người. Nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ thể người đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Vậy chúng ta hãy cùng đi tìm đáp án nhé!

Nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ thể người?

Nước chiếm bao nhiêu phần trăm, cơ thể con người bao nhiêu phần trăm là nước? Phần lớn cơ thể người là nước, chiếm khoảng 50 - 70%. Tỷ lệ này sẽ có sự khác biệt đối với mỗi người, thông thường nước trong cơ thể của nữ giới sẽ chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với nam giới. Nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự khác biệt này là do khối lượng mô mỡ trong tế bào, lượng mô mỡ trong cơ thể của người nam sẽ vượt trội hơn so với người nữ.

nuoc-chiem-bao-nhieu-phan-tram-trong-co-the-nguoi 1.jpg
Nước chiếm khoảng 50 - 70% trọng lượng cơ thể

Ngoài ra, cơ thể con người bao nhiêu phần trăm là nước còn phụ thuộc vào tuổi tác:

  • Ở trẻ sơ sinh, nước chiếm tỷ lệ cao từ 74 - 80% trọng lượng cơ thể. Đây cũng là độ tuổi có lượng nước trong cơ thể cao nhất.
  • Trẻ từ 1 tuổi đến người trung niên: Theo thống kê, tổng lượng nước trung bình trong cơ thể nam giới là khoảng 60% và khoảng 55% ở nữ giới.
  • Người cao tuổi: Tỷ lệ nước trong cơ thể lúc này đã bị giảm thấp, rơi vào khoảng 50% trọng lượng cơ thể.

Sự phân bố nước trong cơ thể

Trong cơ thể, nước phân bố hầu hết tất cả các bộ phận. Tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng và vai trò của vùng đó mà sự phân bố nước có thể khác nhau. Người ta thường chia thành hai phần chính đó là dịch nội bào và dịch ngoại bào:

  • Dịch nội bào: Bao gồm toàn bộ những chất lỏng bên trong của tế bào. Lượng nước trong nội bào chiếm khoảng 40% lượng nước của cơ thể.
  • Dịch ngoại bào: Bao gồm toàn bộ lượng chất lỏng ở bên ngoài tế bào. Tỷ lệ nước ở ngoại bào chiếm khoảng từ 25 - 45%.
nuoc-chiem-bao-nhieu-phan-tram-trong-co-the-nguoi 2.jpg
Tỷ lệ nước trong cơ thể có sự khác nhau tuỳ theo độ tuổi

Vai trò của nước đối với cơ thể

Nhìn vào tỷ lệ lớn của nước đối với trọng lượng cơ thể người cũng có thể hiểu rằng nó có vai trò quan trọng như thế nào. Cụ thể vai trò của nước đối với cơ thể:

  • Giúp sản sinh tế bào mới và nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động sống của tế bào;
  • Tham gia vào việc vận chuyển protein và carbohydrate từ thức ăn, giúp cơ thể tiêu thụ các chất này tốt hơn;
  • Duy trì nhiệt độ cơ thể;
  • Là thành phần chính trong nước bọt;
  • Là thành phần của hệ bài tiết, giúp loại bỏ nhiều chất thải, chất độc có hại cho sức khỏe thông qua việc tiểu tiện;
  • Tham gia vào việc bảo vệ những mô nhạy cảm, bôi trơn các khớp để hoạt động trơn tru;
  • Tham gia vào nhiều chu trình chuyển hoá của cơ thể;
  • Tham gia tạo màng chất lỏng bao quanh thai nhi hay còn gọi là nước ối, giúp bảo vệ thai nhi trước sự tác động của môi trường bên trong và môi trường bên ngoài trong suốt quá trình mang thai.
nuoc-chiem-bao-nhieu-phan-tram-trong-co-the-nguoi 3.jpg
Nước tham gia nhiều hoạt động sống của cơ thể con người

Lượng nước cần bổ sung mỗi ngày

Mặc dù đã có thể biết được nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ thể người nhưng không phải ai cũng biết cách xác định chính xác lượng nước cần bổ sung vào cơ thể mỗi ngày. Hiện nay đã có nhiều phương pháp khác nhau ra đời để hỗ trợ việc xác định lượng nước bổ sung vào cơ thể. Trong đó, cân điện tử thông minh đang là một phát minh được nhiều người tin tưởng lựa chọn sử dụng. Ngoài ra cũng có công thức để tính lượng nước cần thiết mỗi ngày bạn có thể tham khảo:

  • Tính lượng nước cần bổ sung mỗi ngày đối với người không luyện tập thể dục thể thao bằng cách lấy cân nặng x 0,5.
  • Tính lượng nước cần bổ sung mỗi ngày đối với người có luyện tập thể dục thể thao thường xuyên bằng cách lấy cân nặng x 0,5 + (thời gian luyện tập/30 phút x 12).
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bảng đối chiếu giữa cân nặng và lượng nước cần bổ sung.

Trong cơ thể con người, nước chiếm đến 2/3, chính vì thế bổ sung đủ nước đáp ứng nhu cầu cơ thể là điều cần thiết. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia khoa học, khuyến cáo trung bình mỗi ngày nên bổ sung ít nhất 2 lít nước đối với những người bình thường. Bởi vì nước cũng liên tục được sử dụng và đào thải ra khỏi cơ thể nên nước cũng cần được bổ sung liên tục.

Trong một số trường hợp đặc biệt, người mắc các bệnh lý như sốt, tiêu chảy, sử dụng thuốc lợi tiểu… thì nhu cầu nước của cơ thể có thể sẽ cao hơn so với bình thường, lúc này lượng nước cần được bổ sung cũng sẽ tăng lên.

nuoc-chiem-bao-nhieu-phan-tram-trong-co-the-nguoi 4.jpeg
Bổ sung đủ nước cho cơ thể để đảm bảo duy trì hoạt động sống của cơ thể, bảo vệ sức khoẻ hiệu quả

Hậu quả của việc thiếu nước

Mất nước và kéo dài trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Một số trường hợp dễ bị mất nước như người luyện tập thể thao, làm việc trong thời tiết nóng bức, người mắc các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận… Bên cạnh đó, những người bị cảm lạnh khiến cơ thể chán ăn, uống ít nước cũng có thể khiến cơ thể bị thiếu nước.

Theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, bình thường một người không thể nhịn khát quá 7 ngày. Việc không cung cấp đủ nước hoặc nhịn uống nước quá lâu có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, nhiều cơ quan sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Một số tình trạng có thể xuất hiện khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết như:

  • Da khô, nứt nẻ, dễ bong tróc, mất đi sự đàn hồi vốn có, làm quá trình lão hoá diễn ra nhanh hơn;
  • Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt, cơ thể suy nhược;
  • Nước tiểu sậm màu, đi tiểu ít;
  • Ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn do thức ăn không được nước hỗ trợ làm mềm, dễ gây ra các bệnh lý về tiêu hoá hoặc táo bón;
  • Ho khan, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản;
  • Uống ít nước dẫn đến cơ thể ít đi vệ sinh, dễ dẫn đến các bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận;
  • Ảnh hưởng đến thân nhiệt, có dấu hiệu chuột rút, dễ bị say nắng;
  • Mất cân bằng chất điện giải, dẫn đến cơn co giật;
  • Huyết áp giảm một cách đột ngột, dẫn đến ngất xỉu, té ngã, sốc giảm thể tích hay thậm chí có thể khiến nồng độ oxy trong cơ thể thấp bất thường có thể dẫn đến tử vong.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ thể người, vai trò của nước cũng như ảnh hưởng của thiếu nước đối với cơ thể. Để có một sức khỏe tốt, ngăn ngừa nhiều bệnh tật thì việc bổ sung và duy trì lượng nước cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Hãy duy trì thói quen uống nhiều nước, đồng thời nhắc nhở mọi người xung quanh bổ sung đủ nước để bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin