Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 giúp phòng ngừa biến chứng

Ngày 05/03/2024
Kích thước chữ

Đái tháo đường tuýp 2 là một trong những bệnh lý về hệ nội tiết phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể kéo theo các biến chứng nguy hiểm nếu mức đường trong máu không được kiểm soát tốt. Mục tiêu của các phương pháp điều trị hiện nay là giúp người bệnh kiểm soát đường huyết và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là một phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 có thể mang lại kết quả tích cực và giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Nếu được chẩn đoán mới mắc bệnh, mức đường huyết không vượt quá mức cao và không có biến chứng đái tháo đường, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điều trị cho bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách thay đổi chế độ ăn và thực hiện luyện tập. Quyết định sử dụng thuốc cụ thể trong quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào mức đường huyết của người bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường tuýp 2

Các tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 theo Hội Đái tháo đường Mỹ - ADA được xác định như sau:

  • Nồng độ glucose đường huyết lúc đói: Nếu nồng độ glucose trong máu lúc đói của bạn đạt từ 126 mg/dl hoặc 7 mmol/l trở lên, bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn cần nhịn đói ít nhất 8 giờ và không uống bất kỳ loại nước ngọt nào, hoặc bất kỳ thức uống nào ngoại trừ nước lọc.
  • Nồng độ glucose sau 2 giờ làm nghiệm dung nạp glucose: Nếu sau 2 giờ nồng độ đường trong máu của bạn đạt 200 mg/dl hoặc 11,1 mmol/l hoặc cao hơn, bạn đã bị mắc bệnh tiểu đường. Nghiệm pháp dung nạp glucose thường được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Bệnh nhân sẽ tiêu thụ 75g glucose pha loãng trong nước từ đêm trước và uống trong khoảng 5 phút.
  • Xét nghiệm HbA1c: Kết quả xét nghiệm HbA1c định kỳ sau một khoảng thời gian xác định, thường là hai đến ba tháng. Nếu HbA1c < 6,5%, bạn đang kiểm soát đường huyết tốt. Nếu HbA1c > 6,5% (tương đương 48 mmol/mol), bạn đang gặp vấn đề kiểm soát đường huyết hoặc bạn có thể bị mắc bệnh tiểu đường. Xét nghiệm phải được thực hiện trong môi trường phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết: Nếu bệnh nhân có những triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết và kết quả xét nghiệm glucose ngẫu nhiên từ 200 mg/dl (11,1 mmol/l) trở lên, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 giúp phòng ngừa biến chứng
Cần xác định đang mắc tiểu đường tuýp 1 hay 2 vì phác đồ điều trị không giống nhau

Khi nhận được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, quan trọng là bạn phải hiểu rõ loại tiểu đường bạn đang mắc phải vì phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 và 1 không giống nhau.

Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2

Mục tiêu điều trị

  • Kiểm soát ổn định nồng độ glucose trong máu khi đói và sau khi ăn, tiến gần đến mức độ sinh lý.
  • Đạt được mức HbA1c lý tưởng để giảm thiểu các biến chứng của bệnh và giảm nguy cơ tử vong do tiểu đường tuýp 2.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể hoặc giảm cân với bệnh nhân béo phì, cố gắn duy trì cân nặng ở mức chuẩn.

Nguyên tắc điều trị

  • Kết hợp sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục.
  • Điều chỉnh và kiểm soát cân nặng, cũng như: Các chỉ số lipid máu và huyết áp, đạt mức độ hợp lý.
  • Sử dụng insulin khi cần thiết, đặc biệt trong các bệnh lý mạn tính, bệnh nhiễm trùng, hoặc các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng.

Chi tiết cụ thể

  • Nồng độ glucose trong máu khi đói (mmol/L): Mức tốt là từ 4.4 đến 6.1, chấp nhận được nếu dưới 6.5.
  • Nồng độ glucose trong máu sau khi ăn (mmol/L): Mức tốt là từ 4.4 đến 7.8 và chấp nhận được nếu dưới 9.0.
  • Mức HbA1c tốt là dưới 7.0%, và chấp nhận được nếu từ 7 đến dưới 7.5%. Tuy nhiên, mức HbA1c cần điều chỉnh tùy theo từng trường hợp cụ thể và tình hình lâm sàng. Phác đồ điều trị đái tháo đường đối với bệnh nhân trẻ tuổi, mới chẩn đoán tiểu đường, không có biến chứng mạn tính và không có bệnh kèm theo, mức HbA1c tốt nhất là 6.5%. Trong khi đó, đối với bệnh nhân lớn tuổi, tiểu đường kéo dài, có biến chứng mạn tính và nhiều bệnh kèm theo, mức HbA1c chấp nhận được là 7.5%.
Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 giúp phòng ngừa biến chứng 1
Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 nhằm mục tiêu giữ mức HbA1c ở ngưỡng lý tưởng

Lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Lựa chọn thuốc trong phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 cần dựa theo chỉ định của bác sĩ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Metformin (Dimethylbiguanide)

  • Được sử dụng rộng rãi với các hàm lượng viên 500mg, 850mg, 1000mg.
  • Liều khởi đầu: 500 hoặc 850mg, 2 viên mỗi ngày.
  • Liều tối đa: 2500 mg mỗi ngày.
  • Cơ chế tác dụng: Ức chế sản xuất glucose từ gan và tăng nhạy cảm của insulin ngoại vi. Có thể hạ glucose máu khoảng 2-4 mmol/l và giảm HbA1c lên đến 2%. An toàn khi sử dụng đơn độc.

Nhóm Sulphonylurea

  • Kích thích tụy bài tiết insulin.
  • Các loại: Tolbutamide, chlorpropamide, diabetol, glibenclamide, gliclazide, glipizide, glyburide.
  • Liều thông thường: Glipizide từ 2.5 mg đến 20.0 mg/ngày, Gliclazide từ 40 – 320mg/ngày, Glimepiride từ 1.0 – 6.0 mg/ngày.
  • Sử dụng thận trọng với người lớn tuổi, suy thận hoặc gan.

Nhóm thuốc ức chế Alpha - Glucosidase

  • Ức chế enzym alpha-glucosidase, giảm hấp thụ glucose máu sau bữa ăn.
  • Loại acarbose gây tác dụng không mong muốn như: Đầy bụng, tiêu lỏng.
  • Liều tăng dần từ 25mg đến 100mg trong mỗi bữa ăn.

Meglitinide/Repaglinide

  • Kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết insulin.
  • Liều từ 0.5 đến 4 mg/bữa ăn, tối đa 16 mg/ngày.

Thiazolidinedione (glitazone)

  • Làm tăng nhạy cảm của cơ và tổ chức mỡ với insulin.
  • Pioglitazone liều từ 15 đến 45 mg/ngày.

Thuốc ức chế DPP-4

  • Tăng nồng độ incretin nội sinh, kích thích bài tiết insulin.
  • Liều dùng: Sitagliptin 100mg/ngày, Vildagliptin 100mg chia 2 lần mỗi ngày, Saxagliptin 2.5-5 mg/ngày.
Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 giúp phòng ngừa biến chứng 2
Sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 theo chỉ dẫn của bác sĩ

Chế độ ăn uống và tập luyện cho người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh ngoài áp dụng phác đồ điều trị đái tháo đường. Việc tuân thủ chế độ ăn uống khoa học giúp kiểm soát chỉ số đường huyết một cách hiệu quả và giảm nguy cơ phát triển biến chứng nguy hiểm của bệnh. Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng thêm cách kiểm soát đường huyết tại nhà không dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2:

  • Đảm bảo duy trì chế độ ăn đầy đủ và cân bằng dưỡng chất: Ưu tiên sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế tiêu thụ đồ ngọt, và ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Phân chia khẩu phần ăn gồm: 50 - 60% glucid, 20 - 30% lipid và từ 15 - 20% protid.
  • Với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nên hạn chế các bữa ăn thêm chỉ nên ăn 3 bữa chính trong ngày.
  • Đối với những người đang sử dụng insulin, nên chia khẩu phần thành 4-5 bữa nhỏ trong ngày.

Chế độ tập luyện

Tập thể dục là một phương pháp hiệu quả để duy trì sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường. Người mắc bệnh cần thực hiện các biện pháp tập luyện như sau:

  • Thực hiện tập luyện đều đặn khoảng 5 ngày mỗi tuần, mỗi buổi tập kéo dài khoảng 30 phút.
  • Trước khi tập luyện, nên kiểm tra tim mạch và đo huyết áp.
  • Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và sở thích cá nhân, lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp, có thể bao gồm: Đi bộ, đạp xe, bơi lội, leo cầu thang bộ, và các hoạt động khác.
Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 giúp phòng ngừa biến chứng 3
Chế độ ăn uống và luyện tập cũng rất quan trọng trong khi tiến hành điều trị đái tháo đường tuýp 2

Việc lựa chọn loại thuốc phù hợp và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2 là việc làm quan trọng mà mỗi bệnh nhân cần tuân thủ. Nếu thực hiện tốt người bệnh có thể duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và tích cực, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tăng cường chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin