Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Phân loại các cơn động kinh và cách điều trị bệnh động kinh

Ngày 07/10/2023
Kích thước chữ

Động kinh là một bệnh lý về não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Phân loại các cơn động kinh đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Để hiểu rõ hơn về bệnh động kinh, mời bạn tham khảo ngay bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Động kinh là một trong những rối loạn chức năng của thần kinh trung ương thường gặp. Bệnh không chỉ gây các cơn co giật đơn thuần mà còn ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là não bộ. Cùng tìm hiểu rõ hơn về phân loại các cơn động kinh và cách điều trị bệnh động kinh qua bài viết sau đây.

Động kinh là gì?

Trước khi tìm hiểu về phân loại các cơn động kinh, bạn cũng nên nắm được động kinh là gì? Động kinh là một bệnh lý của thần kinh trung ương do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh đặc trưng bởi sự tái diễn các cơn kích thích các tế bào thần kinh ở não, gây hiện tượng phóng lực kích phát, thể hiện bằng cơn co giật trên lâm sàng và qua một số xét nghiệm đặc hiệu.

Bệnh động kinh là một lý khá phổ biến trên thế giới. Theo thống kê ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh động kinh chiếm khoảng 0.5 - 0.8% tổng dân số. Tỷ lệ mắc bệnh động kinh hàng năm trung bình là 20 - 70 người/100.000 dân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tập trung phần lớn ở trẻ em, có khoảng 50% bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và 75% bệnh nhân động kinh dưới 20 tuổi. Nhìn chung, càng lớn tuổi thì tỷ lệ bệnh động kinh càng thấp. Thế nhưng, sau 60 tuổi, tỷ lệ động kinh lại tăng lên, tỷ lệ vào khoảng 100/100.000 người.

Bệnh động kinh có thể di truyền cho thế hệ sau. Theo số liệu thống kê, có khoảng 10 - 25% số bệnh nhân mắc bệnh động kinh có tiền sử gia đình mắc bệnh động kinh. Chính vì vậy, người có người thân trong gia đình mắc bệnh động kinh thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên.

Động kinh là gì? Phân loại các cơn động kinh và điều trị bệnh động kinh 1
Bệnh động kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Phân loại các cơn động kinh

Đặc điểm lâm sàng của các cơn động kinh phụ thuộc vào vị trí phóng điện ở não cũng như mức độ lan rộng của nó. Dựa vào đặc điểm lâm sàng, người ta phân loại các cơ động kinh thành 2 nhóm chính là: Cơn động kinh toàn thể và cơn động kinh cục bộ.

Cơn động kinh toàn thể

Cơn động kinh toàn thể được phân loại như sau:

  • Cơn co giật: Trước khi lên cơn động kinh, một số trường hợp bệnh có triệu chứng báo trước như bệnh nhân thấy giật giật nhẹ ở ngón tay một bên, cảm giác nóng ran mắt, ù tai, cảm thấy có mùi khó chịu, cảm thấy lo lắng bồn chồn… Phần lớn các cơn động kinh xuất hiện đột ngột với các biểu hiện: Bệnh nhân đột ngột mất ý thức, chân tay duỗi cứng, hai bàn tay nắm chặt, co cứng cơ hô hấp, cơ thanh quản khép, bệnh nhân ngừng thở ngắn. Giai đoạn này gọi là giai đoạn co cứng, kéo dài khoảng 20 - 30 giây. Tiếp theo, người bệnh co giật toàn thân, chân tay co giật nhịp nhàng, lúc đầu chậm sau nhanh dần, cuối cơn thưa dần sau ngừng hẳn. Giai đoạn này kéo dài từ 30 - 60 giây. Sau khi ngừng co giật, các cơ mềm ra, người bệnh vẫn mất ý thức, thở sâu, đồng tử giãn nhẹ. Cuối cùng, người bệnh tỉnh nhưng có thể lú lẫn trong vài phút.
  • Cơn vắng ý thức: Cơn vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em, biểu hiện bằng sự gián đoạn ý thức và hành động với môi trường xung quanh trẻ trong một khoảng thời gian ngắn. Người bên cạnh có thể tưởng bệnh nhân đang ngủ gật hoặc mất tập trung vào công việc.
  • Cơn giật cơ: Biểu hiện của cơn giật cơ là những động tác giật cơ đột ngột, ngắn, xảy ra đối xứng 2 bên, vị trí có thể toàn thân hay khu trú ở tay, ở đầu với cường độ khác nhau mà không kèm theo rối loạn tri giác. Bệnh thường khởi đầu ở tuổi thanh niên và các cơn giật thường xảy ra vào buổi sáng, đôi khi làm người bệnh ngã nhưng nhanh chóng hồi phục.
  • Cơn mất trương lực cơ: Người bệnh đột ngột bị mất trương lực cơ, ngã xuống đất nhưng hồi phục nhanh chóng. Trường hợp này chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ, khoảng 1% trong tổng số những bệnh nhân bị động kinh.
  • Hội chứng West: Hội chứng West chủ yếu xảy ra trẻ em dưới 1 tuổi, bệnh gặp ở nam nhiều hơn ở nữ. Các cơn động kinh thường xảy ra rất ngắn, từ 2 - 3 giây. 80% trường hợp có sự co thắt gấp người cả hai bên cơ thể và đối xứng. Các chi có biểu hiện như: Chi trên bắt chéo trước ngực, chi dưới gấp. Nếu người bệnh co thắt ở tư thế duỗi, hai chi trên duỗi thẳng, khép bắt chéo.
Động kinh là gì? Phân loại các cơn động kinh và điều trị bệnh động kinh 2
Cơn vắng ý thức xảy ra chủ yếu ở trẻ em

Cơn động kinh cục bộ

Trong phân loại các cơn động kinh, cơn động kinh cục bộ lại được chia nhỏ thành các loại sau:

  • Cơn cục bộ đơn giản, không kèm rối loạn ý thức: Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Bệnh ít khi tiến triển thành những cơn cục bộ khác. Vị trí xảy ra co giật thường là ở mặt hay ở một chi, sự co cứng hay co giật xuất hiện ở một phần cơ thể.
  • Cơn cục bộ phức tạp có rối loạn ý thức: Bệnh khởi phát bằng các triệu chứng cục bộ đơn giản và xuất hiện rối loạn ý thức sau đó. Người bệnh có thể có những rối loạn hành vi như nói lảm nhảm, mặt nhăn nhó, cởi quần áo, đi lang thang… Những cơn cục bộ phức tạp này có thể tiến triển thành các cơn toàn thể hóa thứ phát.
  • Cơn toàn thể hóa thứ phát: Là những cơn động kinh cục bộ, có thể đơn giản hay phức tạp, khi sự kích thích lan tỏa toàn bộ não sẽ tiến triển thành cơn toàn thể hóa thứ phát. Người bệnh có thể có dấu hiệu báo trước, tuy nhiên sự lan tỏa này rất nhanh, chỉ có làm điện não đồ mới có thể chứng minh được bản chất cơn co giật.
Động kinh là gì? Phân loại các cơn động kinh và điều trị bệnh động kinh 3
Phân loại các cơn động kinh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Điều trị bệnh động kinh

Bên cạnh vấn đề phân loại các cơn động kinh, việc điều trị bệnh động kinh cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Điều trị bệnh động kinh sẽ bao gồm điều trị trong cơn co giật và điều trị duy trì.

Trong điều trị trong cơn co giật, điều trị cấp cứu thường không cần thiết vì co giật nhìn có vẻ đáng sợ nhưng người bệnh không đau và sau cơn co giật người bệnh thường không biết gì. Chính vì vậy, trong cơn co giật, người bệnh chỉ cần được đặt ở nơi thoáng mát, an toàn, nới lỏng quần áo. Tuyệt đối không cố mở miệng người bệnh và nhét bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh, bởi hành động này có thể gây nên các tổn thương thứ phát cho người bệnh. Khi người bệnh ra khỏi cơn co giật, đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Điều trị duy trì nhằm cắt cơn động kinh và dự phòng tái phát cho người bệnh. Việc này đòi hỏi người bệnh cần duy trì dùng thuốc động kinh đều đặn trong một thời gian dài. Trong trường hợp bệnh mới xuất hiện một cơn động kinh thì chưa cần dùng thuốc điều trị, trừ những trường hợp có rối loạn chức năng não bộ hoặc có bất thường trên điện tâm đồ. Bên cạnh đó, nếu khoảng cách 2 cơn co giật kéo dài hơn 2 năm thì cũng không cần phải điều trị. Nếu người bệnh có hơn 2 cơn co giật mà nguyên nhân liên quan rõ ràng với tai nạn, sốt hoặc do uống rượu thì việc điều trị cũng xem như không cần thiết.

Động kinh là gì? Phân loại các cơn động kinh và điều trị bệnh động kinh 4
Điều trị duy trì bệnh động kinh đòi hỏi người bệnh phải sử dụng thuốc đều đặn kéo dài

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được phần nào thắc mắc về phân loại các cơn động kinh cũng như nắm được phương pháp điều trị bệnh động kinh. Việc phân loại các cơn động kinh giúp các bác sĩ định hướng được quá trình điều trị cũng như có kế hoạch dùng thuốc thích hợp cho người bệnh. Chúc bạn nhiều sức khỏe cũng như đừng quên tiếp tục theo dõi những bài viết hữu ích của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.