Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng của bệnh gì?

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng điển hình của sốt virus, một căn bệnh thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi có thể xảy ra ở người trưởng thành. Vậy sốt virus là bệnh gì?

Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng thường gặp của sốt virus mà đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em và người cao tuổi. Nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi, bệnh cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành. Vậy sốt virus là bệnh gì?

Sốt virus thường xuất hiện vào mùa hè, là bệnh lý do nhiều loại virus gây ra. Bệnh thường có diễn biến nhẹ và người bệnh có thể khỏi bệnh sau 2 - 7 ngày. Người bị sốt virus sẽ có triệu chứng thường gặp là sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu mọi thông tin về triệu chứng này.

Tìm hiểu về bệnh học sốt virus

Để giải đáp cho thắc mắc “Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu có phải là dấu hiệu của sốt virus hay không?”, bạn cần hiểu rõ về bệnh học sốt virus.

Nguyên nhân dẫn đến sốt virus là do nhiều loại virus khác nhau gây ra như Rhinovirus, Adenovirus, virus cúm, Coronavirus,... Mỗi loại virus sẽ gây ra cơn sốt và các triệu chứng khác nhau trên người bệnh như người mệt mỏi, nóng ran, đau đầu hay đau mỏi cả người.

Thông thường, nếu người trưởng thành bị nhiễm virus gây sốt nhưng có hệ đề kháng tốt và được điều trị triệu chứng sớm thì sau vài ngày các triệu chứng sẽ được cải thiện và khỏi bệnh. Điều đó có nghĩa là virus sốt cũng bị tiêu diệt hiệu quả, nhanh chóng.

Sốt virus xảy ra khi bị lây nhiễm virus qua các con đường khác nhau, trong đó chủ yếu là qua đường lây truyền trung gian qua con muỗi, ăn uống, hô hấp...

Để không nhầm lẫn với sốt do nhiễm khuẩn, bác sĩ cần chẩn đoán sốt virus dựa vào tiền căn, tiền sử bệnh, tính chất của triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Trong đó, phương pháp xét nghiệm được đánh giá cao vì giúp chẩn đoán sốt virus chính xác nhờ xác định đúng nguyên nhân gây sốt virus vừa giúp loại trừ các bệnh lý khác như mất nước hoặc thiếu máu cũng như các bệnh lý về máu cơ bản khác nhau...

Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng của bệnh gì? 1
Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng điển hình của sốt virus

Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng gì?

Phần lớn các trường hợp sốt virus đều xảy ra các triệu chứng tương tự như chứng cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên dấu hiệu quan trọng để xác định sốt virus là cơn sốt cao (có thể trên 39 độ C tùy chủng virus gây ra). Trong thời gian nhiễm bệnh, sốt liên tục tăng, giảm và có thể lên đến 40 - 41 độ C. Đi kèm với sốt cao có thể là triệu chứng ớn lạnh hoặc nóng lạnh.

Các triệu chứng khác thường đi kèm với cơn sốt cao gồm:

  • Đau đầu: Triệu chứng điển hình của sốt virus là đau đầu dữ dội. Để giảm triệu chứng nhức đầu, người bệnh tránh căng thẳng hay làm việc quá sức, nên nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Viêm đường hô hấp: Ngoài triệu chứng đau đầu, sốt, người bệnh còn bị viêm đường hô hấp như viêm họng (họng đỏ, sưng tấy), rát họng, chảy nước mũi, hắt hơi, đỏ mắt, chảy nước mắt.
  • Nổi mẩn ở da: Sau khi sốt thường xuất hiện triệu chứng nổi mẩn ở da trong 2 - 3 ngày. Đến khi ban đỏ xuất hiện, người bệnh sẽ đỡ sốt vì bệnh đã qua thời kỳ ủ và phát bệnh.
  • Đau mỏi người: Người bệnh sốt virus sẽ thấy đau mỏi khắp người, đặc biệt là đau nhức ở cơ bắp khiến người bệnh mệt mỏi và không làm việc được.
  • Rối loạn tiêu hóa: Nếu sốt virus do virus đường tiêu hóa gây ra thì triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sớm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp triệu chứng này có thể xuất hiện muộn hơn sau vài ngày bị sốt đi kèm các triệu chứng là đại tiện lỏng, không có máu, chất nhầy,...

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp triệu chứng nổi hạch vùng cổ, đầu, mặt kèm theo buồn nôn, nôn,...

Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng của bệnh gì? 2
Người bệnh cũng có thể xuất hiện hạch vùng cổ, đầu, mặt

Phương pháp điều trị sốt virus

Người bệnh sốt virus cần điều trị và có biện pháp phòng ngừa bệnh vì bệnh dễ lây nhiễm cho cộng đồng và những người xung quanh. Các triệu chứng như sốt cao, sốt nóng lạnh đau đầu, khó thở, người mệt mỏi, nóng ran, viêm phổi, biến chứng não có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm.

Vì vậy, khi người bệnh phát hiện các triệu chứng của sốt virus thì cần đến bệnh viện thăm khám để được điều trị sớm nhất.

Phần lớn các trường hợp sốt virus nhẹ đều có thể tự điều trị tại nhà bằng cách dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp xuất hiện các biến chứng nặng, nếu người bệnh đang điều trị bệnh lý đi kèm hoặc đang mắc các bệnh lý mạn tính, cần thông báo sớm với bác sĩ để có biện pháp điều trị thích hợp.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị sốt virus, người bệnh chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng để làm giảm cảm giác khó chịu và nhanh khỏi bệnh. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả cho người bệnh như sau:

  • Hạ sốt: Trường hợp bị sốt cao, đặc biệt là sốt kèm triệu chứng đau nhức mỏi khắp người, người bệnh cần sử dụng thuốc hạ sốt (thường là Paracetamol) theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng quá liều thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc tự ý dùng thuốc. Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp với chườm ấm để giúp hạ sốt hiệu quả hơn;
  • Giảm đau đầu: Để cải thiện chứng đau đầu, người bệnh có thể dùng các loại thuốc giảm đau. Có thể kể đến các loại thuốc giảm đau phổ biến như Panadol, Paracetamol...; thuốc Aspirin giúp hạ sốt, giảm đau, giảm viêm; Ibuprofen có thể làm giảm cơn đau đầu thường xuyên; Naproxen có tác dụng điều trị tình trạng đau đầu kéo dài và giảm nhanh các cơn đau đầu;
  • Giữ ấm: Mặc đủ áo ấm để giữ ấm cơ thể, đồng thời tránh ra gió hay để cơ thể bị lạnh;
  • Bổ sung dinh dưỡng: Sốt cao sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu nước, vì vậy người bệnh cần bổ sung cho cơ thể đầy đủ lượng nước (có thể kết hợp dùng dung dịch bù nước điện giải), đồng thời bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ giúp chống bội nhiễm.
  • Ngoài ra, để mau khỏi bệnh, người bệnh hạn chế thức khuya, làm việc quá sức, nên nghỉ ngơi nhiều và có chế độ ăn gồm các loại thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu, bổ sung vitamin C, bổ sung nước và cân bằng điện giải. Để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với nhiều người.
Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu.jpeg
Người bị sốt cao nên bổ sung nước, đồng thời bổ sung vitamin C cho cơ thể

Phương pháp phòng ngừa sốt virus

Virus thường lây qua dịch cơ thể, đường hô hấp, đường ăn uống của cơ thể hoặc vết cắn của côn trùng. Do đó, người bệnh nên áp dụng các biện pháp dưới đây để giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh hiệu quả:

  • Rửa tay sạch sẽ và đúng cách: Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hay đi từ ngoài về nhà, người bệnh nên rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay, xà phòng.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh: Giữ khoảng cách an toàn với người bệnh sốt virus, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi.
  • Phòng ngừa muỗi đốt: Muỗi là vật trung gian làm lây truyền virus, vì vậy phòng ngừa muỗi đốt là một trong những giải pháp phòng ngừa nhiễm virus hiệu quả.
  • Xây dựng thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng hợp lý: Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng giúp phòng chống nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch.
Sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu là triệu chứng của bệnh gì? 3
Bạn cần rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay hoặc xà phòng trước khi ăn

Như vậy sốt virus xuất hiện với nhiều triệu chứng ở người nhiễm bệnh bao gồm sốt nóng lạnh nhức mỏi đau đầu và nhiều triệu chứng khác đã đề cập trong bài viết trên. Hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn nhận biết được triệu chứng sốt virus cũng như cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, những vấn đề sốt cao kéo dài, nổi phát ban, đau nhức xương khớp, nhức đầu, buồn nôn,... cũng là những dấu hiệu điển hình của bệnh sốt xuất huyết. Do đó, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn hãy nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin sốt xuất huyết sớm nhất tại Long Châu nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin