Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ có sao không?

Thanh Hương

12/03/2025
Kích thước chữ

Nhiệt độ cơ thể thấp bất thường có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thân nhiệt 35.5 độ C ở người lớn có bất thường không là thắc mắc của nhiều người. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử trí khi thân nhiệt 35.5 độ qua bài viết sau.

Nhiệt độ trung bình của con người dao động từ 36.1 - 37.2 độ C, tùy theo vị trí đo và thời điểm trong ngày. Vì vậy, khi đo thân nhiệt chỉ ở mức 35.5 độ C, nhiều người lo lắng không biết đây có phải dấu hiệu bất thường hay không. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về tình trạng thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ bao gồm nguyên nhân và cách khắc phục.

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn có sao không?

Thân nhiệt bình thường của người trưởng thành dao động trong khoảng 36.1 - 37.2°C, tùy theo vị trí đo như miệng, nách hoặc hậu môn. Khi thân nhiệt giảm xuống 35.5°C, đây được xem là thấp hơn mức bình thường. Nhưng mức độ nguy hiểm của tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng đi kèm.

Trong nhiều trường hợp, thân nhiệt 35.5°C không quá đáng lo ngại nếu không có triệu chứng bất thường. Nguyên nhân có thể do đo sai cách, môi trường lạnh hoặc giảm nhiệt độ cơ thể tạm thời. Thân nhiệt 35.5 độ​ nhưng không có triệu chứng bất thường, có thể theo dõi thêm.

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ có sao không 1
Thân nhiệt giảm dưới 35°C, cần can thiệp y tế ngay

Tuy nhiên, nếu thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ kèm theo mệt mỏi, run rẩy, lơ mơ, da tái nhợt, đây có thể là dấu hiệu của hạ thân nhiệt nhẹ. Nếu không xử lý kịp thời, thân nhiệt có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến chuyển hóa, tuần hoàn và chức năng thần kinh. Trong trường hợp thân nhiệt giảm dưới 35°C, cần can thiệp y tế ngay để tránh nguy cơ rối loạn nhịp tim, suy hô hấp hoặc tổn thương não.

Nguyên nhân gây thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn

Nguyên nhân khiến thân nhiệt hạ xuống 35.5 độ có thể do yếu tố môi trường, sinh lý tạm thời hoặc bệnh lý tiềm ẩn.

Do yếu tố môi trường

Tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài có thể khiến cơ thể mất nhiệt và giảm thân nhiệt. Ở lâu trong phòng lạnh, tiếp xúc gió mạnh hoặc ngâm nước lạnh quá lâu có thể làm cơ chế điều hòa nhiệt độ bị rối loạn, dẫn đến hạ thân nhiệt nhẹ.

Do sinh lý tạm thời

Thân nhiệt cơ thể có thể giảm nhẹ vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, do chuyển hóa chậm hơn ban ngày. Những người mệt mỏi, ăn uống kém hoặc suy nhược tạm thời cũng có thể có thân nhiệt thấp hơn bình thường. Tuy nhiên, nhiệt độ thường tự điều chỉnh sau khi cơ thể hoạt động và nạp năng lượng.

Do rối loạn chuyển hóa, bệnh lý nền

Một số bệnh lý có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể kéo dài. Suy giáp, suy dinh dưỡng hoặc rối loạn nội tiết làm giảm quá trình sinh nhiệt, khiến thân nhiệt thấp hơn bình thường. Ngoài ra, nhiễm trùng nặng giai đoạn muộn (nhiễm khuẩn huyết) cũng có thể gây hạ thân nhiệt do rối loạn tuần hoàn và suy giảm chức năng miễn dịch.

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ có sao không 2
Nhiều nguyên nhân khiến thân nhiệt giảm xuống mức 35.5 độ

Do sốc hoặc mất nhiệt cấp tính

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ có thể do sốc nặng khiến cơ thể mất nhiệt nhanh. Sốc do mất máu, mất dịch hoặc suy tuần hoàn làm giảm lưu lượng máu đến da, khiến nhiệt độ cơ thể giảm. Người cao tuổi hoặc người có bệnh tim mạch cũng có nguy cơ cao bị hạ thân nhiệt cấp tính nếu tiếp xúc lạnh hoặc suy giảm tuần hoàn đột ngột.

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ khi nào là nguy hiểm?

Thân nhiệt 35.5°C thấp hơn mức bình thường trong nhiều trường hợp không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đi kèm các dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn cần đặc biệt lưu ý:

  • Nếu thân nhiệt 35.5°C kèm theo run rẩy liên tục, không kiểm soát được cho thấy cơ thể có thể đang mất nhiệt quá mức.
  • Hạ thân nhiệt đồng thời da tái nhợt, môi tím, chân tay lạnh buốt cảnh báo tuần hoàn ngoại vi suy giảm, máu không lưu thông đủ đến các cơ quan quan trọng.
  • Các triệu chứng lơ mơ, chậm phản ứng, lú lẫn là dấu hiệu cảnh báo hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng do thân nhiệt giảm sâu.
  • Nếu xuất hiện nhịp tim chậm, huyết áp tụt, có thể người bệnh đang rơi vào tình trạng suy tuần hoàn, cần được cấp cứu ngay.
  • Các dấu hiệu khó thở, ngất xỉu cũng là dấu hiệu nghiêm trọng, có thể liên quan đến rối loạn chuyển hóa hoặc suy giảm chức năng hô hấp.
Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ có sao không 3
Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ kèm chân tay lạnh là triệu chứng nguy hiểm

Một số đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng hơn người bình thường, cần cảnh giác khi thân nhiệt 35.5 độ như:

  • Người già yếu, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận). Họ có khả năng điều hòa thân nhiệt kém, dễ bị biến chứng khi nhiệt độ cơ thể giảm.
  • Người suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch có thể không đủ năng lượng để duy trì thân nhiệt ổn định.
  • Người vừa trải qua phẫu thuật hoặc mất máu nhiều cũng có nguy cơ cao do tuần hoàn và khả năng điều chỉnh nhiệt bị ảnh hưởng.

Cách xử lý khi người lớn có thân nhiệt 35.5 độ

Thân nhiệt hạ xuống mức 35.5 độ nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hạ thân nhiệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tuần hoàn và thần kinh. Vì vậy, khi đo thân nhiệt thấy ở mức 35.5 độ, bạn cần làm ngay những việc sau:

Kiểm tra lại nhiệt độ

Trước tiên, bạn cần kiểm tra lại nhiệt độ bằng nhiệt kế điện tử chất lượng tốt để đảm bảo kết quả chính xác. Nên đo ở nhiều vị trí như nách, miệng, hậu môn, vì mỗi vị trí có thể cho kết quả chênh lệch. Nếu thân nhiệt vẫn duy trì ở mức thấp sau nhiều lần đo, cần xử trí ngay.

Giữ ấm cơ thể ngay lập tức

Giữ ấm cơ thể là biện pháp quan trọng để ngăn nhiệt độ tiếp tục giảm và tăng thân nhiệt. Người bệnh cần được đắp chăn ấm, thay quần áo khô nếu có dấu hiệu mất nhiệt do môi trường. Uống các loại đồ uống làm ấm cơ thể như nước ấm, trà gừng, sữa nóng cũng là việc cần thiết. Lúc này, người bệnh cần tránh tiếp xúc với gió lạnh hoặc môi trường có nhiệt độ thấp. Xoa nhẹ vùng tay, chân, lưng để kích thích tuần hoàn cũng giúp cơ thể ấm dần lên.

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn​ có sao không 4
Cần làm ấm cơ thể bằng nhiều cách khác nhau

Theo dõi các dấu hiệu đi kèm

Người bệnh và người nhà cần quan sát sắc mặt, mức độ tỉnh táo, nhịp thở và nhịp tim để đánh giá tình trạng sức khỏe. Nếu có dấu hiệu run rẩy nhiều, lơ mơ, chậm phản ứng, có thể thân nhiệt đang tiếp tục giảm. Nên đo lại nhiệt độ sau mỗi 15 - 30 phút để theo dõi diễn biến.

Đi khám ngay khi có triệu chứng nguy hiểm

Nếu thân nhiệt tiếp tục giảm dưới 35°C hoặc có dấu hiệu sốc, lơ mơ, huyết áp tụt, cần cấp cứu ngay. Truyền dịch ấm qua đường tĩnh mạch là một phương pháp điều trị y tế giúp nâng nhiệt độ cơ thể. Bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng oxy ấm nếu có suy hô hấp hoặc khó thở. Làm ấm máu ngoài cơ thể bằng phương pháp lọc máu hoặc truyền máu được làm ấm trong trường hợp nặng.

Thân nhiệt 35.5 độ ở người lớn không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Nhưng nếu gặp tình trạng này, bạn cần theo dõi sát sao sức khỏe và tìm hiểu nguyên nhân. Nếu thân nhiệt giảm kèm theo triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin