Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Sữa mẹ được hình thành như thế nào?

Ngày 04/11/2024
Kích thước chữ

Sữa mẹ được hình thành ngay từ những giai đoạn đầu của thai kỳ và phát triển dần dần cho đến khi bé ra đời. Vậy sữa mẹ được hình thành như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo và tốt nhất cho sự phát triển của thể chất và trí tuệ của trẻ. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, bầu vú của thai phụ sẽ bắt đầu thay đổi và hình thành sữa mẹ. Vậy sữa mẹ được hình thành như thế nào? Những thông tin chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết hơn nhé!

Bầu ngực của phụ nữ mang thai thay đổi như thế nào?

Trước khi giải đáp sữa mẹ hình thành như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thay đổi có thể xảy ra ở bầu vú trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ khi mang thai có thể nhận thấy được sự thay đổi rõ rệt từ bên trong nhũ hoa. Những thay đổi về thể chất như bầu ngực mềm mại, kích thước lớn hơn cùng sự thay đổi màu sắc của núm vú và quầng vú là một trong những dấu hiệu sớm cho thấy đã thụ thai thành công và bầu ngực đang bắt đầu chuẩn bị cho quá trình sản xuất sữa.

Sữa mẹ được hình thành như thế nào? 1
Phụ nữ khi mang thai có thể nhận thấy được sự thay đổi rõ rệt từ bên trong nhũ hoa

Các chuyên gia từng cho rằng, sự thay đổi màu sắc của quầng vú sẽ giúp trẻ sơ sinh dễ nhận diện vú mẹ hơn, nhưng thực tế không có bằng chứng xác thực cho điều này. Mắt của trẻ sơ sinh thường nhắm lại khi bú, vì vậy chúng không thể nhìn thấy quầng vú một cách rõ ràng.

Một dấu hiệu khác cho thấy sữa mẹ đang dần hình thành để chuẩn bị cho việc cho con bú là các nốt sần trên quầng vú trở nên lớn hơn và rõ nét hơn, thường xuất hiện trong ba tháng đầu thai kỳ. Những nốt sần này được gọi là tuyến Montgomery, có chức năng tiết ra một loại dầu bôi trơn cho núm vú, giúp ngăn ngừa tình trạng khô, nứt nẻ và nhiễm trùng trong quá trình cho trẻ bú.

Sữa mẹ được hình thành như thế nào?

Sự thay đổi đáng chú ý nhất trong quá trình mang thai không chỉ nằm ở bề ngoài của cơ thể mẹ mà chủ yếu là những diễn biến bên trong vú. Khi nhau thai phát triển, cơ thể bắt đầu tiết ra hormone estrogen và progesterone, qua đó kích thích một hệ thống sinh học phức tạp chuẩn bị cho quá trình sản xuất sữa.

Trước khi mang thai, bầu vú chủ yếu được cấu tạo từ mô nâng đỡ, tuyến sữa và mỡ. Mỗi người sẽ có lượng mô mỡ khác nhau, điều này lý giải cho sự đa dạng về kích thước và hình dạng của bầu ngực phụ nữ.

Khi thai kỳ đạt đến tuần thứ 6, bầu vú sẽ dần dần căng phồng dần lên. Các ống sữa - hệ thống kênh dẫn sữa đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ sẽ bắt đầu phát triển. Các tuyến sữa thường ở trạng thái tiềm ẩn cho đến khi nồng độ estrogen tăng cao trong giai đoạn dậy thì, lúc này chúng sẽ phát triển nhanh chóng. Trong thời gian mang thai, sự phát triển của các tuyến này sẽ gia tăng đáng kể.

Sữa mẹ được hình thành như thế nào? 3
Khi nhau thai phát triển, cơ thể bắt đầu tiết ra hormone chuẩn bị cho quá trình tiết sữa

Trước khi sinh, mô tuyến vú sẽ mở rộng nhiều hơn nữa, khiến cho bầu ngực của mẹ to ra một cách rõ rệt, mỗi bên có thể nặng tới gần 700 gram. Hệ thống ống dẫn sữa sẽ phân nhánh thành các kênh nhỏ hơn gần sát với ngực, được gọi là ống dẫn sữa. Cuối mỗi ống dẫn là những cụm nang vú nhỏ hình chùm nho. Một cụm nang vú được gọi là tiểu thùy và một cụm tiểu thùy tạo thành một thùy. Mỗi vú thường chứa từ 15 - 20 thùy, với một ống dẫn sữa tương ứng cho mỗi thùy.

Dưới tác động của hormone prolactin, các nang vú sẽ hấp thụ protein, đường và chất béo từ máu của mẹ để sản xuất sữa. Một mạng lưới tế bào xung quanh các nang vú có chức năng ép các tuyến, đẩy sữa vào các ống dẫn lớn hơn. Hệ thống ống dẫn sữa sẽ dần hoàn thiện trong khoảng 2 tháng cuối thai kỳ, đảm bảo rằng mẹ có đủ sữa để cho bé bú ngay cả trong trường hợp sinh non.

Các giai đoạn trong quy trình sản xuất sữa mẹ

Trong khoảng thời gian mang thai và vài ngày sau khi sinh, bầu ngực của sản phụ sẽ bắt đầu sản xuất sữa non. Loại sữa này có màu vàng đậm hoặc hơi ngả sang màu cam, với kết cấu đặc và dính, chứa nhiều dưỡng chất và kháng thể. Lượng protein trong sữa non cao hơn so với sữa trưởng thành. Việc cho trẻ bú ngay trong giờ đầu sau sinh rất quan trọng vì sẽ giúp bé nhận đủ kháng thể và dưỡng chất cần thiết. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị rằng, việc thường xuyên cho con bú sẽ kích thích cơ thể mẹ tiết nhiều sữa hơn.

Khi em bé được sinh ra và nhau thai được tống ra ngoài, nồng độ hormone thai kỳ sẽ giảm, tạo điều kiện cho hormone prolactin bắt đầu hoạt động. Hormone này gửi “tín hiệu thông báo” cho bầu ngực biết rằng đã đến lúc sản xuất nhiều sữa hơn. Cụ thể:

  • Trong khoảng 3 - 5 ngày sau khi sinh, sản phụ có thể cảm nhận bầu ngực tiết ra nhiều sữa hơn dù bé chưa bú nhiều hay thường xuyên vào thời điểm này. Việc cho con bú thường xuyên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tăng sản xuất sữa.
  • Từ khoảng ngày thứ 5 - 14 sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ chuyển sang giai đoạn sản xuất sữa, dần dần từ sữa non sang sữa trưởng thành.
  • Khoảng 2 tuần sau sinh, lượng sữa mẹ sẽ tăng lên, chuyển màu trắng và loãng hơn hay còn gọi là sữa trưởng thành. Lúc này, hai bầu ngực sẽ trở nên đầy đặn và căng cứng, hiện tượng này được gọi là “xuống sữa” hay “sữa về”.
Sữa mẹ được hình thành như thế nào? 2
Bầu ngực sẽ bắt đầu sản xuất sữa non trong thời gian thai kỳ và vài ngày sau sinh

Việc sản xuất sữa liên tục và lâu dài chủ yếu phụ thuộc vào tần suất bú của trẻ. Nếu trẻ bú thường xuyên và bú hết sữa mỗi lần, điều này sẽ thúc đẩy bầu vú tiết ra nhiều sữa hơn. Ngược lại, nếu trẻ không bú hết thì sản lượng sữa sẽ ít dần đi. Để có thể bú đủ hoặc bú hết sữa, mẹ cần cho bé ngậm đúng cách và bú tốt. Khi trẻ bú, cơ thể của mẹ sẽ phản ứng bằng cách giải phóng hormone oxytocin giúp giải phóng lượng sữa lớn hơn, được gọi là "tiết sữa". Nếu bé không bú hết, mẹ nên vắt sữa để làm rỗng bầu ngực. Tránh "để dành sữa" vì điều này có thể làm giảm lượng sữa tiết ra.

Trên đây là những thông tin cần thiết giải đáp cho thắc mắc sữa mẹ hình thành như thế nào. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc con yêu của mình nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin