Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Tác dụng phụ của trà và cách uống trà tốt cho sức khỏe

Ngày 11/09/2024
Kích thước chữ

Trà là một loại thức uống tốt cho sức khỏe nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định khi uống. Vậy tác dụng phụ của trà là gì? Uống trà như thế nào để phát huy lợi ích tối ưu cho sức khỏe? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Uống trà mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng vẫn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách và không đúng thời điểm. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số tác dụng phụ của trà mà bạn có thể gặp phải và biết uống đúng cách để phát huy tác động tích cực của loại thức uống này nhé!

Một số tác dụng phụ của trà mà bạn nên biết

Việc lạm dụng uống trà quá nhiều sẽ gây phản tác dụng, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe. Một số tác dụng phụ của trà có thể kể đến như:

Đau đầu

Trong một số trường hợp, việc tiêu thụ caffeine với liều lượng vừa phải có thể giúp xoa dịu triệu chứng đau đầu. Nhưng về lâu dài, nếu lạm dụng phương pháp này sẽ dễ gây phản tác dụng. Một số nghiên cứu cho thấy, khi cơ thể liên tục dung nạp quá nhiều caffeine cũng góp phần làm tăng nguy cơ phát triển chứng đau đầu mãn tính.

Tác dụng phụ của trà và cách uống trà tốt cho sức khỏe 3
Khi cơ thể liên tục dung nạp quá nhiều caffeine có thể gây đau đầu

Mặc dù liều lượng caffeine có khả năng gây khởi phát cơn đau đầu vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng các nhà khoa học vẫn khuyến nghị nên hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống chứa caffeine, bao gồm cả trà xanh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cơn đau đầu đều liên quan đến việc uống quá nhiều trà. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên đau đầu và có thói quen uống trà, hãy thử giới hạn lượng trà hoặc tạm thời ngừng uống để xem các triệu chứng có được cải thiện hay không.

Gây cản trở khả năng hấp thu sắt

Các chất chống oxy hóa có trong trà có thể gây cản trở sự hấp thu sắt trong cơ thể. Tannin trong đường tiêu hóa dễ dàng liên kết với sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật, khiến cơ thể không thể hấp thu được lượng sắt cần thiết.

Theo một phân tích tổng hợp, tác động này có thể trở nên nguy hiểm đối với những người đang gặp tình trạng thiếu máu hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc thiếu sắt. Để giảm thiểu tác động này, có thể thêm chanh vào trà bởi vitamin C trong chanh giúp tăng cường hấp thụ sắt, khắc phục tác động cản trở của tannin.

Ngoài ra, uống trà khoảng 1 giờ vào trước hoặc sau bữa ăn sẽ giúp cơ thể có thời gian hấp thu chất sắt mà không bị ức chế bởi tannin. Đối với những người bị thiếu máu, tốt nhất nên hạn chế uống trà xanh để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu sắt.

Hoa mắt chóng mặt

Việc tiêu thụ các loại trà chứa chất kích thích thần kinh có thể gây ra những tác dụng phụ như hoa mắt chóng mặt. Hiện tượng này thường xảy ra ở những người nhạy cảm với trà hoặc uống quá nhiều trà. Bạn có thể chia nhỏ lượng trà uống trong ngày để hạn chế các triệu chứng này.

Khó ngủ

Một tác dụng phụ của trà phổ biến là làm giảm chất lượng giấc ngủ. Hợp chất caffeine trong trà có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ bằng cách ức chế sản xuất melatonin, một hormone quan trọng điều hòa giấc ngủ.

Tác dụng phụ của trà và cách uống trà tốt cho sức khỏe 2
Hợp chất caffeine trong trà có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ

Khi bị thiếu ngủ kéo dài, sức khỏe tổng thể sẽ suy giảm, gây mệt mỏi, đau nhức, suy giảm trí nhớ, thậm chí có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa glucose và tăng mỡ thừa. Để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ, bạn không nên uống trà sau 3h chiều.

Nhịp tim và huyết áp không ổn định

Trà xanh có thể gây ra tình trạng nhịp tim không đều. Tuy nhiên, tác dụng phụ của trà này hiếm khi xảy ra và cần thêm nghiên cứu để xác định chính xác nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho rằng, uống trà xanh có thể làm giảm huyết áp, nhưng cũng có những nghiên cứu cho thấy tác dụng ngược lại do hàm lượng caffeine trong trà. Do vậy, nếu bạn có vấn đề về tim mạch hoặc huyết áp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà.

Dễ gây ợ nóng

Việc tiêu thụ quá nhiều caffeine từ trà có thể gây ợ nóng và làm trầm trọng thêm triệu chứng của trào ngược axit. Caffeine có thể làm giãn cơ thắt ngăn giữa dạ dày và thực quản, khiến dịch vị dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.

Một số nghiên cứu cũng cho rằng, caffeine có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày. Nếu triệu chứng ợ nóng xuất hiện, hãy thử giảm lượng trà uống hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ nếu vấn đề không cải thiện.

Gây buồn nôn

Hợp chất tanin trong trà có thể gây kích ứng dạ dày, tạo cảm giác buồn nôn, đặc biệt khi uống trà lúc đói hoặc tiêu thụ quá nhiều. Những người có cơ địa nhạy cảm với tanin nên hạn chế uống quá 500ml trà mỗi ngày để giảm nguy cơ tác dụng phụ.

Cơ thể phụ thuộc vào caffeine

Sử dụng caffeine lâu dài có thể khiến cơ thể trở nên phụ thuộc vào chất này. Khi đã bị nghiện caffeine, việc cai nghiện có thể gặp khó khăn với các triệu chứng như đau đầu, tim đập mạnh, mệt mỏi và khó chịu.

Tác dụng phụ của trà và cách uống trà tốt cho sức khỏe 1
Uống trà thời gian dài có thể khiến cơ thể trở nên phụ thuộc vào caffeine

Để tránh phụ thuộc vào caffeine, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ các chất kích thích này để duy trì nhịp sinh học và sức khỏe ổn định.

Tăng cảm giác căng thẳng và bồn chồn

Giống như cà phê, các loại trà có chứa nhiều caffeine. Vì vậy, việc tiêu thụ quá mức sẽ gây cảm giác căng thẳng, lo lắng và bồn chồn. Thời gian ngâm lá trà càng lâu, lượng caffeine tiết ra càng nhiều. Điều này cũng áp dụng cho các loại trà khác như hồng trà, vốn chứa nhiều caffeine hơn trà xanh.

Những thực phẩm không nên kết hợp với trà

Trong trà thường có chứa nhiều chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần đặc biệt thận trọng khi kết hợp trà với một số loại thực phẩm để tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là những loại thực phẩm không nên dùng chung với trà xanh như:

  • Hạn chế sử dụng trà xanh với các loại thảo dược hoặc thực phẩm chức năng, vì sự kết hợp này có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Những thực phẩm nên tránh khi dùng chung với trà như ớt chuông, nhân sâm, đinh hương, bạch chỉ (đương quy), bạch quả, hạt dẻ ngựa. Một số gia vị như tỏi, gừng và nghệ cũng không nên kết hợp với trà.
  • Không nên uống trà cùng với rượu, vì sự kết hợp này có thể gây ra các tác dụng phụ như bồn chồn, đau đầu và tim đập nhanh.
Tác dụng phụ của trà và cách uống trà tốt cho sức khỏe 4
Tránh uống trà kết hợp với rượu vì có thể gây bồn chồn, đau đầu và tim đập nhanh

Cách uống trà tốt cho sức khỏe

Trà xanh được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể. Việc uống trà đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng tối đa những lợi ích mà trà mang lại, đồng thời ngăn chặn các tác dụng phụ của trà.

  • Không nên uống trà thay thế cho nước: Theo nghiên cứu, việc uống 2 - 3 tách trà mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, không nên sử dụng trà thay cho nước lọc hằng ngày.
  • Tránh uống trà khi còn quá nóng: Tốt nhất nên để trà nguội ở nhiệt độ dưới 55 - 60°C và chỉ uống với lượng vừa đủ.

Uống trà không chỉ làm thỏa mãn vị giác mà còn mang đến nhiều tác động tích cực đối với sức khỏe khi sử dụng một cách có chừng mực. Vì vậy, hãy cân đối liều lượng trà phù hợp và tránh kết hợp cùng các loại thực phẩm kỵ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ của trà với cơ thể nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin