Táo bón kéo dài: Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm
Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Táo bón là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp. Thế nhưng nếu bị táo bón kéo dài có nguy hiểm không? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Táo bón được xem là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa có thể xả ra ở mọi lứa tuổi. Thế nhưng, tình trạng táo bón kéo dài trong nhiều tuần liền có thể là một dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý nguy hiểm khác mà bạn đang mắc phải. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa táo bón kéo dài qua bài viết này nhé!
Thế nào được xem là táo bón kéo dài?
Táo bón là bệnh lý về đường tiêu hóa đặc trưng bởi tần suất đi đại tiện dưới 3 lần/tuần. Thế nhưng, để xác định tình trạng có đang táo bón kéo dài hay không, người bệnh có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây:
Tần suất đại tiện dưới 3 lần/tuần và có xu hướng giảm dần tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng táo bón.
Đại tiện khó khăn, đòi hỏi phải rặn nhiều và vận động nhiều các cơ bụng và cơ hoành. Ở người táo bón mạn tính, tình trạng này kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Đi ngoài ra máu tươi kể cả trước hay sau khi ra phân cũng là biểu hiện thường gặp. Điều này là do tổn thương trên niêm mạc hậu môn bởi người bệnh phải rặn quá mức.
Đau bụng quặn và dữ dội kèm theo những cơn đầy bụng hay chướng hơi.
Để việc đại tiện diễn ra dễ dàng hơn, bạn phải có những tác động từ bên ngoài như xoa bụng hay dùng tay,…
Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón kéo dài là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra táo bón kéo dài, thông thường được chia làm 2 nhóm chính.
Nguyên nhân do những tổn thương tại đường tiêu hóa
Táo bón kéo dài thường do các bệnh lý liên quan đến các cơ quan nằm trong hệ tiêu hóa, đặc biệt là đại tràng như to đại tràng, rối loạn trương lực đại tràng, viêm đại tràng mạn tính hay polyp đại trực tràng, sa trực tràng,…
Nguyên nhân không do hệ tiêu hóa
Nhóm nguyên nhân này đa dạng hơn với nhiều lí do khác nhau:
Rối loạn nội tiết: Các bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường hoặc cường giáp, suy giáp làm giảm sản xuất các hormone cần thiết. Điều này sẽ gây trì hoãn quá trình trao đổi chất cũng như hệ thống tiêu hóa, dẫn đến táo bón kéo dài.
Tổn thương thần kinh: Nguyên nhân gây táo bón kéo dài cũng có thể liên quan đến các bệnh lý về thần kinh như chấn thương tủy sống, parkinson, tai biến mạch máu não,…
Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Một chế độ ăn thiếu chất xơ hoặc quá thiếu nước sẽ là nguyên nhân gây ra táo bón kéo dài. Ngoài ra, lười vận động hay thường xuyên trì hoãn đại tiện cũng dẫn đến bệnh lý táo bón mãn tính.
Các bệnh lý toàn thân khác như mất cân bằng điện giải (tăng canxi, hạ kali máu); bệnh mô liên kết (lupus, xơ cứng bì) hay nhiễm độc chì cũng dẫn đến tình trạng táo bón kéo dài.
Bị táo bón kéo dài có nguy hiểm không?
Bệnh táo bón kéo dài nếu không điều trị sớm thì từ những triệu chứng ban đầu như khó khăn trong việc đại tiện, giảm tần suất đi tiêu, sự bất thường về phân, bệnh có thể chuyển biến phức tạp hơn. Các biến chứng thường gặp của táo bón kéo dài có thể kể đến:
Viêm nhiễm trực tràng: Các chất độc bị tích tụ lâu tại đại tràng và trực tràng có thể gây viêm nhiễm tại vị trí này, thậm chí dẫn đến ung thư đại tràng.
Bệnh trĩ (sưng tĩnh mạch hậu môn): Khi nhắc đến táo bón kéo dài, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh lý trĩ nội, trĩ ngoại. Điều này có thể được lý giải là do phân đọng tại trực tràng lâu gây cản trở lưu thông tại các mạch máu quanh hậu môn.
Nứt hậu môn: Ngay tại niêm mạc hậu môn xuất hiện một vết rách hoặc loét làm lộ cơ xung quanh được xem là nứt hậu môn. Tổn thương này là do người bệnh táo bón kéo dài làm phân bị tích tụ với kích thước lớn, khi đi đại tiện làm xước niêm mạc.
Sa trực tràng: Là tình trạng một phần trực tràng bị sa xuống và lòi ra khỏi hậu môn.
Cách phòng ngừa táo bón kéo dài
Đối với tình trạng táo bón kéo dài, người bệnh có thể bước đầu điều chỉnh lối sống cho khoa học trước để cảm nhận những thay đổi về bệnh tình của mình. Bởi nguyên nhân táo bón chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống, ít rèn luyện thể lực hoặc tâm lý stress, căng thẳng công việc. Người bệnh có thể tham khảo một số thay đổi sau đây:
Duy trì uống từ 1,5 - 2 lít nước hàng ngày là thói quen cực kì tốt không chỉ cho vấn đề táo bón kéo dài mà cho cả sức khỏe tổng thể của bạn.
Chế độ ăn giàu chất xơ luôn được ưu tiên hàng đầu trong các khuyến cáo điều trị táo bón kéo dài. Táo bón ăn rau gì giúp nhanh khỏi? Bạn có thể bổ sung các loại rau như: rau cải xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
Cần hạn chế tối đa các thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa như thực phẩm giàu chất béo, cay nóng, các chất kích thích như bia rượu hay các thức ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai,…
Dành thời gian để rèn luyện thể lực ít nhất 3 lần/tuần để tăng hoạt động của nhu động ruột, kích thích đẩy phân ra ngoài.
Rèn thói quen đi tiêu vào một khung giờ cố định trong ngày, tránh việc nhịn đại tiện quá lâu có thể gây rối loạn chức năng trực tràng. Ngoài ra, người bệnh cần từ bỏ các thói quen ngồi bồn cầu quá lâu hay gắng sức rặn khi đại tiện.
Nếu đã áp dụng các biện pháp điều chỉnh lối sống trên mà tình trạng táo bón kéo dài của bạn vẫn không cải thiện, bạn nên tìm đến sự thăm khám của bác sĩ. Bởi vấn đề lúc này có thể là do những bệnh lý khác tại đường tiêu hóa. Khi đó, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ về thuốc trị táo bón hoặc thuốc nhuận tràng, hay phương pháp can thiệp ngoại khoa phù hợp.
Tóm lại, táo bón là bệnh lý tiêu hóa thường gặp nhưng táo bón kéo dài có thể là những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe nguy hiểm cần điều trị kịp thời. Bạn có thể thực hiện điều chỉnh lối sống khoa học hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để sớm giải quyết tình trạng này, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất xoay quanh vấn đề táo bón kéo dài mà bạn cần lưu ý. Theo dõi thêm các bài viết mới của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm kiến thức bổ ích về sức khỏe nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.