Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán cha mẹ nên biết

Ngày 08/10/2023
Kích thước chữ

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh chiếm 70% trường hợp thông liên nhĩ nói chung. Vậy nguyên nhân gây bệnh do gì? Cách chẩn đoán chính xác bệnh ở trẻ sơ sinh như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những thông tin này nhé!

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp khi trẻ có lỗ thông ở vách liên nhĩ. Nếu lỗ thông nhỏ có thể tự điều chỉnh, liền lại hoàn toàn trước 3 tuổi. Ngược lại, với lỗ thông liên nhĩ kích thước lớn, trẻ thường cần điều trị phẫu thuật đóng lỗ thông để đảm bảo sức khỏe cũng như tránh những biến chứng sau này.

Thông tin về bệnh thông liên nhĩ thứ phát

Bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh do sự xuất hiện lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ của tim. Lỗ thông có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên vách liên nhĩ. Nếu kích thước lỗ thông nhỏ, lỗ sẽ tự liền sau một thời gian. Ngược lại, với lỗ thông liên nhĩ lớn sẽ cần can thiệp y tế để đóng lại, tránh gây biến chứng nguy hiểm.

Thông liên nhĩ có nhiều cách phân loại, trong đó phân loại theo phôi thai học thường được sử dụng, cụ thể với các dạng như sau:

  • Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (ASD-op) hay thông liên nhĩ lỗ nguyên phát: Loại này có thể xảy ra độc lập hoặc xuất hiện trong bệnh tim bẩm sinh phức tạp khác, đặc biệt là trong kênh nhĩ thất. Vị trí của lỗ thông liên nhĩ thứ nhất thường nằm thấp, gần van nhĩ thất.
  • Thông liên nhĩ lỗ thứ hai (ASD-os) hay thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh: Loại này là loại thông liên nhĩ phổ biến nhất, chiếm đến 70% các trường hợp. Lỗ thông liên nhĩ thứ phát thường nằm ở trung tâm của vách liên nhĩ và có kích thước thường từ 10 đến 30mm.
  • Thông liên nhĩ xoang tĩnh mạch (ASD-sv): Đây là một loại hiếm gặp và có hai biến thể là tĩnh mạch chủ trên khi lỗ thông liên nhĩ dưới vị trí tuần hoàn máu từ tĩnh mạch chủ trên vào nhĩ phải. Bởi vậy, loại này thường kèm theo hiện tượng hồi lưu tĩnh mạch phổi có dòng chảy bất thường. Biến thể thứ hai là tĩnh mạch chủ dưới. Loại này vô cùng hiếm gặp, lỗ thông nằm sát lỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ dưới vào nhĩ phải.
  • Thông liên nhĩ xoang vành (ASD-cs): Loại này xảy ra do mất trần xoang vành và cũng rất hiếm gặp.

Phân loại này giúp bác sĩ xác định chính xác loại thông liên nhĩ mà bệnh nhân đang mắc phải, từ đó quyết định phương pháp điều trị tốt nhất.

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán cha mẹ nên biết 1
Thông liên nhĩ lỗ thứ phát chiếm 70% bệnh lý ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh thông liên nhĩ

Bệnh thông liên nhĩ là một bệnh tim mạch phức tạp, đa dạng về nguyên nhân. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu trong việc tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh này nhưng vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, có một số yếu tố đã được xác định có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh thông liên nhĩ, bao gồm:

  • Một số nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong việc hình thành, phát triển bệnh thông liên nhĩ. Chính vì vậy, nếu tiền sử gia đình có người thân đã mắc bệnh này hoặc bệnh tim mạch nói chung, nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn.
  • Nhiễm trùng rubella trong vài tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra các tác động tiêu cực lên cơ tim của thai nhi, dẫn đến các dị tật tim bẩm sinh như tình trạng thông liên nhĩ.
  • Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, thuốc lá, uống rượu hoặc tiếp xúc với các chất kích thích như cocaine trong khi mang thai thường gây hại đến sự phát triển của thai nhi, bao gồm cả sự hoàn thiện của tim. Các chất này có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch của thai nhi.
  • Bệnh tiểu đường và lupus ban đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, bao gồm thông liên nhĩ.
Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán cha mẹ nên biết 2
Virus rubella có thể là nguyên nhân gây thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh

Phương pháp chẩn đoán thông liên nhĩ thứ phát

Khi có nghi ngờ trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh nói chung hoặc thông liên nhĩ thứ phát cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện một loạt các kiểm tra cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán chính, bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của tim, từ đó phát hiện các bất thường trên điện tim mà thông liên nhĩ thứ phát gây ra. Điều này là một phần quan trọng trong việc xác định chẩn đoán và quyết định liệu cần can thiệp phẫu thuật hay không.
  • Chụp X-quang tim phổi: Chụp X-quang có thể được thực hiện để kiểm tra kích thước tim cũng như xem xét những thay đổi trong phổi của trẻ. Thay đổi này thường là kết quả của tăng lưu lượng máu lên phổi do thông liên nhĩ thứ phát.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là một phương pháp quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Đối với trẻ em nhỏ tuổi, siêu âm thông qua thành ngực thường được sử dụng để tạo hình ảnh tim, đồng thời xác định vị trí và kích thước của lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi có thành ngực dày, siêu âm tim qua thực quản có thể được thực hiện để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn, định hướng phương pháp điều trị.
Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán cha mẹ nên biết 3
Siêu âm tim là phương pháp thăm dò hình ảnh quan trọng để chẩn đoán bệnh

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Thông thường, bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh không được coi là một tình trạng nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với các trường hợp có kích thước nhỏ, tiên lượng tự đóng hoặc tự điều chỉnh trong giai đoạn phát triển sớm.

Hầu hết các lỗ thông liên nhĩ nhỏ ở giữa vách liên nhĩ (dưới 3mm) có khả năng tự đóng, nhiều lỗ từ 3 đến 8mm cũng có thể tự đóng hoàn toàn trước 3 tuổi. Các tổn thương thường do lỗ bầu dục bị kéo căng hơn là thông liên nhĩ lỗ thứ phát thực sự.

Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ chủ quan với tình trạng này. Trẻ em có lỗ thông liên nhĩ nhỏ và không có triệu chứng thường cần được theo dõi thông qua thực hiện siêu âm tim định kỳ. Việc này giúp theo dõi sự phát triển của bệnh, đảm bảo rằng không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra.

Đồng thời, không nên tiến hành phẫu thuật đóng lỗ thông liên nhĩ nhỏ khi chúng không gây ra vấn đề về huyết động đáng kể cũng như không có triệu chứng lâm sàng. Việc quyết định liệu có nên can thiệp hay không nên dựa trên sự đánh giá của bác sĩ chuyên khoa kết hợp kết quả siêu âm tim định kỳ.

Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu lỗ thông liên nhĩ gây ra các vấn đề lâm sàng hoặc không tự đóng, trẻ có thể cần thiết phẫu thuật để sửa chữa lỗ thông liên nhĩ. Tuy nhiên, quyết định này nên dựa trên sự tư vấn cẩn thận cùng đánh giá tổng quan của tình trạng của trẻ.

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán cha mẹ nên biết 4
Trẻ có thể cần can thiệp điều trị với lỗ thông liên thất lớn

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về bệnh lý thông liên nhĩ lỗ thứ phát ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng tim bẩm sinh thường gặp, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nếu không được quản lý bệnh đúng cách. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ kết hợp đưa trẻ đi khám bác sĩ định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh nếu có.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin