Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm như thế nào? Cách phòng ngừa và điều trị

Ngày 16/05/2023
Kích thước chữ

Bệnh thủy đậu là căn bệnh lành tính, người bệnh sẽ không có những triệu chứng nặng nề nhưng rất dễ bị nhiễm trùng da. Tuy nhiên bị thủy đậu khi mang thai lại rất nguy hiểm. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu giải đáp thắc mắc trong bài viết này nhé!

Trước khi tìm hiểu về những nguy hiểm khi bị thủy đậu khi mang thai thì hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về căn bệnh thủy đậu này.

Thủy đậu là bệnh gì?

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân là do virus thủy đậu gây ra, loại virus này có tên là Varicella virus. Đây là bệnh có khả năng lây nhanh chóng, xảy ra cả ở trẻ em và người lớn (phổ biến hơn ở trẻ em).

Đường lây truyền thủy đậu qua đường hô hấp bằng cách tiếp xúc, lây lan qua không khí từ những giọt nước bọt nhỏ li ti hoặc thủy đậu có thể lây lan từ dịch ở các nốt bỏng. Ngoài ra, thủy đậu còn lây qua đồ vật bị nhiễm dịch nốt bỏng, các đồ dùng như khăn mặt, bàn chải đánh răng...

Thủy đậu là bệnh gì? Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm như thế nào? 1
Bệnh thủy đậu lây truyền qua nhiều đường khác nhau

Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn, triệu chứng của bệnh ở từng giai đoạn là khác nhau, cụ thể như sau:

  • Ủ bệnh: Giai đoạn này kéo dài từ 10 đến 20 ngày, đây là giai đoạn người bệnh bị nhiễm virus và không có bất cứ triệu chứng gì nên rất khó để phát hiện thủy đậu trong giai đoạn này.
  • Khởi phát: Đây là giai đoạn người bệnh đã xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, sốt nhẹ... Ban đỏ xuất hiện trên da sau 24 - 48 giờ, kích thước khoảng vài milimet. Một số người bệnh có thể có hạch sau tai và viêm họng.
  • Toàn phát: Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng nặng hơn như sốt cao, đau nhức cơ, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn... Những nốt bỏng nước khoảng 1 - 3 milimet xuất hiện gây ngứa, rát rất khó chịu. Các nốt bỏng xuất hiện khắp cơ thể ngay cả ở niêm mạc như ở miệng khiến người bệnh khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt.
  • Hồi phục: Sau khoảng 7 đến 10 ngày, các nốt bỏng nước sẽ tự vỡ ra và da, niêm mạc chỗ bị bỏng sẽ dần dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này người bệnh chú ý vệ sinh cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Theo nghiên cứu dịch tễ, tỷ lệ mắc thủy đậu ước tính từ 0.7 - 3/1000 phụ nữ có thai. Tỷ lệ mắc bệnh khá thấp tuy nhiên có nhiều biến chứng của thủy đậu mà mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý trong thai kỳ. Vậy bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

Bị thủy đậu khi mang thai, cả mẹ và em bé đều có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Ở mẹ có thể gặp những biến chứng như nhiễm trùng, viêm phổi, viêm thận, viêm cầu thận cấp... Còn ở em bé thì tùy theo tuổi thai mà gặp những rủi ro khác, cụ thể như sau:

  • 20 tuần đầu thai kỳ: Nếu thủy đậu phát triển trong giai đoạn này, đặc biệt là giữa tuần thứ 8 và 20, thai nhi có thể có dị tật bẩm sinh hiếm gặp đó là hội chứng varicella. Khi em bé mắc hội chứng này có thể bị sẹo da, bất thường về não, mắt, tay chân, đường tiêu hóa, động kinh, chậm phát triển trí tuệ... Hội chứng này trở nên hiếm khi xảy ra sau tuần thứ 20.
  • Tháng cuối hoặc vài ngày trước sinh: Trong giai đoạn này, em bé có thể được sinh ra với căn bệnh nhiễm trùng được gọi là varicella sơ sinh, căn bệnh này nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nếu trẻ có tình trạng phát ban trong vòng 5 - 10 ngày sau sinh thì mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý vì có thể có nguy cơ tử vong.
Thủy đậu là bệnh gì? Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm như thế nào? 2
Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm khôn lường

Phòng ngừa và điều trị bệnh thủy đậu ở mẹ bầu

Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Thủy đậu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe mẹ và em bé nên các biện pháp phòng ngừa bệnh cần phải được áp dụng. Mẹ bầu tham khảo những cách phòng ngừa bệnh sau:

  • Tiêm vaccine là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và lâu dài nhất. Chị em phụ nữ nên tiêm chủng từ khi còn bé hoặc ít nhất là 3 tháng trước khi mang thai. Lịch tiêm chủng vắc xin thủy đậu cụ thể như sau: Mũi 1 - tiêm khi trên 1 tuổi, mũi 2 cách mũi đầu tiên tối thiểu 3 tháng.
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh vì thủy đậu rất dễ lây lan. Nếu không may tiếp xúc với người có bệnh thì mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ.
  • Vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh.
Thủy đậu là bệnh gì? Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm như thế nào? 3
Tiêm chủng giúp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả

Điều trị bệnh thủy đậu ở mẹ bầu

Nếu mẹ bầu bị thủy đậu khi mang thai và cơ thể không được miễn dịch với bệnh thì hãy đến bệnh viện để được thăm khám. Các bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị tiêm globulin miễn dịch chứa kháng thể kháng virus, duy trì việc tiêm trong khoảng 10 ngày sau tiếp xúc globulin miễn dịch có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm tình trạng nghiêm trọng của bệnh.

Nếu bà bầu bị bệnh khi sinh, em bé có thể phải điều trị bằng globulin miễn dịch ngay từ khi chào đời nhằm ngăn ngừa bệnh thủy đậu ở bé. Nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu thì có thể sẽ phải dùng thuốc kháng virus.

Bên cạnh đó, bà bầu khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, ăn uống đầy đủ và bổ sung vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Vệ sinh cơ thể để bề mặt da khô thoáng tránh các nốt bỏng bị vỡ, điều này khiến lây lan nhiều hơn. Chị em có thể kết hợp bôi thêm thuốc ngoài da, tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi lựa chọn một loại thuốc bôi da nào đó.

Bị thủy đậu khi mang thai rất nguy hiểm, căn bệnh này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả mẹ bầu và em bé. Chính vì vậy, gia đình cần đặt biệt quan tâm đến những biện pháp phòng và ngăn ngừa căn bệnh này. Hãy theo dõi Tiêm chủng Long Châu để đón đọc nhiều bài viết sức khỏe bổ ích nữa nhé!

Xem thêm:

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin