Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thủy đậu mới phát thường có biểu hiện như thế nào? Biện pháp phòng ngừa thủy đậu

Ngày 25/12/2024
Kích thước chữ

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Mặc dù thường là bệnh nhẹ, thủy đậu lại có khả năng lây lan rất nhanh, khiến những người chưa từng mắc bệnh dễ bị nhiễm. Dưới đây là các triệu chứng của bệnh thủy đậu mới phát, giúp bạn nhận diện sớm để có phương án điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bệnh thủy đậu không chỉ mang lại cảm giác khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm thủy đậu mới phát để điều trị kịp thời và hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Thủy đậu mới phát thường có biểu hiện như thế nào?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh thủy đậu thường trải qua bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn có những đặc trưng riêng. Các triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện ngay mà trải qua thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 20 ngày. Sau thời kỳ này thủy đậu mới phát với những biểu hiện rõ ràng như:

  • Ban ngứa xuất hiện đầu tiên ở mặt và tứ chi, sau đó lan ra toàn thân.
  • Ban có dịch lỏng bên trong.
  • Nếu nhiễm trùng, dịch bên trong chuyển đục.
  • Người bệnh có thể có tới 500 nốt mụn trên khắp cơ thể.
  • Triệu chứng kèm theo: Sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn
Thủy đậu mới phát thường có biểu hiện như thế nào? 1
Thủy đậu mới phát thường xuất hiện nốt ban xuất hiện ở mặt, tứ chi sau đó lan ra toàn thân

Sau giai đoạn thủy đậu mới phát, bệnh thủy đậu bước vào giai đoạn toàn phát, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị sốt cao, đau nhức cơ thể, buồn nôn, chán ăn và cảm thấy kiệt sức. Các nốt ban đỏ chuyển dần thành mụn nước có đường kính từ 1 đến 3mm, gây ngứa và khó chịu. Mụn nước có thể xuất hiện trên toàn cơ thể, kể cả niêm mạc miệng, gây khó khăn khi ăn uống. Nếu bị nhiễm trùng, các nốt mụn sẽ to hơn và bên trong chứa dịch đục màu trắng.

Thời kỳ hồi phục thường diễn ra sau 7 đến 10 ngày kể từ khi bệnh bùng phát. Trong giai đoạn này, các mụn nước sẽ tự vỡ, khô lại và bong ra, giúp da dần hồi phục. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý giữ vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi lành, một số nốt mụn có thể để lại sẹo lõm. Để hạn chế tình trạng này, có thể sử dụng các loại thuốc trị sẹo hoặc giảm thâm nhằm cải thiện làn da.

Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể gặp là gì?

Từ xa xưa, bệnh thủy đậu từng được coi là một dạng nhẹ của bệnh đậu mùa, điều này cho thấy bệnh thường được xếp vào nhóm bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu người bệnh không được chăm sóc y tế đúng cách hoặc không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu bao gồm:

  • Nhiễm trùng da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu: Đây là biến chứng phổ biến nhất. Khi các mụn nước bị vỡ, tình trạng ngứa ngáy có thể khiến người bệnh dùng tay bẩn chạm vào vết thương hoặc vệ sinh sai cách, dẫn đến chảy máu trong và nhiễm trùng. Biến chứng này thường gặp ở trẻ nhỏ do khó kiểm soát việc gãi các nốt mụn ngứa.
  • Viêm não: Biến chứng này có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, nhưng thường gặp ở người lớn hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm não có thể gây tử vong. Biến chứng thường xảy ra sau khoảng một tuần kể từ khi mụn nước bắt đầu xuất hiện, với các triệu chứng như sốt cao, co giật, rối loạn ý thức, hôn mê và rung giật nhãn cầu.
  • Viêm phổi thủy đậu: Thường xảy ra ở người lớn, biểu hiện bằng ho kéo dài, ho ra máu, khó thở và đau tức ngực. Biến chứng này thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh.
  • Viêm thận, viêm cầu thận cấp: Ban thủy đậu xuất hiện muộn vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 của bệnh. Người bệnh có thể có dấu hiệu tiểu ra máu hoặc suy thận.
  • Viêm khớp tràn dịch: Biểu hiện bằng tình trạng viêm và tràn dịch ở các khớp, dù hiếm khi phát triển thành mủ.
  • Bệnh lý kết hợp: Trong một số trường hợp, bệnh thủy đậu có thể đi kèm với các bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà hoặc sởi, khiến tình trạng lâm sàng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thủy đậu mới phát thường có biểu hiện như thế nào? 2
Nhiễm khuẩn dễ xảy ra do các mụn nước bị vỡ 

Dù đã mắc thủy đậu, người bệnh vẫn có nguy cơ gặp biến chứng khác là bệnh zona. Virus varicella-zoster - tác nhân gây thủy đậu - vẫn tồn tại trong các tế bào thần kinh ngay cả khi các mụn nước đã lành. Sau nhiều năm, nếu cơ thể bị suy yếu hoặc lão hóa, virus có thể tái kích hoạt và gây bệnh zona - một dạng phát ban với các mụn nước gây đau đớn. Cơn đau có thể kéo dài ngay cả khi mụn nước biến mất, được gọi là đau thần kinh hậu zona (postherpetic neuralgia).

Ngoài ra, thủy đậu có thể gây ra các biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm cơ tim, viêm hạch bạch huyết, viêm dây thần kinh, viêm thanh quản do các mụn nước mọc trong khu vực này, hoặc hội chứng Reye - thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng aspirin trong điều trị thủy đậu. Các biến chứng khác bao gồm mất nước, sốc nhiễm độc và hội chứng croup giả.

Những đối tượng dễ gặp biến chứng khi mắc thủy đậu bao gồm trẻ sơ sinh có mẹ chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng, phụ nữ mang thai chưa từng mắc bệnh, người suy giảm miễn dịch (HIV, điều trị hóa trị, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) hoặc người có bệnh lý nền như hen suyễn.

Một số lưu ý quan trọng khi điều trị thủy đậu

Việc điều trị thủy đậu, dù tại bệnh viện hay tại nhà, cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc đúng phác đồ, người bệnh cần chú trọng nghỉ ngơi hợp lý và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để tránh biến chứng và hạn chế sẹo.

Chế độ sinh hoạt

Người mắc thủy đậu cần tắm rửa thường xuyên, giữ quần áo sạch sẽ và cắt móng tay để tránh nhiễm khuẩn. Nên vệ sinh miệng, mũi, họng bằng nước muối sinh lý và luôn giữ da khô ráo, hạn chế gãi để tránh làm vỡ mụn nước. Trẻ nhỏ nên mặc quần áo mềm mại, sạch sẽ để tránh ngứa ngáy và nhiễm trùng. Chế độ ăn uống nên bao gồm các món dễ tiêu như cháo, nui, hoặc trái cây. Không gian phòng bệnh cần thoáng mát, tránh gió lùa. Người bệnh chỉ nên quay lại trường hoặc làm việc khi các tổn thương đã khô và đóng vảy hoàn toàn.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất giúp các mụn nước nhanh khô và lành trong khoảng 5 ngày. Người bệnh nên chọn các món thanh đạm, dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, rau xanh, củ quả và các loại đậu. Bổ sung vitamin C từ trái cây như cam, chanh, dâu tây, kiwi giúp tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy sản sinh collagen, hạn chế sẹo. Tránh các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc giàu đạm như thịt dê, gà, hải sản và trái cây có tính nóng như vải, xoài chín để hạn chế tình trạng viêm nhiễm và sẹo xấu.

Thủy đậu mới phát thường có biểu hiện như thế nào? 3
Bổ sung vitamin C từ trái cây giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế sẹo

Phòng ngừa thủy đậu bằng vắc xin

Để phòng ngừa thủy đậu, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu có 2 loại vắc xin là Varivax và Varicella:

Vắc xin Varivax:

  • Đối tượng: Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
  • Lịch tiêm: Tiêm 2 mũi, mũi 2 cách 3 tháng sau mũi 1 hoặc khi 4 - 6 tuổi.
  • Phụ nữ từ 15 tuổi trở lên: Đảm bảo không mang thai tại thời điểm tiêm.

Vắc xin Varicella:

  • Đối tượng: Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
  • Lịch tiêm: Tiêm 2 mũi, mũi 2 cách 3 tháng sau mũi 1 hoặc khi 4 - 6 tuổi.
  • Phụ nữ từ 15 tuổi trở lên: Đảm bảo không mang thai tại thời điểm tiêm.

Cả 2 loại vắc xin Varivax và Varicella đều có thể được sử dụng thay thế cho nhau, kể cả khi đã tiêm 1 mũi thủy đậu khác trước đó.

Hiện nay tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu có cung cấp đa dạng các loại vắc xin bao gồm cả vắc xin thuỷ đậu. Không chỉ đảm bảo chất lượng vắc xin mà Long Châu còn cung cấp dịch vụ chăm sóc và theo dõi sức khỏe sau tiêm, giúp bạn hoàn toàn yên tâm khi chọn trung tâm này như một người bạn đáng tin cậy trong việc bảo vệ sức khỏe.

Thủy đậu mới phát thường có biểu hiện như thế nào? 4
Phòng ngừa thủy đậu bằng vắc xin là biện pháp hiệu quả

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc nhận biết được những biểu hiện thủy đậu mới phát. Việc nhận diện bệnh sớm và theo dõi tình trạng sức khỏe là rất quan trọng để có phương án điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, việc thăm khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin