Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về những lợi ích sức khỏe của bột thảo dược Triphala

Ngày 12/04/2024
Kích thước chữ

Trong y học cổ truyền Ayurveda của Ấn Độ có một loại bột thảo dược được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đó chính là bột triphala. Vậy Triphala là gì và có tác dụng gì với sức khỏe bạn đã biết chưa?

Y học cổ truyền Ayurveda là y học truyền thống của người Ấn Độ đã có cách đây hơn 3 ngàn năm. Trong Ayurveda, có một loại bột thảo mộc được sử dụng phổ biến và được biết đến với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe là bột Triphala. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu Triphala là gì? Có tác dụng gì và khi sử dụng có tác dụng phụ không?

Triphala gồm những thành phần nào?

Triphala là gì? Triphala là loại bột thảo dược được pha chế từ 3 loại cây thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ gồm quả Amla, Haritaki và Bibhitaki. Loại bột này đã được người dân Ấn Độ sử dụng để chữa bệnh từ hàng ngày năm trước và là một vị thuốc chính trong y học cổ truyền Ayurvedic.

Tìm hiểu về tác dụng và tác dụng phụ của bột thảo dược triphala 1
Triphala là sự kết hợp của 3 loại thảo dược khác nhau

Loại bột này được coi là thuốc điều trị đa mục đích khi chúng được dùng để chữa sâu răng, đau dạ dày, phòng ung thư, cải thiện sức khỏe tổng thể và kéo dài tuổi thọ cho con người. Chính sự kết hợp từ nhiều nguyên liệu thảo dược khiến bột Triphala mang lại hiệu quả điều trị tốt. Cụ thể là:

Quả Amla (Indian gooseberry)

Tên dịch ra tiếng Việt của loại quả này là quả lý gai. Đây là loại trái cây ăn được lâu đời nhất ở đất nước Ấn Độ. Quả có vị chua gắt, mọng nước, thường được dùng để ngâm trong đường, làm siro, làm mứt. Các thành phần dinh dưỡng trong quả như vitamin C, sắt, canxi, vitamin A, vitamin K, mangan, các axit amin và khoáng chất cũng rất tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, quả amla còn chứa các hợp chất thực vật mạnh mẽ như phenol, axit phyllembelic, tannin, rutin, emblicol, curcuminoids rất tốt cho hệ tiêu hóa, hệ tim mạch và bệnh nhân tiểu đường. Chiết xuất của loại quả này được ứng dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để chữa táo bón.

Một số nghiên cứu được tiến hành trong ống nghiệm đã cho thấy chiết xuất loại quả này có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư trong nhiều loại ung thư khác nhau.

Bibhitaki (Terminalia bellirica)

Trong thành phần của Triphala cũng có Bibhitaki - một loài thực vật lớn có nguồn gốc Đông Nam Á. Trong thành phần của loài thực vật này có các hợp chất thực vật mạnh mẽ như: Tannin, axit gallic, axit ellagic, lignans, flavones,… Chúng có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm virus và chống viêm hiệu quả.

Tìm hiểu về tác dụng và tác dụng phụ của bột thảo dược triphala 2
Kết hợp các nguyên liệu với tỷ lệ ra sao để có Triphala là bí quyết của người Ấn Độ

Theo nghiên cứu, Bibhitaki cũng có thể làm giảm đáng kể nồng độ axit uric ở những người mắc bệnh gout. Ngoài ra, dược liệu này còn hiệu quả trong điều trị rối loạn đường huyết bởi axit gallic và axit ellagic vừa có thể giảm lượng đường trong máu vừa có tác dụng tăng độ nhạy của insulin.

Haritaki (Terminalia chebula)

Cây dược liệu Haritaki mọc nhiều ở vùng Trung Đông, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Nó được coi là “vua” của các loại cây thuốc trong y học cổ truyền Ấn Độ. Cây ra quả nhỏ, khi tươi màu xanh và khi khô màu nâu. Đây là một thành phần chính của bột Triphala. Trong thành phần của dược liệu này có chứa terpen, polyphenol, flavonoid, anthocyanin có tác dụng hỗ trợ điều trị táo bón, bệnh tim, dạ dày, hen suyễn.

Công dụng của Triphala trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh

Triphala được dùng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau. Có thể kể đến những công dụng nổi bật của loại bột này như:

  • Các hợp chất chống oxy hóa có trong loại bột này như: Vitamin C, polyphenol, flavonoid, saponin, tannin… có tác dụng chống lại quá trình stress oxy hóa do các gốc tự do gây ra. Từ đó, nó cũng có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư, lão hóa sớm.
  • Bột Triphala cũng giúp ngăn chặn và giảm phản ứng viêm xảy ra trong cơ thể nên có tác dụng giảm các tổn thương do viêm khớp, phòng ngừa bệnh tim.
  • Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, loại bột này cũng được dùng để điều trị các bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng. Nước súc miệng có chứa chiết xuất bột này còn có tác dụng chữa hôi miệng, giảm tích tụ mảng bám trên răng.
  • Bột thảo dược Triphala giúp giảm lượng chất béo trong cơ thể, từ đó giúp giảm cân hiệu quả. Đặc biệt, loại bột này phát huy tác dụng tốt trong việc giảm mỡ bụng - phần mỡ cứng đầu nhất trong cơ thể.
  • Từ xa xưa, bột Triphala đã được dùng như bài thuốc nhuận tràng tự nhiên để chữa táo bón. Ngoài ra, bột còn có tác dụng chữa đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, ổn định nhu động ruột, giảm viêm ruột, hỗ trợ phục hồi các tổn thương ở đường ruột.
Tìm hiểu về tác dụng và tác dụng phụ của bột thảo dược triphala 3
Với các thành phần thảo dược này, bột Triphala có tác dụng gì?

Công dụng phòng, chữa bệnh ung thư của bột Triphala

Một công dụng vô cùng quan trọng của Triphala chính là giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Các nghiên cứu đã chứng minh loại bột này có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư hạch, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt.

Công dụng phòng chống ung thư của loại bột thảo dược này đến từ các thành phần như axit gallic và polyphenol. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hiện mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm trên động vật. Cần có nhiều căn cứ khoa học và thử nghiệm trên người hơn nữa để có thể khẳng định chắc chắn về công dụng phòng, chữa ung thư của Triphala.

Bột Triphala có tác dụng phụ không?

Triphala được dùng từ hàng ngàn năm trước đây và có độ an toàn cao. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe, chúng ta cũng nên tìm hiểu về những tác dụng phụ xảy ra ở một số người khi dùng Triphala. Cụ thể là:

  • Một số thành phần trong quả Amla có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và bầm tím. Vì vậy, những người mới phẫu thuật, chuẩn bị làm phẫu thuật, có vết thương hở hay máu khó đông cần cẩn trọng khi sử dụng.
  • Bột Triphala có thể làm giảm hiệu quả hoặc tương tác với một số loại thuốc.
  • Nếu dùng ở liều cao, loại bột này có thể gây khó chịu trong bụng hoặc tiêu chảy.
  • Phụ nữ mang thai và trẻ em không nên sử dụng bột thảo dược Triphala để đảm bảo an toàn.
Tìm hiểu về tác dụng và tác dụng phụ của bột thảo dược triphala 4
Ngày nay, bột Triphala được bào chế thành dạng viên nang dễ sử dụng

Bạn nên dùng Triphala giữa các bữa ăn hoặc khi bụng đói là tốt nhất. Liều lượng thích hợp để sử dụng là từ 0,5g - 1g/ngày. Bạn chỉ nên dùng liều lượng cao hơn khi cần điều trị bệnh táo bón. Dù đã được sử dụng để chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh từ xa xưa, tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại bột này. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin