Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tư thế fowler là gì? Đối tượng nào cần thực hiện tư thế kiểu fowler?

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tư thế fowler là tư thế nằm với giường được nâng cao ở góc khoảng 45 độ hoặc lớn hơn, thường được sử dụng trong bệnh viện. Tư thế này giúp giảm nguy cơ viêm phổi và hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Vậy đối tượng nào cần thực hiện tư thế kiểu fowler?

Để thực hiện quy trình phẫu thuật một cách an toàn và hiệu quả thì định vị tư thế của bệnh nhân cũng rất quan trọng. Tư thế fowler hay còn được biết đến là tư thế ngồi, là một trong những tư thế phổ biến nhất cho bệnh nhân để họ có thể nghỉ ngơi thoải mái. Tư thế này thường được sử dụng trong lĩnh vực y tế cũng như trong phòng cấp cứu, đặc biệt là trong các quy trình phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật vai.

Định vị bệnh nhân trong phẫu thuật quan trọng như thế nào?

Định vị người bệnh đóng vai trò quan trọng trong mọi quy trình phẫu thuật. Sự lựa chọn tư thế phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hình thức phẫu thuật, độ dài của thủ thuật, khả năng tiếp cận gây mê của người bệnh và các yếu tố khác như các thiết bị y tế cần thiết. Điều này đòi hỏi sự hợp tác của toàn bộ nhóm phẫu thuật để đảm bảo tư thế được thiết lập và duy trì một cách chính xác và an toàn cho bệnh nhân.

Tư thế fowler 1
Định vị người bệnh đóng vai trò quan trọng trong mọi quy trình phẫu thuật

Mục tiêu chính của việc định vị bệnh nhân là duy trì đường thở và tuần hoàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật. Từ đó giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh, tạo điều kiện cho bác sĩ phẫu thuật tiếp cận khu vực cần thực hiện thủ thuật cũng như sử dụng các loại thuốc gây mê. Đồng thời, việc định vị bệnh nhân cũng giúp tạo ra một môi trường thoải mái và an toàn cho bệnh nhân, ngăn ngừa tổn thương cho mô mềm hoặc cơ xương.

Tư thế fowler là gì?

Trong lĩnh vực y học, tư thế fowler được coi là tư thế chuẩn trong việc chăm sóc bệnh nhân, khi bệnh nhân được đặt ở tư thế nửa ngồi nửa nằm và có thể duỗi thẳng hoặc gập chân. Phương pháp này được đặt theo tên của George Ryerson Fowler, người đã coi đây là một phương pháp giảm tỷ lệ tử vong do viêm phúc mạc. Ông cho rằng tư thế này có thể giảm nguy cơ tích tụ mủ dưới cơ hoành, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết toàn thân và sốc nhiễm trùng.

Nói chung, tư thế fowler giúp thúc đẩy sự trao đổi oxy bằng cách mở rộng không gian trong lồng ngực, thích hợp cho bệnh nhân suy hô hấp. Tư thế này cũng giúp giảm căng thẳng ở cơ bụng, làm cho việc thở của bệnh nhân dễ dàng hơn. Đồng thời, nó còn tạo ra sự thoải mái hơn khi bệnh nhân ăn uống và thực hiện các hoạt động chăm sóc khác.

Tư thế fowler 2
Tư thế fowler được coi là tư thế chuẩn trong việc chăm sóc bệnh nhân

Phân loại các tư thế của fowler

Tùy thuộc vào đối tượng và mục đích sử dụng, có thể điều chỉnh góc nghiêng của tư thế kiểu fowler. Cụ thể, tư thế này có thể được chia thành ba loại là fowler tư thế thấp (low fowler) với góc nghiêng từ 0 đến 30 độ, tư thế bán fowler (semi-fowler) với góc nghiêng từ 30 đến 60 độ và fowler tư thế cao (high fowler) với góc nghiêng từ 60 đến 90 độ.

Fowler tư thế cao

Với góc nghiêng từ 60 đến 90 độ, folwer tư thế cao thường được áp dụng khi bệnh nhân được yêu cầu nằm ở tư thế càng cao càng tốt, thậm chí có thể gần như là tư thế ngồi. Đây là tư thế phổ biến trong việc chăm sóc các bệnh nhân sau phẫu thuật cắt phổi hoặc khi cần chụp tia X tại vị trí giường, giúp bệnh nhân tiêu dịch sau phẫu thuật bụng.

Tư thế bán fowler

Tư thế bán fowler với góc nghiêng từ 30 đến 60 độ thường được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế. Bệnh nhân được đặt ở góc nghiêng chủ yếu là 30 độ với mục đích thúc đẩy phổi mở rộng hơn. Trọng lực tạo áp lực xuống cơ hoành, giúp bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn. Tư thế này, đặc biệt là ở góc nghiêng 30 hoặc 45 độ, cũng được khuyến nghị cho bệnh nhân sử dụng máy hỗ trợ hô hấp hoặc cho ăn qua ống xông để giảm nguy cơ nhiễm viêm phổi.

Trong quá trình sinh con, tư thế bán fowler thường được ưu tiên hơn so với việc nằm phẳng vì nó mang lại cảm giác thoải mái hơn cho người mẹ và giảm sự cần thiết sử dụng thuốc giảm đau cũng như cần phẫu thuật can thiệp để lấy thai. Nó cũng được sử dụng khi đánh giá tình trạng tĩnh mạch cổ.

Tư thế fowler 3
Tư thế bán fowler giúp bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn

Fowler tư thế thấp

Fowler tư thế thấp với góc nghiêng dưới 30 độ thường được sử dụng phổ biến ở nhà hoặc trong các trại dưỡng lão thay vì ở bệnh viện. Góc nghiêng từ 15 độ trở lên có ích trong việc giảm khó thở ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và suy tim. Đặc biệt, tư thế này thường được áp dụng trong gối chống trào ngược dạ dày thực quản, giúp ngăn trào ngược về đêm và bệnh trào ngược họng thanh quản.

Khi có góc nghiêng từ 10 độ trở lên, acid từ dạ dày sẽ khó trào lên thực quản hơn và trào ngược cũng sẽ nhanh chóng rút lại dạ dày, không đọng lại ở thực quản hoặc hầu họng như khi nằm phẳng. Ngoài ra, tư thế thấp cũng giúp giảm ngáy, hạn chế số lượng các trường hợp tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tăng nhãn áp và giảm sự tích tụ của dịch trong xoang mũi gây khó thở.

Đối tượng nào cần thực hiện tư thế kiểu fowler?

Tư thế fowler thường được áp dụng cho một số nhóm bệnh nhân cụ thể và trong một số tình huống y tế nhất định. Dưới đây là những nhóm bệnh nhân nên sử dụng tư thế kiểu fowler và những điểm cần lưu ý khi thực hiện:

  • Người mắc bệnh tim mạch: Tư thế này có thể giúp giảm áp lực lên tim và cải thiện lưu thông máu, giúp người mắc bệnh tim mạch cảm thấy thoải mái hơn.
  • Người mắc bệnh phổi: Bệnh nhân mắc bệnh phổi như viêm phổi, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) khi thực hiện tư thế kiểu fowler sẽ giúp họ hít thở dễ dàng hơn.
  • Người bị khó thở: Tư thế này có thể giảm cảm giác khó thở cho những người bị đau nhức ở phần ngực hoặc có vấn đề về hô hấp.
  • Người bị trào ngược dạ dày: Tư thế này có thể giúp ngăn chặn sự trào ngược của acid dạ dày lên thực quản, giảm triệu chứng đau rát hoặc nôn mửa.
  • Người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh về tiêu hóa: Tư thế kiểu fowler có thể giúp cải thiện tiêu hóa và kiểm soát đường huyết sau bữa ăn.
Tư thế fowler 4
Tư thế kiểu fowler có thể giúp giảm áp lực lên tim và cải thiện lưu thông máu

Trong y tế, tư thế fowler đã trở thành một công cụ hữu ích giúp cải thiện sự thoải mái và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Tuy tư thế này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng cần được thực hiện một cách cẩn thận. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia để đảm bảo rằng tư thế này phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin