Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột gồm có những phương pháp nào?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Có nhiều loại xét nghiệm để chẩn đoán bệnh liên quan đến nhiễm ký sinh trùng. Trong đó, đối với xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột, tùy vào dấu hiệu và triệu chứng, người bệnh sẽ được cân nhắc thực hiện những phương pháp khác nhau để hỗ trợ chẩn đoán tác nhân gây bệnh trên đường tiêu hóa.

Người bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột thường gặp phải triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng và tiêu chảy. Tình trạng này không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi sự phát triển của ký sinh tại các cơ quan nội tạng. Tiến hành những xét nghiệm phù hợp để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh là điều rất quan trọng. Như vậy xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột là gì? Hãy cùng Long Châu tìm hiểu thêm trong bài viết sau.

Xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột là gì?

Những loại ký sinh trùng đường ruột nào thường gặp

Ký sinh trùng, hay còn được hiểu đơn giản là những sinh vật sống nhờ vào cơ thể của vật chủ, để có được nguồn dinh dưỡng và nơi trú ẩn. Chúng cũng dựa vào vật chủ như một phương tiện để lây lan sang các vật chủ tiềm năng tiếp theo và tiếp tục phát triển.

Ký sinh trùng đường ruột bao gồm giun sán (giun ký sinh trong ruột) và sinh vật đơn bào (động vật nguyên sinh). Giun sán là những loại như sán dây, giun kim và giun tròn. Trong đó, một số ký sinh trùng như giun đũa, giun sán có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng như viêm, loét, chèn ép, tạo nhân sỏi. Đồng thời, các ký sinh trùng khác như giun xoắn, giun móc, giun chỉ có thể gây nhiễm độc, rối loạn chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể. Nếu không được phát hiện sớm, mức độ tổn thương do ký sinh trùng gây ra cho cơ thể sẽ càng nặng nề.

xet-nghiem-ky-sinh-trung-duong-ruot-gom-co-nhung-phuong-phap-nao 1
Hình ảnh sán lá gan

Tình hình nhiễm ký sinh trùng trên thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25% dân số thế giới bị nhiễm trùng liên quan đến ký sinh trùng đường ruột. Ở các khu vực nhiệt đới hay cận nhiệt đới, với khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh còn hạn chế, con số này có thể lên tới 50%. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột phổ biến nhất trên toàn cầu là bệnh giun đũa với khả năng ảnh hưởng đến khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới.

Ở Hoa Kỳ, các bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất là từ động vật nguyên sinh, đặc biệt là ký sinh trùng Giardia. Giun kim cũng là loại giun đường ruột phổ biến ở Hoa Kỳ.

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột do những nguyên nhân nào?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiễm ký sinh trùng đường ruột, bao gồm:

  • Tiếp xúc với nguồn nước hay thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là khi nước uống, thức ăn chưa được nấu chín hoặc bảo quản không đúng cách, sẽ có khả năng cao hiện diện những ký sinh trùng gây bệnh.
  • Ký sinh trùng có thể lây lan qua động vật trung gian, khi người bệnh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm hoặc sử dụng chung vật dụng sinh hoạt cá nhân.
  • Vệ sinh cá nhân không đảm bảo cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng sống sót và xâm nhập vào cơ thể.
  • Ngoài ra, ở những nơi có môi trường ẩm ướt, nhiệt độ ấm cũng là các điều kiện sống thích hợp giúp tăng khả năng phát triển và lây lan của ký sinh trùng đường ruột.

Triệu chứng gặp phải khi nhiễm ký sinh trùng đường ruột là gì?

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của nhiễm ký sinh trùng đường ruột:

  • Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất khi bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, người bệnh sẽ thường cảm thấy đau tại vùng bụng dưới hoặc xung quanh rốn.
  • Những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, đại tiện khó kiểm soát, khó tiêu, cảm giác ợ nóng. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp mà những triệu chứng sau cũng có thể xuất hiện đó là buồn nôn và nôn mửa.
  • Người bệnh sẽ thường thấy mệt mỏi, vì những loài sinh vật này sống nhờ vào chất dinh dưỡng của cơ thể vật chủ, dẫn đến tình trạng người bệnh bị thiếu hụt năng lượng và bị suy nhược.
  • Một số loại ký sinh trùng đường ruột, chẳng hạn như giun đũa, có thể gây ra triệu chứng khó chịu tại vùng hậu môn như châm chích, ngứa ngáy, phát ban vùng hậu môn hoặc nổi mụn nhỏ.
xet-nghiem-ky-sinh-trung-duong-ruot-gom-co-nhung-phuong-phap-nao 2
Nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây ra những rối loạn tiêu hóa

Xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột có những phương pháp nào?

Xét nghiệm phân để tìm ký sinh trùng

Xét nghiệm phân khá đặc hiệu và được thực hiện thường quy để tìm ký sinh trùng đường ruột, nhất là trong những trường hợp tiêu chảy, phân lỏng kèm sinh hơi. Mẫu bệnh phẩm phân sẽ được chứa trong hộp đựng đặc biệt với chất lỏng bảo quản chuyên biệt. Mẫu phân sau khi được xử lý sẽ được kỹ thuật viên sử dụng các phương pháp nhuộm hoặc các xét nghiệm đặc biệt để tìm ký sinh trùng. Cụ thể, mẫu bệnh sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác định những thể phát triển ở các giai đoạn khác nhau, gợi ý cho việc định danh cụ thể loại ký sinh trùng như trứng, ấu trùng, bào nang và thể hoạt động.

Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh), khuyến nghị nên kiểm tra ba mẫu phân trở lên, được thu thập vào những ngày riêng biệt để có thể tăng khả năng phát hiện ký sinh trùng gây bệnh.

xet-nghiem-ky-sinh-trung-duong-ruot-gom-co-nhung-phuong-phap-nao 3
Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng gây bệnh trên đường ruột

Xét nghiệm máu

Không phải tất cả những người nhiễm ký sinh trùng có thể được phát hiện bằng cách xét nghiệm máu. Đối với mục đích của xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột, mẫu bệnh phẩm máu sẽ không thực hiện thường xuyên như xét nghiệm phân. Thông thường, xét nghiệm máu sẽ được cân nhắc chỉ định khi có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc tăng số lượng các tế bào bạch cầu, dấu hiệu mất nước, thiếu dinh dưỡng.

Một số ký sinh trùng khi xâm nhập cơ thể sẽ gây các biến đổi đặc trưng trong công thức máu. Chẳng hạn khi nhiễm sán lá gan lớn, bạch cầu ái toan thường tăng hơn 5% so với tổng số bạch cầu, có trường hợp có thể tăng đến 80% (so với giá trị bình thường chỉ ở khoảng 1 - 3%). Do đó, kết quả xét nghiệm tế bào máu ngoại vi là một phương pháp để hỗ trợ chẩn đoán hoặc để phân biệt loại trừ tác nhân gây bệnh.

Xét nghiệm miễn dịch học

Khi xâm nhập vào vật chủ, ký sinh trùng sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể đặc hiệu. Từ đó, các xét nghiệm miễn dịch học được sử dụng để tìm kháng thể hoặc kháng nguyên của ký sinh trùng sinh ra khi cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng.

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ trong tìm ký sinh trùng gây bệnh đường ruột

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ sẽ được thực hiện khi xét nghiệm thông thường không phát hiện ra mầm bệnh, hoặc còn sự nghi ngờ đối với kết quả. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, nội soi. Các phương pháp này thường được sử dụng để hỗ trợ tìm ký sinh trùng trong các tạng. Cụ thể:

  • Nội soi thường được chỉ định khi không thể xác định tác nhân gây bệnh từ kết quả của xét nghiệm phân. Khi tiến hành, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ đưa ống nội soi vào miệng hoặc trực tràng để tìm ký sinh trùng gây bệnh trên đường tiêu hóa.
  • Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) được sử dụng khi nghi ngờ ký sinh trùng có thể gây tổn thương trong các cơ quan (tim, phổi, não, ruột, cơ).
xet-nghiem-ky-sinh-trung-duong-ruot-gom-co-nhung-phuong-phap-nao 4
Nội soi đại tràng tìm ký sinh trùng

Điều trị nhiễm ký sinh trùng đường ruột

Điều trị bằng thuốc kháng ký sinh trùng là phương pháp chủ yếu để loại bỏ ký sinh trùng đường ruột khỏi cơ thể. Các loại thuốc thông dụng bao gồm metronidazol, tinidazol, albendazol, mebendazol, ivermectin, pyrantel pamoate. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại thuốc kháng ký sinh trùng khác nhau được sử dụng, điều này tùy thuộc vào loại ký sinh trùng và mức độ nặng của người bệnh.

Bên cạnh việc tiêu diệt ký sinh trùng, điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiễm ký sinh trùng cũng rất cần thiết cho người bệnh.

xet-nghiem-ky-sinh-trung-duong-ruot-gom-co-nhung-phuong-phap-nao 5
Thuốc diệt ký sinh trùng là lựa chọn chính trong điều trị ký sinh trùng đường ruột

Phòng ngừa bệnh ký sinh trùng đường ruột

Sự lây nhiễm của các ký sinh trùng đường ruột là khá phức tạp, vì vậy hãy áp dụng các biện pháp phù hợp trong phòng ngừa bệnh nhiễm này.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc môi trường ô nhiễm. Đồng thời, thực hiện vệ sinh cá nhân đúng cách cũng như tránh chia sẻ hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
  • Giữ vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ để ngăn ngừa sự phát triển của các loài ký sinh trùng đường ruột.
  • Lựa chọn sử dụng nước uống an toàn, đã được sát khuẩn hoặc đun sôi trước khi uống. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề về tiêu dùng, những thực phẩm đã được rửa sạch và nấu chín kỹ càng.
  • Kiểm soát tình trạng vệ sinh ở cả vật nuôi, đảm bảo chúng được tiêm phòng đầy đủ, để tránh lây lan ký sinh trùng đường ruột sang cho con người.

Bài viết trên bao gồm những thông tin liên quan đến bệnh nhiễm, các xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột và phương thức chẩn đoán điều trị bệnh. Hy vọng có thể mang đến những kiến thức bổ ích cho bạn đọc.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin