Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm bệnh Angiostrongyliasis có nguy hiểm không? Vì sao bạn mắc bệnh?

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Angiostrongyliasis hay bệnh giun phổi chuột gây ra bởi ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis. Chúng thường sinh sản và phát triển trong động mạch phổi của chuột. Bệnh có thể dẫn đến một biến chứng hiếm gặp là viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị, tuy nhiên bệnh vẫn có thể diễn tiến nặng gây tử vong. Do đó hãy phòng ngừa bệnh tích cực bằng cách vệ sinh tay và ăn chín uống sôi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Angiostrongyliasis là gì?

Bệnh Angiostrongyliasis hay còn được gọi là giun phổi chuột, gây ra bởi một loại giun ký sinh gây nhiễm trùng não của bạn. Bạn có thể mắc bệnh này từ việc ăn ốc hoặc rau chưa nấu chín. Loài giun này thường sống trong động mạch phổi của chuột nên mới có tên gọi khác là bệnh giun phổi chuột.

Hầu hết những người bị nhiễm trùng đều không có triệu chứng, nhưng đôi khi ký sinh trùng có thể di chuyển đến não của bạn và gây ra bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Chúng cũng có thể di chuyển đến các phần sâu hơn bên trong não của bạn. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Angiostrongyliasis

Khi ký sinh trùng xâm nhập vào não của bạn, chúng sẽ gây tổn thương cho não. Một số người có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Nhưng nếu bạn bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan, những triệu chứng lúc này sẽ biểu hiện rõ hơn. Chúng có thể xuất hiện sau khi bạn tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh vài tuần và thường kéo dài từ 2 đến 8 tuần. Các triệu chứng gồm:

  • Đau đầu dữ dội;
  • Đau cổ hoặc cứng cổ: Bạn không thể cúi đầu khiến cằm chạm vào ngực;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Sốt nhẹ;
  • Cảm giác châm chích hoặc ngứa ran khắp người;
  • Thay đổi thị lực như song thị, lác mắt;
  • Lú lẫn;
  • Sợ ánh sáng.
Nhiễm bệnh Angiostrongyliasis có nguy hiểm không? Vì sao bạn mắc bệnh? 1
Đau đầu dữ dội

Một số triệu chứng thần kinh nghiêm trọng:

  • Mất khả năng phối hợp vận động và thăng bằng;
  • Yếu cơ;
  • Liệt mặt;
  • Nói khó;
  • Mất khả năng định hướng không gian.

Trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh Angiostrongyliasis cao hơn vì bản chất của trẻ là tò mò với mọi thứ xung quanh. Do đó chúng có nguy cơ bỏ vào miệng hoặc tiếp xúc với các loại ốc, sên nhiều hơn. Các triệu chứng viêm màng não tăng bạch cầu ái toan thường gặp ở trẻ gồm:

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Angiostrongyliasis

Hầu hết những người mắc bệnh Angiostrongyliasis đều hồi phục hoàn toàn. Hiếm khi những người bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan có thể diễn tiến đến biến chứng và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Một số biến chứng gồm:

  • Mất thính giác (điếc);
  • Giảm trí nhớ và sự tập trung;
  • Động kinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ triệu chứng nêu trên và gần đây bạn có ăn phải những thực phẩm nghi nhiễm ký sinh trùng hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa nhiễm. Bác sĩ sẽ theo dõi và chẩn đoán sớm tình trạng của bạn và giúp bạn kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Angiostrongyliasis

Bệnh Angiostrongyliasis gây ra bởi Angiostrongylus cantonensis, một loại giun tròn ký sinh trong phổi chuột. Bệnh lây truyền qua phân lẫn các ấu trùng giun của chuột, các loại động vật ngành thân mềm như ốc sên sẽ ăn các ấu trùng này. Tuy nhiên các ấu trùng này chỉ phát triển thành giun trưởng thành trong chuột. Nếu chúng không bị chuột ăn thì các ấu trùng này sẽ chết đi.

Khi chúng ta ăn phải động vật thân mềm bị nhiễm giun trưởng thành như ốc hoặc sên hay chất nhờn của nó (như rau bị ốc sên bò lên). Giun trưởng thành sẽ di chuyển đến não của bạn gây ra các triệu chứng.

Bạn cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng do ăn tôm, cua hoặc ếch nước ngọt, gia súc, lợn nhiễm ký sinh trùng trưởng thành. Nhưng đây không phải cách lây truyền bệnh phổ biến.

Ngoài ra, ký sinh trùng có thể sống trong nước bị ô nhiễm tới 72 giờ. Vì vậy nếu các thực phẩm của bạn được rửa bằng nước bị ô nhiễm cũng có thể gây bệnh.

Nhiễm bệnh Angiostrongyliasis có nguy hiểm không? Vì sao bạn mắc bệnh? 2
Nguyên nhân gây bệnh là do ăn phải rau nhiễm bệnh chưa được nấu kỹ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Angiostrongyliasis?

Bệnh Angiostrongyliasis thường được tìm thấy nhiều nhất ở Đông Nam Á và quần đảo Thái Bình Dương.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Angiostrongyliasis

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Angiostrongyliasis ở người:

  • Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh Angiostrongyliasis nhiều hơn người lớn vì trẻ thường tò mò, do đó chúng có nguy cơ tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh cao hơn.
  • Người thường ăn thức ăn sống.
  • Những người sống nơi có điều kiện môi trường kém.
  • Người có thói quen vệ sinh kém.
Nhiễm bệnh Angiostrongyliasis có nguy hiểm không? Vì sao bạn mắc bệnh? 3
Trẻ em là người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh Angiostrongyliasis

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và tiền sử ăn các thực phẩm nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng như sên, ốc hoặc các động vật khác có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bạn có bị viêm màng não hay không:

  • Xét nghiệm máu có thể thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan.
  • CT-scan hoặc MRI não để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng ở não hoặc tủy sống.
  • Chọc dò tủy sống để kiểm tra xem có giun trong dịch não tủy hay không.

Điều trị bệnh Angiostrongyliasis

Bác sĩ của bạn có thể không cần điều trị bệnh Angiostrongyliasis vì các ký sinh trùng có thể chết đi mà không sử dụng thuốc. Ngay cả khi bạn mắc bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng vì lúc này cơ thể bạn cần thời gian để phản ứng với xác của ký sinh trùng bị chết đi.

Các phương pháp điều trị thường được chỉ định:

  • Thuốc chống ký sinh trùng như albendazole và mebendazole có thể được sử dụng để diệt giun và loại bỏ nhiễm trùng.
  • Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc NSAIDs như ibuprofen làm giảm đau và khó chịu.
  • Thuốc chống nôn;
  • Dịch truyền tĩnh mạch và điện giải nhằm ngăn ngừa mất nước và duy trì đủ dịch cho cơ thể.
  • Thuốc chống co giật: Phenytoin và axit valproic nhằm điều trị triệu chứng động kinh, là biến chứng thường gặp của nhiễm giun phổi chuột.
  • Corticosteroid: Giúp giảm viêm và phù não, điều trị những trường hợp mắc bệnh Angiostrongyliasis nghiêm trọng hoặc ngăn ngừa biến chứng. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh Angiostrongyliasis

Chế độ sinh hoạt:

Một số điều bạn cần chú ý trong sinh hoạt:

  • Theo dõi các triệu chứng bệnh chặt chẽ.
  • Che đậy kỹ các thùng chứa nước sinh hoạt, nước uống.
  • Rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với ốc, sên hoặc động vật hay nguồn nước ô nhiễm.
  • Bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách bằng cách đậy nắp lại.
  • Giữ cho thú cưng của bạn không bắt và ăn ốc hoặc sên.

Chế độ dinh dưỡng:

Những điều bạn cần chú ý trong chế độ ăn của mình:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng;
  • Không ăn thức ăn sống, chưa được nấu chín;
  • Tránh ăn rau sống hoặc phải rửa rau thật kỹ nếu bạn không nấu chín.
Nhiễm bệnh Angiostrongyliasis có nguy hiểm không? Vì sao bạn mắc bệnh? 4
Rửa rau sạch kỹ trước khi ăn

Phòng ngừa bệnh Angiostrongyliasis

Những cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ nhiễm bệnh Angiostrongyliasis bao gồm:

  • Nấu chín kỹ ốc, cua, tôm trước khi ăn.
  • Rửa kỹ và nấu kỹ rau trước khi ăn.
  • Tránh ăn rau sống.
  • Đeo găng tay và rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với ốc, sên hoặc nguồn nước ô nhiễm.
  • Bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách bằng cách đậy nắp lại, ngăn ốc sên xâm nhập.
  • Giữ cho thú cưng của bạn không bắt và ăn ốc hoặc sên. Thường xuyên kiểm tra xem thú nuôi có dấu hiệu nhiễm trùng nào hay không.
  • Sử dụng găng tay và quần áo bảo hộ khi làm vườn.
  • Che đậy kỹ các thùng chứa nước sinh hoạt, nước uống.
  • Loại bỏ sên và chuột xung quanh nhà.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh Angiostrongyliasis

Tôi sẽ như thế nào nếu bị mắc bệnh Angiostrongyliasis?

Hầu hết những người bị nhiễm giun phổi chuột, ngay cả những người đã biểu hiện viêm màng não, đều có thể hồi phục hoàn toàn. Bạn có thể biểu hiện các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Nếu các triệu chứng của bạn nặng dần lên thì bạn có thể cần được điều trị tại bệnh viện.

Khi nào tôi cần gọi cấp cứu?

Hãy gọi 115 hoặc đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất nếu bạn có triệu chứng của viêm màng não gồm đau đầu dữ dội, cứng cổ, động kinh, lú lẫn hoặc thay đổi tri giác, thay đổi thị lực đột ngột.

Tôi có thể bị lây bệnh từ người khác hay không?

Bạn sẽ không bị lây bệnh Angiostrongyliasis từ người đang mắc bệnh. Chuột là loài động vật mang ký sinh trùng phổ biến nhất. Bạn chỉ bị bệnh khi ăn phải các động vật hoặc rau nhiễm bệnh.

Nhiễm ký sinh trùng này có cần phải điều trị hay không?

Thường thì không vì ký sinh trùng sẽ chết theo thời gian ngay cả khi bạn không điều trị. Một số trường hợp mắc viêm màng não tăng bạch cầu ái toan cũng có thể hết bệnh mà không cần dùng thuốc. Đôi khi các triệu chứng nhiễm trùng kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với ký sinh trùng sắp chết. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là làm giảm các triệu chứng của nhiễm trùng gây ra.

Làm sao để tôi tránh bị nhiễm ký sinh trùng?

Không ăn ốc, sên, ếch hoặc tôm sống hoặc chưa được nấu kỹ. Nếu bạn xử lý hay sơ chế ốc sên hoặc sên, hãy luôn đeo găng tay và rửa tay sạch. Luôn nhớ rửa kỹ các thực phẩm tươi sống. Khi đi du lịch đến những vùng thường có ký sinh trùng, tránh thực phẩm chưa được nấu chín. Che đậy kỹ các thùng chứa nước sinh hoạt, nước uống; giữ cho thú cưng của bạn không bắt và ăn ốc hoặc sên; sử dụng găng tay và quần áo bảo hộ khi làm vườn.

Nguồn tham khảo
  1. Rat Lungworm: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25096-rat-lungworm
  2. About Angiostrongylus: https://www.cdc.gov/parasites/angiostrongylus/gen_info/faqs.html
  3. What Is Rat Lungworm?: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-rat-lungworm
  4. Can You Survive Rat Lungworm?: https://www.medicinenet.com/can_you_survive_rat_lungworm/article.htm 
  5. Angiostrongyliasis (Rat Lungworm): https://health.hawaii.gov/docd/disease_listing/rat-lungworm-angiostrongyliasis/

Các bệnh liên quan