Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt dây thần kinh khứu giác: Những điều bạn cần biết

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khứu giác là một trong năm giác quan của con người. Nếu không có khứu giác, bạn sẽ không thể ngửi mùi thức ăn, không thể ngửi mùi hương của hoa, và nguy hiểm hơn là bạn sẽ không thể nhận biết được tình huống nguy hiểm như rò rỉ khí gas hay khói từ lửa hay thức ăn bị ôi thiu. Rối loạn khả năng ngửi mùi có thể là tình trạng xuất hiện thoáng qua sau đó hồi phục, tuy nhiên vẫn có trường hợp đây là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Liệt dây thần kinh khứu giác là nguyên nhân gây rối loạn khứu giác hiện nay. Vậy liệt dây thần kinh khứu giác là gì, tại sao bạn lại mắc bệnh này?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt dây thần kinh khứu giác là gì?

Dây thần kinh khứu giác là một trong 12 dây thần kinh sọ của não. Chức năng của dây thần kinh khứu giác gồm nhận biết mùi hay ngửi mùi. Khi dây thần kinh khứu giác bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngửi, nhận biết mùi như mất mùi, giảm khứu giác, ảo khứu (hay gọi là ngửi thấy mùi ảo - tức là bạn ngửi thấy mùi lạ hoặc mùi khó chịu nhưng mùi này không có thật trong thực tế) và rối loạn khứu giác.

Nhiều người còn nhận thấy rằng khi rối loạn khả năng ngửi mùi cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận biết một số vị nhất định như vị ngọt, vị đắng. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Tổn thương dây thần kinh khứu giác có thể xảy ra một hoặc hai bên. Các tổn thương khứu giác hai bên thường gây mất mùi hoàn toàn, dễ phát hiện hơn so với tổn thương một bên.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thần kinh khứu giác

Tùy thuộc vào tổn thương một hay hai bên dây thần kinh khứu giác mà biểu hiện của bạn sẽ rõ ràng hay mơ hồ. Triệu chứng của liệt dây thần kinh khứu giác khá đa dạng, và mức độ biểu hiện của mỗi người sẽ khác nhau, có thể xuất hiện ở 1 bên hoặc 2 bên mũi. Gồm:

  • Mất mùi hoàn toàn: Đây là dấu hiệu thường gặp. Ban đầu bạn có thể chỉ mất khả năng nhận biết một số mùi nhất định, sau đó bạn sẽ không thể nhận biết được toàn bộ các mùi. Nếu bạn bị tổn thương một bên thì triệu chứng mất mùi của bạn có thể không rõ bằng tổn thương cả hai bên.
  • Giảm khứu: Giảm khả năng nhận biết mùi một phần - Bạn giảm khả năng nhận biết một số mùi nhất định hoặc khả năng cảm nhận mùi của bạn bị giảm so với những người bình thường.
  • Rối loạn khứu giác: Ngửi thấy mùi khác với mùi thực tế, bạn thường ngửi thấy mùi hôi thối, mùi kim loại thay vì những mùi bình thường. Bạn có thể phát hiện bằng cách so sánh với những người xung quanh.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể xuất hiện triệu chứng khác như cảm giác mặt hoặc tê răng, thay đổi thị lực, đau tai,...

Tác động của liệt dây thần kinh khứu giác đối với sức khỏe

Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc mất hoặc giảm khứu giác có thể khiến bạn mắc các vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến an toàn của bạn, bao gồm:

  • Ăn quá nhiều hoặc ăn không đủ do bạn mất hoặc giảm khả năng ngửi mùi khiến ảnh hưởng đến chức năng vị giác.
  • Không nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm như rò khí gas, khói từ đám cháy hoặc ăn phải thực phẩm ôi thiu.
Liệt dây thần kinh khứu giác: Những điều bạn cần biết 4
Việc mất mùi có thể khiến bạn gặp nguy hiểm vì không thể ngửi được mùi khí gas rò rỉ hay khói từ đám cháy

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi:

  • Bạn ngửi thấy mùi khác với những người xung quanh;
  • Bạn đột ngột không ngửi được mùi gì;
  • Ngửi thấy mùi hôi thối không rõ nguyên nhân.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, hãy liên hệ với bác sĩ để được khám và chẩn đoán.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh khứu giác

Nhiều bệnh lý và tình trạng của cơ thể có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh của dây khứu giác:

  • Bẩm sinh: Đây là bệnh lý di truyền hiếm gặp, biểu hiện bởi việc mất khả năng ngửi suốt đời mà không có bất thường cấu trúc hay chuyển hóa trong cơ thể.
  • U não, u màng não.
  • U nguyên bào thần kinh khứu giác: Là một bệnh ung thư gây tổn thương dây thần kinh khứu giác, triệu chứng gồm nghẹt mũi, mất khứu giác, đau quanh mắt, chảy nước mắt, chảy máu mũi.
  • Chấn thương đầu, kể cả chấn động vùng đầu, chấn thương mũi.
  • Tổn thương dây thần kinh khứu giác do phẫu thuật.
  • Bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson: Đây là những bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bạn trong đó có dây thần kinh khứu giác. Mất mùi có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
  • Độc tố từ môi trường hoặc hóa chất như thuốc trừ sâu;
  • Ung thư đầu mặt cổ.
  • Polyp mũi hoặc khối u ở mũi.
  • Đái tháo đường.
  • Động kinh.
  • Bệnh xơ cứng rải rác.
  • Thuốc như kháng sinh (ampicillin, tetracycline, clarithromycin…); thuốc chống trầm cảm (amitriptyline, nortriptyline, clomipramine…); thuốc chống co giật (Carbamazepin, phenytoin, valproic acid…); thuốc điều trị tăng huyết áp,…
Liệt dây thần kinh khứu giác: Những điều bạn cần biết 5
Polyp mũi hoặc khối u ở mũi có thể dẫn đến liệt dây thần kinh khứu giác

Nguy cơ

Những ai có thể mắc phải liệt dây thần kinh khứu giác?

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác những đối tượng có thể mắc phải liệt dây thần kinh khứu giác. Các nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh liệt dây thần kinh khứu giác chủ yếu do các bệnh lý của cơ thể gây ra.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt dây thần kinh khứu giác

Các yếu tố nguy cơ có thể nhắc đến gồm:

  • Tuổi: Nhiều người nhận thấy khi tuổi càng cao thì khứu giác của họ càng giảm. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi là lúc chức năng khứu giác tốt nhất. Sau 60 tuổi, hệ thần kinh bắt đầu thoái hóa và suy giảm chức năng trong đó có dây thần kinh khứu giác.
  • Hút thuốc lá: Hiện nay tác động của thuốc lá và các chất gây nghiện tương tự lên tình trạng liệt dây thần kinh khứu giác chưa được làm rõ. Tuy nhiên bác sĩ vẫn khuyến cáo bạn không nên sử dụng thuốc lá do thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bạn, khiến quá trình thoái hóa của thần kinh xảy ra nhanh hơn so với người không hút thuốc lá.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt dây thần kinh khứu giác

Khi bạn gặp tình trạng giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn. Bác sĩ sẽ đánh giá xem bạn gặp vấn đề mất mùi, giảm khứu, ảo khứu hay rối loạn khứu giác và có sự tổn thương dây thần kinh khứu giác hay không, tổn thương một bên hay hai bên. Bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân gây mất khứu giác thoáng qua như viêm xoang, nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng hoặc môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Ngoài ra bạn nên báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý và các thuốc đang sử dụng hiện tại của bạn.

Bạn có thể cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có thể xác định đúng chẩn đoán. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn chụp CT-scan vùng đầu mặt để giúp hỗ trợ cho chẩn đoán.

Liệt dây thần kinh khứu giác: Những điều bạn cần biết 6
CT-scan là một phương tiện hình ảnh giúp hỗ trợ chẩn đoán liệt dây thần kinh khứu giác

Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh khứu giác

Có nhiều nguyên nhân gây ra liệt dây thần kinh khứu giác, do đó tùy thuộc mỗi nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau, phù hợp với bạn như:

  • Nếu bạn có polyp hoặc khối u gây chèn ép bạn có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn.
  • Nếu bác sĩ nghi ngờ thuốc bạn đang sử dụng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khứu giác, bác sĩ có thể xem xét thay đổi thuốc khác an toàn hơn cho bạn. Tuy nhiên không nên tự ngưng sử dụng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Đôi khi bạn có thể mất khứu giác thoáng qua nhưng khứu giác sẽ tự hồi phục mà không cần can thiệp gì. Những tình trạng nặng hơn khiến mất khứu giác kéo dài, bạn cần phối hợp với bác sĩ để điều trị tốt nhất.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt dây thần kinh khứu giác

Chế độ sinh hoạt:

Các chế độ sinh hoạt được khuyến cáo nhằm mục đích phòng ngừa và hỗ trợ cho điều trị của bạn, do đó bạn hãy tuân thủ các khuyến cáo sau:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, liên hệ cho bác sĩ nếu bạn thấy dấu hiệu bất thường về khứu giác;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Đặt thiết bị báo cháy và báo khói trong nhà giúp an toàn;
  • Cẩn thận với thực phẩm thừa hay thực phẩm cũ ngày hôm trước;
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với hóa chất.

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy bổ sung chế độ ăn đầy đủ các chất, bạn không cần kiêng thực phẩm nào. Nếu bạn có bệnh lý khác kèm theo hãy ăn theo chế độ ăn của bác sĩ điều trị khuyên. Lúc này khứu giác của bạn đang bị mất hoặc giảm do đó hạn chế sử dụng lại thức ăn cũ kể cả thức ăn thừa trong ngày, thực phẩm lên men. Hãy nhờ người trong gia đình kiểm tra tất cả thức ăn và thực phẩm trước khi bạn sử dụng nó.

Liệt dây thần kinh khứu giác: Những điều bạn cần biết 7
Người bị liệt dây thần kinh khứu giác cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng

Phương pháp phòng ngừa liệt dây thần kinh khứu giác hiệu quả

Bạn có thể không phòng ngừa được một số bệnh lý ảnh hưởng đến dây thần kinh khứu giác như tổn thương hay thoái hóa hệ thần kinh hoặc u não. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể thực hiện nhằm tránh mất khứu giác gồm:

  • Tránh các hoạt động nguy hiểm dẫn đến chấn thương não như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông;
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với hóa chất;
  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên;
  • Sử dụng các thiết bị bảo hộ tránh chấn động vùng đầu.
Nguồn tham khảo
  1. Olfactory Nerve: What to Know: https://www.webmd.com/brain/olfactory-nerve-what-to-know
  2. Olfactory Nerve: https://my.clevelandclinic.org/health/body/23081-olfactory-nerve
  3. Neuroanatomy, Cranial Nerve 1 (Olfactory): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK556051/
  4. What Is Anosmia?: https://www.webmd.com/brain/anosmia-loss-of-smell
  5. Chapter 59 - Cranial Nerve I: The Olfactory Nerve: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK382/ 

Các bệnh liên quan