Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Đầu/
  4. Đau đỉnh đầu

Đau đỉnh đầu: Nguyên nhân và điều trị

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Đau đỉnh đầu là triệu chứng thường gặp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ bao gồm thiếu ngủ, mất nước hoặc có thể do bệnh lý nghiêm trọng khác như đột quỵ hay tăng huyết áp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung đau đỉnh đầu

Đau đỉnh đầu là gì?

Đau ở đỉnh đầu tạo cho bạn cảm giác như có vật nặng đè lên hoặc như có dải băng chặt quanh đầu. Tình trạng này có thể do nhiều loại đau đầu khác nhau, bao gồm đau đầu do căng thẳng hoặc đau nửa đầu

Triệu chứng đau đỉnh đầu

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau đỉnh đầu

Khi bị đau đỉnh đầu bạn thường cảm thấy như có một vật nặng đè lên, gây ra cơn đau nhói. Ngoài ra, bạn có thể trải qua các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, đau hàm, đau cổ, và nhạy cảm với tiếng ồn hoặc ánh sáng. Trong những trường hợp hiếm gặp liên quan đến các bệnh nghiêm trọng, bạn có thể không chỉ bị đau mà còn gặp phải tình trạng chảy máu cam, khó thở hoặc lo âu.

Tác động của đau đỉnh đầu đối với sức khỏe

Đau đỉnh đầu kéo dài mà không được điều trị có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Gồm:

  • Cơn đau đầu mạn tính: Nếu không được điều trị, đau có thể trở thành mạn tính và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn
  • Rối loạn tâm lý: Lo âu và trầm cảm có thể gia tăng do cơn đau kéo dài.
  • Giảm khả năng tập trung: Đau đầu có thể làm suy giảm khả năng tập trung và hiệu suất làm việc của bạn.
Đau đỉnh đầu: Nguyên nhân và điều trị 1.jpg
Đau đỉnh đầu có thể làm giảm hiệu suất làm việc của bạn

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong hầu hết các trường hợp, đau đầu ở đỉnh đầu không phải là triệu chứng đáng lo ngại, nhưng nếu đau đầu nghiêm trọng, dai dẳng hoặc kèm theo các triệu chứng khác, hãy đến khám ở cơ sở y tế gần nhất.

  • Đau đầu kèm theo sốt;
  • Đau đầu đột ngột, dữ dội;
  • Đau đầu đột ngột kèm theo cứng cổ;
  • Đau đầu kèm theo co giật;
  • Đau đầu kèm theo lú lẫn;
  • Đau đầu kèm theo mất ý thức;
  • Đau đầu sau khi bị đánh vào đầu;
  • Đau đầu dai dẳng ở người trước đây không bị đau đầu;
  • Đau đầu tái phát ở trẻ em.

Nguyên nhân đau đỉnh đầu

Nguyên nhân dẫn đến đau đỉnh đầu

Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây ra đau đỉnh đầu. Bao gồm các loại đau đầu khác nhau, các vấn đề về thần kinh và các nguyên nhân hiếm gặp hơn. Một số tình trạng đau đầu khác nhau có thể gây ra đau đỉnh đầu gồm:

Đau đỉnh đầu do mất nước

Khi lượng dịch trong cơ thể bạn thấp, não và các mô khác trong cơ thể bạn sẽ co lại. Khi não bạn co lại sẽ làm tăng áp lực lên dây thần kinh gây đau.

Đau đỉnh đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng là một nguyên nhân đau đỉnh đầu phổ biến nhất. Khoảng 78% dân số sẽ bị đau đỉnh đầu do căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Trong đau đỉnh đầu do căng thẳng, cơn đau có thể giống như đang bóp nghẹt hoặc đè nặng lên đỉnh đầu. Bạn cũng có thể cảm thấy đau ở cổ hoặc vai. Đau đỉnh đầu do căng thẳng thường khó chịu nhưng không nghiêm trọng. Chúng có thể kéo dài từ 30 phút đến một tuần, nhưng thời gian trung bình là 4 đến 6 giờ.

Đau nửa đầu

Bệnh đau nửa đầu (hay đau đầu Migraine) là một tình trạng thần kinh gây ra chứng đau đầu dữ dội và suy nhược. Bệnh có thể gây ra cơn đau ở đỉnh đầu, ngoài ra có thể xuất hiện ở hoặc lan sang một bên đầu hoặc sau gáy.

Các triệu chứng khác có thể gặp trong bệnh đau nửa đầu gồm nhạy cảm với ánh sáng, nhạy cảm với âm thanh, buồn nôn và nôn, rối loạn thị giác. Bệnh đau nửa đầu có thể là từng cơn hoặc mãn tính, tùy thuộc vào tần suất các cơn đau đầu xảy ra.

Đau đầu mạn tính

Đau đầu mạn tính được chẩn đoán khi bạn bị đau đầu ít nhất 15 ngày trong một tháng trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Đây là thuật ngữ chung mà các bác sĩ sử dụng để chỉ nhiều tình trạng bệnh. Đau đầu mạn tính có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau.Bao gồm:

  • Đau nửa đầu, có thể là mạn tính hoặc từng cơn.
  • Đau đầu do căng thẳng.
  • Đau đầu từng cơn, là những cơn đau đầu dữ dội xảy ra theo từng cơn sau đó là những giai đoạn không đau đầu.
  • Đau đầu dai dẳng, một tình trạng đau đầu hiếm gặp không phải do rối loạn khác gây ra.

Các triệu chứng khác có thể đi kèm gồm cơn đau nhói như điện giật, đau âm ỉ, các triệu chứng tăng lên khi cử động.

Đau đầu từng cơn

Đau đầu từng cơn xảy ra theo nhóm, xuất hiện đột ngột ở một bên đầu, thường là sau mắt, gây đau dữ dội cũng như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi và chảy nước mắt.

Đau đầu từng cơn có thể xảy ra để đáp ứng với các tác nhân kích thích như:

  • Xem tivi;
  • Uống rượu;
  • Thời tiết nóng;
  • Căng thẳng.

Đau đầu từng cơn có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng nhưng có thể dừng lại trong vài năm.

Viêm xoang hoặc dị ứng

Viêm hoặc tắc nghẽn do nhiễm trùng hoặc dị ứng có thể dẫn đến đau đầu. Xoang có thể bị viêm và tắc nghẽn do chất nhầy, gây áp lực lên đầu và có thể gây đau đầu.

Đau đầu do thiếu ngủ

Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể bạn phải làm việc nhiều hơn để duy trì sự tỉnh táo và tập trung. Khi điều này xảy ra, cơ thể bạn gặp vấn đề trong việc kiểm soát việc giải phóng hormone ảnh hưởng đến giấc ngủ. Sự mất cân bằng này có thể làm tăng hoặc gây ra chứng đau đầu.

Khi mệt mỏi, bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc tâm trạng thay đổi, điều này có thể gây ra đau đỉnh đầu do căng thẳng.

Đau đỉnh đầu: Nguyên nhân và điều trị 2.jpg
Đau đầu do thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây đau đỉnh đầu

Đau đầu do lạm dụng thuốc

Việc thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc theo toa có thể dẫn đến đau đầu do lạm dụng hoặc đau đầu do tái phát. Nếu bạn mắc các bệnh đau đầu khác, chẳng hạn như chứng đau nửa đầu dai dẳng, đặc biệt dễ bị đau đầu do lạm dụng thuốc.

Nguyên nhân hiếm gặp gây đau đỉnh đầu

Đau đầu ở đỉnh đầu cũng có thể do các tình trạng hiếm gặp gây ra như:

  • Phình động mạch não: Là những nơi mạch máu bị phình ra hay vị trí yếu ở trên thành động mạch trong não. Nếu phình động mạch não vỡ, nó có thể gây ra đột quỵ xuất huyết hoặc chảy máu trong não. Bệnh có thể gây thay đổi thị lực, khó nói, mất ý thức và thậm chí tử vong.
  • Xuất huyết não: Điều này có thể xảy ra khi máu thoát ra khỏi động mạch hoặc tĩnh mạch và đi vào mô não.
  • Huyết áp cao: Hiếm khi gây đau đỉnh đầu, nhưng theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lưu ý nếu huyết áp từ 180/120mmHg trở lên có thể gây đau đỉnh đầu.
Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo
  1. Headache on the Top of the Head: https://www.healthline.com/health/headache-on-top-of-head
  2. What Causes a Headache on Top of Your Head?: https://www.health.com/headache-on-top-of-head-7187347
  3. What does a headache on top of the head mean?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321308
  4. What Does a Headache on the Top of Your Head Mean?: https://www.webmd.com/migraines-headaches/headache-on-top-of-head
  5. What Causes a Headache on the Top of Your Head?: https://www.verywellhealth.com/headache-on-top-of-head-5213399

Câu hỏi thường gặp về bệnh đau đỉnh đầu

Làm thế nào để thoát khỏi chứng đau đỉnh đầu?

Bạn có thể giảm đau đỉnh đầu bằng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen. Ngoài ra bạn có thể thử kỹ thuật thư giãn, uống nhiều nước hơn và liệu pháp massage để giúp cải thiện tình trạng của bạn.

Đau đỉnh đầu do mất nước có cảm giác như thế nào?

Tôi có thể giảm đau đỉnh đầu tự nhiên tại nhà được không?

Đau nửa đầu có thể gây đau ở đỉnh đầu không?

Tôi có thể sử dụng châm cứu điều trị đau đỉnh đầu không?

Hỏi đáp (0 bình luận)