Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tim mạch/
  4. Hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Hở van động mạch chủ (Aortic Valve Regurgitation) chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh lý về tim mạch. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh. Thống kê cho thấy, khoảng 10.000 người ở độ tuổi 30 – 60 sẽ có 1 người mắc bệnh hở van động mạch chủ. Bệnh hở van động mạch chủ ít phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Đa số các trường hợp hở van động mạch chủ tiến triển chậm và bệnh nhân hầu như không có bất cứ triệu chứng nào trong thời gian đầu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ là gì?

Van động mạch chủ nằm giữa thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ ngăn dòng máu từ động mạch chủ chảy trở ngược về thất trái khi đóng lại ở thời kỳ tâm trương, giúp máu lưu thông từ tim đến các cơ quan.

Hở van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ không đóng kín trong thời kỳ tâm trương, làm cho dòng máu dội ngược từ động mạch chủ về thất trái dẫn đến làm giảm cung lượng tim và quá tải thể tích thất trái.

Triệu chứng hở van động mạch chủ

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ tiến triển chậm, những người mắc hở van động mạch chủ có thể không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào trong nhiều năm. Nhưng khi triệu chứng xuất hiện, thì có thể bệnh đã ở mức độ nguy hiểm. Hở van động mạch chủ gồm hai loại: Hở van động mạch chủ cấp tính và hở van động mạch chủ mạn tính.

Hở van động mạch chủ cấp tính:

Thường biểu hiện bằng suy tim cấp trên lâm sàng, các biểu hiện: Mệt mỏi, khó thở, hạ huyết áp, phù phổi cấp có thể sốc tim. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực dữ dội, dấu hiệu nhiễm khuẩn trong viêm nội tâm mạc.

Hở van động mạch chủ mạn tính:

Thường không gây triệu chứng trong một thời gian dài đến khi chức năng tim giảm đi. Triệu chứng sẽ nặng dần theo thời gian và mức độ hở. Bệnh nhân thường đi khám khi có các dấu hiệu:

  • Khó thở: Khó thở khi gắng sức, dần dần xuất hiện khó thở khi nằm và cơn khó thở kịch phát về đêm;
  • Mệt mỏi và suy nhược không rõ nguyên nhân, đặc biệt khi tăng dần mức độ hoạt động, cảm giác kiệt sức sau một ngày làm việc;
  • Đau thắt ngực thường xuất hiện khi bệnh nhân hở van động mạch chủ nặng, thường tăng lên khi vận động;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Hồi hộp, mạch không đều (loạn nhịp tim), đánh trống ngực, tim đập nhanh và mạnh, vã mồ hôi;
  • Phù chân (mắt cá và bàn chân);
  • Chênh lệch lớn giữa huyết áp tâm thu và tâm trương.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:

  • Suy tim: Lượng máu từ động mạch chủ dội ngược về thất trái làm cho thất trái giãn dần ra (quá tải thể tích thất trái), đến khi cơ tim không còn bù trừ được dẫn đến suy giảm co bóp và suy tim;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Dòng máu dội ngược từ động mạch chủ về thất trái gây tổn thương lớp nội mạc tim, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nhiễm trùng hay áp-xe;
  • Loạn nhịp tim;
  • Tử vong: Nếu không được điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời, dẫn đến suy tim không hồi phục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân hở van động mạch chủ

Nguyên nhân dẫn đến hở van động mạch chủ

Nguyên nhân dẫn đến hở van động mạch chủ có thể do bệnh lý tại lá van hay do gốc van động mạch chủ:

Bệnh lý tại các lá van động mạch chủ:

  • Van động mạch chủ 2 mảnh hoặc 1 mảnh bẩm sinh;

  • Bệnh van động mạch chủ hậu thấp (tổn thương van hậu thấp), xảy ra sau thấp tim 10 – 20 năm;

  • Thoái hóa vôi van ĐMC ở người cao tuổi, có bệnh lý xơ vữa động mạch;

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn;

  • Chấn thương làm tổn thương các lá van;

  • Sau can thiệp thủ thuật: Biến chứng của thay van động mạch chủ qua da (TAVI).

Bệnh lý tại gốc van động mạch chủ gây giãn vòng van, van không đóng kín được:

  • Hội chứng Marfan, hội chứng Ehler–Danlos;

  • Viêm động mạch chủ do giang mai;

  • Phình, bóc tách thành động mạch chủ.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-valve-regurgitation/symptoms-causes/syc-20353129

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-valve-regurgitation/diagnosis-treatment/drc-20353135

  3. https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/valvular-disorders/aortic-regurgitation

  4. https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/16745-aortic-valve-surgery

Hỏi đáp (0 bình luận)