Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Teo não là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Teo não (Cerebral Atrophy hay Brain Atrophy) là tình trạng mất đi các tế bào thần kinh (neuron) và các kết nối của neuron trong các mô não. Teo não xảy ra trong nhiều rối loạn gây ảnh hưởng đến não bao gồm cả đột quỵ và bệnh Alzheimer.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Teo não là gì?

Teo não (Cerebral Atrophy hay còn có tên tiếng anh khác là Brain Atrophy), là tình trạng mất đi các tế bào thần kinh ở não được gọi là các neuron. Teo não cũng dẫn đến phá hủy các kết nối giúp các tế bào giao tiếp với nhau.

Theo thời gian, mọi người có thể sẽ mất một số tế bào não khi già đi và thể tích não cũng giảm theo. Nhưng thuật ngữ teo não được sử dụng khi một người có nhiều thay đổi về não hơn so với tuổi của họ, xảy ra nhanh hơn quá trình lão hóa thông thường.

Teo não là kết quả của nhiều bệnh lý khác nhau gây tổn thương não, bao gồm:

  • Đột quỵ;
  • Bệnh Alzheimer;
  • Chấn thương sọ não;
  • Bệnh đa xơ cứng;
  • Nhiễm trùng.

Teo não có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau ở não, tùy thuộc vào bệnh lý liên quan, ví dụ như:

  • Teo khu trú: Teo não có thể khu trú, ảnh hưởng đến các tế bào ở một số vùng của não và làm giảm chức năng kiểm soát của vùng não đó.
  • Teo lan tỏa: Teo não cũng có thể lan rộng, ảnh hưởng đến các tế bào trên toàn bộ não của bạn.

Một số tình trạng gây teo não sẽ tiến triển dần, trong khi một số khác có thể kiểm soát được. Mỗi tình trạng gây teo não đều được điều trị khác nhau, bằng thuốc, phẫu thuật hoặc kháng sinh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của teo não

Các triệu chứng của teo não sẽ khác nhau tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào bệnh hay rối loạn gây teo não, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chứng sa sút trí tuệ (mất khả năng suy nghĩ, lý luận hoặc ghi nhớ đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động hằng ngày của một người);
  • Mất phương hướng;
  • Co giật;
  • Khó giao tiếp;
  • Mất trí nhớ;
  • Mất phối hợp;
  • Yếu khu trú, mất cảm giác hoặc liệt;
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;
  • Rối loạn trong việc nói và hiểu ngôn ngữ (mất ngôn ngữ).

Biến chứng có thể gặp khi mắc teo não

Teo não có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau do ảnh hưởng lan toả hoặc khu trú ở não của bạn. Các triệu chứng như sa sút trí tuệ, mất ngôn ngữ, yếu liệt… đến cuối cùng đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, giao tiếp, cản trở sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Tuổi thọ của người bệnh teo não có thể bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân dẫn đến teo não. Ví dụ như những người mắc bệnh Alzheimer sống trung bình từ 4 đến 8 năm sau khi được chẩn đoán. Những đối tượng mắc bệnh đa xơ cứng có tuổi thọ gần như bình thường nếu tình trạng của họ được điều trị hiệu quả.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc người thân của bạn gặp các triệu chứng liên quan đến teo não ví dụ như mất ngôn ngữ, sa sút trí tuệ, các vấn đề về thị giác, co giật. Hãy đến gặp bác sĩ hoặc đưa người thân đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Bên cạnh đó, có thể các triệu chứng của teo não là báo hiệu của tình trạng đột quỵ, do các triệu chứng này hầu như không đặc hiệu. Do đó, hãy đến cấp ngay ngay khi có các triệu chứng như:

  • Vấn đề về thăng bằng;
  • Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt;
  • Không hiểu lời nói;
  • Tê, yếu ở tay hoặc chân hay mất khả năng đi lại;
  • Đau đầu hoặc chóng mặt dữ dội.
tn4.jpg
Mất ngôn ngữ có thể là triệu chứng của teo não hoặc các bất thường khác tại não như đột quỵ

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến teo não

Teo não có thể xảy ra sau chấn thương sọ não hoặc đột quỵ. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm các bệnh lý viêm nhiễm như:

  • Viêm não;
  • Bệnh giang mai thần kinh;
  • HIV.

Trong một số trường hợp, teo não có thể xảy ra do các rối loạn hoặc bệnh lý mạn tính như:

  • Bại não;
  • Bệnh đa xơ cứng;
  • Bệnh Huntington;
  • Sa sút trí tuệ thùy trán;
  • Bệnh Alzheimer;
  • Bệnh Pick;
  • Bệnh não ty thể (Mitochondrial Encephalomyopathies), một nhóm rối loạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh;
  • Loạn dưỡng chất trắng (Leukodystrophies), một nhóm tình trạng di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
tn5.jpg
 Các bệnh lý như sa sút trí tuệ thùy trán, bệnh Alzheimer có thể dẫn đến teo não

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc teo não?

Mọi đối tượng đều có thể mắc teo não, tuy nhiên một nghiên cứu ở Tanzania báo cáo rằng tỷ lệ mắc teo não cao hơn ở nam giới. Tỷ lệ teo não cao hơn này có thể được dự đoán trước và có thể tăng nhanh do các bệnh lý như đột quỵ, bệnh não do rượu, xơ gan, đái tháo đường. 

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng nam giới có nhiều bệnh teo não do lão hóa hơn so với nữ giới. Độ tuổi phổ biến của teo não là ở người lớn từ 60 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc teo não

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc teo não chẳng hạn như:

  • Tuổi cao;
  • Tiền căn gia đình mắc các rối loạn di truyền như bệnh Huntington;
  • Tiền sử gia đình mắc các rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer;
  • Trải qua chấn thương đầu hoặc não;
  • Uống nhiều rượu (Rối loạn sử dụng rượu);
  • Hút thuốc lá.
tn6.jpg
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến teo não

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán teo não

Để chẩn đoán teo não hay bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào dẫn đến teo não, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thực hiện thăm khám cho bạn, bao gồm:

  • Hỏi triệu chứng bệnh: Các triệu chứng bắt đầu khi nào, có xảy ra thường xuyên hay có trở nên tệ hơn theo thời gian hay không? Bác sĩ cũng có thể hỏi thêm các yếu tố liên quan đến các triệu chứng của bạn.
  • Tiền căn: Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh của bạn cũng như của gia đình bạn.
  • Thăm khám: Bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá tổng thể cũng như khám các chức năng cụ thể như khám thần kinh. Có thể bao gồm việc khám các vận động phối hợp, khám ngôn ngữ, trí nhớ, chuyển động mắt.

Đối với xét nghiệm hình ảnh học, teo não có thể được thấy dưới hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não. Chụp CT scan có thể phát hiện teo não, nhưng MRI nhạy hơn trong việc phát hiện tổn thương xảy ra khu trú ở não.

Phương pháp điều trị teo não

Không có phương pháp điều trị chung cho chứng teo não, vì nó có thể là dấu hiệu của một hay nhiều tình trạng bệnh khác nhau. Do đó, lựa chọn điều trị teo não sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân của chúng:

  • Đột quỵ: Bạn sẽ được chăm sóc khẩn cấp, điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết (nếu có thể) để làm tan cục máu đông. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện. Bạn cũng được phục hồi chức năng và sử dụng các thuốc để giúp ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác.
  • Chấn thương sọ não: Có thể được điều trị bằng phẫu thuật nhằm ngăn ngừa tổn thương thêm cho các tế bào não.
  • Bệnh đa xơ cứng: Được điều trị bằng các thuốc giúp ngăn chặn cuộc tấn công của hệ thống miễn dịch, hạn chế tổn thương các tế bào thần kinh. Các thuốc có thể bao gồm ocrelizumab, glatiramer acetate, fingolimod.
  • HIV/AIDS: Nhiễm HIV và một số loại viêm não có thể được điều trị với thuốc kháng virus. Steroid và thuốc kháng thể đặc biệt có thể điều trị viêm não tự miễn.
  • Giang mai thần kinh: Được điều trị bằng kháng sinh giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh và các biến chứng khác của bệnh.

Không có phương pháp điều trị thực sự nào cho tổn thương não do bệnh Alzheimer, các dạng sa sút trí tuệ khác, bại não, bệnh Huntington hoặc loạn dưỡng chất trắng. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm giảm triệu chứng của các tình trạng này, nhưng không điều trị hết được nguyên nhân của chúng. 

tn7.png
Một số loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng nhưng không điều trị được nguyên nhân, ví dụ như tổn thương não ở bệnh Alzheimer

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của teo não

Chế độ sinh hoạt:

Teo não có xu hướng cố định, nghĩa là bạn không thể đảo ngược được các tổn thương đã xảy ra.

Nếu đã được chẩn đoán teo não và nguyên nhân dẫn đến teo não, việc tuân thủ điều trị, điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng và giảm thiểu các tác động của chúng đến cuộc sống của bạn.

Do đó, việc quan trọng để giúp hạn chế diễn tiến bệnh là việc điều trị và tái khám đầy đủ. Việc này giúp bạn kiểm soát được các tình trạng cơ bản và bù đắp một số triệu chứng, để bạn có thể có một cuộc sống chất lượng hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

Tham vấn ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa teo não hiệu quả

Theo thời gian, thể tích não có thể thay đổi theo quá trình lão hóa bình thường. Nhưng việc duy trì những thói quen lành mạnh có thể giảm một số yếu tố nguy cơ dẫn đến teo não và giúp cải thiện cuộc sống hằng ngày:

  • Ăn chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, ít cholesterol, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải.
  • Ngủ đủ giấc và tập thể dục hàng ngày.
  • Tìm những cách lành mạnh để kiểm soát căng thẳng.
  • Tuân thủ điều trị các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áprối loạn lipid máu, đái tháo đường.
  • Bỏ hút thuốc lá hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ để ngừng hút thuốc lá.
  • Giảm sử dụng rượu.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ để quản lý các yếu tố nguy cơ khác (nếu có).
Nguồn tham khảo
  1. Brain Atrophy: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22515-brain-atrophy
  2. Brain Atrophy (Cerebral Atrophy): https://www.healthline.com/health/brain-atrophy
  3. What to know about brain atrophy?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/327435
  4. Study Shows Life Expectancy for People with MS Increasing Over Time, But Still Lower Than the General Population – Treating other medical conditions may increase lifespan: https://www.nationalmssociety.org/About-the-Society/News/Study-Shows-Life-Expectancy-for-People-with-MS-Inc
  5. Prevalence and risk factors of brain atrophy and associated confusion state among adults from three hospitals in northern Tanzania: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10280697/ 

Các bệnh liên quan

  1. Mất ngủ sau sinh

  2. Moyamoya

  3. Viêm mống mắt

  4. Động kinh toàn thể

  5. Hạ magie máu

  6. Phì đại tuyến vú

  7. Suy tim giai đoạn cuối

  8. Suy tim mạn tính

  9. Tim bẩm sinh không tím

  10. Hội chứng suy giảm miễn dịch