Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngủ ngáy là gì? Những vấn đề cần biết về ngủ ngáy

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngáy là một tình trạng phổ biến có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Ngáy có thể chỉ thỉnh thoảng xuất hiện và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nên không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, đối với một số người, chứng ngủ ngáy có thể là một vấn đề mãn tính, gợi ý một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng liên quan bệnh lý đường hô hấp hay tim mạch. Chứng ngủ ngáy có thể cải thiện khi thay đổi lối sống, sử dụng các thiết bị y tế hoặc phẫu thuật có thể làm giảm tình trạng ngáy gián đoạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ngủ ngáy là gì?

Theo Học viện Tai mũi họng Hoa Kỳ (AAO), có tới 45% người Mỹ trưởng thành có tình trạng ngáy và 25% có ngủ ngáy thường xuyên. Ngáy là âm thanh ồn ào phát ra từ họng khi ngủ do sự rung động do luồng khí qua các mô mềm vòm họng. Vòm miệng mềm và lưỡi gà rung lên và đập vào thành sau cổ họng khiến đường đi bị thu hẹp hoặc bị tắc làm cản trở luồng không khí gây ra ngáy. 

Ngáy là một vấn đề phổ biến nhưng mức độ nghiêm trọng và khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của nó có thể nặng nhẹ khác nhau. Ngủ ngáy có thể chỉ là một triệu chứng sinh lý bình thường không ảnh hưởng gì, nhưng cũng có thể là một trong những triệu chứng chính của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và có thể liên quan đến các bệnh tật tiềm ẩn về tim mạch, bệnh hô hấp,…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngủ ngáy

Bản thân người mắc bệnh có thể không biết mình ngáy mà người thân, người ngủ cùng mới là người phát hiện ra triệu chứng này. Trong khi ngủ, các cơ thả lỏng và gây hẹp đường thở, khi hít vào và thở ra, không khí chuyển động làm cho các mô rung lên và tạo ra tiếng ồn. 

Khi ngáy liên quan rối loạn giấc ngủ được gọi là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). OSA thường có đặc điểm là ngáy to kèm theo đó là những khoảng thời gian im lặng ngừng thở, sau đó người mắc có thể thức dậy với tiếng khịt mũi hoặc thở hổn hển, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. 

Khi ngáy đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào sau đây đều có thể gợi ý bệnh lý này:

  • Ngủ ngày quá nhiều;
  • Khó tập trung;
  • Đau đầu buổi sáng;
  • Đau họng khi thức dậy;
  • Giấc ngủ không sâu;
  • Thở hổn hển hoặc nghẹt thở vào ban đêm;
  • Huyết áp cao;
  • Đau ngực về đêm;
  • Tiếng ngáy quá to;
  • Ở trẻ em thì khả năng tập trung kém, thành tích học tập kém.
Ngủ ngáy là gì? Những vấn đề cần biết về Ngủ ngáy 1.jpg
Ngủ ngáy thường chỉ được nhận biết bởi người thân xung quanh

Tác động của ngủ ngáy đối với sức khỏe

Ngáy không hẳn là xấu, hầu hết chúng ta đều ngáy ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đôi khi chứng ngủ ngáy có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ nhiều hơn về ban ngày, giảm chất lượng cuộc sống, khó tập trung, dễ gây tai nạn giao thông, mất tự tin, lo lắng về sức khỏe bản thân, ảnh hưởng người xung quanh,...

Biến chứng có thể gặp khi ngủ ngáy

Ngủ ngáy không liên quan chất lượng giấc ngủ có thể là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng khi liên quan đến giấc ngủ có thể gây những hậu quả như cao huyết áp, đột quỵ, bệnh lý tim, tiểu đường,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi chứng ngủ ngáy ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng làm việc, sự tỉnh táo ban ngày, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ngủ ngáy

Ngáy có thể do một số nguyên nhân như bất thường giải phẫu vùng miệng và xoang, uống rượu thường xuyên, bệnh dị ứng, cảm lạnh, thừa cân, béo phì,... Khi ngủ gật hay khi chuyển từ giấc ngủ nông sang giấc ngủ sâu, các cơ ở vòm miệng, lưỡi và cổ họng sẽ thư giãn và chặn một phần đường thở. Đường thở càng bị thu hẹp thì luồng không khí càng mạnh làm tăng độ rung của mô khiến tiếng ngáy ngày càng to hơn. 

Tóm lại các tình trạng sau đây có thể ảnh hưởng, gây hẹp đường thở và gây ngáy:

Bất thường giải phẫu miệng: Vòm miệng mềm, dày và thấp có thể thu hẹp đường thở. Thừa cân có thể làm mô ở phía sau cổ họng to hơn khiến đường thở của họ bị thu hẹp. Tương tự như vậy, nếu lưỡi gà bị kéo dài ra, luồng không khí có thể bị cản trở và độ rung tăng lên.

Uống rượu: Ngáy cũng có thể xảy ra do uống quá nhiều rượu trước khi đi ngủ. Rượu làm thư giãn cơ vùng cổ - họng và làm giảm khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại tắc nghẽn đường thở.

Vấn đề về mũi: Nghẹt mũi mãn tính hoặc vẹo vách ngăn mũi có thể góp phần khiến bạn ngáy.

Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc có thể khiến cổ họng thư giãn nhiều hơn nữa khi ngủ cũng gây ra ngáy.

Tư thế ngủ: Ngáy thường xảy ra thường xuyên nhất và to nhất khi ngủ nằm ngửa vì tác động của trọng lực lên cổ họng làm hẹp đường thở.

Ngủ ngáy là gì? Những vấn đề cần biết về Ngủ ngáy 2.jpg
Tư thế ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây ngáy

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ngủ ngáy?

Nam giới là đối tượng dễ mắc chứng ngủ ngáy hơn nữ giới. Ngủ ngáy phổ biến hơn ở tuổi già đi vì trương lực cơ giảm khiến đường thở hẹp. Người mang thai cũng dễ ngáy hơn do thay đổi nội tiết tố.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ngủ ngáy

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng ngủ ngáy gồm:

  • Thừa cân: Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng ngáy hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Đường thở hẹp: Một số người có thể có vòm miệng mềm dài, amidan to hoặc vòm họng lớn có thể thu hẹp đường thở và gây ngáy.
  • Uống rượu: Rượu làm thư giãn cơ cổ họng làm tăng nguy cơ ngáy.
  • Vấn đề về mũi: Các khiếm khuyết về cấu trúc trong đường thở như vách ngăn bị lệch hoặc mũi bị tắc nghẽn mãn tính làm tăng nguy cơ ngủ ngáy.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngủ ngáy

Những người không có triệu chứng hoặc dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ngoài việc ngáy không cần kiểm tra nhưng phải được theo dõi lâm sàng để phát hiện các biểu hiện như vậy. Các bác sĩ có thể kiểm tra mũi, miệng, cổ họng và khai thác thông tin thông qua một số câu hỏi như: Tần suất ngủ ngáy, âm sắc cũng như độ to tiếng ngáy, cảm giác buồn ngủ ban ngày,... 

Ngoài ra các bác sĩ có thể đánh giá chất lượng giấc ngủ (đa ký giấc ngủ) để tìm hiểu các đặc tính về giấc ngủ như:

  • Hoạt động sóng não;
  • Kiểu thở;
  • Nhịp tim và nồng độ oxy trong máu;
  • Chuyển động trong khi ngủ (như cử động tay chân hoặc trằn trọc và xoay người);
  • Chu kỳ giấc ngủ và ngáy.
Ngủ ngáy là gì? Những vấn đề cần biết về Ngủ ngáy 3.jpg
Đa ký giấc ngủ giúp theo dõi chất lượng giấc ngủ và các khoảng ngưng thở khi ngủ

Ngoài ra, một số cận lâm sàng hình ảnh như X-quang, MRI hoặc CT có thể tìm kiếm các vấn đề trong đường thở.

Phương pháp điều trị ngủ ngáy

Nội khoa

Các biện pháp chữa ngáy không phẫu thuật tập trung vào việc cải thiện tư thế ngủ hoặc mở rộng đường thở tự nhiên như:

Thay đổi lối sống: Thay đổi tư thế ngủ, tránh đồ uống có chứa cồn và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm chứng ngáy.

Thuốc: Thuốc điều trị cảm lạnh, thuốc chống dị ứng làm giảm nghẹt mũi, thông thoáng đường thở và giúp bạn thở dễ dàng.

Dụng cụ miệng: Đeo thiết bị miệng khi ngủ giúp hàm của bạn ở đúng vị trí để không khí có thể lưu thông. Miếng bảo vệ miệng được sử dụng cho các mục đích khác (miếng dán trong thể thao) sẽ không giải quyết được chứng ngáy.

Ngoại khoa

Mục tiêu của phẫu thuật là thu nhỏ hoặc loại bỏ mô thừa hoặc chỉnh sửa cấu trúc điều trị chứng ngáy nặng. Phương pháp điều trị phẫu thuật có thể bao gồm:

Phẫu thuật tạo hình vòm miệng được hỗ trợ bằng laser (LAUP): LAUP làm giảm mô mềm trong vòm miệng và cải thiện luồng không khí.

Phẫu thuật tạo hình vách ngăn mũi: Phẫu thuật tạo hình vách ngăn giúp cải thiện luồng không khí qua mũi bằng cách định hình lại sụn và xương mũi.

Cắt amidan: Cắt amidan phía sau cổ họng hoặc phía sau mũi của bạn giúp đường thở thông thoáng hơn.

Ngủ ngáy là gì? Những vấn đề cần biết về Ngủ ngáy 4.jpg
Dụng cụ chỉnh hàm có thể hạn chế chứng ngủ ngáy

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến ngủ ngáy

Thay đổi lối sống như không sử dụng chất kích thích, tập thể dục thể thao, giảm cân, điều trị các bệnh lý đường thở,... giúp hạn chế diễn tiến bệnh và giảm ngáy.

Phòng ngừa ngủ ngáy

Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn ngừng hoặc giảm ngáy như:

  • Tránh dùng thuốc an thần (như zolpidem, clonazepam và eszopiclone) hoặc đồ uống có chứa cồn trước khi đi ngủ.
  • Luôn năng động, tập thể dục nhiều và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Nâng cao đầu khi ngủ để cải thiện luồng không khí hoặc mua một chiếc gối giảm ngáy để giữ đầu bạn ở đúng tư thế khi ngủ.
  • Ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa.

Các câu hỏi thường gặp về ngủ ngáy

Tại sao ngừng hút thuốc lá có thể giảm ngáy?

Từ bỏ hút thuốc làm giảm viêm và sưng tấy trong đường thở có thể góp phần làm hẹp đường thở, từ đó làm giảm chứng ngủ ngáy.

Tại sao ngủ nghiêng giúp giảm ngáy?

Ngủ nghiêng có thể ngăn lưỡi trượt về phía sau cổ họng và góp phần làm tắc nghẽn hoặc thu hẹp đường thở.

Có nên uống thuốc hay xịt mũi lâu dài không?

Thuốc thông mũi (uống, xịt) và corticosteroid mũi đều làm giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều thuốc thông mũi có thể gây tắc nghẽn trở lại. Nó làm cho màng nhầy của bạn sưng lên nhiều hơn trước khi bạn sử dụng thuốc xịt.

Ngáy có thể xuất hiện lúc nào trong giấc ngủ?

Giấc ngủ bao gồm nhiều giai đoạn, nhưng nhìn chung có thể được chia thành giai đoạn REM (chuyển động mắt nhanh) và giai đoạn không REM. Ngáy có thể xảy ra trong tất cả hoặc chỉ một số giai đoạn của giấc ngủ. Ngáy thường gặp nhất trong giấc ngủ REM do mất trương lực cơ của giai đoạn này. Trong giấc ngủ REM, não sẽ gửi tín hiệu đến tất cả các cơ trên cơ thể để thư giãn. Lưỡi, vòm miệng và cổ họng có thể xẹp xuống khi chúng thư giãn có thể khiến đường thở bị thu hẹp và khiến tình trạng ngáy trở nên trầm trọng hơn.

Thuốc và rượu ảnh hưởng đến chứng ngáy như thế nào?

Một số loại thuốc cũng như rượu có thể làm tăng cường sự thư giãn của cơ vòm họng trong khi ngủ. Điều này dẫn đến đường thở nhỏ hơn và độ rung mô lớn hơn. Mặt khác, một số loại thuốc khuyến khích giấc ngủ sâu hơn cũng có thể khiến tình trạng ngáy trở nên trầm trọng hơn.

Nguồn tham khảo
  1. Snoring and Sleep: https://www.sleepfoundation.org/snoring
  2. Snoring: https://www.healthline.com/health/snoring
  3. Snoring: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/snoring
  4. Snoring: https://www.msdmanuals.com/professional/neurologic-disorders/sleep-and-wakefulness-disorders/snoring
  5. Snoring: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/snoring/diagnosis-treatment/drc-20377701
  6. Snoring: https://www.nhs.uk/conditions/snoring/
  7. Snoring: https://www.webmd.com/sleep-disorders/sleep-apnea/snoring
  8. Snoringb https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15580-snoring
  9. Snoring: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/snoring/symptoms-causes/syc-20377694

Các bệnh liên quan