Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tim to gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tim to là một dấu hiệu phản ánh cơ thể đang mắc một bệnh lý nào đó khiến tim phải hoạt động gắng sức hơn bình thường để cung cấp máu cho cơ thể, dẫn đến thành tim dày lên, yếu đi hoặc làm tim bị sưng lên. Khi phát hiện tim to, cần tìm hiểu nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm do các bệnh về tim mang lại.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tim to là gì? 

Như tên gọi của nó, tim to đề cập đến việc trái tim bỗng nhiên to hơn bình thường, được nhận thấy bởi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Đây không phải bệnh mà là một dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý khác.

Tim to có thể do tổn thương cơ tim hoặc bất kỳ tình trạng nào khiến thành tim dày lên và tim phải bơm mạnh hơn bình thường để cung cấp máu đến các cơ quan khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tim to

Tim to có thể không gây ra triệu chứng gì hoặc bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi nằm thẳng;

  • Hụt hơi khi thức dậy;

  • Mệt mỏi;

  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim);

  • Sưng, phù ở bụng hoặc ở chân.

Tác động của tim to đối với sức khỏe 

Tim to không phải là bệnh mà là một trong những dấu hiệu gợi ý bệnh lý khác, thường là có liên quan đến tim. Do vậy, bệnh nhân có thể có một số triệu chứng của bệnh tim mạch, huyết áp như nhịp tim không đều, loạn nhịp, khó thở…

Biến chứng có thể gặp khi mắc tim to

Khi kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy tim to, cần tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:

  • Suy tim có thể xảy ra khi tâm thất trái bị mở rộng.

  • Có thể hình thành các cục máu đông trong niêm mạc của tim. Chúng có thể di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi hoặc chặn dòng chảy của máu gây ra các cơn đau tim hay đột quỵ.

  • Tim to có thể ngăn các van tim đóng lại, khiến dòng máu bị rò rỉ ngược trở lại, tạo ra âm thanh gọi là tiếng thổi ở tim. Tuy không phải lúc nào cũng gây hại nhưng những trường hợp này vẫn cần được theo dõi thường xuyên.

  • Tim to có thể khiến tim đập quá nhanh hoặc quá chậm. Nhịp tim không đều có thể làm bệnh nhân ngất xỉu, ngừng tim hoặc đột tử.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tim to

Có nhiều nguyên nhân gây tim to, chủ yếu là do các bệnh khác tác động lên tim khiến cơ tim phải hoạt động nhiều hơn:

  • Dị tật tim bẩm sinh khiến cơ tim lớn hơn và yếu dần đi.

  • Sẹo và tổn thương cấu trúc tim từ các cơn đau tim có thể khiến tim khó bơm đủ máu cho cơ thể. Sự căng thẳng này có thể dẫn đến sưng tim và cuối cùng là suy tim.

  • Bệnh cơ tim thường làm cho thành tim cứng hoặc dày, từ đó khiến tim khó bơm máu hơn.

  • Tràn dịch màng tim.

  • Bệnh van tim có thể làm gián đoạn lưu lượng máu và khiến các buồng tim lớn hơn.

  • Tăng huyết áp khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể.

  • Tăng áp động mạch phổi có thể khiến tim bên phải dày lên và to hơn.

  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu giảm).

  • Rối loạn chức năng tuyến giáp (như suy giáp hay cường giáp).

  • Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô (hemochromatosis) do dư thừa sắt trong cơ thể, gây tích tụ ở tim và làm sưng buồng tim bên trái.

  • Amyloidosis tim: Protein amyloid lắng đọng bất thường ở tim làm thành tim dày lên không hồi phục.

  • Bệnh cơ tim vô căn.

  • Ở một số vận động viên, tim trở nên to ra do phản ứng của việc tập thể dục thường xuyên và kéo dài. Đây thường không coi là bệnh và không cần điều trị.

  • Một số người có mỡ, chất béo xung quanh tim khiến tim to hơn khi chụp X quang. Trừ khi có chẩn đoán các bệnh tim khác liên quan, còn lại không cần điều trị.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tim to?

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim to, bao gồm:

  • Người mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, mỡ trong máu, đái tháo đường.
  • Người bị béo phì, ít vận động và tập thể dục.
  • Người bị tăng áp động mạch phổi, COPD.
  • Người rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Người hút nhiều thuốc lá và lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
  • Phụ nữ có thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tim to

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tim to:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh cơ tim.

  • Đang bị cao huyết áp và/hoặc các bệnh về tim khác.

  • Dị tật về tim bẩm sinh.

  • Phụ nữ có thai.

  • Béo phì, ít vận động.

  • Hút thuốc lá.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tim to

Bệnh tim to được chẩn đoán điều trị qua các liệu pháp:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra nồng độ của các chất xuất hiện khi có tổn thương ở tim, đặc biệt khi tim to có kèm theo một số triệu chứng khác như đau ngực, khó thở…
  • Chụp X quang lồng ngực, phổi.
  • Đo điện tâm đồ (ECG) để đo hoạt động của tim.
  • Siêu âm tim để thấy rõ hơn kích thước, cấu trúc, chuyển động của tim.
  • Kiểm tra phản ứng của tim sau hoạt động thể chất.
  • Chụp CT hoặc CRI tim.
  • Thông tim, đo áp lực máu trong các buồng tim, sinh thiết mô tim.

Phương pháp điều trị  hiệu quả

Dùng thuốc:

  • Thuốc hạ huyết áp (thuốc chẹn β, ức chế men chuyển ACE hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II - ARB…).

  • Thuốc lợi tiểu.

  • Thuốc chống đông. 

  • Thuốc chống loạn nhịp.

Phẫu thuật:

  • Cấy máy tạo nhịp tim ở gần xương đòn trong trường hợp chậm nhịp tim.

  • Cấy máy khử rung tim (ICD) ở gần xương đòn trong trường hợp nhịp tim nhanh.

  • Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hư hỏng.

  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành, đặt stent nếu có tắc nghẽn động mạch vành.

  • Cấy thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD) trong trường hợp suy tim.

  • Ghép tim khi không còn có thể điều trị bằng phương pháp nào khác.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tim to

Chế độ sinh hoạt:

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, suy nghĩ tích cực, hạn chế sự căng thẳng. 

  • Tập thể dục thường xuyên và đều đặn để rèn luyện sức khỏe và kiểm soát cân nặng.

  • Theo dõi thường xuyên chỉ số huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu và đường huyết và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

  • Tuân thủ trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là nếu có đang mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo thường, rối loạn lipid máu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm bớt lượng muối, lượng đường, chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn hàng ngày.

  • Hạn chế tối đa rượu bia và caffein.

  • Bổ sung thêm các thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch như các loại rau củ quả, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Phương pháp phòng ngừa tim to hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý:

  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, có một chế độ ăn cân bằng (đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế rượu bia và thực phẩm nhiều dầu mỡ).

  • Không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích khác (ma túy…).

  • Khám sức khỏe định kỳ và khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường.

Theo dõi và quản lý các bệnh lý cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường (nếu có). Tuân thủ việc điều trị và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/heart-disease/guide/enlarged-heart-causes-symptoms-types
  2. https://www.healthline.com/health/enlarged-heart
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/enlarged-heart/symptoms-causes/syc-20355436#:~:text=An%20enlarged%20heart%20(cardiomegaly)%20can,condition%20is%20called%20idiopathic%20cardiomyopathy.
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21490-enlarged-heart-cardiomegaly

Các bệnh liên quan

  1. Sa van 2 lá

  2. Nhồi máu cơ tim type 2

  3. Phình tách động mạch chủ

  4. Thiếu máu cơ tim

  5. Xơ vữa động mạch

  6. Hội chứng QT kéo dài

  7. Cao huyết áp

  8. Viêm đa vi mạch

  9. Viêm động mạch takayasu

  10. Tim bẩm sinh