Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 44.000 ca bệnh đã tử vong do virus viêm gan E trong năm 2015, chiếm 3,3% tỷ lệ tử vong do viêm gan siêu vi. Mỗi năm có khoảng 20 triệu ca nhiễm virus HEV trên toàn thế giới, trong đó có 3,3 triệu ca có triệu chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Virus HEV là gì?

Virus HEV gây ra viêm gan E là một trong năm loại virus điển hình gây ra viêm gan virus cấp: Virus HAV gây viêm gan A, virus HBV gây viêm gan B, virus HCV gây viêm gan C, virus HDV gây viêm gan D. Ngoài ra, một số loại virus chưa xác định khác cũng có thể gây viêm gan virus cấp.

Virus HEV là một loại virus hình cầu chứa vật chất di truyền RNA, thuộc chi Orthohepevirus trong họ Hepeviridae, được Benhamou và cộng sự tìm ra vào năm 1991. Virus HEV không có vỏ bọc, đường kính khoảng 32 - 34 nanomet. Bộ gen của virus HEV có trọng lượng khoảng 7,2 kilobase, gồm ba khung đọc mở (ORF) gồm: ORF1 mã hóa các protein phi cấu trúc liên quan đến quá trình sao chép của virus, ORF2 mã hóa protein cấu trúc và ORF3 mã hóa cho một protein nhỏ có liên quan đến sự tương tác giữa virus - vật chủ và hình thái của virus. ORF2 và ORF3 có những điểm trùng lặp với nhau nhưng không trùng với ORF1.

Virus HEV được phân loại thành 4 kiểu gen chính là kiểu gen 1, 2, 3 và 4, đều thuộc một tuýp huyết thanh duy nhất. Kiểu gen 1 gồm các chủng tại châu Á và châu Phi, kiểu gen 2 gồm một chủng tại Mexico và một số chủng ở châu Phi. Kiểu gen 3 gồm các chủng được ghi nhận lẻ tẻ từ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, một vài nước ở châu Âu, kiểu gen 4 gồm các chủng lây nhiễm lẻ tẻ ở người và lợn.

Viêm gan E là gì?

Viêm gan E là bệnh viêm gan do virus HEV gây ra. Virus được phát hiện trong phân và mật của những người nhiễm bệnh, bài tiết ra ngoài và lây truyền theo con đường phân - miệng.

Người bệnh nhiễm virus HEV có thể có những biểu hiện tổn thương tế bào gan từ nhẹ đến nặng, có thể diễn tiến lành tính và đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể. Bệnh thường tự khỏi trong 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, sự tổn thương tế bào gan lại trở nên nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong, được gọi là viêm gan tối cấp.

Triệu chứng

Triệu chứng của viêm gan E

Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm virus HEV dao động từ 2 - 10 tuần, trung bình là 5 - 6 tuần. Người nhiễm bệnh có thể bài tiết phân chứa virus bắt đầu từ vài ngày trước đến 3 - 4 tuần sau khi phát bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của viêm gan E bao gồm:

  • Giai đoạn đầu người bệnh có thể sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn và nôn kéo dài vài ngày;
  • Đau bụng, ngứa, nổi mẩn da hoặc đau khớp;
  • Vàng da hoặc vàng mắt, nước tiểu sậm màu và phân nhạt màu;
  • Gan to và mềm, vùng bụng ở hạ sườn phải sưng nề.

Những triệu chứng này thường khó có thể phân biệt được với những triệu chứng gặp phải trong các bệnh lý có tổn thương gan khác.

Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 3
Đau vùng hạ sườn phải là một trong những dấu hiệu có liên quan đến viêm gan E

Biến chứng của viêm gan E

Trong một số ít trường hợp, viêm gan E cấp tính có thể diễn tiến nghiêm trọng và dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp tính). Những bệnh nhân này có nguy cơ tử vong.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm gan E, đặc biệt là những phụ nữ trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, có nguy cơ cao bị suy gan cấp tính, sảy thai và tử vong. Có tới 20 - 25% phụ nữ mang thai có thể tử vong nếu mắc bệnh viêm gan E trong tam cá nguyệt thứ ba.

Các trường hợp nhiễm viêm gan E phát triển thành viêm gan mạn tính đã được báo cáo ở những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là những người được ghép tạng đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bị nhiễm HEV kiểu gen 3 hoặc 4. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa phổ biến và đang được giới chuyên môn nghiên cứu tiếp tục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm gan E

Viêm gan E là một bệnh lý tổn thương tế bào gan cấp tính do virus HEV gây ra. Virus HEV lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng. Các hình thức truyền bệnh đã được xác định:

  • Lây truyền qua nguồn nước uống bị ô nhiễm bởi phân chứa mầm bệnh;
  • Lây truyền từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh mà không nấu chín;
  • Lây truyền từ thực phẩm sống trong nguồn nước hoặc được tưới tiêu từ nguồn nước chứa mầm bệnh mà không nấu chín;
  • Lây truyền qua đường máu;
  • Lây truyền dọc từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Virus HEV phân bố khắp thế giới nhưng khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là khu vực nhiệt đới, đặc biệt là các nước kém phát triển với môi trường nước ô nhiễm và không xử lý đúng cách phân và chất thải. Virus HEV có trong phân, nước và rác thải, khi mưa lũ cuốn nước từ các vùng đất bẩn chứa virus đến nơi khác, đặc biệt là các vùng đất ven sông suối.

Virus HEV có nhược điểm là sức đề kháng rất kém với môi trường bên ngoài. Bạn chỉ cần đun sôi trong 1 - 2 phút là có thể tiêu diệt được virus.

Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm nặng là một hình thức lây truyền viêm gan E

Nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm gan E

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gan E bao gồm:

  • Vệ sinh cá nhân kém sạch sẽ;
  • Ăn uống các thực phẩm chưa được đun sôi, nấu kỹ;
  • Sống ở vùng có các hộ gia đình dùng phân tươi tưới tiêu thực phẩm, không xử lý đúng cách chất thải trong chăn nuôi;
  • Tiếp xúc với máu của người có nguy cơ nhiễm virus HEV;
  • Sống gần nguồn nước ô nhiễm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán viêm gan E

Với những triệu chứng của tổn thương gan cấp tính, bác sĩ khó có thể chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ thường lưu ý đến chẩn đoán viêm gan E khi người bệnh sinh sống ở các vùng dịch tễ của virus HEV, ví dụ khi một số trường hợp xảy ra ở các địa phương thuộc các vùng lưu hành bệnh đã biết có nguy cơ ô nhiễm nước, hoặc khi bệnh diễn tiến nặng hơn ở phụ nữ mang thai, hoặc nếu bác sĩ đã loại trừ được người bệnh nhiễm viêm gan A.

Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Thăm khám và siêu âm gan

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan E

Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định nhiễm viêm gan E:

  • Kháng thể globulin miễn dịch M (IgM) kháng virus HEV trong máu, xét nghiệm này thường được chỉ định đầu tiên đối với những người bệnh đến từ vùng dịch tễ của bệnh. Các xét nghiệm nhanh có thể được trữ sẵn để sử dụng tại địa phương.
  • Các xét nghiệm bổ sung bao gồm: Phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR) để phát hiện RNA virus viêm gan E trong máu và phân. Xét nghiệm này đòi hỏi cơ sở y tế phải có phòng thí nghiệm chuyên dụng. Xét nghiệm này đặc biệt cần thiết ở những khu vực mà viêm gan E không thường xuyên xảy ra và trong những trường hợp hiếm gặp bị nhiễm HEV mạn tính.
  • Xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan A, B, C, D: Vì các triệu chứng của viêm gan virus cấp là tương tự, khó phân biệt được nguyên nhân, cho nên việc xét nghiệm tất cả các tác nhân có thể gây viêm gan virus cấp là cần thiết, đặc biệt đối với một nước nằm trong vùng dịch tễ nhiễm viêm gan siêu vi cao như Việt Nam.
Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
Xét nghiệm kháng thể kháng virus HEV trong máu

Phương pháp điều trị viêm gan E hiệu quả

Không có phương pháp điều trị cụ thể nào có khả năng thay đổi diễn biến của bệnh viêm gan E cấp tính. Vì bệnh thường tự giới hạn nên trong đa số trường hợp người bệnh không cần phải nhập viện. Điều quan trọng là tránh dùng các loại thuốc không cần thiết có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, đặc biệt là các thuốc nhóm acetaminophen.

Việc nhập viện là cần thiết đối với những người bị viêm gan tối cấp. Đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng của viêm gan siêu vi, cần được xem xét nhập viện để theo dõi và xử trí kịp thời nếu bệnh diễn tiến xấu.

Với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch mắc bệnh viêm gan E mạn tính, các chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho rằng phương pháp điều trị cụ thể với liều thấp thuốc ribavirin - một loại thuốc kháng virus, trong 3 tháng có thể cho thấy có thể giảm tải lượng virus HEV trong máu. Trong một số trường hợp khác, interferon cũng đã được sử dụng và mang lợi hiệu quả đáng mong đợi. Tuy nhiên, các thuốc này cần sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống khoa học.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Phương pháp phòng ngừa viêm gan E hiệu quả

Phòng ngừa là phương pháp hiệu quả nhất chống lại sự lây nhiễm virus. Ở cấp độ cộng đồng, việc lây truyền HEV và viêm gan E có thể được giảm bớt bằng cách:

  • Duy trì tiêu chuẩn chất lượng đối với nguồn cung cấp nước công cộng;
  • Thiết lập hệ thống xử lý thích hợp cho phân người.

Ở cấp độ cá nhân, nguy cơ lây nhiễm có thể được giảm bớt bằng cách:

  • Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng;
  • Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn uống, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh;
  • Tránh tiêu thụ các loại nước uống và nước đá không rõ độ tinh khiết;
  • Ăn chín, uống sôi;
  • Rửa thực phẩm dưới vòi nước đang chảy, tránh ăn rau củ hoặc hoa quả chưa gọt vỏ;
  • Do các thông tin về sự an toàn và khả năng tạo miễn dịch của vắc xin của virus HEV, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên sử dụng vắc xin HEV ở các nhóm nhỏ dân cư sống trong vùng dịch tễ có các đặc điểm sau: Trẻ em < 16 tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh có bệnh gan mạn tính hoặc đang chờ ghép tạng.
Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Ăn chín, uống sôi giúp phòng ngừa viêm gan E
Nguồn tham khảo
  1. Aslan AT, Balaban HY. Hepatitis E virus: Epidemiology, diagnosis, clinical manifestations, and treatment. World J Gastroenterol. 2020;26(37):5543-5560. doi: 10.3748/wjg.v26.i37.5543.
  2. Ma Z, de Man RA, Kamar N, Pan Q. Chronic hepatitis E: Advancing research and patient care. J Hepatol. 2022;77(4):1109-1123. doi: 10.1016/j.jhep.2022.05.006.
  3. Goel A, Aggarwal R. Hepatitis E: Epidemiology, Clinical Course, Prevention, and Treatment. Gastroenterol Clin North Am. 2020;49(2):315-330. doi: 10.1016/j.gtc.2020.01.011.
  4. Kamar N, Bendall R, Legrand-Abravanel F, Xia NS, Ijaz S, Izopet J, Dalton HR. Hepatitis E. Lancet. 2012;379(9835):2477-2488. doi: 10.1016/S0140-6736(11)61849-7.
  5. Abravanel F, Lhomme S, Dubois M, Peron JM, Alric L, Kamar N, Izopet J. Hepatitis E virus. Med Mal Infect. 2013 Jul;43(7):263-70. doi: 10.1016/j.medmal.2013.03.005.
  6. Panda SK, Thakral D, Rehman S. Hepatitis E virus. Rev Med Virol. 2007;17(3):151-80. doi: 10.1002/rmv.522. 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày ruột

  2. Viêm xơ đường mật

  3. Tắc mật

  4. Viêm túi thừa đại tràng

  5. Xơ gan mất bù

  6. Rối loạn ăn uống

  7. Xơ gan

  8. Giãn tĩnh mạch thực quản

  9. Viêm tụy mạn

  10. Sỏi mật