Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ là bệnh lý gì? Viêm màng não mủ có để lại di chứng gì không?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm màng não mủ là bệnh nhiễm trùng màng não dẫn đến viêm. Là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em, nhiều nhất là ở lứa tuổi dưới 3 tuổi. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ cũng như để lại di chứng nặng nề. Chẩn đoán sớm và điều trị bằng kháng sinh thường có thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm màng não do vi khuẩn là tiêm phòng một số loại vi khuẩn có thể gây bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm màng não mủ là gì?

Viêm màng não mủ là hiện tượng viêm của màng não (màng bao bọc quanh não và tuỷ sống) nghiêm trọng, do sự xâm lấn của các loại vi khuẩn sinh mủ khác nhau vào màng não. Viêm màng não mủ có thể khiến các mô xung quanh não sưng lên cản trở lưu lượng máu và có thể dẫn đến tê liệt, đột quỵ và thậm chí tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não mủ

Các triệu chứng viêm màng não do vi khuẩn thường xuất hiện đột ngột, thường trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt cao;
  • Đau đầu;
  • Lú lẫn (thay đổi trạng thái tinh thần);
  • Các triệu chứng giống như cúm;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Chứng sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng);
  • Tư thế cò súng: Ngửa đầu ra sau, chân co, bụng lõm.

Khám thực thể có dấu hiệu của hội chứng màng não:

  • Cổ gượng: Không thể hạ cằm xuống ngực;
  • Dấu hiệu Kernig: Sự đề kháng hoặc đau khi duỗi đầu gối khi bệnh nhân nằm ngửa và hông gấp 90 độ;
  • Dấu hiệu Brudzinski: Xảy ra khi việc gập cổ thụ động gây ra sự gập đầu gối không chủ ý.

Ngoài ra trong nhiễm trùng não mô cầu có phát ban xuất huyết lan rộng nhanh chóng, được gọi là ban xuất huyết tối cấp.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sốt có thể gây nôn mửa và trẻ có thể bỏ ăn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Ngủ li bì;
  • Lờ đờ, phản ứng chậm;
  • Cáu gắt;
  • Thóp phồng (“điểm mềm” trên đầu bé);
  • Co giật.

Ở trẻ lớn hơn và người lớn, các triệu chứng cũng có thể bao gồm khó chịu và buồn ngủ ngày càng tăng. Động kinh và đột quỵ cũng có thể xảy ra.

viem-mang-nao-mu 4.jpg
Một số triệu chứng trong viêm màng não mủ

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm màng não mủ

Người ta ước tính có 25% số người mắc bệnh viêm màng não mủ sẽ bị biến chứng. Mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau tùy theo từng người và có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Nếu không được điều trị ngay lập tức, bệnh viêm màng não mủ có thể dẫn đến tê liệt, đột quỵ và tử vong, các biến chứng lâu dài có thể xảy ra bao gồm:

  • Co giật;
  • Vấn đề về trí nhớ và sự tập trung;
  • Các vấn đề về thăng bằng, phối hợp và vận động;
  • Khó khăn trong học tập;
  • Vấn đề về giọng nói;
  • Mất thị lực hoặc thính giác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ là nhiễm trùng màng não do vi khuẩn, dẫn đến viêm. Nhiễm trùng có thể mắc phải tại cộng đồng hoặc bệnh viện.

Viêm màng não do vi khuẩn mắc phải trong cộng đồng là kết quả của sự xâm nhập của vi khuẩn vào màng não do nhiễm khuẩn huyết hoặc lây lan trực tiếp do nhiễm trùng tại chỗ. Các vi khuẩn phổ biến nhất bao gồm:

  • Liên cầu khuẩn nhóm B: Thường gặp ở trẻ dưới 2 tháng tuổi;
  • Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn): Thường gặp ở lứa tuổi ngoài sơ sinh, gây nhiễm trùng huyết thường xuất phát từ niêm mạc hầu họng;
  • Neisseria meningitidis (não mô cầu);
  • Haemophilus influenzae B (HiB);
  • Listeria monocytogenes;
  • Escherichia coli (E. coli).

Nhiễm trùng bệnh viện thường do S. Pneumonia, Staphylococcus aureus, Staphylococcus albus và trực khuẩn gram âm.

viem-mang-nao-mu 2.jpg
Hib là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não mủ ở trẻ nhỏ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm màng não mủ?

Viêm màng não mủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao hơn vì khả năng phòng vệ của cơ thể chưa được phát triển đầy đủ.
  • Thanh thiếu niên và thanh niên cũng có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là trong năm đầu tiên ở trường đại học.

Ngoài ra người lớn cũng có thể bị viêm màng não mủ. Bạn có nguy cơ cao hơn nếu có:

  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện;
  • Nhiễm trùng mũi và/hoặc tai mãn tính;
  • Có vết thương ở đầu;
  • Viêm phổi do phế cầu khuẩn;
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu;
  • Đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.

Ngoài ra, nếu bạn đã từng phẫu thuật não hoặc cột sống hoặc bị nhiễm trùng máu lan rộng, cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mủ cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não mủ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mủ, bao gồm:

  • Tuổi: Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mủ cao hơn so với những trẻ ở các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm màng não mủ.
  • Môi trường tiếp xúc đông người: Các bệnh truyền nhiễm có xu hướng lây lan ở những nơi tập trung nhiều người. Ví dụ, các trường nội trú, ký túc xá có sự bùng phát của bệnh viêm màng não mô cầu do N. Meningitidis gây ra.
  • Điều kiện y tế: Một số điều kiện y tế, thuốc men và thủ tục phẫu thuật khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao hơn. Ví dụ, bị nhiễm HIV hoặc rò rỉ dịch não tủy hoặc không có lá lách có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại viêm màng não mủ.
  • Làm việc với mầm bệnh gây viêm màng não: Các nhà vi trùng học thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn gây viêm màng não có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao hơn.
  • Du lịch: Du khách có thể tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cầu khuẩn do N. Meningitidis gây ra nếu họ đi du lịch đến một số vùng lưu hành dịch.
  • Không tiêm chủng đầy đủ định kỳ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não mủ

Chẩn đoán ban đầu viêm màng não mủ có thể được thực hiện bằng khám lâm sàng, sau đó là chọc dò tủy sống để chẩn đoán.

Dịch não tuỷ được gửi đi để nhuộm Gram, nuôi cấy, đếm tế bào hoàn chỉnh (CBC), nồng độ glucose và protein. Viêm màng não mủ thường dẫn đến nồng độ glucose thấp và protein cao trong dịch não tủy. Vì nồng độ glucose dịch não tuỷ phụ thuộc vào nồng độ glucose huyết thanh tuần hoàn, tỷ lệ glucose dịch não tủy/glucose huyết thanh được coi là thông số đáng tin cậy hơn để chẩn đoán viêm màng não cấp tính do vi khuẩn. Dự kiến ​​bạch cầu trung tính sẽ chiếm ưu thế về số lượng tế bào.

Chẩn đoán xác định bằng cách nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu dịch não tủy hoặc máu, bằng xét nghiệm chẩn đoán nhanh hoặc bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Việc xác định các nhóm huyết thanh và tính nhạy cảm với kháng sinh (kháng sinh đồ) là rất quan trọng để xác định phương pháp điều trị.

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • Hình ảnh não (CT scan);
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu;
  • Dịch tiết từ mũi hoặc cổ họng.
viem-mang-nao-mu 7.jpg
Chọc dò tủy sống để chẩn đoán viêm màng não mủ

Phương pháp điều trị viêm màng não mủ

Việc sử dụng kháng sinh kịp thời là điều cần thiết. Sự chậm trễ trong việc truyền thuốc từ 3 đến 6 giờ có liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong. Các vi khuẩn được xác định quyết định lựa chọn kháng sinh.

  • Cần cân nhắc điều trị theo kinh nghiệm bằng CeftriaxoneVancomycin nếu chẩn đoán bị trì hoãn.
  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc trên 50 tuổi cũng nên dùng Ampicillin.
  • Bệnh nhân bị viêm màng não mủ do chấn thương đầu hoặc thủ thuật sau phẫu thuật thần kinh cần được điều trị nhiễm Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) kháng Methicillin và các vi khuẩn gram âm hiếu khí. Họ nên dùng Vancomycin và Ceftazidime hoặc Cefepime.

Thuốc kháng sinh sau đó có thể được thu hẹp lại sau khi có kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ. Dexamethasone có thể làm tăng khả năng sống sót nếu được dùng vào thời điểm sử dụng kháng sinh đối với nhiễm trùng S. Pneumoniae. Nó chưa được chứng minh là cải thiện kết quả điều trị bệnh viêm màng não mủ khác gây ra.

Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa giọt bắn cho đến khi họ được dùng kháng sinh trong 24 giờ. Những người tiếp xúc gần cũng cần được điều trị dự phòng. Có thể sử dụng Ciprofloxacin, Rifampicin hoặc Ceftriaxone.

Những người tiếp xúc gần được định nghĩa là những người ở trong phạm vi 1 mét với bệnh nhân trong hơn 8 giờ trong bảy ngày trước và 24 giờ sau khi nhận được thuốc kháng sinh. Những người tiếp xúc với dịch tiết miệng của bệnh nhân trong thời gian này cũng cần được điều trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm màng não mủ

Chế độ sinh hoạt:

Bạn cũng có thể giúp bảo vệ bản thân và những người khác khỏi bệnh viêm màng não mủ và các vấn đề sức khỏe khác bằng cách duy trì các thói quen lành mạnh:

  • Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá càng nhiều càng tốt.
  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh, giữ khoảng cách ít nhất 1 mét.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như uống chung chai nước, ống hút, thuốc lá…
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước (sử dụng nước rửa tay nếu không có xà phòng và nước).
  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi (sử dụng tay áo trên hoặc khuỷu tay nếu không có khăn giấy).
  • Luyện tập thể dục thể thao vừa sức.
  • Duy trì cân nặng phù hợp với cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:

  • Bổ sung các loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch chứa omega 3 như cá hồi, các loại hạt như hạt lanh, hạt macca, quả óc chó… Sữa chua chứa probiotics cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch.
  • Sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, cà chua, ớt chuông, bông cải xanh, đu đủ, dưa lưới.
  • Uống đủ lượng nước hằng ngày (2 lít nước/ngày), hạn chế ăn các đồ ăn chiên xào dầu mỡ, các loại thức ăn đóng hộp, không ăn mặn hay quá ngọt.
  • Không sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, hạn chế rượu bia.
viem-mang-nao-mu 5.jpg
Chế độ ăn tốt cho viêm màng não mủ

Phương pháp phòng ngừa viêm màng não mủ

Vắc-xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và chống lại một số loại viêm màng não mủ. Một số vắc-xin phòng ngừa vi khuẩn có thể gây viêm màng não mủ:

  • Vắc-xin não mô cầu giúp bảo vệ chống lại N. Meningitidis;
  • Vắc-xin phế cầu khuẩn giúp bảo vệ chống lại S. Pneumoniae;
  • Vắc-xin Haemophilus Enzae serotype b (Hib) giúp bảo vệ chống lại Hib.

Tiêm chủng vắc xin đúng lịch.

Giống như bất kỳ loại vắc xin nào, những loại vắc xin này không có tác dụng 100%. Vắc-xin cũng không bảo vệ chống lại nhiễm trùng từ tất cả các loại (chủng) của từng loại vi khuẩn này. Vì những lý do này, vẫn có khả năng những người được tiêm chủng có thể bị viêm màng não mủ.

Nguồn tham khảo
  1. Bacterial Meningitis: https://www.cdc.gov/meningitis/bacterial.html#risk
  2. Bacterial Meningitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470351/
  3. Bacterial Meningitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11039-bacterial-meningitis-diagnosis-and-tests
  4. Meningitis: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/meningitis
  5. Bacterial Meningitis: https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/b/bacterial-meningitis.html

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Các bệnh liên quan