Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp ngón chân cái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp là một bệnh lý thường gặp, những đợt viêm khớp thường tấn công bàn tay, đầu gối và khớp háng, nhưng cũng có thể xảy ra ở các ngón chân, trong đó ngón chân cái thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng của viêm khớp ngón chân cái mà có các phương pháp điều trị thích hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp ngón chân cái là gì? 

Viêm khớp ngón chân cái (Hallux Rigidus) là một tình trạng y khoa xảy ra khi khớp metatarsophalangeal (MTP) của ngón chân cái trở nên viêm nhiễm. Khớp MTP này là điểm nối giữa ngón chân cái và cơ sở của bàn chân, đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và cân bằng khi di chuyển.

Viêm khớp ngón chân thường ảnh hưởng nhiều nhất đến ngón chân cái. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến viêm khớp ngón chân cái, trong đó có thể kể đến như:

  • Chấn thương hoặc tiền sử bị chấn thương, việc gãy hay bong gân ngón chân cái có thể gây viêm khớp ngón chân cái sau này.
  • Thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây viêm khớp ngón chân cái.
  • Bệnh gout: Triệu chứng phổ biến của gout là đau khớp, có thể ảnh hưởng đến mọi khớp. Tuy nhiên, ngón chân cái thường là vị trí bị ảnh hưởng ở nhiều người mắc viêm khớp gout.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp ngón chân cái

Đau

Đau có thể là triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của viêm khớp. Bạn có thể cảm thấy đau ngón chân cái hoặc ở tất cả ngón chân.

Triệu chứng đau khớp ngón chân cái cũng khác nhau tùy vào mức độ thoái hóa hay viêm ở khớp. Cơn đau có thể giống như nhức hay đau nhói như bị đâm, có thể nhẹ hay nặng tùy mức độ tổn thương. Đau có thể tăng khi vận động, hay đau liên tục không giảm tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm khớp.

Đau là một trong những triệu chứng phổ biến của viêm khớp, và tình trạng đau có thể khiến bạn khó đi lại, giảm chất lượng cuộc sống hằng ngày.

Viêm khớp ngón chân cái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị 4
Đau khớp ngón chân cái có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày

Cứng khớp

Theo thời gian, tình trạng viêm khớp ngón chân cái sẽ làm bào mòn sụn giữa các khớp, ảnh hưởng đến mô xung quanh và màng hoạt dịch. Những thay đổi này có thể làm cho khớp ngón cái bị cứng và khó đi lại hay ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng.

Sưng

Trong trường hợp viêm khớp ngón chân cái, ngón chân cái có thể bị sưng. Đồng thời có thể kèm đỏ tại vị trí khớp và cảm giác ấm khi chạm vào.

Bạn có thể nhận thấy triệu chứng này khi ngồi một chỗ hoặc sau khi ngủ dậy. Trong trường hợp viêm khớp gout, những đợt gout cấp thường sẽ xảy ra đột ngột vào ban đêm với triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau khớp ngón chân cái.

Tình trạng sưng khớp có thể khiến bạn khó mang giày hoặc dép.

Tiếng lạo xạo

Trong tình trạng sụn bị thoái hóa, lớp sụn dần mòn đi, các xương có thể cọ vào nhau và tạo ra tiếng lạo xạo.

Biến dạng ngón chân cái

Khi tình trạng sụn mất dần, xương cọ xát vào nhau, cơ thể sẽ cố gắng cải thiện tình trạng này bằng cách tăng tái tạo xương. Mặc dù điều này có thể giúp ổn định khớp, tuy nhiên sẽ làm cho khớp ngón cái to lên, biến dạng so với ban đầu.

Nóng

Trong một số trường hợp, tình trạng viêm khớp ngón chân cái sẽ gây đau kèm sưng, nóng và đỏ tại vị trí khớp.

Triệu chứng nóng tại vị trí khớp thường sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của bạn.

Triệu chứng đau và cứng khớp thường tăng lên sau các hoạt động vận động nặng hoặc kéo dài, điều này phản ánh sự suy giảm chức năng của khớp metatarsophalangeal (MTP) joint, gây hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp ngón chân cái

Khi mắc viêm khớp ngón chân cái, tình trạng đau và tổn thương khớp có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Cứng khớp;
  • Hạn chế vận động;
  • Khó giữ thăng bằng;
  • Biến dạng khớp;
  • Giảm chất lượng cuộc sống.

Đồng thời, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh như viêm khớp dạng thấp hay bệnh gout mà có thể có các biến chứng lên cơ quan khác.

Đối với bệnh gout, người bệnh có khả năng phát triển các biến chứng khác như:

  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh thận mạn;
  • Béo phì;
  • Đái tháo đường;
  • Sỏi thận;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Suy tim.

Đối với viêm khớp dạng thấp, các biến chứng sẽ kéo dài trên nhiều hệ thống cơ quan khác nhau. Do đó, điều bắt buộc là phải theo dõi về sự phát triển của các biến chứng này để nhanh chóng thay đổi kế hoạch điều trị nếu có. Các biến chứng có thể kể đến là:

  • Biến dạng tiến triển và khuyết tật chức năng.
  • Thiếu máu mạn tính và hội chứng Felty (là một hội chứng bao gồm viêm khớp dạng thấp, lách to và bạch cầu giảm).
  • Viêm mạch dạng thấp: Là một tình trạng hiếm gặp nhưng sẽ gây các biến chứng nghiêm trọng.
  • Viêm màng phổi, viêm tiểu phế quản và bệnh phổi mô kẽ cũng liên quan đến viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh động mạch vành: Viêm khớp dạng thấp là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh động mạch vành.
  • Ung thư hạch: Người bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ phát triển ung thư hạch cao hơn.
  • Loãng xương, nhiễm trùng, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng là một trong những biến chứng của viêm khớp dạng thấp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi tình trạng viêm khớp ngón chân cái khiến bạn đau, hạn chế vận động hay ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày. Bạn cũng nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp khi đau khớp ngón chân cái kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt hay mệt mỏi.

Viêm khớp ngón chân cái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị 5
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi có bất kì dấu hiệu nào của viêm khớp ngón chân cái

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ngón chân cái

Như đã đề cập ở trên, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm khớp ngón chân cái.

Thoái hóa khớp

Mặc dù thoái hóa khớp được xem là một bệnh lý không viêm, tuy nhiên trong một số trường hợp thoái hóa khớp có liên quan đến mức độ viêm. Tình trạng viêm này phát triển khi sụn khớp ngón chân bị mòn đi theo thời gian hoặc do chấn thương (chẳng hạn như bị vấp ngón chân). Thoái hóa khớp ngón chân cái còn được gọi là hiện tượng cứng ngón cái (hallux rigidus).

Viêm khớp dạng thấp

Đây là một bệnh lý tự miễn có thể gây ra hiện tượng viêm tại khớp. Do là một tình trạng viêm, nên khi mắc viêm khớp dạng thấp, khớp sẽ có các triệu chứng sưng, nóng đỏ, đau rõ rệt. Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn lên toàn cơ thể, nên bạn có thể cảm thấy sốt, mệt mỏi hoặc các triệu chứng toàn thân khác.

Bệnh gout

Bệnh gout, hay còn gọi là viêm khớp gout, đây là một tình trạng bệnh lý do sự hình thành các tinh thể acid uric trong khớp (thường gặp nhất là khớp ngón chân cái). Bệnh gout liên quan đến di truyền, bệnh lý thận, tuy nhiên chế độ ăn uống, sử dụng rượu và béo phì cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy bệnh gout.

Các yếu tố như di truyền và lối sống, bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động, cũng góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Viêm khớp ngón chân cái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị 6
Viêm khớp gout thưởng ảnh hưởng đến vị trí ngón chân cái

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp ngón chân cái?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc viêm khớp ngón chân cái. Đặc biệt ở các đối tượng béo phì, hoặc có hoạt động công việc làm tăng áp lực lên ngón chân cái. Đồng thời, các yếu tố nguy cơ sẽ khác nhau tùy thuộc vào bệnh lý viêm khớp bạn mắc phải.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón chân cái

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp ngón chân cái như:

  • Thừa cân béo phì: Việc cân nặng dư thừa có thể gây căng thẳng lên các khớp chịu trọng lượng như khớp ngón chân.
  • Di truyền: Một số yếu tố di truyền cũng có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón chân cái do thoái hóa (hallux rigidus).
  • Chấn thương: Các chấn thương tại ngón chân cái, công việc gây áp lực lên ngón chân cái (như công việc phải cúi khom lưng hay ngồi xổm), hoặc việc mang giày cao gót thường xuyên và kéo dài cũng làm tăng khả năng viêm khớp ngón chân cái.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp ngón chân cái

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của viêm khớp ngón chân cái, bác sĩ có thể hỏi bệnh, thăm khám và đưa ra các đề nghị xét nghiệm để chẩn đoán:

  • Hỏi bệnh sử và khám bàn chân: Bác sĩ có thể hỏi về tình trạng đau, thời gian đau cũng như các triệu chứng khác mà bạn gặp phải, đồng thời thăm khám bàn chân của bạn.
  • Chụp X-quang bàn chân: Để quan sát tình trạng ngón chân cái, đánh giá sụn và các biến dạng của xương. Có thể bạn sẽ được chụp X-quang lúc đứng để đánh giá chính xác trọng lượng cơ thể ảnh hưởng như thế nào lên cấu trúc ở bàn chân.
  • CT-scan hoặc MRI: Mặc dù hiếm khi cần thiết, nhưng trong một số trường hợp, hình ảnh tiên tiến của CT-scan hay MRI có thể được sử dụng.
  • Xét nghiệm máu: Tiến hành các xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng viêm, yếu tố dạng thấp hay acid uric khi bác sĩ nghi ngờ do các nguyên nhân viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp gout.
  • Chọc hút dịch khớp: Một số trường hợp bác sĩ có thể đề nghị lấy dịch khớp để làm xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng hoặc tinh thể acid uric. Kết quả có thể loại trừ các tình trạng bệnh lý khác hay các loại viêm khớp khác.

Phương pháp điều trị viêm khớp ngón chân cái

Điều trị viêm khớp ngón chân cái hầu như luôn bắt đầu bằng các bước đơn giản, hiếm khi cần phải phẫu thuật ngay lập tức.

Liệu pháp nhiệt hoặc lạnh

Đối với tình trạng viêm nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi hoạt động hoặc phải đứng trong một ngày dài, chườm lạnh có thể ngăn máu lưu thông và giúp giảm tình trạng sưng, đỏ.

Đối với trước khi hoạt động, việc áp dụng nhiệt để làm ấm sẽ giúp giãn các cơ ở bàn chân và cho phép ngón chân cử động dễ dàng hơn.

Viêm khớp ngón chân cái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị 7
Chườm ấm giúp giãn các cơ và giúp ngón chân cử động dễ dàng

Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm sưng và giảm đau liên quan đến viêm khớp ngón chân cái. Nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, các loại thuốc có thể bao gồm:

  • Advil (ibuprofen);
  • Aleve (naproxen);
  • Celebrex (celecoxib);
  • Voltaren (diclofenac).

Một số nghiên cứu khác cho thấy nghệ có thể có đặc tính chống viêm mạnh giúp giảm đau do viêm khớp. Hãy nhớ luôn thảo luận với bác sĩ trước khi dùng thuốc hay bất kỳ loại thảo dược nào.

Tiêm cortisone

Việc tiêm cortisone vào ngón chân cái đôi khi không thoải mái, nhưng sẽ giúp giảm đau nhanh và hiệu quả. Kết quả giảm đau này có xu hướng không lâu dài. Nhưng nếu bạn gặp phải một đợt cấp viêm khớp ngón chân cái không đáp ứng với các điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định tiêm cortisone để mang lại sự cải thiện đáng kể.

Phẫu thuật

Mặc dù hiếm khi cần, tuy nhiên trong một số trường hợp, phẫu thuật là cách duy nhất để loại bỏ hoặc giảm đau.

Khác

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa các thuốc các thuốc điều trị khác tùy vào nguyên nhân viêm khớp ngón chân cái mà bạn mắc phải. Ví dụ như thuốc chống thấp khớp đối với viêm khớp dạng thấp hay thuốc hạ acid uric máu nếu bạn có tình trạng tăng acid uric. Đồng thời, việc sinh hoạt và thay đổi lối sống cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc điều trị của bạn.

Trong quá trình điều trị, việc sử dụng thuốc chống viêm và liệu pháp nhiệt hoặc lạnh có thể giúp giảm đau và sưng tạm thời. Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được xem xét như một giải pháp lâu dài.

Xem thêm: Cách trị đau khớp ngón chân cái cho hiệu quả cao

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm khớp ngón chân cái

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị và tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể theo dõi và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp trong từng giai đoạn.
  • Giày dép: Việc lựa chọn giày dép phù hợp để giảm áp lực lên ngón chân cái là các biện pháp quan trọng trong việc phòng ngừa viêm khớp ngón chân cái.
  • Duy trì cân nặng: Đây là chìa khóa để ngăn ngừa và điều trị viêm khớp nói chung. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trọng lượng cơ thể cao có liên quan đến tình trạng nặng hơn ở người trẻ mắc viêm khớp. Việc tăng cân sẽ gây thêm áp lực lên khớp, từ đó dễ dẫn đến viêm khớp hơn.
  • Giảm cân: Ở các đối tượng béo phì, việc giảm 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng viêm khớp.
  • Tập thể dục: Tập vật lý trị liệu và các bài tập cụ thể có thể giúp giảm đau. Việc tập luyện ở mức độ vừa phải, thường xuyên sẽ giúp duy trì chức năng khớp, giảm đau, giảm mệt mỏi và giảm cứng khớp. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định bài tập nào là tốt nhất cho viêm khớp ngón chân cái và ít gây tổn thương nhất lên ngón chân.

Chế độ dinh dưỡng: Tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng để duy trì cân nặng hoặc giảm cân nếu thừa cân. Đồng thời, tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ngón chân cái mà bạn có thể được hướng dẫn một chế độ ăn phù hợp (ví dụ như hạn chế thịt đỏ nếu bạn mắc viêm khớp dạng thấp, hay hạn chế các thực phẩm giàu purin nếu bạn mắc viêm khớp gout).

Viêm khớp ngón chân cái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị 8
Hạn chế các thực phẩm giàu purin nếu bạn mắc viêm khớp gout

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp ngón chân cái hiệu quả

Để phòng ngừa viêm khớp ngón chân cái một cách hiệu quả, hãy tham khảo các biện pháp sau đây:

  • Duy trì cân nặng hoặc giảm cân nếu cần.
  • Hạn chế các công việc hay hoạt động gây áp lực lên ngón chân như cúi, ngồi xổm, mang giày cao gót.
  • Tập các bài tập phù hợp ở mức độ vừa phải, thường xuyên.
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh, phù hợp với tình trạng bệnh lý mà bạn gặp phải.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo

Các bệnh liên quan