Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư răng: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thông thường, chúng ta thường chỉ biết tới những bệnh phổ biến như viêm lợi, sâu răng… mà quên mất đi sự nguy hiểm của ung thư răng khi nhắc tới những bệnh lí xảy ra ở răng miệng. U ở răng là bất kỳ loại tăng sinh không bình thường nào xảy ra bên trong cũng như quanh hàm và răng. Nhiều loại khối u này được coi là lành tính. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là ác tính, điều này đồng nghĩa các khối u có khả năng lan rộng và gây nguy hiểm tới tính mạng con người.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư răng là gì?

Ung thư răng là một phần của ung thư vùng miệng. U răng chính là các loại tăng sinh bất thường phát sinh từ thành phần biểu mô, ngoại trung mô hoặc trung mô của cơ quan hình thành răng hoặc phần còn sót lại của chúng. Nhiều loại khối u này được coi là lành tính. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là ác tính, điều này đồng nghĩa các khối u hình thành, phát triển bên dưới vùng nướu và lan rộng, gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Các tổn thương chủ yếu nằm trong xương hàm gọi là thể trung tâm, nhưng cũng có khi tìm thấy ở phần mềm như lợi, niêm mạc miệng… gọi là thể ngoại vi. U ở răng tương đối hiếm gặp, chiếm 2 - 3% các u vùng miệng và xương hàm, trong đó hơn 90% là lành tính.

Trong số các u ở răng, u nguyên bào men là hay gặp nhất, tiếp sau đó là u dạng nang sừng hóa. Chúng đều xuất hiện ở giới tính nam nhiều hơn nữ, đặc biệt ở những đàn ông trung niên. Hơn nữa, bệnh còn đa số gặp ở vùng xương hàm dưới. Các u còn lại như u dạng nang canxi hóa, u răng... ít gặp hơn.

Ung thư vùng răng miệng có nhiều dạng khác nhau, tuy vậy, hai dạng phổ biến nhất là ung thư tủy răng và ung thư nướu răng:

Ung thư tủy răng

Ung thư tủy răng là một loại ung thư xuất phát từ mô tủy răng. Đây chính là phần mềm nằm bên trong cùng của răng và sau các lớp men, ngà, xi măng bên ngoài. Mô tủy chứa các mạch máu và dây thần kinh, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất và hỗ trợ cho sự phát triển và hoạt động chức năng của răng.

Ung thư tủy răng là một dạng hiếm gặp và được biết đến ít hơn các loại ung thư khác trong vùng miệng. Nó thường phát triển do sự biến đổi mất kiểm soát của các tế bào trong mô tủy răng. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm chảy máu chân răng mạn tính, hút thuốc lá, tuổi già và viêm nhiễm răng.

Ung thư nướu răng

Ung thư nướu răng là khi các tế bào niêm mạc miệng phát triển bất bình thường và không được cơ thể kiểm soát. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng có khả năng lan rộng và xâm lấn mô xung quanh, thậm chí nó có thể di căn tới các cơ quan lân cận hoặc xa hơn thông qua con đường bạch huyết.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải biết phân biệt các triệu chứng của ung thư vùng nướu răng với bệnh viêm nướu thông thường. Triệu chứng của ung thư nướu răng thường nặng nề và diễn ra lâu hơn so với viêm nướu. Những dấu hiệu như đau, sưng, xuất huyết nướu, mất răng bất ngờ không rõ nguyên nhân hoặc sưng cổ họng được coi như là các dấu hiệu cảnh báo hữu ích. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện các vết loét hoặc khối u trên nướu.

Chúng ta cần đề cao ý thức sức khỏe và định kỳ kiểm tra sức khỏe răng miệng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến ung thư trong vùng răng miệng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư răng

Ung thư vùng răng miệng, mặc dù khó nhận biết ở giai đoạn đầu, nhưng có những cách nhận biết thông qua các dấu hiệu nhất định bao gồm:

U nướu răng

Ở giai đoạn đầu, ung thư vùng răng có thể xuất hiện những khối u với màng trắng hoặc đỏ trắng trên nướu răng. Bề mặt của những khối u này sẽ không đều, sần sùi và thậm chí có thể xuất hiện hiện tượng loét. Điều này xuất phát từ sự phát triển không kiểm soát của các tế bào mầm bệnh, tạo thành những khối u. Khối u gây ra sưng, đau và có thể gây mủ ở nướu, nghiêm trọng hơn nếu chúng bị nhiễm trùng. Nếu ung thư lan rộng, khối u có thể tác động làm cho răng yếu, lung lay hoặc thậm chí mất răng.

Răng yếu và mất chắc chắn

Răng yếu và mất chắc chắn có thể là dấu hiệu nhận biết của ung thư răng. Các tế bào ung thư phát triển và tác động đến cấu trúc lẫn chức năng của răng, gây ra vấn đề sau:

  • Răng yếu: Các tế bào ung thư có thể làm cấu trúc răng suy yếu và dễ gãy hơn. Điều này xuất phát từ tác động của tế bào ung thư lên men răng và mô liên kết ở xung quanh gốc răng.
  • Mất chắc chắn: Các khối u ác tính khiến mô liên kết giữa răng và xương hàm bị tổn thương, dẫn đến việc răng bị lung lay. Răng có thể di chuyển hoặc lệch khỏi vị trí gốc, gây ra sự mất ổn định và chướng ngại khi ăn hoặc trò chuyện.

Hiện tượng sưng, mưng mủ ở lợi

Ban đầu, khối u nướu thường không xuất hiện mủ hoặc dịch nhầy. Tuy nhiên, khi phát triển thành khối u phì đại, tình trạng sưng lợi và viêm nhiễm có thể gây ra mưng mủ. Điều này có thể dẫn đến màu sắc lợi thay đổi, hơi thở có mùi hôi, đau và khó chịu, đặc biệt khi bị nhiễm trùng. Ngoài ra, người mắc bệnh còn xuất hiện chảy máu ở các kẽ răng. Cần lưu ý rằng sưng và mưng mủ ở lợi cũng có thể xảy ra trong các tình trạng khác, tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để xác định nguyên nhân và hướng điều trị thích hợp.

Tổn thương, loét đầu lưỡi

Một dấu hiệu khác của ung thư vùng răng miệng là sự xuất hiện viêm loét ở đầu lưỡi. Cụ thể là những đốm tròn màu hồng đậm, sẫm hơn so với các vùng khác và không có xuất hiện mảng bám. Việc sinh hoạt hàng ngày có thể gây ra cảm giác đau chói và khó chịu, tương tự khi bị nhiệt miệng, nhưng mức độ nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, tổn thương hoặc loét đầu lưỡi cũng có thể gây chảy máu liên tục hoặc khi chạm vào.

Ung thư răng: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 2
Loét đầu lưỡi cũng là một dấu hiệu đáng lưu ý của ung thư vùng răng miệng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào như đã kể trên, các bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và đưa ra các giải pháp kịp thời. Việc chẩn đoán và điều trị càng sớm chắc chắn sẽ làm giảm nguy cơ bệnh diễn biến nguy hiểm và cho phép bệnh nhân phục hồi tốt hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư răng

Ung thư răng có rất nhiều nguyên nhân gây ra, các nguyên nhân đó như sau:

  • Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách: Nếu không duy trì việc vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách, vi khuẩn sẽ phát triển và gây viêm nhiễm, đó là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư răng do mô răng bị tổn thương.
  • Thói quen xấu về răng miệng: Những người có thói quen không tốt như nghiến răng, hay cắn chặt răng có thể bị tăng nguy cơ mắc ung thư và cảm thấy đau đầu thường xuyên.
  • Tiêu thụ thức ăn cứng và khô: Ăn quá nhiều thức ăn cứng và khô có thể làm răng phải hoạt động mạnh mẽ hơn, dẫn đến khả năng gãy, vỡ và tăng nguy cơ mắc ung thư.
  • Sử dụng các chất kích thích: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tiêu thụ bia, rượu và các chất kích thích khác có tác động đáng kể đến nguy cơ mắc các loại ung thư vùng miệng, thanh quản, họng và thực quản. Nguy cơ này đáng chú ý vì nó cao hơn gấp 3,4 – 6,8 lần so với những người không uống rượu và không hút thuốc. Cơ chế giải thích sự tăng nguy cơ này liên quan đến việc rượu và bia tạo điều kiện thuận lợi cho các chất độc hóa học trong thuốc lá xâm nhập dễ dàng vào niêm mạc miệng, họng và thực quản. Đồng thời, chất hóa học từ rượu và bia còn làm giảm chức năng sửa chữa DNA của tế bào, khiến chúng dễ bị hư hại. Ngoài ra, các loại thực phẩm và chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá có thể làm nướu bị che phủ hết răng, làm giảm hiệu quả vệ sinh răng miệng và dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm nhiễm, tiềm năng phát triển thành ung thư răng.
  • Uống chưa đủ lượng nước: Việc lười uống nước dễ làm khô miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập khoang miệng, gây viêm chân răng và trong trường hợp kéo dài có thể dẫn đến ung thư răng.
  • Nhiễm virus HPV: Virus HPV (Human Papillomavirus) được xác định là một nguyên nhân khác có thể gây ung thư vùng miệng. Đây là một loại virus lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có khả năng tác động đến các vùng nhạy cảm trong miệng và họng. Các chủng virus này có khả năng tạo ra biến đổi tế bào và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Trong trường hợp ung thư vùng miệng, nguyên nhân chính được xác định đến từ chủng virus HPV - 16. Virus này có thể tiếp xúc với các mô trong miệng thông qua tiếp xúc với các mô bị tổn thương trong miệng hoặc hoạt động quan hệ tình dục. Đáng chú ý, nghiên cứu cũng cho thấy HPV - 16 có xu hướng gây tổn hại nhiều hơn đối với phần cổ họng và amidan so với nướu răng.
Ung thư răng: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 3
Bia, rượu và các chất kích thích tác động mạnh đến nguy cơ mắc ung thư vùng miệng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư răng?

Bệnh ung thư răng xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng, đặc biệt những người có thói quen không lành mạnh có nguy cơ mắc cao hơn bình thường:

  • Người lười vệ sinh răng miệng hàng ngày.
  • Người hay nghiến răng.
  • Người sử dụng nhiều chất kích thích như thuốc lá, rượu bia…
  • Người cắn móng tay.
  • Người có sở thích ăn trầu cau.
  • Người nhiễm virus HPV.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng để kiểm tra tổng quát. Nếu bác sĩ phát hiện các bất thường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm các phương pháp chẩn đoán như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT);
  • Chụp X - quang;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Sinh thiết.

Phương pháp điều trị ung thư răng hiệu quả

Các phương pháp điều trị cho ung thư răng sẽ được bác sĩ quyết định tùy thuộc theo tình trạng, mức độ tổn thương và thể trạng của bệnh nhân, nhưng nhìn chung, có ba phương pháp điều trị chính hiện nay:

  • Phẫu thuật: Phương pháp này liên quan đến việc cắt bỏ khối u ung thư và các mô lân cận trong khu vực răng bị tổn thương. Nó có thể bao gồm loại bỏ một phần xương hàm hoặc thậm chí một phần của lưỡi để đối phó với những khối u răng lớn.
  • Xạ trị: Sử dụng tia xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, phương pháp xạ trị thường được áp dụng trong giai đoạn đầu của ung thư răng để tiêu diệt tế bào bệnh và ngăn chặn sự lan rộng của khối u.
  • Hóa trị: Đây là phương pháp hóa học nhằm triệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác để tăng độ hiệu quả trong quá trình điều trị.
Ung thư răng: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 2
Phẫu thuật là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế những diễn tiến của ung thư răng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, lành mạnh.
  • Liên hệ bác sĩ điều trị ngay khi cơ thể có bất thường trong thời gian điều trị.
  • Thăm khám định kì để theo dõi bệnh và định hướng việc điều trị.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau xanh, sử dụng nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin A, D, C.
  • Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia.
  • Uống nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa ung thư răng hiệu quả

Để việc phòng tránh ung thư răng đạt hiệu quả cao nhất, các chuyên gia gợi ý một số biện pháp dưới đây:

  • Đánh răng thật kỹ càng từ 2 – 3 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ, để duy trì vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia để giảm nguy cơ mắc ung thư răng, vì chúng là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh.
  • Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu canxi, vitamin A, C, D… để giúp răng chắc khỏe.
  • Uống nước thường xuyên để tránh tình trạng khô miệng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiêm phòng vắc xin chống virus HPV để ngăn ngừa ung thư răng và nhiều loại bệnh khác.
  • Đi khám ngay khi xuất hiện cảm giác đau nhức răng, sưng lợi, lưỡi bị loét thường xuyên và lâu khỏi để kịp thời phát hiện ung thư răng nếu có.
  • Thực hiện kiểm tra ung thư khoang miệng, ung thư răng miệng định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Ung thư răng: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để phòng ngừa ung thư răng
Nguồn tham khảo
  1. Mouth cancer: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mouth-cancer/symptoms-causes/syc-20350997#
  2. Mouth cancer: https://www.nhs.uk/conditions/mouth-cancer/symptoms/
  3. Oral Cancer: Risks, Symptoms, and Prevention: https://www.webmd.com/oral-health/oral-cancer 
  4. Oral cancer: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11184-oral-cancer
  5. Odontogenic tumors: https://www.childrenshospital.org/conditions/odontogenic-tumors

Các bệnh liên quan

  1. Viêm lợi

  2. U nhầy xoang trán

  3. Tưa miệng

  4. Viêm quanh răng

  5. Viêm nha chu

  6. Viêm loét miệng

  7. Viêm, đau răng

  8. Sâu răng

  9. U men xương hàm

  10. Viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi