Nhiều người khi xét nghiệm máu nhận được kết quả acid uric 520 không biết cao hay thấp? Và nó có ý nghĩa gì với sức khỏe? Hãy cùng Nhà thuốc Long tìm hiểu nhé!
Nhiều người khi xét nghiệm máu nhận được kết quả acid uric 520 không biết cao hay thấp và nó có ý nghĩa gì đối với sức khỏe của bạn? Hãy cùng Nhà thuốc Long tìm hiểu sâu hơn về nồng độ acid uric và những ảnh hưởng của nó đối với cơ thể ngay sau đây!
Acid uric tại sao lại có trong cơ thể?
Acid uric là một chất tự nhiên được hình thành trong cơ thể từ quá trình phân hủy purin - một hợp chất có sẵn trong một số thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, rượu và bia là một số nguồn purin phổ biến.
Cơ thể loại bỏ acid uric thông qua thận và nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ quá nhiều purin hoặc gặp vấn đề trong quá trình đào thải, nồng độ acid uric máu có thể tăng lên, dẫn đến tình trạng gọi là tăng acid uric máu.
Acid uric 520 có cao không?
Thông thường, nồng độ acid uric máu bình thường là dưới 420 micromol/l cho nam và dưới 360 micromol/l cho nữ. Vì vậy, khi nồng độ acid uric máu của bạn là 520 micromol/l, nó đã vượt qua ngưỡng bình thường và được coi là cao. Khi này bệnh nhân cần tích cực kiểm soát nồng độ acid uric máu và đưa nó về hoặc dưới mức bình thường. Đây là hành động quan trọng để giảm nguy cơ mắc các bệnh do acid uric máu gây ra.
Acid uric máu cao gây bệnh gì?
Nồng độ acid uric máu cao, hay còn gọi là hyperuricemia, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số biến chứng của tình trạng nồng độ acid uric cao và tác động của chúng lên cơ thể, dựa trên nghiên cứu từ các nguồn uy tín như Viện Tim mạch Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới.
Sỏi thận
Tinh thể urate có thể lắng đọng trong thận, tạo thành sỏi thận. Các triệu chứng thường gặp trong bệnh lý như bí tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt, nhiễm trùng đường tiểu, tiểu ra máu,... khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Lâu dần có thể ảnh hưởng đến chức năng thận và suy thận.
Bệnh tim mạch
Nồng độ acid uric cao có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của bệnh tim mạch. Nó có thể gây ra việc tăng mạnh huyết áp và góp phần vào việc hình thành các mảng xơ trong mạch máu. Điều này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ và thậm chí gây tử vong.
Yếu sinh lý
Các nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ acid uric cao có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục ở nam giới. Nó có thể gây ra vấn đề về yếu sinh lý và làm giảm ham muốn đáng kể.
Bệnh gout
Bệnh gout là một trong những biến chứng phổ biến và đáng lo ngại nhất của nồng độ acid uric máu cao. Trong bệnh lý này, sự tích tụ tinh thể urat trong các khớp gây ra những cơn đau vô cùng dữ dội và thậm chí là viêm nhiễm. Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như đầu gối, cổ tay và bàn tay.
Nguyên nhân gây ra tăng acid uric
Ngoài việc ăn quá nhiều đạm, acid uric huyết còn có thể tăng cao do nhiều nguyên nhân khác như:
Rối loạn chuyển hóa purin: Một trong những nguyên nhân chính gây tăng nồng độ acid uric máu là rối loạn chuyển hóa purin. Khi quá trình này bị rối loạn, cơ thể sản xuất ra nhiều acid uric hơn thường.
Chức năng thận suy giảm: Thận có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể. Khi chức năng thận suy giảm, acid uric không được loại bỏ hiệu quả, dẫn đến tăng nồng độ acid uric máu.
Do di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh gout, bạn có nguy cơ cao hơn mắc phải căn bệnh này.
Sử dụng thuốc: Sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc điều trị ung thư trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân khiến nồng độ acid uric máu tăng cao.
Tuổi tác và giới tính: Chứng tăng acid uric gây ra bệnh gout thường phổ biến hơn ở nam giới và phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Cần làm gì khi acid uric cao?
Để kiểm soát nồng độ acid uric 520 về mức bình thường, việc tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống là rất quan trọng. Sau đây là những việc bạn cần làm:
Thay đổi thực đơn: Hãy tập trung vào các thực phẩm lành mạnh như rau xanh và hoa quả. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp đào thải acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể hiệu quả hơn.
Giảm cồn: Rượu và bia chứa nhiều purin và có thể tạo điều kiện cho sự tăng nồng độ acid uric. Hạn chế việc tiêu thụ chúng để giảm nguy cơ tăng acid uric máu.
Giảm chất béo: Ăn ít cholesterol và chất béo có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh gout.
Tránh nước ngọt: Nước ngọt có ga và nước ngọt đóng chai thường chứa fructose, một loại đường có thể tăng nồng độ acid uric máu. Hạn chế tiêu thụ loại nước này.
Tuân thủ dùng thuốc: Nếu bạn phải sử dụng thuốc hãy đảm bảo tuân thủ đúng liều và đủ lượng. Đến bác sĩ để tái khám định kỳ, đảm bảo hiệu quả điều trị tốt và không bị tác dụng phụ do thuốc.
Tập luyện: Đi bộ, tập yoga, và thiền định có thể giúp duy trì sức khỏe toàn diện và giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Tuy nhiên, nên tập khi cơ thể khỏe mạnh đừng đợi đến lúc bị gout thì sẽ rất khó vận động.
Nồng độ acid uric máu cao không chỉ đơn giản là một con số trên báo cáo xét nghiệm máu. Nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Do đó, việc kiểm soát nồng độ acid uric máu và thực hiện biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Nếu bạn có nghi ngờ về nồng độ acid uric của mình, hãy tìm đến bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn hiểu thêm về nồng độ acid uric 520. Hy vọng sẽ giúp cho bạn có cái nhìn chi tiết hơn để quyết định thăm khám và bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Tham khảo thêm các bài viết mới nhất tại Nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu thêm các bệnh lý khác nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.