Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Bệnh thận ở phụ nữ có thai đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Bệnh thận ở phụ nữ có thai gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả mẹ và thai nhi, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Thai kỳ là giai đoạn vô cùng nhạy cảm với sức khỏe của mẹ, lúc này cơ thể của mẹ yếu và dễ mắc bệnh, các hoạt động sinh lý của thận cũng trải qua nhiều thay đổi. Trong khi đó việc điều trị lại không thể sử dụng thuốc vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy cần bảo vệ sức khỏe của mẹ và ngăn ngừa tình trạng bệnh lý trong đó có bệnh thận ở phụ nữ có thai.

Hoạt động sinh lý của thận và hệ tiết niệu ở phụ nữ mang thai

Ở phụ nữ mang thai, cơ quan thận thường trải qua những biến đổi về thể tích, kích thước và chức năng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và thai nhi.

benh-than-o-phu-nu-co-thai-de-doa-tinh-mang-ca-me-lan-con 1.jpg
Ở phụ nữ mang thai, hoạt động của thận có thể thay đổi

Trong thai kỳ, thận thường trở nên tăng thể tích, kéo dài khoảng 1cm và nặng thêm khoảng 4,5g do tăng tưới máu của nhu mô thận và tổ chức kẽ. Hệ thống dẫn nước tiểu, bao gồm đài thận, bể thận và niệu quản, ở cả hai bên thường giãn ra, đặc biệt là ở thận phải. Sự giãn nở của đài và bể thận có thể do thay đổi nội tiết khi mang thai cũng như áp lực từ tử cung mang thai nén vào hệ thống dẫn nước tiểu, bao gồm niệu quản và bàng quang.

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ thường bị giảm huyết áp do giảm sức cản ngoại vi, nhưng sau đó huyết áp thường trở lại vào mức bình thường cho đến khi gần đến thời điểm sinh. Ngoài ra, cũng có sự tích tụ nước và muối, với thể tích huyết tương tăng khoảng từ 30 đến 50%, tương đương với khoảng 1,5 lít. Tuy nhiên, lượng nước trong dịch kẽ tăng ít hơn. Do đó, phụ nữ mang thai thường gặp phù sinh lý.

Trong khi mang thai, thận của phụ nữ được cung cấp lượng máu tăng lên, làm tăng lưu lượng máu qua thận từ 30 đến 50%, dẫn đến việc tăng mức lọc cầu thận (có thể đạt đến 180ml/phút), từ đó giảm nồng độ ure, creatinin, và axit uric trong máu. Sự thay đổi trong tổng hợp nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến các mạch máu và thụ thể của vỏ thận (bao gồm renin, prostaglandin...) được cho là nguyên nhân chính của các biến đổi huyết động tại thận trong thai kỳ.

Bệnh thận ở phụ nữ có thai

Bệnh thận ở phụ nữ khi mang thai thường là hiếm gặp. Xác định tỷ lệ chính xác của bệnh thận mãn tính trong thai kỳ là rất khó khăn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thận khi mang thai và được chẩn đoán trước khi mang thai là chỉ 0,03%.

Bệnh suy thận nhẹ thường có diễn biến âm thầm, điều này khiến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu trở nên khó khăn. Suy thận thường không liên quan đến thai kỳ, vì phụ nữ mắc bệnh suy thận nặng thường vượt quá độ tuổi sinh đẻ hoặc gặp vấn đề vô sinh.

benh-than-o-phu-nu-co-thai-de-doa-tinh-mang-ca-me-lan-con 2.jpg
Phụ nữ mắc bệnh suy thận nặng thường vượt quá độ tuổi sinh đẻ

Suy thận thường được chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 ảnh hưởng đến khoảng 3% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (20 - 39 tuổi). Giai đoạn 3 - 5 ảnh hưởng đến 1 trong 150 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhưng do khả năng sinh sản giảm và tỷ lệ sảy thai sớm tăng lên, mang thai ở đối tượng này là hiếm.

Hầu hết phụ nữ mắc bệnh thận mãn tính khi mang thai thường chỉ gặp phải rối loạn chức năng thận nhẹ và việc mang thai thường không ảnh hưởng đến tiên lượng thận. Theo một nghiên cứu với 46 trường hợp mang thai của 38 phụ nữ mắc bệnh thận mãn tính, 22% gặp tiền sản giật, 22% sinh non, và tỷ lệ hạn chế tăng trưởng của thai nhi là 13%, với tỷ lệ sinh mổ là 24%.

Tỉ lệ biến chứng thấp trong nghiên cứu này chủ yếu do gần 90% phụ nữ chỉ gặp suy thận nhẹ. Các biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thận từ nhẹ đến nặng bao gồm: Tăng huyết áp mãn tính, tiền ung thư, thiếu máu hay hạn chế tăng trưởng của thai nhi và sinh non.

Theo một số nghiên cứu, phụ nữ ban đầu bị suy thận nhẹ có nguy cơ suy giảm chức năng thận trong thai kỳ, và khoảng một nửa số đó vẫn bị ảnh hưởng sau sinh. Một nghiên cứu khác với 26 đối tượng mắc bệnh thận trung bình cho thấy, có đến 62% gặp tăng huyết áp mãn tính, 58% gặp tiền sản giật, và 73% gặp thiếu máu. Tỷ lệ hạn chế tăng trưởng của thai nhi và sinh non cũng cao. Tăng huyết áp mãn tính khiến phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn về tiền sản giật và suy giảm chức năng thận, nhưng nguy cơ này có thể giảm khi huyết áp được kiểm soát tốt hơn.

Các bệnh lý thận và hệ tiết niệu khi mang thai

Nhiễm khuẩn tiết niệu:

Nhiễm khuẩn tiết niệu là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai, ước tính khoảng 1-2% số phụ nữ có thai gặp phải. Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể bao gồm viêm bàng quang và viêm thận – bể thận cấp (nhiễm khuẩn tiết niệu cao). Yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của nhiễm khuẩn tiết niệu là sự chậm lưu thông của nước tiểu do sự giãn và chèn ép của hệ thống dẫn niệu. Các loại vi khuẩn phổ biến gây nhiễm khuẩn tiết niệu là E.Coli, và ít phổ biến hơn là các loại Enterobacter như Proteus, Klebsiella, Enterococcus, và liên cầu. Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể dẫn đến các biến chứng sản khoa như đẻ non, thai chết lưu, hoặc thai nhỏ do nhiễm khuẩn máu.

Viêm bàng quang cấp:

Dấu hiệu lâm sàng thường gặp của viêm bàng quang là hội chứng bàng quang, bao gồm đau ở phía dưới của bụng, đau khi đi tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt, và tiểu đục. Trong nước tiểu, thường có ít protein nhưng có nhiều bạch cầu (>10 BC/mm3) và vi khuẩn > 105 /ml nước tiểu. Điều trị chủ yếu cho viêm bàng quang thường là sử dụng kháng sinh qua đường uống trong khoảng 7-10 ngày, tuy nhiên không nên sử dụng kháng sinh thuộc nhóm Aminosid và nhóm Quinolon.

benh-than-o-phu-nu-co-thai-de-doa-tinh-mang-ca-me-lan-con 3.jpg
Điều trị chủ yếu cho viêm bàng quang thường là sử dụng kháng sinh

Viêm thận bể thận cấp tính:

Đây là biến chứng nghiêm trọng của nhiễm khuẩn tiết niệu. Dấu hiệu lâm sàng của viêm thận bể thận cấp tính có thể bao gồm sốt cao, đau ở vùng hông lưng, hội chứng bàng quang, và có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đau ở vùng bụng, rối loạn tiêu hóa. Cận lâm sàng cần được thực hiện bao gồm cấy máu, cấy nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa và tế bào niệu, cũng như siêu âm hệ tiết niệu để phát hiện triệu chứng và nguyên nhân tắc nghẽn. Điều trị viêm thận bể thận cấp tính là một biến chứng nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con, nên cần nhập viện để điều trị kháng sinh qua đường tĩnh mạch trong khoảng 7 - 10 ngày. Các biến chứng cần được theo dõi bao gồm nhiễm khuẩn máu, sốc nhiễm khuẩn, áp xe thận, viêm mô quanh thận, sẩy thai, và thai lưu.

Tăng huyết áp khi có thai:

Tăng huyết áp khi có thai có thể chia thành các loại sau:

  • Tăng huyết áp do mang thai, bao gồm tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) và sản giật.
  • Tăng huyết áp mạn tính hoặc tăng huyết áp có từ trước do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Tiền sản giật xuất hiện trên nền tăng huyết áp mạn tính.

Tăng huyết áp do mang thai:

Nếu trước khi mang thai huyết áp bình thường, mức huyết áp khi mang thai vượt quá 140/90 mmHg và không có protein niệu được gọi là tăng huyết áp do mang thai. Điều trị cho tăng huyết áp khi mang thai là rất quan trọng.

Tiền sản giật:

Tiền sản giật là một trong những biến chứng thận hay gặp ở phụ nữ mang thai, thường liên quan đến các vấn đề về tưới máu của bánh rau thai. Các yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của tiền sản giật ở phụ nữ mang thai bao gồm: Tiền sử nhiễm độc thai nghén (NĐTN) trong các thai kỳ trước đó, tiền sử gia đình có người mắc tiền sản giật, số lượng thai lớn, chửa trứng, cao tuổi, béo phì, bệnh thận và/hoặc tăng huyết áp trước đó, và tiểu đường.

Tiền sản giật thường được xác định khi huyết áp tăng (≥140/90 mmHg) kèm theo protein niệu, thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phát triển phù (khác với phù sinh lý khi mang thai) và tăng axit uric máu. Mặc dù axit uric không nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán, nhưng khi axit uric >325 μmol/l, cần phải cân nhắc điều trị.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ về ảnh hưởng của bệnh thận ở phụ nữ có thai. Tổn thương thận (đặc biệt khi có tăng huyết áp) là một yếu tố nguy cơ đôi khi đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin