Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng mà bạn nên biết

Ngày 21/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc sử dụng đúng cách các loại thuốc chống loét dạ dày - tá tràng sẽ hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả bệnh lý này.

Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý về đường tiêu hoá phổ biến nhất hiện nay. Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tình trạng loét dạ dày - tá tràng kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng được sử dụng rộng rãi và cho hiệu quả điều trị cao.

Loét dạ dày - tá tràng là bệnh gì?

Loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý xảy ra do sự tổn thương niêm mạc dạ dày hoặc niêm mạc tá tràng. Đây là một trong những bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá phổ biến nhất hiện nay. Theo thống kê, có đến 26% dần số Việt Nam mắc phải căn bệnh loét dạ dày - tá tràng.

Biểu hiện nổi bật của tình trạng loét dạ dày - tá tràng là các vết loét sâu xuống tới lớp cơ niêm mạc, từ đó gây ra những cơn đau bụng âm ỉ, ở hơi, ợ chua khiến người bệnh khó chịu.

Nếu không được phát hiện kịp thời và xử lý đúng cách, bệnh loét dạ dày - tá tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Mức độ nhẹ: Suy nhược cơ thể, gây đau âm ỉ vùng thượng vị cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
  • Mức độ nặng: Xuất huyết hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị và nghiêm trọng hơn cả là ung thư dạ dày.
Các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng mà bạn nên biết  1
Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý về đường tiêu hoá phổ biến nhất hiện nay

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh loét dạ dày - tá tràng

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh loét dạ dày - tá tràng, Nhà thuốc Long Châu se chia sẻ thêm về nguyên nhân và triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng ngay sau đây, cụ thể như sau:

Nguyên nhân

Loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi xuất hiện sự mất cân bằng giữa các yếu tố phá huỷ và cơ chế bảo vệ như:

  • Các yếu tố phá huỷ: Nhiễm vi khuẩn H.Pylori, thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID), bia rượu, muối mật, pepsin, axit… Những yếu tố này tác động làm thay đổi cấu trúc bảo vệ niêm mạc và cho phép các ion H+ khuếch tán ngược lại, từ đó làm tổn thương các tế bào biểu mô.
  • Cơ chế bảo vệ: Là sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào, chất nhầy niêm mạc, lưu lượng máu đến dạ dày tá tràng, tình trạng tái sinh biểu mô và sự phục hồi tế bào.

Do đó, nguyên nhân gây ra bệnh loét dạ dày - tá tràng thường rất đa dạng, phổ biến nhất là:

  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Người bệnh ăn quá nhiều đồ cay nóng, đồ chiên xào, đồ chế biến sẵn… hoặc sử dụng quá nhiều chất thích như bia rượu, cà phê, thuốc lá… hoặc ăn không đúng bữa, không nhai kỹ, ăn vội vàng… là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng loét dạ dày - tá tràng.
  • Chế độ sinh hoạt không khoa học: Thức quá khuya, ngủ không đủ giấc… cũng là nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng.
  • Lạm dụng thuốc Tây và các hoá chất: Việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc nhiễm phải kim loại nặng có thể khiến niêm mạc dạ dày - tá tràng bị tổn thương, từ đó dẫn đến loét dạ dày tá tràng.
  • Nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP cũng là một nguyên nhân gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho niêm mạc dạ dày và tá tràng.
  • Bệnh lý: Các bệnh lý như xơ gan, tiểu đường, hạ đường huyết… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ loét dạ dày - tá tràng.
  • Một số nguyên nhân khác: Căng thẳng, stress, sợ hãi trong thời gian dài sẽ tạo áp lực cho dạ dày và tá tràng, từ đó gây nên bệnh loét dạ dày - tá tràng.

Triệu chứng

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh loét dạ dày - tá tràng, bao gồm:

  • Nóng rát và đau âm ỉ vùng thượng vị: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh loét dạ dày - tá tràng. Cơn đau thường xuất hiện ngay sau khi ăn đối với loét dạ dày và sau 2 - 3 giờ đối với loét tá tràng. Đồng thời, cơn đau rát thường dữ dội hơn vào ban đêm và rạng sáng.
  • Khó tiêu, ợ hơi, chướng bụng và căng bụng.
  • Khó tiêu hoá thức ăn có chứa chất béo hoặc nhiều dầu mỡ.
  • Tiết ra nhiều nước bọt, ợ nóng và khó chịu vùng ngực.
  • Người bệnh cảm thấy buồn nôn và nôn thường xuyên, cảm thấy dễ chịu hơn sau khi nôn được thức ăn ra ngoài.
  • Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen do tình trạng chảy máu tại ổ loét. Hiện tượng đi ngoài phân đen có thể xảy ra một lần trong một ngày duy nhất hoặc từng đợt trong nhiều ngày.
  • Người bệnh dễ bị thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, khó thở.
Các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng mà bạn nên biết  2
Đau rát vùng thượng vị là một triệu chứng điển hình của loét dạ dày - tá tràng

Phương pháp điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân bị loét dạ dày - tá tràng, cụ thể là:

Điều trị bằng thuốc

Đối với bệnh loét dạ dày - tá tràng, có sự khác nhau trong phác đồ điều trị bằng thuốc chống loét dạ dày - tá tràng ở người bệnh có kèm theo nhiễm khuẩn HP và không kèm theo nhiễm khuẩn HP. Ở mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp cho từng bệnh nhân và tình trạng bệnh cụ thể để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

Thay đổi lối sống

Người bệnh bị loét dạ dày - tá tràng cần sử dụng thuốc theo đúng đơn kê của bác sĩ, đồng thời bạn cũng cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt sao cho hợp lý như:

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ cho niêm mạc dạ dày tá tràng, hỗ trợ cho quá trình phục hồi các vết loét và giảm tiết dịch acid dạ dày như bánh mì, sữa chua, đậu bắp, chuối, rau củ quả màu xanh đậm hoặc màu đỏ…
  • Người bệnh cũng nên uống nước ép táo, nước gừng, trà thảo mộc, hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong. Đồng thời tránh các loại thức ăn và đồ uống làm tăng tổn thương cho niêm mạc dạ dày - tá tràng như dưa muối, cà muối, hoa quả có vị chua, đồ cay nóng, bia rượu…
  • Tập các bài thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút/ngày.
  • Ăn uống đúng giờ, đúng bữa, tránh bỏ bữa, ăn chậm và nhai kỹ.

Các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng

Dưới đây là các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh, bao gồm:

Thuốc kháng tiết dịch axit dạ dày

Thuốc kháng tiết dịch axit dạ dày được chia thành 2 nhóm chính là:

  • Thuốc ức chế thụ thể histamin H2: Gồm có thuốc ranitidin, cimetidin, famotidin… được chỉ định trong trường hợp loét dạ dày - tá tràng mức độ nhẹ, ít triệu chứng hoặc dùng để giảm tiết dịch axit khi ngủ.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Gồm có esomeprazol, omeprazol, pantoprazol… được sử dụng điều trị loét dạ dày và kết hợp với thuốc kháng sinh trong phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP.

Mặc dù cơ chế tác dụng của 2 nhóm thuốc này khác nhau nhưng chúng đều có tác dụng ức chế tăng sinh dịch axit dạ dày, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh loét dạ dày - tá tràng như đau vùng thượng vị, nóng rát và làm lành vết loét.

Các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng mà bạn nên biết  3
Thuốc kháng tiết dịch axit dạ dày thuộc các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng

Thuốc trung hòa dịch axit dạ dày

Nhóm thuốc trung hòa dịch axit dạ dày thường có các thành phần như canxi carbonat, nhôm hydroxit, magie trisilicat… có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm tình trạng đau rát trong điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng. Tuy nhiên, nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng này không nên sử dụng trong thời gian dài, bởi thuốc không giúp điều trị nguyên nhân của bệnh mà chỉ giúp giảm triệu chứng bệnh và có thể gây ra các tác dụng phụ khác như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn…

Thuốc bao phủ ổ loét dạ dày - tá tràng

Một trong các thuốc chống loét dạ dày - tá tràng được sử dụng trong điều trị bệnh là sucralfat. Đây là loại thuốc có tác dụng giúp bao phủ ổ loét dạ dày - tá tràng. Khi đi vào cơ thể, sucralfat tạo ra phức hợp liên kết với các protein (+) trong dịch tiết nhằm tạo thành hợp chất nhầy bao phủ và bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày - tá tràng, từ đó giúp ngăn ngừa các tổn thương niêm mạc và hỗ trợ phục hồi các ổ loét.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn HP. Việc tiêu diệt thành công vi khuẩn HP sẽ giúp điều trị bệnh dứt điểm, ngăn chặn bệnh tiến triển xấu đi và phòng ngừa tái phát tình trạng loét dạ dày - tá tràng.

Một số loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong điều trị loét dạ dày - tá tràng có thể kể đến như amoxicillin, tetracycline, clarithromycin, metronidazole… Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần phải có chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng bị kháng thuốc, giảm hiệu quả điều trị.

Các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng mà bạn nên biết 4
Thuốc kháng sinh được dùng để tiêu diệt vi khuẩn HP trong loét dạ dày - tá tràng

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh loét dạ dày - tá tràng mà bạn nên biết. Đồng thời, Nhà thuốc Long Châu cũng chia sẻ thêm với bạn đọc về các nhóm thuốc chống loét dạ dày - tá tràng được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay. Việc sử dụng thuốc chống loét dạ dày - tá tràng cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin