Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Dấu hiệu suy tuyến thượng thận và những nguyên nhân cần chú ý

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Suy tuyến thượng thận cấp là một tình trạng y tế nghiêm trọng nhưng thường bị bỏ qua do các triệu chứng không rõ ràng. Tìm hiểu các dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp để nhận biết và điều trị kịp thời. Bài viết cung cấp thông tin chi tiết và lời khuyên từ các chuyên gia y tế.

Nhận biết sớm các dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp có thể giúp bạn điều trị kịp thời. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thêm thông tin về bệnh lý suy tuyến thượng thận cấp.

Thông tin về suy tuyến thượng thận cấp

Suy tuyến thượng thận cấp là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng, xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ lượng cortisol – một hormone quan trọng do tuyến thượng thận tiết ra. Tình trạng này còn được biết đến với các tên gọi khác như cơn khủng hoảng tuyến thượng thận, cơn Addison, hoặc suy tuyến thượng thận cấp tính.

Dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp

Khi bạn có một trong các dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp dưới đây, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

  • Rối loạn tiêu hóa: Bạn có thể gặp phải tình trạng đau thượng vị (trên rốn), sau đó cơn đau lan ra khắp bụng, nhưng khi khám thì bụng vẫn mềm. Triệu chứng này có thể đi kèm với buồn nôn và nôn, dẫn đến dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ngoại khoa khác ở vùng bụng.
  • Rối loạn tâm thần: Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi đến mức lả đi, thậm chí hôn mê, hoặc ngược lại có thể trở nên kích thích, nói sảng và lẫn lộn.
  • Trụy tim mạch: Huyết áp giảm nhanh chóng, tay chân trở nên lạnh, mạch đập nhanh và nhỏ.
  • Dấu hiệu mất nước ngoại bào: Biểu hiện qua sút cân, đau cơ, và có thể sốt mà không có dấu hiệu nhiễm trùng. Ngoài ra, người bệnh có thể trải qua các cơn đau lan rộng như đau cơ, đau khớp và đau đầu.
Dấu hiệu suy tuyến thượng thận: Nguồn gốc và nguyên nhân-1
Dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp

Nguyên nhân gây ra suy tuyến thượng thận thấp cấp

Suy tuyến thượng thận cấp có thể xảy ra trên nền của bệnh suy tuyến thượng thận tiên phát (suy tại tuyến thượng thận) hoặc thứ phát (suy do ảnh hưởng của một tác nhân khác).

Tổn thương tuyến thượng thận

Một số tác nhân gây tổn thương tuyến thượng thận dẫn đến tình trạng suy thượng thận cấp:

  • Nhiễm trùng và phẫu thuật: Các tác nhân này có thể gây tổn thương trực tiếp đến tuyến thượng thận.
  • Dùng thuốc nhuận tràng, tiêu chảy hoặc lợi tiểu: Sử dụng những loại thuốc này có thể dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến thượng thận.
  • Đổ mồ hôi nhiều, ăn nhạt kéo dài, nôn mửa: Những tình trạng này gây mất muối và nước, làm giảm chức năng của tuyến thượng thận.
  • Bỏ điều trị hormone thay thế: Ngưng sử dụng hormone thay thế đột ngột có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận cấp.
Dấu hiệu suy tuyến thượng thận: Nguồn gốc và nguyên nhân-2
Tổn thương tuyến thượng thận cấp có thể gây suy tuyến thượng thận

Xuất huyết tuyến thượng thận hai bên

Tình trạng xuất huyết tuyến thượng thận tuy hiếm gặp nhưng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thượng thận cấp:

  • Xuất huyết và u máu hai bên tuyến thượng thận: Đây là những tổn thương hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường được phát hiện khi giải phẫu tử thi. Xuất huyết thượng thận không do chấn thương thường liên quan đến rối loạn đông máu, có thể do đông máu rải rác trong lòng mạch hoặc các bệnh gây đông máu (như ung thư, các bệnh về máu), nhưng thường gặp nhất là do điều trị bằng thuốc chống đông.
  • Xuất huyết thượng thận hai bên do thuốc kháng thượng thận: Có thể xảy ra do điều trị bằng thuốc kháng thượng thận.
  • Hội chứng Waterhouse-Friderichsen ở trẻ em: Xuất huyết thượng thận hai bên chu sinh gây suy thượng thận cấp thường do trụy mạch liên tiếp do mất máu.

Rối loạn tổng hợp hormone tuyến thượng thận bẩm sinh

Rối loạn tổng hợp hormone tuyến thượng thận bẩm sinh gây ra bệnh mất muối ở trẻ nhũ nhi là tình trạng rất hiếm gặp, thường thấy ở nhi khoa, do sự ức chế men 21-hydroxylase. Bệnh xuất hiện sau sinh vài ngày đến vài tuần với các triệu chứng như chán ăn, không tăng cân, nôn, mất nước và trụy tim mạch. 

Trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Trẻ em mắc bệnh này thường tiểu ra nhiều Natri khiến Natri trong máu giảm, kèm theo giảm Clo máu và tăng Kali máu. Trẻ em gái thường có bất thường cơ quan sinh dục ngoài.

Nguyên nhân liên quan đến vùng dưới đồi - tuyến yên

Suy thượng thận cấp không chỉ do tổn thương trực tiếp đến tuyến thượng thận mà còn có thể xuất phát từ các vấn đề liên quan đến vùng dưới đồi - tuyến yên:

  • Phẫu thuật u tuyến thùy trước tuyến yên: Can thiệp phẫu thuật vào vùng tuyến yên có thể gây tổn thương hoặc làm giảm chức năng của tuyến yên, dẫn đến suy tuyến thượng thận.
  • Hội chứng Sheehan: Tình trạng này xảy ra khi có sự hoại tử tuyến yên sau khi sinh, thường do mất máu nghiêm trọng hoặc hạ huyết áp kéo dài trong quá trình sinh nở, dẫn đến suy giảm chức năng tuyến yên.
  • Chấn thương: Chấn thương sọ não hoặc vùng tuyến yên có thể gây tổn thương tuyến yên, làm giảm sản xuất hormone kích thích tuyến thượng thận.
  • Viêm màng não: Nhiễm trùng màng não có thể lan tới tuyến yên, gây viêm và tổn thương vùng này, dẫn đến suy tuyến yên và suy tuyến thượng thận cấp.
  • Vỡ phình mạch một động mạch cảnh trong: Khi phình mạch vỡ, máu tràn vào vùng quanh tuyến yên, gây áp lực và tổn thương tuyến yên, làm giảm sản xuất hormonee cần thiết cho hoạt động của tuyến thượng thận.
  • Tràn máu tuyến yên (xuất huyết u tuyến yên): Xuất huyết vào trong một u tuyến yên có thể gây tràn máu và tổn thương mô tuyến yên, dẫn đến suy tuyến thượng thận cấp do thiếu hụt hormonee kích thích tuyến thượng thận.
  • Test Metyrapone, nhất là vào lúc cuối của test: Metyrapone là một thuốc ức chế tổng hợp cortisol, được sử dụng trong một số test chức năng của tuyến thượng thận. Nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều, nó có thể gây suy tuyến thượng thận cấp.
  • Phẫu thuật cắt một tuyến thượng thận do u: Cắt bỏ một tuyến thượng thận do u có thể làm tăng gánh nặng cho tuyến thượng thận còn lại. Nếu tuyến thượng thận còn lại không đủ khả năng bù đắp, có thể dẫn đến suy thượng thận cấp.
Dấu hiệu suy tuyến thượng thận: Nguồn gốc và nguyên nhân-3
Tổn thương vùng dưới đồi cũng dẫn đến suy tuyến thượng thận cấp

Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân từ tuyến yên và các yếu tố gây tổn thương trực tiếp, suy thượng thận cấp còn có thể phát sinh từ việc sử dụng một số loại thuốc và các bệnh lý khác:

  • Sử dụng Corticoid và các sản phẩm chứa corticoid: Sử dụng corticoid trong thời gian dài có thể là nguyên nhân thường gặp gây suy thượng thận cấp. Đây bao gồm cả việc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc, hoặc dùng với mục đích giảm đau kéo dài.
  • Aminoglutethimide: Là một kháng thượng thận gây ức chế tổng hợp Cortisol, có nguy cơ gây suy thượng thận từ những ngày đầu điều trị.
  • Ketoconazol: Trường hợp suy tuyến thượng thận cấp có thể phát sinh do điều trị bằng thuốc Ketoconazol ở liều cao và liên tục.
  • Rifampicin: Thuốc này là một chất cảm ứng men gan, làm tăng quá trình oxy hóa cortisol thành 6-β hydroxycortisol.
  • Các thuốc cảm ứng men khác như Gardenal, Dihydan (phenytoin): Cũng có thể gây ra suy thượng thận cấp khi sử dụng.
  • Tắc mạch do cholesterol hoặc huyết khối trong mạch máu của tuyến thượng thận: Đây là những nguyên nhân hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến suy thượng thận cấp.
  • Nhiễm nấm (cryptococcosis): Một số trường hợp suy thượng thận cấp có thể xuất phát từ nhiễm nấm.
Dấu hiệu suy tuyến thượng thận: Nguồn gốc và nguyên nhân-3
Việc sử dụng thuốc corticoid có thể gây suy tuyến thượng thận cấp

Tóm lại, suy thượng thận cấp có thể có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ tổn thương trực tiếp đến tuyến yên đến sử dụng các loại thuốc và các tình huống khác. Các yếu tố như phẫu thuật, viêm nhiễm, và việc sử dụng corticoid có thể gây ra những biểu hiện như mệt mỏi, hạ huyết áp, và mất cân nặng - tất cả là dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp. Bạn đọc cần nhận biết và được điều trị kịp thời để ngăn chặn tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin