Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau khớp gối khi trời lạnh: Làm gì giảm đau hiệu quả?

Ngày 27/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mắc phải bệnh lý xương khớp người bệnh thường xuyên cảm giác đau nhức, khó chịu, đặc biệt rõ vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi. Vì sao đau khớp gối khi trời lạnh thường nghiêm trọng hơn? Triệu chứng này làm thế nào cải thiện? Mời bạn cùng theo dõi bài viết này.

Mưa lạnh, thời tiết chuyển mùa, lạnh vào ban đêm và sáng sớm,… khiến những người có bệnh xương khớp, đặc biệt là người già cảm thấy khớp gối càng đau hơn. Vì sao khớp gối lại bị đau khi trời lạnh là thắc mắc của nhiều người hiện nay. 

Triệu chứng đau khớp gối vào mùa lạnh

Những triệu chứng điển hình đau khớp gối khi trời lạnh rất dễ nhận biết dưới đây:

Tăng cơn đau nhức

Mỗi khi thời tiết thay đổi, nhiều vị trí trên cơ thể đều cảm thấy đau nhức nặng hơn, nhất là vùng khớp bị tổn thương trước đó hoặc đang mắc bệnh lý xương cột sống, xương khớp gối, xương cổ, xương vai, xương thắt lưng, bàn tay,… Đặc biệt, thời điểm đau nhức sẽ nghiêm trọng nhất vào ban đêm hoặc sáng sớm khi nhiệt độ thấp nhất.

Đau khớp gối khi trời lạnh: Làm gì giảm đau hiệu quả? 1 Mỗi khi trời lạnh, nhiều vị trí trên cơ thể đều cảm thấy đau nhức nặng hơn, nhật là vùng khớp.

Tê, sưng khớp

Tình trạng tê sưng khớp gối xảy ra thường xuyên khi trời lạnh, nhất là người già. Bệnh nhân cần đặc biệt chú ý bởi đây là dấu hiệu bệnh lý xương khớp như thoát vị đĩa đệm, loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp,…

Cứng khớp

Thời điểm buổi sáng sau khi ngủ dậy cảm giác các khớp bị cứng đơ, không thể hoặc rất khó cử động. Tình trạng này kéo dài khoảng 10 - 30 phút, phải xoa bóp một lúc mới cảm thấy dễ chịu. Nếu trời lạnh và bệnh không được cải thiện thì tình trạng khớp bị cứng sẽ tái phát nhiều lần.

Khớp phát ra âm thanh khi vận động

Ngoài cảm giác đau nhức, vận động khó khăn, khớp của người bệnh còn phát ra âm thanh bất thường khi cố gắng di chuyển. 

Những triệu chứng đau xương khớp nói chung, đau khớp gối khi trời lạnh nói riêng đều khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc lẫn cuộc sống. Chưa kể, nếu ban đêm cơn đau nhức thường xuyên xuất hiện còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến người bệnh cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung.

Ba nguyên nhân chính gây đau khớp gối khi trời lạnh 

Hẳn nhiều người vẫn thắc mắc tại sao khi trời lạnh khớp gối thường đau nhức hơn. Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến khớp gối bị đau:

Lưu thông máu kém hơn

Khi trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp, cơ thể sẽ hạn chế lưu thông máu để giúp tự giữ ấm, tránh thất thoát năng lượng. Việc giảm lưu thông máu này khiến máu nuôi khớp cùng dịch khớp cũng ít hơn nên sụn, màng hoạt dịch khớp cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn kéo theo cảm giác đau nhức càng nghiêm trọng.

Đau khớp gối khi trời lạnh: Làm gì giảm đau hiệu quả? 2 Người già, khi xương khớp không còn linh hoạt, rắn chắc, hệ miễn dịch cũng suy giảm rất dễ bị đau khớp gối khi trời lạnh.

Co rút gân cơ khớp

Mùa lạnh, độ ẩm cao sẽ gây đông hoặc co rút gân cơ khớp khiến khớp trở nên khô cứng hơn. Bệnh nhân khi khớp bị cứng sẽ không chỉ khó vận động mà tình trạng đau nhức càng nghiêm trọng hơn.

Rối loạn tuần hoàn

Trời lạnh làm chậm rối loạn tuần hoàn toàn cơ thể, trong đó có các vị trí khớp, dịch khớp, vận mạch,… Đây cũng là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp, hạn chế vận động khi trời lạnh.

Người già, khi xương khớp không còn linh hoạt, rắn chắc, hệ miễn dịch cũng suy giảm rất dễ bị đau khớp gối. Mặc dù bị đau nhưng bệnh nhân hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng bệnh.

Cách giảm đau khớp gối khi trời lạnh

Bệnh nhân sẽ hạn chế được cảm giác khó chịu, những cơn đau nhức khớp nếu áp dụng các biện pháp sau:

Xoa bóp, massage

Dùng các loại rượu thuốc như rượu gừng, rượu thuốc, rượu khuynh diệp,… để xoa bóp, massage nhẹ nhàng khớp gối, giúp làm nóng khớp, giãn mạch và tăng tốc độ lưu thông của máu. Tình trạng đau sưng khớp sẽ giảm đáng kể, bạn không còn sợ bị đau khớp gối mỗi khi trời lạnh hay thay đổi thời tiết nữa.

Đau khớp gối khi trời lạnh: Làm gì giảm đau hiệu quả? 3 Theo các chuyên gia, vẫn nên đi bộ thường xuyên với cường độ phù hợp dù có bị đau khớp gối hay không.

Chườm nóng

Nếu chưa kịp xử lý cơn đau nhức khớp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể chủ động chườm nóng lên chỗ sưng đau. Nhiệt độ sẽ làm giãn nở, tăng lưu thông máu và giảm đau nhức xương khớp nhanh chóng.

Tắm nước nóng

Ngâm mình trong nước nóng sẽ giúp mạch máu được giãn nở, từ đó cũng giảm sưng đau, khó chịu. Khi bị đau nhức khớp gối, hãy dùng nước nóng để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, tránh ngâm mình quá lâu.

Đi bộ

Bị đau khớp gối khiến bệnh nhân lười vận động vì càng vận động lại càng đau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn nên đi bộ thường xuyên với cường độ phù hợp dù có bị đau khớp gối hay không, đặc biệt là với người trung và cao tuổi. Đi bộ nhẹ nhàng sẽ giúp sức mạnh cơ xương được tăng cường, tăng lưu thông máu cũng như ngăn ngừa đau khớp gối.

Phòng ngừa đau khớp gối mùa lạnh

Bệnh nhân cần chú ý những việc sau để làm giảm các triệu chứng và phòng ngừa đau khớp gối khi trời lạnh:

Đau khớp gối khi trời lạnh: Làm gì giảm đau hiệu quả? 4 Chế độ vận động và tập luyện xương khớp nhẹ nhàng, hợp lý sẽ giúp lưu thông máu và khí huyết được tốt hơn.
  • Giữ ấm cơ thể: Việc luôn giữ ấm cơ thể sẽ giúp bạn không bị nhiễm lạnh gây ra các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn, làm suy giảm hệ miễn dịch. Ngoài ra, cơ thể được giữ ấm cũng sẽ hạn chế những ảnh hưởng đến khớp tay, đầu gối, bàn chân.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Nghỉ ngơi hợp lý, giảm vận động sẽ giúp khớp gối giảm áp lực. Nhưng lưu ý là không ngồi, nằm trong một tư thế quá lâu có thể làm tê cứng các khớp và gây đau mỏi. Nên vận động nhẹ nhàng, hợp lý để giúp ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như thoái hóa.
  • Dinh dưỡng hợp lý: Dinh dưỡng có tác động tốt/xấu đến sức khỏe xương khớp. Nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh, đủ chất để giúp cơ thể lẫn hệ xương khớp khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chú ý kiểm soát, hạn chế thừa cân, béo phì nhằm giảm áp lực cho khớp, từ đó phòng ngừa đau xương khớp. Uống nhiều nước, tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, C, chứa nhiều collagen, đồng thời hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, nhiều gia vị để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng và nuôi dưỡng khớp.
  • Tập luyện xương khớp: Không hạn chế cử động khớp nếu bị đau. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng sự thật là tình trạng tê cứng khớp sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh không vận động. Vấn đề là bạn tập luyện, vận động thế nào để không gây hại cho khớp gối cũng như không khiến cơn đau trầm trọng hơn. Chế độ vận động và tập luyện xương khớp nhẹ nhàng, hợp lý sẽ giúp lưu thông máu và khí huyết được tốt hơn, giúp tăng cường máu nuôi dưỡng khớp và dịch bôi trơn khớp. 
  • Dùng thuốc hợp lý: Nếu bị đau xương khớp, người bệnh nên đến khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tránh tự ý mua và dùng thuốc giảm đau hoặc các bài thuốc dân gian, thực phẩm hỗ trợ điều trị vì có thể không chữa đúng bệnh mà còn gây ra tác dụng phụ và khiến bệnh nặng thêm.

Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nhưng không được chủ quan, để bệnh tiến triển ảnh hưởng tới chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Xem thêm: Khớp gối kêu lục cục khi co duỗi không đau có nguy hiểm không?

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm