Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gây tê tại chỗ là gì? Một số lưu ý về thủ thuật gây tê

Ngày 21/08/2024
Kích thước chữ

Gây tê là một phương pháp giảm đau được sử dụng trong nhiều loại phẫu thuật, giúp ngăn chặn cảm giác đau đớn. Có nhiều kỹ thuật gây tê khác nhau, và việc lựa chọn phương pháp phù hợp sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về thủ thuật gây tê tại chỗ và một số lưu ý về thủ thuật gây tê.

Gây tê tại chỗ là một kỹ thuật y khoa sử dụng thuốc tê để tạm thời làm mất cảm giác đau ở một vùng cụ thể trên cơ thể mà không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống thần kinh. Phương pháp này thường được áp dụng trong các ca phẫu thuật nhỏ, điều trị nha khoa, hoặc thủ thuật y tế khác. Trước khi tìm hiểu chi tiết về phương pháp gây tê tại chỗ, chúng ta cùng điểm qua một vài thông tin về phương pháp gây tê.

Gây tê là gì?

Gây tê là một phương pháp làm mất cảm giác đau tạm thời ở một khu vực cụ thể trên cơ thể bằng cách sử dụng các chất ức chế sự truyền xung động thần kinh. Thuốc tê được tiêm trực tiếp vào vị trí cần điều trị, giúp ngăn chặn cảm giác đau tại vùng đó. 

Quá trình gây tê hoạt động bằng cách làm gián đoạn sự dẫn truyền của các dây thần kinh ngoại vi, từ đó loại bỏ cảm giác đau tạm thời ở một phần cơ thể. Phương pháp này thường được áp dụng trong các ca phẫu thuật nhỏ, giới hạn như nha khoa, phẫu thuật tay chân, hoặc xử lý các vết thương, mụn nhọt và đau do chấn thương.

Gây tê tại chỗ là gì?

Gây tê tại chỗ là một phương pháp sử dụng các tác nhân hóa học và vật lý để tác động trực tiếp lên các đầu dây thần kinh ngoại vi. Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn và tương đối an toàn, nhưng hạn chế ở chỗ tác dụng ngắn và phạm vi phong bế nhỏ, do đó chỉ thích hợp cho các phẫu thuật nhỏ như sinh thiết, khâu vết thương nhỏ, hoặc dùng trong nha khoa và dạng gel bôi trước khi tiêm cho trẻ em.

Phương pháp gây tê tại chỗ bao gồm:

  • Gây tê bề mặt: Thực hiện bằng cách nhỏ, phun, hoặc bôi thuốc tê lên bề mặt niêm mạc, thường áp dụng trong các tiểu phẫu tai, mũi, họng, răng miệng, mắt và nội soi.
  • Gây tê thấm: Được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào từng lớp mô, thích hợp cho các ca phẫu thuật nhỏ, vết mổ nông, hoặc chích rạch áp xe.
  • Gây lạnh: Sử dụng các loại thuốc mê bay hơi nhanh phun lên bề mặt da (Kélen), thường dùng trong chích rạch áp xe.
Gây tê tại chỗ là gì? Một số lưu ý về thủ thuật gây tê 1
Gây tê tại chỗ là phương pháp gây tê thường được sử dụng

Phương pháp gây tê khác: Gây tê vùng

Bên cạnh gây tê tại chỗ, gây tê vùng là một trong những phương pháp gây tê phổ biến hiện nay. Phương pháp này hoạt động bằng cách sử dụng thuốc tê để tác động trực tiếp lên các đường dẫn truyền thần kinh, như rễ thần kinh hay đám rối thần kinh, từ đó làm mất cảm giác đau ở khu vực cơ thể do những dây thần kinh này chi phối. 

Phương pháp gây tê vùng bao gồm:

Gây tê tủy sống

Thuốc tê được đưa vào khoang dưới nhện, nơi nó hoà trộn với dịch não tủy và phong bế các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống, từ đó làm mất cảm giác đau ở vùng cơ thể mà những rễ thần kinh này kiểm soát. Phương pháp này thường được thực hiện tại các đốt sống thắt lưng (L1 - L5). Ưu điểm của gây tê tủy sống là dễ thực hiện, chi phí thấp, thời gian tác dụng nhanh và hiệu quả cao trong việc làm mềm cơ. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian tác dụng ngắn và khó kiểm soát. 

Phương pháp này thường được sử dụng trong các phẫu thuật chi dưới, bụng dưới, sản khoa, phẫu thuật thận và tiết niệu. Chống chỉ định bao gồm các trường hợp bệnh nhân bị sốc, thiếu khối lượng tuần hoàn, rối loạn đông máu, đang điều trị chống đông, nhiễm trùng tại vị trí tiêm, dị ứng thuốc tê, hoặc bệnh nhân từ chối phương pháp này.

Gây tê tại chỗ là gì? Một số lưu ý về thủ thuật gây tê 2
Gây tê tủy sống thường được sử dụng trong sản khoa

Gây tê ngoài màng cứng

Thuốc tê được tiêm vào khoang ngoài màng cứng, phong bế các rễ thần kinh, từ đó làm mất cảm giác đau ở vùng cơ thể mà những rễ thần kinh này kiểm soát. Sau khi tiêm thuốc vào khoang ngoài màng cứng, tác dụng của nó sẽ diễn ra tại khoanh tủy xung quanh vị trí tiêm. Phương pháp này có thể được thực hiện tại các đốt sống ngực hoặc thắt lưng, và có thể sử dụng catheter để duy trì giảm đau kéo dài. 

Ưu điểm của gây tê ngoài màng cứng là tác dụng kéo dài, có thể duy trì liên tục để giảm đau sau phẫu thuật, kiểm soát được mức độ phong bế và ít ảnh hưởng đến huyết động. Tuy nhiên, kỹ thuật này khó thực hiện, thời gian chờ tác dụng lâu, và đôi khi tác dụng không hoàn toàn, ít làm mềm cơ. Phương pháp này thường được sử dụng trong phẫu thuật bụng dưới, sản khoa, phẫu thuật thận, tiết niệu, phẫu thuật chi dưới và giảm đau sau phẫu thuật ngực, bụng, chi dưới. Các chống chỉ định của phương pháp này tương tự như với gây tê tủy sống.

Gây tê ngoại vi thần kinh

Thuốc tê được tiêm vào vị trí xung quanh một hoặc nhiều đám rối thần kinh ngoại vi để phong bế vùng cơ thể mà các dây thần kinh này chi phối. Thời gian tác dụng của thuốc phụ thuộc vào khối lượng và thể tích thuốc tê sử dụng. Các vị trí gây tê phổ biến bao gồm đám rối cánh tay, thần kinh đùi và thần kinh hông to. 

Gây tê tại chỗ là gì? Một số lưu ý về thủ thuật gây tê 3
Bác sĩ thực hiện gây tê ngoại vi thần kinh

Phương pháp này có ưu điểm là gây tê chọn lọc, ít ảnh hưởng đến toàn thân, kỹ thuật không quá phức tạp và có thể sử dụng để duy trì giảm đau sau phẫu thuật. Kỹ thuật này thường được áp dụng trong phẫu thuật chi trên (xương đòn, khớp vai, cánh tay, cẳng tay, bàn tay) và chi dưới (cẳng chân, khớp gối), cũng như giảm đau sau phẫu thuật chi trên và chi dưới. Chống chỉ định của phương pháp này bao gồm trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng tại vị trí tiêm, rối loạn đông máu, đang điều trị chống đông, hoặc từ chối thực hiện phương pháp này.

Ngày nay, các phương pháp gây tê được áp dụng trong hầu hết các ca phẫu thuật điều trị, giúp bệnh nhân không phải chịu đau đớn và giảm thiểu tối đa nguy cơ trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, để thực hiện các phương pháp gây tê hay gây mê, bệnh nhân cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín.

Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện gây tê

Khi thực hiện phương pháp gây tê, có một số vấn đề cần lưu ý:

  • Hiện nay có nhiều loại hình gây tê khác nhau, và việc lựa chọn phương pháp phù hợp sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định. So với gây mê toàn thân, thời gian phục hồi sau khi gây tê tại chỗ ngắn hơn rất nhiều và các thủ thuật sử dụng phương pháp này thường được tiến hành khá nhanh chóng.
  • Để đảm bảo quá trình gây tê diễn ra an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần nhịn ăn hoặc uống trong một khoảng thời gian nhất định trước khi thực hiện thủ thuật, không uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích ít nhất 24 giờ trước khi làm thủ thuật.
  • Một số biến chứng có thể gặp phải khi thực hiện gây tê bao gồm dị ứng thuốc tê, ngộ độc thuốc tê, đau lưng, bí tiểu, tổn thương thần kinh và đau đầu.
Gây tê tại chỗ là gì? Một số lưu ý về thủ thuật gây tê 4
Trước khi thực hiện gây tê, bệnh nhân không nên uống rượu bia

Gây tê tại chỗ là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả, thường được sử dụng trong các thủ thuật y tế và phẫu thuật nhỏ. Với khả năng kiểm soát cơn đau tại vùng điều trị mà không ảnh hưởng đến toàn thân, phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình gây tê diễn ra thuận lợi, cả bệnh nhân và người thực hiện cần tuân thủ các hướng dẫn và lưu ý cần thiết. Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin