Giải đáp thắc mắc: Miến dong có tốt cho người tiểu đường không?
Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Miến dong được sử dụng như loại thực phẩm thay thế bữa cơm chính của một số gia đình. Nhiều người vẫn truyền miệng với nhau sử dụng miến dong có thể giúp giảm cân và hạ đường huyết. Vậy sự thật miến dong có tốt cho người tiểu đường không?
Chế độ ăn uống là một phần thiết yếu trong việc kéo dài tuổi thọ của người bệnh tiểu đường. Bệnh nhân cần hạn chế những thực phẩm gây ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Một số người truyền tai nhau rằng người tiểu đường nên sử dụng miến dong thay cơm. Cùng nhau tìm hiểu xem miến dong có tốt cho người tiểu đường không nhé.
Bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa đặc trưng, biểu hiện là lượng đường huyết trong máu cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2 nguyên nhân trên. Từ đó dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, chất khoáng, mỡ và đạm.
Khi mắc bệnh tiểu đường nếu không kịp thời chữa trị, lâu ngày sẽ dẫn đến những biến chứng đối với sức khỏe người bệnh như mắc các bệnh lý về tim mạch, tổn thương hệ thần kinh, thận và một số bệnh lý nguy hiểm khác.
Để điều trị bệnh tiểu đường, ngoài việc sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp việc tập luyện thể dục thể thao, người bệnh tiểu đường cần kết hợp xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với cơ thể của mình.
Miến dong có tốt cho người tiểu đường không?
Theo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, miến dong là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, lượng calo trong miến thấp tuy nhiên chỉ số đường huyết và hàm lượng đường cao hơn so với cùng một lượng gạo tẻ.
Thực tế, chỉ số đường huyết trong miến dong GI = 95, tải lượng đường huyết GL = 78 và hàm lượng đường trong 100g miến là 82,2g. Trong khi đó, cùng một lượng 100g gạo tẻ thì chỉ số đường huyết GI = 83, GL = 63 và hàm lượng đường là 76,1g.
Như vậy có thể thấy, quan niệm ăn miến dong chứa ít đường, ít năng lượng nên giúp người bệnh tiểu đường hạ đường huyết là sai lầm. Theo ý kiến của Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế của bệnh viện Nội tiết Trung Ương, có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường phải cấp cứu vì sử dụng miến dong thay cơm khiến lượng đường huyết tăng.
Mặc dù miến dong thật sự không tốt cho người tiểu đường nếu sử dụng để thay thế trực tiếp các loại thực phẩm bột đường khác. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể sử dụng một lượng nhỏ kết hợp cùng các loại thực phẩm khác.
Sử dụng lượng miến dong phù hợp với thể trạng người bệnh
Người bệnh tiểu đường nên cắt giảm 10% lượng tinh bột đường trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thay vào đó, người bệnh nên bổ sung thêm 10% chất đạm so với nhu cầu của cơ thể.
Tùy vào thể trạng người bệnh mà có lượng tiêu thụ miến dong sẽ khác nhau. Nhằm đa dạng khẩu phần ăn nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng miến sử dụng trong khẩu phần ăn của mình. Chẳng hạn:
Với nam giới cao 170cm cần 90g tinh bột, tương đương với 109g miến dong.
Với nữ giới cao 150cm cần 70g tinh bột tương đương với 85g miến dong.
Kết hợp miến dong và một số thực phẩm khác
Dù không thể sử dụng lượng lớn miến dong nhưng nếu người bệnh muốn ăn cũng có thể chế biến miến kết hợp cùng một số thực phẩm khác chứa chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin hoặc chất xơ, nhằm giảm tác động lên đường huyết trong miến nhưng vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cần chú ý cách ăn miến dong như:
Hạn chế chế biến miến dong theo kiểu xào, chiên vì món ăn này chứa nhiều dầu mỡ, khiến lượng cholesterol xấu trong cơ thể tăng và gây ra một số vấn đề về bệnh tim mạch. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Người bệnh nên ăn rau xanh trước khi ăn miến. Điều này sẽ khiến người bệnh tăng cảm giác no, từ đó hạn chế bớt lượng miến sử dụng. Ngoài ra, chất xơ và vitamin trong rau xanh có tác dụng làm giảm quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm quá trình tăng glucose trong máu và giúp kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn.
Người bệnh nên vận động nhẹ sau ăn để giải phóng năng lượng, giảm bớt lượng đường trong máu. Người bệnh có thể đi bộ, chạy bộ ngắn, đạp xe,...
Một số cách chế biến miến dong cho người tiểu đường
Để giúp bạn có thêm ý tưởng chế biến miến dong cho người tiểu đường, Nhà thuốc Long Châu gợi ý bạn một số cách chế biến miến dong như sau:
Miến dong nấu dạng nước
Đây là cách làm đơn giản, dễ nấu nhưng vẫn đảm bảo được hương vị tự nhiên của miến cũng như không nạp quá nhiều calo vào bữa ăn của người bệnh.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
50g miến dong;
400ml nước luộc gà;
100g ức gà;
Một ít rau thơm.
Cách chế biến:
Bạn rửa sạch miến dong, luộc chín và rửa qua nước lọc để miến không bị dính vào nhau.
Ức gà luộc chín, xé nhỏ và lấy nước luộc gà để làm nước dùng.
Bạn cho miến ra tô, thêm ức gà xé nhỏ cùng rau thơm, nước dùng nêm nếm lại cho hợp vị và thêm vào tô. Như vậy, bạn đã có một tô miến thơm ngon rồi.
Chế biến miến dong dạng khô
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
50g miến dong;
Thịt bò;
Rau thơm.
Cách chế biến:
Miến dong ngâm vào nước, rửa sạch, luộc chín và rửa qua nước lọc để miến không dính vào nhau.
Tiếp đó, thịt bò cắt lát mỏng, nhúng nước sôi đến chín.
Cho miến, rau thơm cùng thịt bò vào tô, thêm gia vị vừa ăn là có thể thưởng thức.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của chúng tôi về miến dong có tốt cho người tiểu đường không. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu thêm về hàm lượng dinh dưỡng của miến dong, qua đó có thể đưa ra đáp án người tiểu đường có nên ăn miến dong hay không cũng như có thể xây dựng thực đơn phù hợp với người bệnh tiểu đường.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.