Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giải đáp thắc mắc sỏi acid uric có cản quang không?

Ngày 05/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sỏi acid uric có cản quang không là thắc mắc của cả một số chuyên gia y tế và người bệnh. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây để trả lời cho câu hỏi này nhé!

Việc chẩn đoán chính xác tình trạng sỏi thận giúp không chỉ người bệnh yên tâm về tình trạng sức khỏe mà còn hỗ trợ bác sĩ trong công cuộc điều trị bệnh một cách triệt để. Phương pháp X-quang thận hiện nay đang nổi lên như một tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán sỏi tiết niệu. Vậy xét nghiệm sỏi acid uric có cản quang không, có thể dùng phương pháp X-quang để chẩn đoán không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây nhé!

Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở nam giới, đặc biệt là vào độ tuổi trung niên (30 - 55 tuổi). Nguyên nhân là do nam giới có hệ tiết niệu cấu trúc phức tạp hơn so với nữ giới nên sự đào thải các loại sỏi tiết niệu khó hơn.

Sỏi tiết niệu hình thành khi có sự kết tinh tự nhiên giữa các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Các viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu bài tiết ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, khi sỏi bị vướng lại tại một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, các tinh thể bắt đầu lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi với kích thước lớn hơn.

Một khi kích thước của các loại sỏi quá lớn và gây cản trở dòng lưu thông của nước tiểu, hệ tiết niệu trước viên sỏi bị tắc nghẽn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng tiết niệu, hình thành thêm nhiều loại sỏi trước đó gây phá hủy cấu trúc thận, suy thận.

Giải đáp thắc mắc sỏi acid uric có cản quang không? 1
Sỏi tiết niệu quá lớn có thể gây cản trở dòng tiểu lưu thông

Phân biệt các loại sỏi hệ tiết niệu

Trước khi giải đáp cho thắc mắc sỏi acid uric có cản quang không, bạn cần hiểu rõ hơn về thành phần các loại sỏi thường gặp trong hệ tiết niệu. Thông thường, sỏi tiết niệu hay sỏi thận được phân thành 4 loại chính với nguyên nhân hình thành và phương pháp điều trị tương đối khác nhau.

Giải đáp thắc mắc sỏi acid uric có cản quang không? 2
Có 4 loại sỏi tiết niệu thường gặp

Sỏi canxi

Sỏi canxi là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm đến 80 - 90% số ca mắc sỏi thận. Sỏi canxi được chia làm 2 loại là canxi oxalat và canxi phosphat. Ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, tỷ lệ người mắc sỏi canxi oxalat chiếm ưu thế hơn.

Sỏi phosphat

Sỏi phosphat hay còn được gọi là sỏi nhiễm trùng bởi nguyên nhân hình thành loại sỏi này là do nhiễm trùng đường niệu lâu ngày gây ra, thường là vi khuẩn proteus. Loại sỏi phosphat hay gặp là Magnesium Ammonium Phosphat. Các loại sỏi phosphat có kích thước khá lớn có thể lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.

Sỏi acid uric

Sỏi acid uric hình thành khi nồng độ acid uric tăng cao trong nước tiểu. Tình trạng sỏi tuy ít gặp hơn 2 loại trên nhưng gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Bởi sỏi acid uric không chỉ nằm tại khu vực hệ tiết niệu mà còn có thể lưu trú ở bất kì cơ quan nào khác, thường thấy nhất là các khớp gây ra những cơn đau nhức khớp dữ dội.

Sỏi cystine

Sỏi cystine xuất hiện khi cystine được đào thải nhiều qua thận nhưng ít hòa tan nên dễ đọng lại. Nguyên nhân là do bẩm sinh rối loạn của tái hấp thu chất cystine tại ống thận và niêm mạc ruột. Loại sỏi này ít gặp ở người Việt Nam.

Chẩn đoán sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là bệnh lý nguy hiểm với những hậu quả gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống người bệnh. Việc phát hiện sớm bệnh này không những giúp bác sĩ có phác đồ điều trị chính xác nhất mà còn ngăn ngừa các tiến triển xấu của bệnh.

Khi thăm khám, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ thường bổ sung một số xét nghiệm cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác vị trí hình thành sỏi tiết niệu hay loại sỏi tiết niệu mà bệnh nhân đang gặp phải. Các xét nghiệm cận lâm sàng thường gặp để chẩn đoán sỏi tiết niệu bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Các xét nghiệm về thành phần có trong nước tiểu (hồng cầu, bạch cầu) hay cấy nước tiểu giúp chẩn đoán được tình trạng sỏi tiết niệu có gây nhiễm khuẩn chưa. Ngoài ra, soi cặn lắng nước tiểu giúp phát hiện loại sỏi thận mà bệnh nhân đang mắc như oxalat, canxi, phosphat.
  • Siêu âm đường niệu: Đây là biện pháp an toàn giúp đánh giá mức độ giãn nở của đài bể thận cũng như vị trí của sỏi trong đường niệu.
  • Chụp X-quang tiết niệu: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có độ nhạy cao giúp chẩn đoán đầy đủ các vấn đề từ vị trí, kích thước, số lượng, hình dạng sỏi,…Tùy theo mức độ cản quang của sỏi mà tiến hành các hình thức chụp X-quang khác nhau như ASP (sỏi cản quang), chụp X-quang niệu quản thận ngược dòng và xuôi dòng (sỏi không cản quang).
  • Định lượng PSA trong máu: PSA là kháng nguyên tiết ra bởi tuyến tiền liệt. Nồng độ PSA tăng cao gợi ý tình trạng viêm, phì đại hay ung thư tiền liệt tuyến.

Giải đáp thắc mắc xét nghiệm sỏi acid uric có cản quang không?

Sỏi acid uric có cản quang không là thắc mắc của nhiều người bởi việc chẩn đoán tình trạng bệnh không chỉ giúp bác sĩ đưa ra được đúng phác đồ điều trị mà còn giúp người bệnh hiểu rõ hơn về sức khỏe của mình.

Đa số sỏi tiết niệu ở Việt Nam là sỏi canxi. Đây là loại sỏi cản quang nên việc chụp X-quang bụng không chuẩn bị (ASP) vô cùng hữu ích trong việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Bởi biện pháp này giúp bác sĩ biết chính xác vị trí, kích thuớc, số lượng và hình dáng của viên sỏi.

Thế nhưng, sỏi acid uric do bệnh gout lại thuộc nhóm sỏi không cản quang. Do đó, khác với các loại sỏi tiết niệu khác có thể phát hiện dễ dàng qua phim chụp X-quang nhờ vào tính cản quang, sỏi acid uric cần biện pháp khác để xác định tình trạng bệnh. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang niệu quản thận ngược dòng và xuôi dòng nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc sỏi acid uric.

Giải đáp thắc mắc sỏi acid uric có cản quang không? 3
Giải đáp thắc mắc xét nghiệm sỏi acid uric có cản quang không

Tóm lại, có nhiều loại sỏi tiết niệu được phân loại dựa vào vị trí của viên sỏi hay thành phần tạo nên viên sỏi đó. Việc chẩn đoán chính xác loại sỏi bệnh nhân đang mắc phải có thể giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý giúp tiết kiệm chi phí và ngăn ngừa biến chứng. Do đó, trang bị thêm kiến thức rằng sỏi acid uric là sỏi không cản quang là điều cần thiết cho cả chuyên gia y tế và người bệnh.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bạn giải đáp thắc mắc sỏi acid uric có cản quang không. Theo dõi thêm các bài viết mới của Nhà thuốc Long Châu để trang bị thêm kiến thức bổ ích cho sức khỏe của bạn và gia đình nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm