Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì? Cách tăng sức khỏe cơ bắp

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ

Hệ thống cơ bắp đóng nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người. Vậy trong cơ thể có những loại cơ nào? Làm sao để cơ bắp khỏe mạnh?

Hệ thống cơ bắp là một phần quan trọng của cơ thể. Con người không thể sống nếu như thiếu cơ bắp. Tuy nhiên, ít ai hiểu rõ về các thành phần trong hệ cơ cũng như chức năng của chúng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về các nhóm cơ và những phương pháp để cải thiện sức khỏe cơ bắp.

Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì?

Hệ thống cơ bắp trong cơ thể được hình thành bởi hàng vạn sợi cơ nhỏ có tính đàn hồi. Các mô sợi phân bổ khắp nơi trên cơ thể, gắn liền với xương, mạch máu, dây thần kinh và những cơ quan khác. Hệ thống cơ bao gồm 3 nhóm mô cơ chính là:

  • Cơ vân: Là nhóm cơ lớn nhất, có hơn 700 cơ và chiếm khoảng 40% trọng lượng cơ thể. Các bó cơ nằm ở xung quanh xương, tạo thành những vân sọc nên được gọi là cơ vân.
  • Cơ trơn: Là nhóm cơ bao bọc quanh các cơ quan nội tạng như dạ dày, bàng quang, ruột,... So với cơ vân, loại cơ này có độ đàn hồi cao hơn và không có vân ở màng ngoài.
  • Cơ tim: Là nhóm cơ quan trọng vì liên quan trực tiếp đến hoạt động của tim. Cơ tim là lớp trung gian ngăn cách giữa màng ngoài của tim và nội tâm mạc.
Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì? Cách tăng sức khỏe cơ bắp 1
Cơ bắp có mặt ở hầu hết các cơ quan, bộ phận của cơ thể

Chức năng của hệ thống cơ bắp là gì?

Mặc dù vô cùng quan trọng, nhưng ít ai có thể hiểu hết về tác dụng của cơ bắp. Thực tế, hệ thống cơ bắp được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm lại đảm nhiệm một số nhiệm vụ chính trong hoạt động sống của cơ thể. Cụ thể:

Cơ trơn

Cơ trơn có mặt ở hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể con người. Nhìn chung, nhiệm vụ của nhóm cơ này là co bóp để nội tạng hoạt động được trơn tru. Đối với mỗi hệ cơ quan, cơ trơn sẽ có tác dụng khác nhau. Cụ thể:

  • Ở hệ tiêu hóa: Vận chuyển thức ăn từ thực quản đến dạ dày, trộn đều thức ăn với dịch tiêu hóa và đưa phân ra ngoài;
  • Ở hệ tuần hoàn: Điều chỉnh độ lớn của mạch máu, ổn định lượng máu lưu thông trong cơ thể, điều hòa huyết áp;
  • Ở hệ bài tiết: Đào thải nước tiểu ra khỏi bàng quang;
  • Ở hệ hô hấp: Điều khiển kích thước của đường thở và làm giãn nở phổi để tăng hoặc giảm lượng không khí ra vào cơ thể;
  • Ở cơ quan sinh sản: Giúp tử cung co bóp để đẩy thai nhi ra ngoài trong quá trình sinh sản ở nữ giới hoặc giải phóng tinh trùng ở nam giới.

Cơ vân

Cơ vân hay còn được gọi là cơ xương, được cấu tạo từ sợi myosin và sợi actin. Nhiệm vụ chính của nhóm cơ này là duy trì tư thế và điều khiển các chuyển động của con người. Bên cạnh đó, cơ vân còn đảm nhiệm trọng trách duy trì nhiệt độ cơ thể. Theo nghiên cứu, có tới 85% nhiệt lượng được tạo ra là do cơ xương liên tục co lại và giãn ra. Dựa theo vị trí mà chức năng của cơ vân trong cơ thể là:

  • Cơ vân vùng đầu, cổ: Kiểm soát hoạt động của đầu, cổ, các cơ quan như mắt, miệng, kể cả những biểu cảm của khuôn mặt.
  • Cơ vân quanh thân mình: Hỗ trợ các hoạt động uốn cong hoặc vặn cột sống. Ngoài ra, cơ liên sườn và cơ hoành còn liên quan trực tiếp đến việc hít thở. Nhóm cơ bao quanh xương chậu tham gia vào việc tiểu tiện, đại tiện.
  • Cơ vân chi trên và chi dưới: Điều khiển các hoạt động như nâng lên, hạ xuống, co duỗi, đi lại, cầm nắm của tay và chân.
Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì? Cách tăng sức khỏe cơ bắp 2
Cơ ở quanh vùng bụng được gọi là cơ vân

Cơ tim

Nhóm cơ này hoạt động liên tục và không chịu sự điều khiển bởi suy nghĩ và ý thức của con người như cơ vân. Trước hết, tế bào tạo nhịp ở tim tạo ra các xung điện. Cơ tim co bóp để đáp ứng với tín hiệu này sẽ tạo ra nhịp tim. Đồng thời, máu được sản sinh từ tim được đưa đi khắp nơi để nuôi cơ thể nhờ sự phối hợp của cơ tim và cơ trơn. Các bệnh lý về cơ tim cần được phát hiện và điều trị sớm vì nó tác động trực tiếp đến sự sống còn của con người.

Làm sao để tăng cường sức khỏe cơ bắp?

Đau nhức cơ bắp không phải là điều hiếm gặp trong đời sống. Vì thế, tăng cường sức khỏe cơ bắp là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để ngăn ngừa tình trạng nhức mỏi cơ bắp, thậm chí là những bệnh lý về cơ, một số phương pháp có thể áp dụng là:

Uống đủ nước

Tất cả các hoạt động co thắt hay giãn nở của cơ bắp đều được thực hiện trơn tru nhờ nước trong cơ thể. Đó là lý do bạn dễ cảm thấy mệt, nhức mỏi toàn thân nếu thiếu nước. Vì thế, không chỉ những người thường xuyên tập luyện thể thao mà tất cả mọi người cần duy trì thói quen uống nước để cơ thể không bị mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ bắp.

Tập thể dục

Tập thể dục đều đặn không chỉ là chìa khóa cho sức khỏe tốt mà còn giúp bạn có được một vóc dáng cân đối, săn chắc. Duy trì thói quen vận động mỗi ngày sẽ đốt cháy mỡ thừa, làm các bó cơ hiện lên rõ hơn. Ngoài ra, còn kích thích quá trình vận chuyển máu và oxy để nuôi dưỡng các cơ quan, đặc biệt là cơ bắp trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nên tập luyện quá sức vì có thể gây ra hiện tượng căng cơ và làm cơn đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn.

Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì? Cách tăng sức khỏe cơ bắp 3
Tập thể dục là một trong những phương pháp để tăng cơ bắp

Ăn uống lành mạnh

Bên cạnh tập luyện, chế độ ăn uống cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng một hệ cơ bắp khỏe mạnh. Những chất dinh dưỡng như: Carbohydrate, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất,... đều cần thiết. Vì thế, thay vì cắt bỏ hoàn toàn một nhóm chất, bạn có thể cân đối lượng thức ăn nạp vào. Ví dụ như giảm chất béo và bổ sung thêm protein. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả phát triển của cơ bắp.

Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Cơ bắp cũng cần thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sau mỗi lần hoạt động thể chất. Vì thế, ngoài việc không tập luyện quá sức, bạn nên dành thời gian thư giãn, xoa bóp tay chân để giảm hiện tượng đau nhức. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc cũng giúp đảm bảo năng lượng hoạt động cho cơ thể và kích thích sản sinh hormone tăng trưởng cho cơ bắp.

Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì? Cách tăng sức khỏe cơ bắp 4
Mát xa giúp các cơ được thư giãn và giảm tình trạng chuột rút

Gợi ý những thực phẩm giúp tăng cơ bắp

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt tạo nên một hệ cơ bắp khỏe mạnh và săn chắc. Vì thế, ngoài tập luyện đều đặn và nghỉ ngơi đúng cách, bạn có thể bổ sung những thực phẩm sau vào thực đơn tăng cơ bắp của mình. Đó là:

  • Các loại cá như: Cá hồi, cá rô phi, cá ngừ chứa hàm lượng lớn chất đạm và vitamin nhóm B. Đặc biệt, axit béo omega 3 trong cá còn ức chế quá trình xơ cứng teo cơ ở người lớn tuổi.
  • Các loại thịt như: Ức gà, thịt thăn lợn, thịt bò nạc là nguồn protein chất lượng cao và creatine dồi dào. Nhóm thực phẩm này cũng chứa rất ít chất béo hoặc carbohydrate.
  • Sữa và các thực phẩm làm từ sữa như: Bơ, phô mai, sữa chua Hy Lạp cung cấp cả vitamin D, canxi, kali, whey protein và casein protein thúc đẩy tăng trưởng khối lượng cơ bắp.
  • Một số loại trái cây như: Chuối, táo, bơ, việt quất giàu chất xơ và chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tình trạng mất cơ bắp do lão hóa.
Hệ thống cơ bắp trong cơ thể gồm những gì? Cách tăng sức khỏe cơ bắp 5
Đồ ăn giàu protein rất tốt cho cơ bắp

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về hệ thống cơ bắp trong cơ thể cũng như chức năng của chúng. Để cơ thể luôn khỏe mạnh, bạn hãy chú ý chăm sóc hệ cơ bắp bằng việc tập luyện thể thao và xây dựng lối sống lành mạnh nhé!

Xem thêm: Mách bạn cách xây dựng chế độ ăn tăng cơ giảm mỡ

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin