Lao phổi ho ra máu có chữa được không? Nguyên tắc điều trị lao phổi hiện nay
Ngày 24/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ho ra máu là một triệu chứng khiến người bệnh rất lo lắng và thắc mắc rằng lao phổi ho ra máu có chữa được không? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề trên, cũng như cung cấp các thông tin hữu ích về nguyên tắc điều trị lao phổi và các loại thuốc cần dùng.
Ho ra máu bao gồm ho hoặc khạc ra máu lẫn với chất nhầy hoặc nước bọt và ho ra máu là triệu chứng phổ biến của bệnh lao phổi. Nhưng nếu điều này xảy ra, bạn sẽ phải cần một thời gian dài sau khi bị nhiễm bệnh mới biểu hiện ra triệu chứng. Vậy lao phổi ho ra máu có chữa được không?
Bệnh lao lây lan như thế nào?
Nhiễm trùng lao (TB) là do một loại vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng có thể gây bệnh trên các bộ phận khác của cơ thể bao gồm tuyến bạch huyết, não, cột sống, ruột hoặc xương.
Lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu thế giới, khoảng 10 triệu người bị nhiễm bệnh lao và 1,5 triệu người tử vong vì bệnh này mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch (HIV).
Vi khuẩn lao lây lan qua không khí khi những người bị nhiễm bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ. Nếu bạn hít phải chỉ một vài vi khuẩn lao, bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Những người có vi khuẩn trong phổi nhưng không bị bệnh có thể bị nhiễm trùng lao tiềm ẩn (LTBI). Những người này không thể lây lan vi khuẩn lao cho người khác. Vi khuẩn lao có thể ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể họ trong nhiều năm trước khi gây ra các triệu chứng ở những người này.
Triệu chứng của bệnh lao
Các triệu chứng gợi ý người bệnh có thể bị đang nhiễm vi khuẩn lao giai đoạn hoạt động bao gồm:
Ho, khạc đờm kéo dài hơn ba tuần.
Ho ra máu, lượng máu có thể vừa hoặc ít.
Đau ngực khi ho hay khi hít thở sâu.
Mệt mỏi, suy kiệt.
Đổ mồ hôi đêm.
Sốt về chiều.
Chán ăn, sụt cân.
Thông thường, các triệu chứng này sẽ âm thầm xuất hiện trong nhiều tháng do đó làm chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị, tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn lao ra cộng đồng.
Lao phổi ho ra máu có chữa được không?
Bệnh lao phổi gây ho ra máu có thể chữa khỏi nếu được điều trị bằng đúng phác đồ kết hợp bốn loại thuốc đã được khuyến cáo trong tối thiểu sáu tháng. Việc điều trị lao phổi thường diễn ra như sau:
Cách ly người bệnh
Cần cách ly những người bệnh đang nhiễm lao phổi trong phòng riêng, thoáng khí và hạn chế tiếp xúc với người lành không mang bệnh. Nhân viên y tế phải đeo khẩu trang dùng một lần hiệu suất cao đủ để lọc trực khuẩn lao. Tiếp tục cách ly cho đến khi xét nghiệm đờm âm tính trong 3 lần xác định liên tiếp (thường sau khoảng 2 - 4 tuần điều trị).
Liệu pháp dùng thuốc
Đối với điều trị ban đầu của bệnh lao, hãy bắt đầu cho bệnh nhân dùng phác đồ kết hợp 4 loại thuốc: Isoniazid, rifampin, pyrazinamide và ethambutol.
Bệnh nhân mắc bệnh lao đang dùng pyrazinamid nên được đánh giá axit uric huyết thanh ban đầu và định kỳ. Bệnh nhân mắc bệnh lao đang được điều trị bằng ethambutol dài hạn nên được đánh giá thị lực ban đầu và định kỳ và kiểm tra nhận thức màu đỏ - xanh lá cây để kịp thời phát hiện các tác dụng phụ của thuốc.
Sau 2 tháng điều trị, có thể ngừng dùng pyrazinamid. Isoniazid cộng với rifampin được tiếp tục như liệu pháp hàng ngày hoặc ngắt quãng trong 4 tháng nữa. Nếu kháng isoniazid được ghi nhận, hãy ngừng dùng isoniazid và tiếp tục điều trị bằng rifampin, pyrazinamid và ethambutol trong 6 tháng. Liệu pháp phải được kéo dài nếu bệnh nhân có hang lao trong phổi và vẫn dương tính với nuôi cấy sau 2 tháng điều trị.
Nếu bạn không hoàn thành đúng phác đồ điều trị hoặc không tuân thủ liệu trình bác sĩ đã đưa ra, vi khuẩn lao có thể có độc lực mạnh hơn và tái phát các triệu chứng, được gọi là bệnh lao kháng thuốc. Bệnh này phức tạp hơn và khó điều trị hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn để điều trị.
Điều trị ngoại khoa
Ho ra máu ở bệnh nhân lao không phải là tình trạng bất thường, đặc biệt là trước khi dùng thuốc kháng lao. Tuy nhiên, lượng máu chảy có thể rất cao và một số bệnh nhân tử vong do tình trạng ho ra máu ồ ạt hoặc nghiêm trọng này. Chỉ định điều trị ngoại khoa lao phổi khi ho ra máu thất bại với các phương pháp điều trị nội khoa. Các phương pháp điều trị ngoại khoa có thể kể đến như phẫu thuật để cắt bỏ hết ổ lao phổi, dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu hang lao, mở hang lao, tiến hành thủ thuật bóc vỏ phổi trong trường hợp điều trị mủ màng phổi mãn tính bằng dẫn lưu khoang màng phổi nhưng không có kết quả.
Điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng người bệnh lao
Ngoài những phương thức điều trị chính, hỗ trợ và nâng cao thể trạng cho người bệnh cũng vô cùng quan trọng:
Điều trị nâng cao thể trạng bằng bổ sung vitamin, truyền đạm,… cho người bệnh.
Điều trị hỗ trợ chức năng gan, thận bằng truyền dịch khi cần, dùng thuốc hỗ trợ chức năng gan.
Dinh dưỡng trong bệnh lao: Lao khiến cho tình trạng suy dinh dưỡng trở nên trầm trọng và suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh, từ đó làm thúc đẩy lao tiềm ẩn trở thành lao hoạt động. Hầu hết các bệnh nhân mắc lao hoạt động đang ở trong quá trình dị hóa và sẽ có biểu hiện sụt cân, một số người khác có biểu hiện thiếu vitamin và khoáng chất. BMI thấp (dưới 18,5 kg/m2) và sút cân là nguy cơ tăng tỉ lệ tử vong và tái phát bệnh lao, có thể là dấu hiệu của việc đáp ứng điều trị kém hay nhiều bệnh đồng mắc.
Nguyên tắc điều trị lao phổi
Sau khi biết được lao phổi ho ra máu có chữa được không, bệnh nhân cần tuân thủ đúng các nguyên tắc điều trị bệnh lao sau đây để đạt được hiệu quả tối ưu:
Phối hợp các thuốc chống lao: Vì mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau (diệt khuẩn, kìm khuẩn và tiệt khuẩn) trên vi khuẩn lao, do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao. Đối với người bệnh lao nhạy cảm thuốc cần phối hợp tối thiểu 3 loại thuốc trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 hai loại trong giai đoạn duy trì. Đối với người bệnh lao kháng thuốc, các thuốc được phối hợp theo nguyên tắc riêng, tùy thuộc vào phác đồ bác sĩ lựa chọn.
Dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng cộng hợp, nếu dùng liều thấp sẽ không có hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc; nếu dùng liều cao dễ gây các tác dụng phụ. Đối với lao ở trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc theo cân nặng hàng tháng.
Dùng thuốc đều đặn: Các thuốc điều trị lao nên được uống cùng một lần, vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày và cách xa bữa ăn để đạt tác dụng cộng hợp và ổn định nồng độ thuốc trong máu tối đa. Một số thuốc có thể chia liều 2 lần trong ngày (sáng, chiều) để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
Phải dùng thuốc đủ thời gian: Đối với lao nhạy cảm thuốc, giai đoạn tấn công nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn tồn tại ở các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao phát triển tạo đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì nhằm mục tiêu tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao còn trong vùng tổn thương để tránh tái phát.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được thắc mắc lao phổi ho ra máu có chữa được không và có thêm nhiều thông tin hữu ích về điều trị bệnh lao. Tuy lao là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây biến chứng trên nhiều cơ quan nhưng nếu được chẩn đoán kịp thời, điều trị đúng cách có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.