Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Mực ống: Thành phần dinh dưỡng và chế biến các món từ mực ống

Thục Hiền

16/02/2025
Kích thước chữ

Mực ống không chỉ là một loại hải sản thơm ngon mà còn giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với hàm lượng protein cao, ít chất béo và chứa nhiều khoáng chất quan trọng, mực ống là lựa chọn lý tưởng cho bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong cách chế biến giúp mực ống trở thành nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn hấp dẫn.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách nhận biết mực ống và thành phần dinh dưỡng có trong loại hải sản thơm ngon này. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra một số cách chế biến giúp giữ nguyên giá trị dinh dưỡng có trong mực ống. Hãy cùng khám phá ngay qua bài viết “mực ống” bạn nhé!

Tổng quan về mực ống

Tìm hiểu thành phần dinh dưỡng có trong mực ống

Mực ống là một loài động vật thân mềm sống dưới biển, cấu trúc cơ thể của mực ống gồm hai phần rõ rệt là phần thân và phần đầu. Thân mực có dạng cân xứng, được bao phủ bởi một lớp da trơn bóng. Chúng có 2 chân và 8 xúc tu dài, giúp bắt mồi và di chuyển linh hoạt trong môi trường nước.

Một đặc điểm nổi bật của mực ống là khả năng phun ra hợp chất mực màu đen khi gặp nguy hiểm. Cơ chế này tạo ra một màn khói dày đặc, giúp chúng đánh lạc hướng kẻ thù và nhanh chóng lẩn trốn. Nhờ đặc tính này, mực ống có thể tự bảo vệ bản thân khỏi những mối đe dọa trong môi trường sống tự nhiên.

muc-ong-thanh-phan-dinh-duong-va-che-bien-cac-mon-tu-muc-ong 1
Mực ống là loại động vật thân mềm sống dưới nước

Không chỉ có giá trị sinh học, mực ống còn chứa nhiều hợp chất quan trọng. Thành phần chính trong mực ống là melanin – sắc tố chịu trách nhiệm cho màu mực đậm đặc trưng. Ngoài ra, chúng còn chứa enzyme, polysaccharide, catecholamine (hormone), các kim loại như cadmium, chì, đồng và nhiều loại acid amin quan trọng như glutamate, taurine, alanine, leucine và axit aspartic.

Về mặt dinh dưỡng, trong 85 gram mực ống chưa qua chế biến có chứa khoảng 198 miligam cholesterol, 13,2 gram protein, 0,3 gram chất béo bão hòa, 0,49 gram chất béo không bão hòa. Với hàm lượng dinh dưỡng phong phú, mực ống là nguồn thực phẩm được nhiều người ưa chuộng.

Từ xa xưa, con người đã khai thác mực ống và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học cổ truyền, viết lách, nghệ thuật, mỹ phẩm và thực phẩm. Ngày nay, mực ống chủ yếu được sử dụng trong ẩm thực, không chỉ mang đến hương vị thơm ngon, mực ống còn tạo màu sắc độc đáo cho các món mì, cơm và nước sốt, giúp nâng cao sự hấp dẫn trong ẩm thực.

Phân biệt mực ống với các loại mực khác như thế nào?

Màu sắc của mực ống thường là trắng trong hoặc trắng đục, tạo nên vẻ ngoài đặc trưng. Phần thân của mực ống có hình dạng thuôn dài, đầu nhỏ, giúp dễ dàng phân biệt với các loại mực khác. Khi so sánh với mực lá, mực ống có thân nhỏ hơn và lớp thịt mỏng hơn. Một đặc điểm nhận dạng quan trọng của mực ống là phần cánh ngắn, chỉ chiếm khoảng 1/3 chiều dài thân. Những đặc điểm này giúp nhận biết và phân biệt mực ống một cách dễ dàng.

muc-ong-thanh-phan-dinh-duong-va-che-bien-cac-mon-tu-muc-ong 2
Mực ống có đặc điểm cánh ngắn, thân nhỏ và mỏng thịt hơn các loại mực khác

Tác dụng sinh học của mực ống đối với sức khỏe

Khả năng kháng khuẩn

Mực ống được biết đến với đặc tính kháng khuẩn nhờ vào các hợp chất sinh học có trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu in vitro đã chỉ ra rằng chiết xuất từ mực ống có thể ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng như Streptococcus mutans, Actinomyces viscosus, Lactobacillus acidophilusCandida albicans. Những vi khuẩn này là tác nhân chính gây nên mảng bám răng và các bệnh lý nha chu.

Bên cạnh đó, các hợp chất từ mực ống có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như Escherichia coli Listeria monocytogenes. Khả năng này có thể đến từ sự hiện diện của peptide kháng khuẩn và polysacarit, giúp phá vỡ màng tế bào vi khuẩn, ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn có hại.

Đặc tính chống oxy hóa

Mực ống chứa nhiều hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa tổn thương tế bào và làm chậm quá trình lão hóa. Các gốc tự do nếu tích tụ quá mức có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.

Các polysacarit có trong mực ống đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ tế bào khỏi tác động của stress oxy hóa. Những hợp chất này có khả năng làm giảm quá trình peroxy hóa lipid, bảo vệ màng tế bào và duy trì hoạt động bình thường của hệ miễn dịch.

Tác dụng chống ung thư

Protein và polisaccarit từ mực có thể ức chế sự phát triển và lan rộng của một số dòng tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt.

Cơ chế chống ung thư của mực ống có thể liên quan đến việc kích hoạt quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình), ức chế phân chia tế bào ung thư và giảm tân sinh mạch máu (angiogenesis) – một quá trình quan trọng giúp khối u phát triển. 

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật còn cho thấy polysacarit từ mực có thể giúp giảm tác dụng phụ của thuốc hóa trị, bảo vệ tế bào lành khỏi tổn thương do stress oxy hóa gây ra.

muc-ong-thanh-phan-dinh-duong-va-che-bien-cac-mon-tu-muc-ong 3
Thành phần hoạt chất có trong mực ống có thể ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư

Các lợi ích sức khỏe khác

Mực ống còn mang lại nhiều lợi ích sinh lý quan trọng khác, cụ thể:

  • Điều hòa huyết áp: Một số hợp chất sinh học trong mực ống có khả năng giãn mạch, giúp cải thiện lưu thông máu và duy trì huyết áp ổn định.
  • Bảo vệ niêm mạc dạ dày: Chiết xuất từ mực ống có thể làm giảm tiết axit dạ dày quá mức, từ đó giúp giảm nguy cơ viêm loét dạ dày.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Các polysacarit trong mực ống có thể kích thích sự phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Chế biến mực ống như thế nào?

Mực ống là nguyên liệu phổ biến, được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như:

  • Mực chiên xù: Lớp vỏ giòn tan kết hợp với độ dai ngọt của mực, ngon hơn khi chấm cùng tương ớt hoặc tương cà.
  • Mực chiên nước mắm: Không dùng bột chiên mà tẩm ướp nước mắm đậm đà, tạo hương vị mặn ngọt cuốn hút.
  • Mực nhồi thịt chiên giòn: Mực nhồi nhân thịt và mộc nhĩ, chiên vàng, vừa đẹp mắt vừa giàu dinh dưỡng.
  • Mực hấp bia: Giữ trọn vị ngọt tự nhiên của mực, bổ sung vitamin B2, B12 và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.
  • Mực xào sa tế: Vị cay nồng kích thích vị giác, kết hợp với mực giòn dai tạo nên món ăn hấp dẫn.
  • Mực hấp gừng: Sự kết hợp giữa mực và gừng không chỉ thơm ngon mà còn tốt cho tiêu hóa, giảm viêm.
  • Mực xào ớt chuông: Mực giòn ngọt hòa quyện cùng ớt chuông nhiều vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch.
  • Mực chiên bơ tỏi: Lớp vỏ giòn rụm thấm đẫm bơ tỏi, là món ăn vặt hấp dẫn trong các buổi tiệc.
  • Mực xào cần tây: Mực tươi kết hợp với cần tây giúp hỗ trợ tim mạch và ổn định huyết áp.
  • Canh chua mực: Vị chua ngọt đặc trưng, hòa cùng độ giòn tươi của mực, tạo nên món canh bổ dưỡng.
muc-ong-thanh-phan-dinh-duong-va-che-bien-cac-mon-tu-muc-ong 4
Kết hợp mực ống với nhiều loại gia vị để gia tăng sự hấp dẫn cho món ăn

Những điều cần lưu ý khi ăn mực ống

Mực là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng nếu không được lựa chọn và chế biến đúng cách, nó có thể gây ra một số rủi ro cho sức khỏe. Khi mua mực, cần ưu tiên chọn những con có màu sắc tươi sáng, thân trắng sữa, lớp vỏ ngoài hồng tươi và mắt trong suốt. Mực tươi thường có độ đàn hồi cao, đầu và xúc tu dính chặt vào thân. Ngược lại, mực có mắt đục, thân mềm nhũn, đổi màu hoặc có mùi lạ có thể đã bị ươn hoặc ngâm hóa chất, không nên sử dụng.

Trong quá trình chế biến, cần sơ chế kỹ, loại bỏ túi mực và mắt để đảm bảo món ăn sạch và an toàn. Mặc dù mực có thể ăn sống hoặc hấp để giữ nguyên dưỡng chất, nhưng cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 5°C. Hạn chế chế biến mực bằng cách chiên với bột vì điều này làm tăng lượng chất béo và carbohydrate, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên.

Bên cạnh đó, mực cũng có tính hàn, nếu ăn quá nhiều có thể gây đau bụng hoặc tiêu chảy. Vì vậy, chỉ nên tiêu thụ mực khoảng 2 - 3 lần mỗi tuần. Đối với những người có cơ địa dị ứng, mực có thể gây phản ứng như ngứa hoặc nổi mề đay. Đặc biệt, những người đang sử dụng thuốc điều trị dị ứng nên hạn chế ăn mực ống vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về mực ống từ giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe đến cách lựa chọn và chế biến đúng cách. Mực ống không chỉ là một thực phẩm thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng hợp lý.

Xem thêm: Các loại nui trên thị trường: Phân loại và dinh dưỡng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin