Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ để có phương pháp khắc phục sớm

Ngày 11/12/2023
Kích thước chữ

Kẽm là nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không những cần biết cách bổ sung với liều lượng phù hợp khi trẻ thiếu kẽm mà còn phải thường xuyên theo dõi để nhận biết dấu hiệu thừa kẽm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong từng giai đoạn phát triển, cơ thể trẻ sẽ có nhu cầu kẽm khác nhau. Điều này đòi hỏi lượng kẽm bổ sung phải đúng cách để tránh trường hợp dư thừa kẽm gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, thậm chí còn khiến trẻ mắc phải nhiều bệnh lý liên quan.

Trẻ thừa kẽm có sao không?

Kẽm là thành phần vô cùng quan trọng đối với chức năng miễn dịch khỏe mạnh, sự phát triển và tăng trưởng phù hợp. Thiếu kẽm hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, không vì sợ trẻ thiếu kẽm mà cha mẹ tùy ý bổ sung sẽ dễ dẫn đến hiện tượng thừa kẽm. Nếu thừa kẽm kéo dài, cơ thể sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trẻ thừa kẽm có sao không? Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ 1
Dấu hiệu thừa kẽm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng phù hợp của trẻ

Tăng nguy cơ bị sỏi thận

Bạn có biết rằng việc dùng quá liều kẽm có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở trẻ? Cơ quan thận dễ bị quá tải khi cố gắng loại bỏ lượng kẽm dư thừa qua nước tiểu. Hơn nữa, kẽm không được chuyển hóa có thể kết hợp với oxalate, tạo thành cặn sỏi gây nguy hiểm cho sức khỏe của thận.

Ảnh hưởng tim mạch

Thừa kẽm trong thời gian dài sẽ gây tác động xấu cho tim của trẻ với các triệu chứng như nhịp tim nhanh, tức ngực, khó thở, thở nhanh hoặc cảm giác hồi hộp, lo lắng.

Suy giảm miễn dịch

Điều đáng lưu ý là hiện tượng thừa kẽm không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất tế bào hồng cầu mà còn gây tổn hại đến bạch cầu trung tính - một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Khi phản ứng miễn dịch suy yếu sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.

Trẻ thừa kẽm có sao không? Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ 2
Thừa kẽm làm trẻ dễ bệnh hơn

7 dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ mẹ cần biết

Thừa hay thiếu kẽm đều có khả năng gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe cho bé yêu. Vậy làm sao nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ? Dưới đây là những dấu hiệu thừa kẽm phổ biến ở trẻ bạn có thể tham khảo:

Buồn nôn, nôn mửa

Buồn nôn, nôn mửa kéo dài và khô họng là những dấu hiệu cảnh báo trẻ có khả năng thừa kẽm mẹ cần lưu ý. Khi trẻ bổ sung quá 15 mg kẽm mỗi ngày, phản ứng tự nhiên của cơ thể sẽ xảy ra, thường dẫn đến mệt mỏi và suy nhược. Nếu con bạn bị nôn mửa thường xuyên, đặc biệt là sau khi uống kẽm, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn cách xử lý.

Đau bụng, tiêu chảy

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng đau bụng và tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ có thể còn gặp hiện tượng chảy máu đường ruột sau khi uống kẽm sulfat liều cao. Ngay cả nồng độ kẽm clorua trên 20% (có trong các vật dụng hàng ngày như keo hoặc hóa chất tẩy rửa) cũng có thể gây hại cho đường tiêu hóa.

Trẻ thừa kẽm có sao không? Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ 3
Thừa kẽm gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa ở trẻ

Đắng miệng, chán ăn

Kẽm có vai trò quan trọng giúp trẻ cảm nhận hương vị thực phẩm tốt hơn, ăn ngon miệng hơn. Thiếu hụt kẽm sẽ gây ra tình trạng giảm vị giác và chán ăn nhưng dư thừa kẽm có thể làm trẻ bị đắng miệng, biếng ăn, cảm giác có mùi kim loại trong miệng. Những viên ngậm chứa hàm lượng kẽm quá cao có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng này ở trẻ.

Xuất hiện triệu chứng giống như cảm cúm

Một trong những dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ là trẻ có thể bị các triệu chứng giống cúm, bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, nhức đầu và mệt mỏi. Trên thực tế, không dễ để phân biệt tình trạng quá tải kẽm với các trường hợp ngộ độc khoáng chất khác. Khi trẻ đi khám, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, kiểm tra chế độ ăn uống và xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Nồng độ cholesterol HDL thấp

Việc dư thừa kẽm kéo dài ở trẻ em có thể dẫn đến tình trạng giảm mức cholesterol HDL – loại cholesterol tốt giúp bảo vệ chống lại các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ bổ sung hơn 50mg kẽm mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.

Trẻ thừa kẽm có sao không? Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ 4
Nồng độ Cholesterol thấp gây bệnh tim mạch cũng là dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ

Trẻ bị thiếu hụt đồng

Kẽm và đồng là hai vi chất cạnh tranh hấp thu ở ruột. Hấp thụ quá nhiều kẽm (trên 40mg mỗi ngày) có thể cản trở sự hấp thụ đồng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt đồng nghiêm trọng ở trẻ.

Nhiều người còn chưa biết, đồng rất quan trọng cho quá trình chuyển hóa sắt, hình thành tế bào hồng cầu, bạch cầu và sự mất cân bằng này có thể dẫn đến các rối loạn về máu như thiếu máu nội bào và giảm bạch cầu trung tính.

Thường xuyên bị bệnh nhiễm trùng

Kẽm là nhân tố quan trọng trong hệ thống miễn dịch, nhưng quá nhiều kẽm trong cơ thể sẽ gây phản tác dụng. Thừa kẽm làm suy yếu chức năng tế bào miễn dịch (điển hình là tế bào lympho T), khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Tế bào lympho T là loại tế bào bạch cầu thiết yếu có khả năng giúp cơ thể chống lại mầm bệnh.

Mẹ nên làm gì khi trẻ bị thừa kẽm?

Kẽm là hoạt chất cần được bổ sung đúng liều lượng, đúng cách để tránh bị dư thừa lại không tốt cho sức khỏe của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu thừa kẽm, mẹ hãy tham khảo những biện pháp sau đây để xử lý kịp thời:

Trẻ thừa kẽm có sao không? Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ 5
Mẹ nên tạm ngừng bổ sung kẽm cho trẻ nếu có những dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ

Tạm dừng bổ sung kẽm

Khi nghi ngờ trẻ đang có dấu hiệu thừa kẽm, điều đầu tiên bạn cần làm là tạm dừng bổ sung kẽm, đồng thời cho trẻ uống thêm nhiều nước. Điều này giúp thúc đẩy quá trình đào thải của cơ thể, loại bỏ lượng kẽm dư thừa và khôi phục lại sự cân bằng cho cơ thể trẻ.

Uống sữa tươi

Canxi, photpho có khả năng liên kết với kẽm dư thừa, do đó khi trẻ có dấu hiệu thừa kẽm, mẹ hãy cho trẻ uống một ly sữa. Biện pháp này mang lại hiệu quả làm giảm tác động tiêu cực của kẽm dư thừa.

Điều chỉnh lại chế độ ăn

Nếu trẻ có dấu hiệu thừa kẽm, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn bằng cách tạm thời kiêng/hạn chế các thực phẩm giàu kẽm như hàu, sò huyết hoặc thịt đỏ. Biện pháp này vừa giúp giảm lượng kẽm bổ sung, đồng thời hỗ trợ cơ thể trong quá trình phục hồi tự nhiên.

Trẻ thừa kẽm có sao không? Nhận biết dấu hiệu thừa kẽm ở trẻ 6
Lựa chọn, sắp xếp thức ăn phù hợp hơn cho trẻ

Lưu ý mẹ là những cách làm trên đây chỉ hiệu quả trong những trường trẻ thừa kẽm nhẹ. Nếu trẻ thừa kẽm biểu hiện ở các triệu chứng nghiêm trọng, mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ kiểm tra, tiến hành rửa ruột.

Trên đây là những thông tin về tình trạng thừa kẽm của trẻ, dấu hiệu thừa kẽm cũng như các biện pháp xử lý khi trẻ nghi ngờ có triệu chứng bị thừa kẽm. Lưu ý ba mẹ là việc bổ sung dưỡng chất cho trẻ chỉ đạt được hiệu quả tối ưu khi bạn thực hiện chúng một cách khoa học, đúng cách mới giúp trẻ khỏe mạnh và an toàn.

Xem thêm: Dấu hiệu trẻ thiếu sắt và kẽm bạn cần biết để bổ sung kịp thời, hiệu quả

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin