Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết

Ngày 05/10/2023
Kích thước chữ

Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc có chứa các tác nhân gây hại cho sức khỏe. Chúng ta cần biết cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm để giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi tình trạng sức khỏe trở lại.

Sau khi trải qua ngộ độc thực phẩm, cơ thể thường trở nên mệt mỏi và mất sức. Do đó, việc giúp sức khỏe phục hồi nhanh chóng và đảm bảo hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng là rất quan trọng. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm hiệu quả mà bạn cần biết.

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Trước khi chia sẻ những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm chúng ta cùng tìm hiểu về căn bệnh này. Ngộ độc thực phẩm (Food poisoning) là bệnh xảy ra khi người tiêu dùng ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc. Bệnh này thường được gây ra bởi các sinh vật truyền nhiễm như: Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, hoặc các độc tố do chúng sản xuất.

Các nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm bao gồm sự ô nhiễm của thực phẩm bởi các sinh vật truyền nhiễm hoặc độc tố của chúng. Ô nhiễm này có thể xảy ra trong quá trình chế biến thực phẩm hoặc khi lưu trữ và tiêu dùng thực phẩm không đúng cách.

Khi bị ngộ độc thực phẩm nhẹ, người bệnh thường tự hồi phục và cảm thấy khá hơn sau vài ngày mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, trong những trường hợp ngộ độc nặng, khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, việc nhập viện để điều trị và theo dõi là cần thiết.

Những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết 1
Ngộ độc thực phẩm là bệnh xảy ra khi người tiêu dùng ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc

Những triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm thường gặp

Dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, thường được gọi là dấu hiệu trúng thực, có thể bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy, thậm chí có thể kèm dấu hiện có máu trong phân.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi và cảm giác thiếu năng lượng.
  • Chán ăn.
  • Đau cơ.
  • Cảm giác ớn lạnh.
Những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết 2
Nôn mửa là một trong những biểu hiện đặc trưng của ngộ độ thực phẩm

Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vài giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm độc, nhưng cũng có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau đó. Thời gian mà bệnh ngộ độc thực phẩm thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng không thường sau khi ăn uống, nên thăm khám và thảo luận với bác sĩ để được điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm tối ưu nhất.

Những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết

Thường thì, nếu tình trạng ngộ độc thực phẩm không dẫn đến mất nước nghiêm trọng, bệnh thường tự khỏi trong vài ngày mà không cần can thiệp y tế. So với việc sử dụng thuốc để điều trị, việc để cơ thể tự nhiên loại bỏ chất độc là cách giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và giảm khả năng xuất hiện tác dụng phụ từ thuốc. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hồi phục nhanh chóng, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm tại nhà theo các khuyến nghị sau đây:

Tạm ngừng ăn uống trong một thời gian

Những triệu chứng như: Nôn mửa và tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm có thể gây kích thích và co bóp dạ dày mạnh mẽ. Vì vậy, bệnh nhân nên tạm ngừng ăn uống trong một khoảng thời gian để cho dạ dày được thư giãn và hồi phục.

Bù nước và cung cấp chất điện giải

Cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm cần tập trung vào việc bù nước hoặc cung cấp dung dịch điện giải kịp thời, và liên tục cho bệnh nhân qua đường uống. Trong trường hợp người bệnh vẫn còn yếu, nên cho họ ngậm đá lạnh tinh khiết hoặc uống từng ngụm nước nhỏ, được chia thành nhiều lần để tránh tình trạng mất nước nghiêm trọng.

Chỉ cho người bệnh ăn khi họ sẵn sàng

Khi bệnh nhân cảm thấy ổn hơn và sẵn sàng cho việc ăn uống, bạn có thể bắt đầu cung cấp thức ăn nhẹ, ít mỡ và dễ tiêu hóa, như: Cháo trắng, bánh quy giòn, cơm, bánh mì nướng hoặc chuối. Ngoài ra, bạn có thể cho họ dùng men vi sinh theo hướng dẫn từ bác sĩ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là nếu bệnh nhân cảm thấy buồn nôn khi ăn, hãy tạm ngừng việc cung cấp thức ăn thay vì ép buộc họ ăn.

Tránh cho ăn một số thực phẩm gây khó chịu cho dạ dày

Do dạ dày sau khi bị ngộ độc thực phẩm còn yếu, nên cần tránh cho người bệnh tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có thể gây khó chịu cho dạ dày: Sữa, đồ uống có ga, caffeine, rượu bia, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị…

Những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết 3
Tránh cho người bệnh ăn một số thực phẩm gây khó chịu cho dạ dày

Để bệnh nhân có thể nghỉ ngơi và duy trì vệ sinh cá nhân

Bệnh nhân mắc ngộ độc thực phẩm cần được đặt trong một phòng yên tĩnh và thoáng đãng. Đồng thời, bạn cần giúp họ duy trì vệ sinh cá nhân bằng cách giúp rửa sạch răng miệng, cơ thể và thay quần áo sạch để ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác trong gia đình. Bạn cũng cần tuân thủ việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thực phẩm, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, và trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, nhằm ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn.

Đảm bảo theo dõi tình trạng của bệnh nhân tại nhà

Ngoài các biện pháp chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đã được đề cập, bạn cũng cần quan tâm đến việc theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Điều này bao gồm việc theo dõi nhiệt độ cơ thể, áp lực máu, tần suất nôn mửa và tiêu chảy, cũng như tính chất dịch của nôn mửa và phân. Nếu bạn nhận thấy bệnh nhân trở nên yếu hơn, có nhịp tim bất thường hoặc biểu hiện mất nước nghiêm trọng như: Mắt trũng, da khô nứt nẻ, tiểu ít... thì cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Khi nào bị ngộ độc thực phẩm cần đi bệnh viện?

Mặc dù những biện pháp chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm tại nhà có thể hữu ích cho hầu hết bệnh nhân, tuy nhiên, nếu bệnh nhân trải qua tình trạng mất nước nghiêm trọng, việc bù nước thông qua uống không đủ và cần phải được truyền dịch qua tĩnh mạch hoặc sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát tiêu chảy. Vì vậy, khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng sau đây, việc nhập viện là cần thiết:

  • Khô miệng, da khô ráp, mắt trũng.
  • Khát nước quá mức.
  • Đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Huyết áp thấp.
  • Yếu ớt, chóng mặt, không tỉnh táo.

Ngoài ra, nếu người bị ngộ độc thực phẩm trải qua một số triệu chứng nguy hiểm sau đây, cũng cần nhanh chóng nhập viện:

  • Dịch nôn hoặc phân có màu máu.
  • Tầm nhìn mờ.
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.
  • Sốt cao hơn 38 độ C.
  • Không thể giữ chất lỏng trong cơ thể.
  • Ngứa ran.
  • Sự yếu đuối cơ bắp.
Những cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết 4
Nếu bệnh nhân mất nước nghiêm trọng hãy đưa đến bệnh viện

Nếu người bị ngộ độc thực phẩm trải qua tình trạng mất nước nghiêm trọng hoặc thuộc vào một trong những nhóm đối tượng có sức khỏe yếu như: Người trên 60 tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính thì tốt nhất là đưa bệnh nhân nhập viện để được bác sĩ điều trị và chăm sóc.

Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp cho bạn một loạt các biện pháp và lời khuyên về cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm. Việt chăm sóc người bệnh không chỉ đòi hỏi sự quan tâm và kiên nhẫn mà còn đòi hỏi kiến thức về các biểu hiện cần lưu ý. Điều quan trọng nhất là luôn lắng nghe cơ thể và triệu chứng của người bệnh, và nếu có bất kỳ sự lo ngại nào, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế chuyên nghiệp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin