Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Những điều cần biết về bảng chuyển đổi đường huyết

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đường huyết là một trong số những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sức khỏe của bạn. Vì vậy, sự tăng hoặc giảm bất thường về chỉ số này đều phản ánh các vấn đề về sức khỏe. Biết cách sử dụng bảng chuyển đổi đường huyết sẽ giúp bạn dễ dàng chăm sóc sức khỏe chủ động cho mình và người thân.

Kiểm soát chỉ số đường huyết là cách chúng ta phòng ngừa các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận… Để có thể kiểm soát chỉ số đường huyết, chúng ta cần biết cách đọc hiểu bảng chuyển đổi đường huyết. Ngay trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về tác dụng và cách ứng dụng bảng chuyển đổi đặc biệt này.

Chỉ số đường huyết trong bảng chuyển đổi là gì?

Đường huyết hay chính là glucose - dạng năng lượng được chuyển hóa từ thức ăn mà chúng ta nạp vào cơ thể qua chế độ ăn uống hàng ngày. Glucose là yếu tố dinh dưỡng có chức chăng thúc đẩy hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

Mọi tế bào, cơ quan trong cơ thể đều dùng glucose làm “nguyên liệu” để hoạt động. Vì vậy, chỉ số đường huyết trong bảng chuyển đổi đường huyết chính là chỉ số về mức độ chuyển hóa bên trong cơ thể.

Bảng chuyển đổi đường huyết là gì và có tác dụng gì 1
Chỉ số đường huyết được xác định bằng xét nghiệm máu hoặc test nhanh mẫu máu

Chỉ số đường huyết được tác động bởi các yếu tố như: Chế độ ăn uống, tình trạng sức khỏe hiện tại, tuổi tác, hoạt động thể chất, các loại thuốc sử dụng, tình trạng sử dụng rượu bia, stress, tình trạng mất nước… Vì vậy chỉ số đường huyết trong bảng chuyển đổi sẽ không cố định và hoàn toàn có thể khác nhau ở từng thời điểm trong ngày và ở các ngày khác nhau.

Mặc dù giá trị đường huyết bình thường có thể khác nhau một chút đối với mỗi người, nhưng có một số phạm vi bạn nên biết có thể giúp bạn xác định xem lượng đường trong máu của bạn có tối ưu hay không.

Bảng chuyển đổi đường huyết là gì?

Bảng chuyển đổi đường huyết là công cụ giúp chúng ta có thể đánh giá kết quả đo chỉ số đường huyết tại nhà. Bảng này rất hữu ích và cần thiết với những người sử dụng máy đo đường huyết để tự theo dõi chỉ số đường huyết tại nhà. Trong bảng này sẽ hiển thị các số liệu quy đổi đường huyết từ đơn vị này qua đơn vị khác.

Cách đọc một bảng chỉ số đường huyết chuẩn khá đơn giản. Nhưng hiểu được các chỉ số đường huyết đo được có ý nghĩa thế nào với sức khỏe thì không phải ai cũng rõ. Vì thế, bạn cần hiểu đúng về 2 đơn vị đo đường huyết trên đây cũng như cách chuyển đổi đơn vị để có đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của mình.

Bảng chuyển đổi đường huyết là gì và có tác dụng gì 2
Mg/dL và mmol/l là 2 đơn vị trong bảng chuyển đổi đường huyết

Chỉ số đường huyết hiển thị trên bảng sẽ thể hiện ở 2 đơn vị gồm: Miligam trên decilit (mg/dL - đo tỷ lệ giữa nồng độ glucose trong mỗi lít máu) và milimol trên lít (mmol/L - đo nồng độ glucose trong mỗi lít máu). Tùy thiết bị đo đường huyết bạn dùng, chỉ số đường huyết hiển thị sẽ là mmol/L hoặc mg/dL. Và bảng chuyển đổi đường huyết sẽ giúp bạn chuyển đổi qua lại giữa 2 đơn vị một cách dễ dàng hơn, giúp việc so sánh, đối chiếu và đánh giá chỉ số đường huyết thuận lợi hơn.

Cách quy đổi đơn vị chỉ số đường huyết là:

  • 1 mmol/l = 1 mg/dl : 18;
  • 1 mg/dl = 1 mmol/l x 18.

Từ cách quy đổi này, ta có thể đối chiếu vào quảng quy đổi đường huyết để hiểu rõ hơn về tình trạng đường huyết của chính mình. Bạn có thể tham khảo đánh giá tình trạng đường huyết dựa trên chỉ số như dưới đây:

  • Chỉ số đường huyết < 3.8 mmol/l tương đương với < 69 mg/dl: Phản ánh tình trạng hạ đường huyết.
  • Chỉ số đường huyết 4 - 7 mmol/l tương đương 72 - 126 mg/dl: Phản ánh mức đường huyết lý tưởng.
  • Chỉ số đường huyết 7.2 - 10 mmol/l tương đương 130 - 180 mg/dl: Phản ánh tình trạng tiền tiểu đường.
  • Chỉ số đường huyết > 10.2 mmol/l tương đương > 184 mg/dl: Phản ánh tình trạng tăng đường huyết.
Bảng chuyển đổi đường huyết là gì và có tác dụng gì 3
Chỉ số đường huyết quá cao hay quá thấp đều nguy hiểm

Tìm hiểu về tình trạng hạ đường huyết và tăng đường huyết theo bảng chuyển đổi

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm có lẽ là thông tin mà hầu hết chúng ta đều quan tâm. Trong bảng chuyển đổi đường huyết sẽ có chỉ số phản ánh tình trạng hạ đường huyết và tăng đường huyết. Ngay bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết:

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng chỉ số đường huyết hạ thấp dưới mức bình thường. Người bị hạ đường huyết sẽ có các biểu hiện như: Người lâng lâng, chóng mặt, hồi hộp, run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, da tái nhợt xanh xao, đòi cồn cào, buồn ngủ hoặc ngất xỉu.

Nguyên nhân hạ đường huyết có thể do rối loạn nội tiết, tiểu đường thai kỳ, rối loạn dinh dưỡng, rượu, thuốc… Khi bị hạ đường huyết, việc cần làm tức thì là ăn hoặc uống đồ ngọt cho đến khi tình trạng được cải thiện. Nếu không thấy đỡ, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Tăng đường huyết là gì?

Tăng đường huyết là tình trạng chỉ số đường trong máu tăng cao bất thường và đột biến. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tình trạng cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả hoặc thiếu hụt insulin đến từ bệnh tiền tiểu đường, đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2, stress…

Người bị tăng đường huyết có triệu chứng khát nước, uống nước nhiều, thèm đồ ngọt, đi tiểu nhiều, giảm cân, thị lực giảm, đau nhức đầu khó tập trung… Nếu không được điều trị kịp thời, tăng đường huyết có thể dẫn đến toan ceton - một tình trạng cấp cứu khẩn cấp có thể đe dọa đến tính mạng.

Bảng chuyển đổi đường huyết là gì và có tác dụng gì 4
Việc kiểm tra chỉ số đường huyết để theo dõi sức khỏe là vô cùng quan trọng

Như vậy, chỉ số đường huyết tăng hoặc giảm trên mức bình thường đều cảnh báo những vấn đề sức khỏe nhất định. Mức độ nguy hiểm sẽ phụ thuộc vào việc chỉ số đường huyết tăng/giảm nhiều hay ít. Khi sự tăng/giảm chỉ số đường huyết không quá nhiều, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các cách ổn định đường huyết tại nhà. Duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cũng giúp ổn định đường huyết và phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường huyết.

Người mắc bệnh tiểu đường, hoặc tiền tiểu đường, cần thường xuyên theo dõi và kiểm soát lượng đường huyết của mình để có biện pháp kiểm soát ổn định đường huyết. Vì nếu lượng đường trong máu cao quá cao trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh thận, tổn thương thần kinh, võng mạc, bệnh tim mạch, đột quỵ đang phát triển,...

Để theo dõi đường huyết tại nhà thì thời điểm đo đường huyết tốt nhất là trước và sau mỗi bữa ăn. Thực hiện đều đặn việc này sẽ giúp bạn biết được thực tế tình trạng đường huyết của mình để có biện pháp điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống cho phù hợp.

Trên đây là những thông tin về bảng chuyển đổi đường huyết và chỉ số đường huyết bình thường hoặc bất thường. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích để theo dõi chỉ số đường huyết và chăm sóc sức khỏe chủ động. Theo đó, bạn hãy theo dõi đường huyết thường xuyên để áp dụng cách ổn định đường huyết kịp thời, nhằm phòng ngừa những mối nguy cho sức khỏe nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin