Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những điều cần biết về chứng misophonia: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục

Ngày 29/11/2024
Kích thước chữ

Misophonia là thuật ngữ tiếng anh dùng để chỉ một chứng bệnh thần kinh mà ở đó, người bệnh cảm thấy sợ hãi, lo lắng, thậm chí là hốt hoảng khi nghe thấy những âm thành bình thường như tiếng tách tách khi bấm bút bi, tiếng cót két của cánh cửa hay tiếng nhai thức ăn…

Vậy chứng bệnh misophonia là gì? Biểu hiện của người mắc chứng misophonia ra sao? Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này là gì và làm sao để khắc phục? Theo dõi hết bài viết sức khỏe dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có thể giải đáp được tất cả các thắc mắc nêu trên bạn nhé.

Chứng misophonia là gì?

Misophonia là thuật ngữ tiếng anh dùng để chỉ chứng ghét âm thanh hoặc dị ứng tiếng ồn. Sự rối loạn này khiến cho người bệnh thường có phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực một cách thái quá với những âm thanh đối với người khác là hết sức bình thường, chẳng hạn như tiếng thở, tiếng nhai…

Trên thực tế, có không ít người cảm thấy khó chịu khi phải nghe những âm thanh phiền phức hàng ngày song đối với người bệnh mắc chứng misophonia, sự khó chịu tới mức bực bội có thể khiến người bệnh có những hành động thái quá như la hét hay đập phá những đồ vật xung quanh chỉ vì những âm thanh rất đỗi bình thường.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chứng misophonia có thể xảy ra một mình hoặc xuất hiện cùng lúc với các vấn đề y tế khác. So với nam giới, chứng bệnh này phổ biến ở nữ giới hơn. Một số người có các dấu hiệu của bệnh ở độ tuổi từ 9 - 13 tuổi.

Chứng misophonia thường xuất hiện một cách bất ngờ và có thể không do bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong cuộc sống thường ngày.

Những điều cần biết về chứng misophonia: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục 1
Misophonia là thuật ngữ dùng để chỉ chứng ghét âm thanh hoặc dị ứng tiếng ồn

Biểu hiện của chứng misophonia

Như đã trình bày phía trên, chứng misophonia là một tình trạng cảm xúc liên quan đến phản ứng mạnh mẽ và khó chịu đối với những âm thanh cụ thể. Những âm thanh này thường là những âm thanh hàng ngày mà người khác có thể không chú ý tới, ví dụ như âm thanh nhai, thở, nhấp môi hoặc gõ bàn phím.

Các biểu hiện của chứng misophonia có thể kể đến như:

  • Cảm giác khó chịu hoặc tức giận: Khi nghe thấy âm thanh kích thích, người mắc chứng misophonia thường cảm thấy bực bội, lo âu hoặc tức giận.
  • Phản ứng mạnh mẽ: Một số người có thể có phản ứng thể chất như tăng nhịp tim, đổ mồ hôi hoặc cảm thấy nôn nao khi nghe âm thanh khiến họ khó chịu.
  • Tránh xa những tình huống có âm thanh kích thích: Người mắc chứng misophonia có thể cố gắng tránh xa những nơi có thể phát ra âm thanh gây khó chịu, ví dụ như tránh ăn uống cùng người khác hoặc tránh những nơi đông người.
  • Cảm giác cô lập: Sự khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội do âm thanh có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, chán nản hoặc bị cô lập.
  • Cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ: Đôi khi, một số người có thể cảm thấy xấu hổ hoặc tồi tệ vì phản ứng của mình đối với những âm thanh mà người khác không thấy là vấn đề.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chứng misophonia có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống như công việc, học tập và mối quan hệ cá nhân. Do đó, nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đang gặp phải các triệu chứng này, nên xem xét việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ.

Những điều cần biết về chứng misophonia: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục 2
Người bệnh misophonia thường khó chịu và phản ứng mạnh mẽ với những âm thanh cụ thể

Nguyên nhân dẫn đến chứng misophonia

Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến chứng misophonia hay chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng misophonia như:

  • Yếu tố tâm lý: Misophonia có thể liên quan đến một số vấn đề tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm. Người mắc chứng này có thể có xu hướng nhạy cảm hơn với các kích thích âm thanh.
  • Yếu tố thần kinh: Một số nghiên cứu cho thấy não bộ của người mắc misophonia có thể hoạt động khác biệt so với người bình thường khi nghe các âm thanh gây khó chịu. Điều này cho thấy có thể có sự liên kết giữa các con đường thần kinh và phản ứng đối với âm thanh.
  • Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy chứng này có thể có tính di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc misophonia, nguy cơ phát triển chứng này ở các thành viên khác có thể cao hơn.
  • Trải nghiệm cá nhân: Một số người có thể phát triển chứng misophonia sau những trải nghiệm tiêu cực liên quan đến âm thanh cụ thể hoặc trong các tình huống căng thẳng.
  • Sự nhạy cảm thần kinh: Một số người có thể có hệ thần kinh nhạy cảm hơn, dẫn đến việc họ dễ bị kích thích bởi các âm thanh nhất định.
Những điều cần biết về chứng misophonia: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục 4
Misophonia có thể liên quan đến một số vấn đề tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm

Cách khắc phục chứng misophonia

Hiện nay, y học vẫn chưa có cách chữa chứng misophonia song bạn hoặc người thân trong gia đình có biểu hiện của chứng sợ tiếng ồn có thể áp dụng một số cách sau đây để khắc phục tình trạng này:

  • Hạn chế đến những nơi đông người và ồn ào. Trong trường hợp bắt buộc phải đến, hãy lựa chọn cho bản thân một nơi ít ồn ào hơn để ngồi.
  • Sử dụng tai nghe để nghe các âm thanh mà bạn yêu thích hoặc sử dụng bịt tai để giảm tiếp xúc với tiếng ồn.
  • Tìm hiểu về chứng misophonia để nhận thức rõ hơn về tình trạng của bản thân.
  • Nếu có thể, hãy chia sẻ về tình trạng này với những người xung quanh để họ có thể thông cảm và điều chỉnh hành vi của mình khi cần thiết.
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng. Duy trì lối sống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao thể trạng. Người bệnh có thể áp dụng các kỹ thuật giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc hít thở sâu để giúp bạn kiểm soát cảm xúc khi gặp phải âm thanh gây khó chịu.
  • Tránh những tình huống có thể gây ra âm thanh khó chịu, nếu có thể.
  • Tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ trị liệu để được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể hơn. Họ có thể giúp bạn phát triển các phương pháp đối phó hiệu quả.
  • Học cách xử lý những suy nghĩ tiêu cực khi nghe âm thanh gây khó chịu thông qua các bài tập nhận thức hành vi.
  • Tham gia vào các nhóm hỗ trợ cho những người mắc chứng misophonia có thể giúp bạn cảm thấy không đơn độc và học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác.

Để mang đến hiệu quả tốt hơn, bạn có thể kết hợp các phương pháp trên. Nếu tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế.

Những điều cần biết về chứng misophonia: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục 3
Người mắc chứng misophonia có thể tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ để được tư vấn

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chứng misophonia mà Nhà thuốc Long Châu muốn cung cấp đến quý độc giả. Hy vọng, thông qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về chứng bệnh này đồng thời nắm được cách khắc phục chứng bệnh misophonia. Cảm ơn quý độc giả đã luôn quan tâm và dõi theo các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin