Nước rau lang luộc có uống được không và có chất dinh dưỡng không?
Ngày 15/10/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nước luộc rau lang thường bị bỏ đi sau khi chế biến vì nhiều người nghĩ rằng nó không có giá trị dinh dưỡng. Để biết nước rau lang luộc có uống được không và có lợi ích gì cho sức khỏe hay không, các bạn hãy tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các thành phần dinh dưỡng của rau lang, tác dụng của rau lang đối với sức khỏe cũng như tìm câu trả lời cho thắc mắc “Nước rau lang luộc có uống được không?” và những lưu ý khi sử dụng loại nước luộc rau này.
Thành phần dinh dưỡng của rau lang
Rau lang là một loại rau xanh rất phổ biến ở Việt Nam, rau lang có thể được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc trong ẩm thực Việt, bao gồm xào, luộc và nấu canh. Điều này làm cho rau lang trở thành một nguyên liệu ưa thích trong bữa ăn gia đình, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong mỗi 100g rau lang, bạn có thể tìm thấy các chất dinh dưỡng sau:
Năng Lượng: 22 kcal;
Nước: 91,8g;
Protein: 2,6g;
Tinh Bột: 2,8g.
Ngoài ra, rau lang còn chứa một loạt các loại vitamin như vitamin B, C, E, beta caroten, biotin và các khoáng chất quan trọng như magie, photpho, canxi, kali, mangan, kẽm và đồng.
Tác dụng của rau lang đối với sức khỏe
Trong y học cổ truyền Đông Á, rau lang được coi là một loại thảo mộc có tính bình, không độc và có nhiều tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể. Rau lang được xem là có khả năng lợi mật, tăng cường thị lực và có tác dụng chữa vàng da, được coi là một loại thực phẩm bổ dưỡng và dược liệu quý.
Trong y học hiện đại, rau lang được biết đến với giá trị dinh dưỡng cao. Nó chứa nhiều dưỡng chất quý báu, bao gồm vitamin C, vitamin B6, riboflavin và nhiều chất dinh dưỡng khác. Các thành phần dinh dưỡng này giúp tăng cường sức kháng, cung cấp năng lượng cho cơ thể và có tác dụng bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là những công dụng cụ thể của loại rau này:
Chống oxy hóa: Rau lang chứa một loại protein độc đáo có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Những protein này có khả năng chống oxy hóa khoảng 1/3 so với glutathione - một chất quan trọng trong việc tạo ra các chất chống oxy hóa trong cơ thể. Điều này có thể giải thích tại sao rau lang có những đặc tính chữa bệnh đáng chú ý.
Nhuận tràng: Rau lang tươi và luộc chín giúp nhuận tràng. Vị ngọt, mát của rau lang cùng với hàm lượng chất xơ cao giúp làm dịu vấn đề về tiêu hóa. Lá rau lang còn chứa một lượng nhựa tẩy khoảng 1,95% - 1,97%, giúp tăng cường hiệu suất nhuận tràng.
Giảm viêm: Rau lang có hàm lượng vitamin cao, có khả năng chống oxy hóa, giúp loại bỏ gốc tự do gây hại cho tế bào và mô. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ viêm và bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson và Alzheimer.
Tăng cường hệ thống miễn dịch: Rau lang cung cấp nhiều vitamin B6, có tác dụng tích cực đối với hệ thống miễn dịch, cân bằng nội tiết tố và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh về thận, tim và rối loạn cảm xúc.
Ngăn ngừa bệnh trĩ: Rau lang, khi thường xuyên được tiêu thụ dưới dạng nước luộc, có khả năng làm dịu vấn đề trĩ. Nước rau lang có tác dụng bôi trơn tốt trong hệ tiêu hóa, giúp giảm khả năng mắc bệnh trĩ.
Tăng tiểu cầu ở phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai thường mắc rối loạn giảm tiểu cầu, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Rau lang có thể được sử dụng để cải thiện tiểu cầu thông qua chế biến thành các món ăn hoặc nước rau luộc.
Hỗ trợ điều trị ung thư: Các chất chống oxy hóa trong rau lang có khả năng ức chế tối đa sự phát triển của tế bào ung thư, giúp hỗ trợ trong quá trình điều trị ung thư.
Kiểm soát huyết áp: Lá khoai lang giàu kali, có thể giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao.
Giảm táo bón: Rau lang có hàm lượng chất xơ cao, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, cải thiện tình trạng táo bón và giúp ngăn ngừa các vấn đề về trĩ.
Rau lang không chỉ ngon mà còn cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thế nhưng, liệu nước rau lang luộc có uống được không?
Nước luộc rau lang có chứa chất gì?
Như chúng ta biết rau lang chứa nhiều dinh dưỡng quý báu như vitamin, khoáng chất, canxi, sắt và chất xơ. Rau thường được chế biến qua nhiều cách, trong đó luộc rau là một cách đơn giản và phổ biến. Có một quan điểm sai lầm phổ biến là khi luộc rau, nước luộc này sẽ loại bỏ hết dinh dưỡng và các tác nhân có hại. Thực tế, những dưỡng chất, yếu tố vi lượng và vitamin trong rau có khả năng tan vào nước khi rau lang được luộc. Đặc biệt, vitamin C, vitamin B1 và folate cũng sẽ có mặt trong nước luộc này.
Nước rau lang luộc có uống được không?
Nước rau lang luộc có uống được không chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều người. Nước luộc rau không chỉ chứa các dưỡng chất quý báu mà còn có tính dược liệu cao. Nó giúp cơ thể thải độc hiệu quả, giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh và đầy năng lượng. Ngoài ra, uống nước luộc rau có thể làm bạn cảm thấy no, giúp kiểm soát thèm ăn và hỗ trợ giảm cân. Bạn có thể sử dụng nước luộc rau để nấu cơm, súp hoặc làm nước dùng cho các món như há cảo hoặc hoành thánh, giúp giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường.
Lưu ý khi uống nước luộc rau lang
Để đảm bảo nước luộc rau lang an toàn và bổ dưỡng, hãy tuân theo những lưu ý sau:
Chọn rau sạch: Mua rau lang từ nguồn tin cậy và đảm bảo rằng chúng được trồng và thu hoạch theo quy trình an toàn.
Rửa rau kỹ: Trước khi luộc, hãy rửa từng lá và cọng rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn, côn trùng hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.
Luộc đúng cách: Không luộc những loại rau bị dập nát, vì chúng dễ nhiễm khuẩn từ phân tươi và các hóa chất độc hại trong quá trình trồng. Đảm bảo rau lang được luộc đúng cách để dưỡng chất vẫn được giữ lại.
Không dùng cho trẻ nhỏ: Nước luộc rau không phù hợp để nấu cháo hoặc pha sữa cho trẻ nhỏ, vì trẻ cần nhiều dinh dưỡng hơn để phát triển khỏe mạnh.
Vậy nước rau lang luộc có uống được không, các bạn đã biết rồi phải không? Nước luộc rau lang không chỉ chứa nhiều dưỡng chất quý báu mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe và môi trường. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể uống nước luộc rau và tận dụng nó để nấu các món ăn khác. Tuy nhiên, hãy tuân thủ các lưu ý về cách lựa chọn, rửa và luộc rau để đảm bảo an toàn và bổ dưỡng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.