Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sán lá gan nhỏ: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng chống

Ngày 28/09/2023
Kích thước chữ

Bệnh sán lá gan nhỏ xuất hiện phổ biến ở một số các tỉnh thành tại Việt Nam. Bệnh có liên quan đến thói quen ăn uống và sinh hoạt của người dân. Để phòng tránh bệnh hiệu quả, chúng ta cần tìm hiểu về bệnh sán lá gan nhỏ và nguyên nhân gây ra bệnh.

Bệnh sán lá gan nhỏ là một trong những loại bệnh ký sinh phổ biến ở nước ta. Bệnh do sán lá gan nhỏ gây bệnh tại đường mật trong gan. Bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần trang bị kiến thức về bệnh và chủ động phòng chống nhiễm bệnh.

Bệnh sán lá gan nhỏ là gì?

Bệnh sán lá gan nhỏ do ba loại ký sinh gây ra gồm clonorchis sinensis, opisthorchis felineus và opisthorchis viverrini. Tại Việt Nam, hai loại ký sinh thường gặp nhất là clonorchis sinensis và opisthorchis viverrini. Hai loại ký sinh trùng này phân bố trên ít nhất 32 tỉnh thành khác nhau.

Theo WHO, trên 3 triệu người tại Thái Lan, Campuchia, Lào và miền Nam Việt Nam bị nhiễm sán lá gan nhỏ do opisthorchis viverrini gây ra. Clonorchis sinensis gây ra bệnh sán lá gan nhỏ trên 19 triệu người phân bố ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam.

Tại Việt Nam, các tỉnh thành bị nhiễm sán lá gan nhiều nhất là Ninh Bình, Phú Yên, Bình Định và Nam Định với tỷ lệ nhiễm từ 15 - 37%. Vấn đề nhiễm bệnh có liên quan nhiều đến thói quen ăn uống và lối sống của người dân. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu về nguyên nhân nhiễm bệnh để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Sán lá gan nhỏ: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng chống 1
Bệnh sán lá gan nhỏ do các loại vật ký sinh tại đường mật gây ra

Nguyên nhân bệnh sán lá gan nhỏ

Khác với bệnh sán lá gan lớn, vật chủ chính của sán lá gan nhỏ là con người và một số động vật nhỏ như chó, mèo, chuột, rái cá, cáo,... và vật chủ trung gian là các loại ốc như bithynia và melania.

Sán lá gan sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ di chuyển vào nhu mô gan. Sau khi trưởng thành, sán lá gan nhỏ sẽ để trứng trong đường mật và trứng sẽ đi ra ngoài theo phân. Phân chứa trứng khi gặp nước sẽ nở thành ấu trùng lông. Ấu trùng lông ký sinh vào cơ thể ốc và phát triển thành ấu trùng đuôi rồi bám vào rau hoặc bơi trong nước.

Nếu con người hoặc động vật ăn rau sống nhiễm nang trùng hoặc uống nước lã chứa nang trùng thì sẽ bị nhiễm bệnh. Nang trùng sau khi vào dạ dày sẽ đến ruột rồi di chuyển lên gan và ký sinh tại gan. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm tiếp theo.

Biển hiện nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ

Thời gian ủ bệnh thường không rõ ràng và phụ thuộc vào lượng nhiễm sán. Thông thường, người bệnh bị nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ ràng.

Người bị nhiễm sán lá gan nhỏ có các triệu chứng như đau tức vùng gan, biếng ăn, bụng khó tiêu, đi phân sống, có thể có biểu hiện sạm da, vàng da, gan to hoặc xơ gan tùy theo mức độ của bệnh.

Khi xét nghiệm sán lá gan, trứng sán có thể được tìm thấy trong phân hoặc trong dịch dạ dày. Gan được siêu âm có hình ảnh tăng sáng, dấu hiệu gan to hoặc xơ gan. Ống mật bị giãn, thành và túi ống mật dày. Do đó, hậu quả của bệnh sán lá gan là rất lớn, về lâu dài có thể dẫn tới ung thư đường mật và các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến gan.

Sán lá gan nhỏ: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng chống 2
Người bị nhiễm sán lá gan nhỏ thì hình ảnh gan bị tăng sáng và có dấu hiệu to gan

Cách thức lây nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ

Người và động vật ăn trúng ấu trùng nang chưa được nấu chín sẽ bị nhiễm bệnh. Ấu trùng di chuyển vào dạ dày, xuống tá tràng rồi lên gan theo đường mật, sau khi trưởng thành sẽ gây bệnh ở đường mật.

Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Nếu phân tiếp xúc với nguồn nước sẽ tạo điều kiện cho trứng sán nở thành ấu trùng, ký sinh vào ốc và bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước. Động vật nhỏ hoặc con người ăn phải rau sống, nước lã và động vật sống nhiễm ấu trùng sán sẽ lại tiếp tục bị lây nhiễm và tạo thành một vòng đời của sán lá gan.

Nguyên tắc điều trị bệnh sán lá gan nhỏ

Bệnh nhân cần được điều trị từ sớm ngay sau khi phát hiện bệnh. Quá trình điều trị cần đảm bảo đủ liều và dùng thuốc đặc trị như Praziquantel. Praziquantel là loại thuốc kháng sán phổ rộng được dùng để điều trị cho nhiều loại sán khác nhau.

Praziquantel có dạng viên nén 600mg được dùng với 75mg/kg trong một ngày. Thuốc được chỉ định thành 3 lần uống cách nhau từ 4 đến 6 tiếng sau khi ăn no. Trường hợp bệnh nặng thì các bác sĩ có thể điều trị liên tiếp từ 1 đến 2 ngày và theo dõi lại cơ sở y tế.

Trường hợp bệnh từ nhẹ đến trung bình chỉ cần dùng thuốc trong một liều duy nhất với Praziquantel 600mg liều 40mg/kg/24 giờ sau khi ăn no.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần kiêng rượu bia và các loại chất kích thích khác. Phụ nữ đang cho con bú không cho con bú 72 giờ sau khi dùng thuốc. Người bệnh cần nghỉ ngơi, không lao động nặng vì thuốc có thể làm bạn bị chóng mặt và mệt mỏi.

Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh cấp tính, suy tim, suy thận, suy gan, tâm thần hoặc dị ứng với thành phần của thuốc cần được điều trị đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.

Sán lá gan nhỏ: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng chống 3
Bệnh nhân sau khi được kết luận mắc bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc đặc trị sán lá gan nhỏ

Phương pháp xét nghiệm sán lá gan nhỏ

Để xác định người bệnh có đang mắc sán lá gan nhỏ hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một hoặc kết hợp nhiều các phương pháp sau đây:

  • Phương pháp soi phân: Phương pháp này dễ thực hiện và được áp dụng ở nhiều cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ soi phân liên tiếp trong 3 ngày để tăng khả năng tìm thấy trứng sán.
  • Phương pháp soi dịch mật/dịch tá tràng: Trường hợp không tìm thấy trứng sán trong phân, bạn sẽ được thực hiện phương pháp này để có thể tìm thấy cả trứng sán và sán trưởng thành.
  • Xét nghiệm huyết thanh học: Phương pháp này căn cứ vào kháng thể kháng sán có trong máu để xác định trong cơ thể có sán hay không.
  • Một số xét nghiệm khác như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nồng độ IgE, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh,...

Trong đó, phương pháp soi phân đơn giản và là tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, độ nhạy của phương pháp này không cao vì kết quả phụ thuộc nhiều vào chu kỳ sinh sản của sán, việc trứng được đào thải qua phân, bảo quản mẫu phân,... Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm huyết thanh học cho kết quả với độ nhạy lên đến 85 - 98%.

Biện pháp phòng chống bệnh sán lá gan nhỏ

Biện pháp phòng chống bệnh sán lá gan tốt nhất là trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh. Chúng ta cần có thói quen ăn chín uống sôi, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống nguồn nước để tránh lây nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần hạn chế thói quen ăn sống rau thủy sinh, không ăn gỏi cá sống, gan sống, không uống nước lã,... để không bị lây nhiễm ấu trùng sán. Chúng ta cần duy trì thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, đảm bảo nguồn nước sạch và tẩy giun sán định kỳ đúng cách.

Sán lá gan nhỏ: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng chống 4
Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn là biện pháp phòng chống bệnh sán hiệu quả

Bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh sán lá gan nhỏ, nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện và cách phòng chống bệnh hiệu quả. Để ngăn ngừa nhiễm bệnh, mỗi chúng ta cần nâng cao hiểu biết về bệnh và phòng ngừa chúng bằng cách kiểm soát tốt nguồn thực phẩm và giữ gìn vệ sinh quanh khu vực sống.

Xem thêm: Sán lá gan lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin