Khoai sọ là thực phẩm khá phổ biến và có mặt trong bữa cơm của nhiều gia đình Việt Nam. Ăn khoai sọ thường xuyên nhưng liệu bạn đã biết đến những tác dụng của khoai sọ đối với sức khỏe là gì chưa? Nếu chưa, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay nhé.
Khoai sọ không chỉ có vị béo bùi đặc trưng mà còn có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Để biết tác dụng của khoai sọ là gì hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Khoai sọ có chất dinh dưỡng gì?
Để biết tác dụng của khoai sọ, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về giá trị dinh dưỡng có trong thực phẩm này. Khoai sọ là giống khoai có tên khoa học là Colocasia esculenta và thuộc họ cây ráy. Thân của cây khoai sọ chia làm 2 phần gồm thân chính phình to tạo thành củ và phần thân giả phía trên phát triển thành các bẹ lá.
Khoai sọ có nguồn gốc ban đầu từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Việt Nam là một trong những nước ăn khoai sọ thường xuyên. Có rất nhiều giống khoai sọ khác nhau như khoai sọ trắng, khoai sọ núi,... Trước đây khoai sọ chủ yếu là mọc dại nhưng hiện nay, với nhu cầu ngày càng cao, khoai sọ được trồng nhiều ở các tỉnh trên toàn quốc.
Vậy tác dụng của khoai sọ gồm những gì? Giá trị dinh dưỡng của khoai sọ là gì? Theo phân tích, 100g khoai sọ cung cấp khoảng 115 calo, đáp ứng phần nào nhu cầu năng lượng của cơ thể. Lượng calo trong khoai sọ khá thấp nên thích hợp cho người ăn kiêng, giảm cân.
Thành phần chính trong khoai sọ là tinh bột, vitamin và chất khoáng. Tinh bột trong khoai sọ có thể giúp bạn no lâu hơn, hạn chế cơn thèm ăn - nguyên nhân hàng đầu khiến bạn ăn vặt, ăn đêm. Ngoài ra, trong khoai sọ còn có chất xơ, protein, chất béo, canxi, sắt, mangan, vitamin C, vitamin E,...
Tác dụng của khoai sọ là gì?
Là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, tác dụng của khoai sọ gồm những lợi ích sau:
Có lợi cho tim mạch: Trong thành phần dinh dưỡng của khoai sọ có hàm lượng kali khá cao, đây là chất khoáng giúp các tế bào và chất dịch trong cơ thể duy trì sự khỏe mạnh. Kali khi vào cơ thể giúp phá tan các tinh thể muối dư thừa, ổn định và kiểm soát tốt huyết áp, tránh nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch,...
Hỗ trợ tiêu hóa: Tác dụng của khoai sọ không thể không kể đến hiệu quả với hệ tiêu hóa. Khoai sọ có nhiều chất xơ - một chất không hấp thụ vào cơ thể nhưng lại rất quan trọng với quá trình tiêu hóa. Cung cấp chất xơ sẽ giúp tiêu hóa trơn tru, cuốn trôi các chất thải ra ngoài, hạn chế cholesterol vào máu, chữa chứng táo bón, đầy hơi, khó tiêu,...
Tăng tuần hoàn máu: Nếu bạn thường xuyên nhận thấy cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đặc biệt là khi đứng lên ngồi xuống, hãy bổ sung khoai sọ và các thực phẩm giàu sắt khác vào chế độ ăn. Sắt giúp tái tạo hồng cầu, tăng chất lượng và khả năng lưu thông máu, ngừa bệnh thiếu máu.
Tác dụng của khoai sọ - Chống lão hóa: Đây là tác dụng của khoai sọ được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Sở dĩ khoai sọ có thể giúp cơ thể chống lão hóa là nhờ thành phần giàu vitamin, đặc biệt là vitamin E và A, 2 loại vitamin hạn chế tốc độ lão hóa của tế bào, giữ làn da luôn săn chắc, mềm mịn và căng bóng.
Giảm cân: Nhiều người lo lắng rằng ăn khoai sọ có thể gây tăng cân nhưng thực tế, đây lại là thực phẩm rất nên thêm vào chế độ ăn kiêng đấy. Chất xơ và tinh bột trong khoai sọ giúp bạn no lâu hơn, lâu đói và tránh nạp nhiều thức ăn. Lượng calo trong khoai sọ cũng thấp nên không vượt ngưỡng calo trong ngày cho người giảm cân.
Có món ngon nào từ khoai sọ không?
Sau khi tìm hiểu tác dụng của khoai sọ, bạn có muốn ăn khoai sọ nhiều hơn không? Nếu muốn ăn khoai sọ mà không bị ngán, bạn hãy thử ngay những cách nấu khoai sọ cực ngon dưới đây:
Khoai sọ hầm xương heo: Xương heo giàu canxi, protein và là thực phẩm bổ sung rất tốt cho cơ thể. Bạn chỉ cần rửa sạch xương heo, hầm mềm xương với chút muối và cho khoai sọ vào nấu đến khi thấy khoai mềm, nêm nếm lại gia vị là có thể dùng được.
Cháo khoai sọ: Nếu bạn hoặc người thân mới ốm dậy, cháo khoai sọ là món ăn bổ sung dưỡng chất và bồi bổ cơ thể rất tốt đấy. Khi nấu cháo khoai sọ bạn có thể thêm xương heo, sườn, tôm,... tùy thích để có món cháo ngon như ý muốn.
Chè khoai sọ: Ngày hè oi nóng bạn hãy làm ngay một nồi chè khoai sọ để giải nhiệt, kích thích ăn ngon miệng hơn. Cách nấu chè khoai sọ khá đa dạng, bạn có thể nấu trực tiếp khoai sọ với đường hoặc dùng khoai sọ làm nhân bọc trong bột nếp đều rất ngon.
Lưu ý gì khi ăn khoai sọ?
Ăn khoai sọ thường xuyên là lời khuyên từ nhiều chuyên gia dinh dưỡng để tận dụng tốt nhất tác dụng của khoai sọ. Đây cũng là món ăn dưỡng thai có nhiều lợi ích cho bà bầu. Khoai sọ giàu năng lượng và nhiều chất dinh dưỡng, nhất là các vi chất như canxi, sắt, mangan,... thúc đẩy thai nhi phát triển thuận lợi.
Theo Đông y, khoai sọ có tác dụng khá tốt cho người bị sưng đau, viêm nhiễm hoặc bệnh lý xương khớp tuy nhiên không nên ăn quá nhiều khoai sọ trong 1 tuần. Với phụ nữ mang thai, bác sĩ khuyến cáo chỉ nên ăn 1 - 2 bữa khoai sọ trong tuần để đa dạng nhiều thực phẩm khác.
Chỉ số tinh bột trong khoai sọ khá cao nên ngay sau khi ăn khoai sọ, đường huyết có thể lên đến 58 nên người mắc bệnh tiểu đường, có nguy cơ bị tiểu đường,... không nên ăn quá 1 bữa/tuần hoặc tốt nhất là không nên ăn để tránh bệnh trở nặng gây biến chứng không mong muốn.
Khoai sọ có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và tác dụng của khoai sọ cũng đa dạng. Khi chế biến khoai sọ bạn nên đeo găng tay khi gọt vỏ khoai sọ vì lớp vỏ của khoai sọ có nhiều chất nhựa gây ngứa tay, châm chích khó chịu. Ngoài ra các bà nội trợ cũng nên kết hợp khoai sọ với đa dạng thực phẩm khác nhau để tăng thành phần dinh dưỡng và ăn ngon miệng hơn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.