Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì? Dấu hiệu và biến chứng của bệnh

Ngày 11/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, bệnh sốt rét lưu hành chủ yếu ở khu vực miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Vậy tác nhân gây bệnh sốt rét là gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh sốt rét nhé!

Sốt rét là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết sẽ giới thiệu các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh sốt rét. Nhưng trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu xem tác nhân gây bệnh sốt rét là gì.

Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì?

Tác nhân gây bệnh sốt rét là do các ký sinh trùng thuộc chi Plasmodium gây ra, bao gồm: Plasmodium vivax, Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào loại ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.

Loại ký sinh trùng nguy hiểm: Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Đây là loại cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Loại ký sinh trùng sốt rét ít nguy hiểm hơn:

  • Plasmodium malariae: Nguy cơ tử vong thấp hơn.
  • Plasmodium ovale: Ít biến chứng tử vong.
  • Plasmodium knowlesi: Gây bệnh sốt rét ở khỉ, nhưng vẫn có thể lây sang người.

Muỗi Anopheles là trung gian truyền bệnh. Mặc dù sốt rét rất nguy hiểm, ký sinh trùng chỉ tồn tại trong cơ thể muỗi và trong máu người, không tồn tại được ở môi trường bên ngoài. Do đó, việc tránh được muỗi đốt sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì? 1
Tác nhân gây bệnh sốt rét là do các ký sinh trùng thuộc chi Plasmodium

Dấu hiệu và triệu chứng gây bệnh

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt rét là vô cùng quan trọng. Dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những dấu hiệu thường gặp để bạn có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả:

Sốt rét thể thông thường (chưa có biến chứng)

Sốt rét thể thông thường là dạng bệnh không có biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể xác định được mình bị sốt rét nhưng không có dấu hiệu đe dọa tính mạng. Triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể xuất hiện hoặc không, tùy cá nhân.

Triệu chứng điển hình:

  • Cơn sốt theo chu kỳ gồm ba giai đoạn là rét run, sốt nóng và vã mồ hôi.
  • Sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét, sốt liên tục hoặc dao động (cơn sốt không điển hình).

Triệu chứng khác: Thiếu máu, lách to, gan to,...

Sốt rét ác tính

Sốt rét ác tính là dạng bệnh có biến chứng đe dọa tính mạng, thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp nhiều loại ký sinh trùng. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm Plasmodium vivax hay Plasmodium knowlesi đơn thuần cũng có thể dẫn đến sốt rét ác tính. Dấu hiệu dự báo:

  • Rối loạn ý thức: Li bì, cuồng sảng, vật vã,...
  • Sốt cao liên tục: Sốt không hạ sau khi đã sử dụng thuốc hạ sốt.
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng cấp, tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
  • Đau đầu dữ dội: Gây nhức nhối, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
  • Mật độ ký sinh trùng cao: Khi xét nghiệm máu cho thấy số lượng ký sinh trùng nhiều.
  • Thiếu máu nặng: Niêm mạc nhợt nhạt, da xanh xao.
Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì? 2
Sốt rét có thể gây ra tình trạng thiếu máu

Sốt rét ác tính là dạng bệnh có biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi xuất hiện một trong những triệu chứng sau đây và đã loại trừ các nguyên nhân khác, cần nghi ngờ sốt rét ác tính và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức:

  • Hôn mê, mệt lả: Rối loạn ý thức, không thể giao tiếp hay phản ứng với kích thích.
  • Co giật: Xảy ra trên 2 lần trong 24 giờ.
  • Suy hô hấp: Thở sâu, rối loạn nhịp thở, phù phổi cấp, ran ẩm ở 2 đáy phổi, hội chứng suy hô hấp cấp, khó thở (tím tái, co kéo cơ hô hấp) và SpO2 < 92%.
  • Suy tuần hoàn/sốc: Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tâm thu < 80 mmHg ở người lớn hoặc giảm 20 mmHg so với huyết áp bình thường theo tuổi của trẻ em, lạnh chi, thiểu niệu.
  • Suy thận cấp: Nước tiểu < 0,5 ml/kg/giờ.
  • Vàng da: Có kèm theo rối loạn chức năng cơ quan khác.
  • Xuất huyết: Xuất huyết bất thường (dưới da, trong cơ, xuất huyết tiêu hóa) hoặc các cơ quan khác.
  • Trẻ em: Thiếu máu nặng, co giật, hôn mê, hạ đường huyết, suy hô hấp, toan chuyển hóa.
  • Phụ nữ có thai: Thiếu máu, hạ đường huyết, đẻ non, sảy thai, nhiễm trùng hậu sản sau sảy thai hoặc đẻ non.

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét có thể biến chuyển nhanh chóng, tiềm ẩn nguy cơ tử vong chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày kể từ khi xác định.

Triệu chứng điển hình:

  • Cơn sốt theo chu kỳ: Giai đoạn rét run, sốt nóng (40 - 41°C) và vã mồ hôi.
  • Tùy biến cá nhân: Mức độ và biểu hiện của sốt có thể khác nhau tùy thuộc vào thể trạng người bệnh và loại ký sinh trùng xâm nhập.

Biến chứng nguy hiểm: Sốt rét ác tính ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm:

  • Não bộ: Loạn ý thức, mất ngủ, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau nhức đầu dữ dội, phù não, xuất hiện hội chứng tâm thần (co giật, hôn mê, đồng tử giãn,…), rối loạn hô hấp, tăng huyết áp.
  • Phủ tạng: Ảnh hưởng đến phổi, gan, hệ tiêu hóa,…
  • Trẻ em: Nguy cơ tử vong cao do những cơn sốt cao liên tục, nôn, chướng bụng, tiêu chảy, co giật, các dấu hiệu màng não.
Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì? 3
Sốt rét có thể gây hôn mê do hạ đường huyết

Khi nào bạn nên đến cơ sở y tế?

Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nghi ngờ sốt rét, việc đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và điều trị là vô cùng quan trọng. Tuyệt đối không được chủ quan hay thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì điều này có thể khiến bệnh tiến triển nặng, việc điều trị trở nên khó khăn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Sốt rét có thể biến chuyển nhanh chóng, tiềm ẩn nguy cơ tử vong chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, hạn chế biến chứng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp với từng trường hợp.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt rét

Như vậy chúng ta đã biết tác nhân gây bệnh sốt rét là các ký sinh trùng thuộc chi Plasmodium và do muỗi Anopheles là trung gian truyền bệnh. Chính vì vậy, để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi căn bệnh này, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả là vô cùng quan trọng.

Sốt rét tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Sau đây là một số biện pháp thiết yếu:

  • Tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa sốt rét. Nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
  • Khám và điều trị kịp thời: Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt rét, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm và giảm nguy cơ lây lan.
  • Uống thuốc dự phòng: Ở các nước có sốt rét lưu hành nặng, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc dự phòng khi đến vùng sốt rét. Tại Việt Nam, sốt rét đã giảm mạnh nên việc uống thuốc dự phòng không còn cần thiết. Thuốc chỉ được cấp cho những người có nguy cơ cao hoặc đã mắc bệnh để điều trị.
  • An toàn truyền máu: Thực hiện xét nghiệm sàng lọc kỹ lưỡng trước khi truyền máu để đảm bảo an toàn, đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc sống trong vùng sốt rét. Bằng cách chung tay thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, chúng ta có thể đẩy lùi căn bệnh sốt rét nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Phòng chống muỗi truyền bệnh:

  • Phun hóa chất diệt muỗi định kỳ: Phun tồn lưu mặt trong tường vách và tẩm màn với hóa chất diệt muỗi định kỳ để tiêu diệt muỗi trưởng thành.
  • Sử dụng kem xua muỗi: Sử dụng kem xua muỗi để bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt.
  • Vệ sinh môi trường: Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp những nơi nước đọng ao tù, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi sinh sản của muỗi.
  • Xây dựng nhà xa rừng, xa nguồn nước: Xây dựng nhà ở xa rừng và nguồn nước để tránh muỗi Anopheles - trung gian truyền bệnh sốt rét.
  • Mặc quần áo dài vào buổi tối: Mặc quần áo dài tay và đi tất để hạn chế da tiếp xúc với muỗi trong đêm, lúc muỗi hoạt động mạnh nhất.
  • Khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu: Khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước để hạn chế bọ gậy, ấu trùng muỗi.
Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì? 4
Sử dụng sản phẩm chống muỗi để xua muỗi

Mong rằng bài viết đã giải đáp được thắc mắc “Tác nhân gây bệnh sốt rét là gì?”. Thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét để bảo vệ sức khỏe bạn và người thân là rất cần thiết. Đừng quên nhấn theo dõi Nhà thuốc Long Châu để theo dõi những bài viết sức khỏe bổ ích.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin