Những điều cần biết về tình trạng sốt rét đái huyết cầu tố
Ngày 12/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sốt rét là một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Trong số các biến chứng của bệnh sốt rét, sốt rét đái huyết cầu tố nổi bật với tác động đáng lo ngại đến sức khỏe của người bệnh. Tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vậy sốt rét đái huyết cầu tố là gì và có nguy hiểm không? Mời quý vị độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây về những thông tin cần thiết nhất về căn bệnh này cũng như biện pháp phòng tránh.
Sốt rét là gì?
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, với các triệu chứng như đau đầu, sốt, lạnh run và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh thường phát triển sau 10 - 15 ngày kể từ khi người bệnh bị muỗi Anopheles đốt. Bên cạnh đó, sốt rét còn có thể lây qua đường truyền máu, từ mẹ sang con, sử dụng chung kim tiêm chứa ký sinh trùng, hoặc bị muỗi đốt.
Người mắc bệnh có thể biểu hiện triệu chứng sốt rét thông thường hoặc sốt rét ác tính, tùy thuộc vào loại ký sinh trùng gây bệnh.
Triệu chứng sốt rét thông thường
Các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, ho, đau cơ khớp và tiêu chảy. Những triệu chứng ban đầu này thường không nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo cơ địa mỗi người, bệnh có thể diễn ra theo dạng sốt điển hình với ba giai đoạn là rét run, sốt, và vã mồ hôi. Trường hợp sốt không điển hình có thể bao gồm sốt liên tục hoặc không thành cơn, ớn lạnh, rét và nổi da gà. Một số người bệnh có thể bị phình to lách, gan, xanh xao, suy nhược, và thiếu máu.
Triệu chứng sốt rét ác tính
Đây là dạng sốt rét nghiêm trọng, chủ yếu do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây ra, dẫn đến tắc nghẽn mao mạch, rối loạn tuần hoàn, và giảm tưới máu đến các cơ quan, gây tổn thương não. Các dấu hiệu bao gồm sốt cao liên tục, rối loạn ý thức (mơ sảng, nói lảm nhảm, ngủ li bì), rối loạn tiêu hóa (ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng), đau đầu dữ dội, da tái xanh và thiếu máu nặng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp suy thận, phù phổi cấp, hạ đường huyết, sốc, xuất huyết, co giật, vàng da, và các biến chứng nguy hiểm khác. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Sốt rét đái huyết cầu tố là gì?
Sốt rét đái huyết cầu tố là một dạng sốt rét nghiêm trọng do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây ra. Bệnh thường xảy ra ở các vùng có dịch sốt rét nặng, đặc biệt ở những người mắc sốt rét kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, do không điều trị dứt điểm. Biểu hiện của bệnh bao gồm tán huyết đột ngột và dữ dội, dẫn đến thiếu máu cấp tính, vàng da và niêm mạc, cùng với tiểu ra huyết cầu tố. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy thận cấp và có tỷ lệ tử vong cao.
Triệu chứng của sốt rét đái huyết cầu tố là gì?
Sốt rét đái huyết cầu tố gồm hai giai đoạn là giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn khởi phát của bệnh kéo dài từ nửa ngày đến 1 ngày, với các triệu chứng thường gặp bao gồm:
Rét run, mệt mỏi, sốt cao (thường vượt ngưỡng 39 - 40 độ C).
Da và niêm mạc nhợt nhạt.
Nôn nhiều lần, dịch nôn đắng, màu xanh vàng, đôi khi nôn khan.
Nước tiểu sẫm màu, bệnh nhân thường muốn đi tiểu nhiều lần và có thể cảm thấy nóng buốt ở niệu đạo.
Giai đoạn toàn phát
Các triệu chứng trên tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn:
Bệnh nhân tiếp tục trải qua các cơn sốt rét run hoặc sốt dao động. Mỗi cơn rét run thường đi kèm với tán huyết, kéo dài từ 3 - 4 ngày và sốt dần hạ nhiệt từ ngày thứ hai.
Nôn ra dịch dạ dày và mật có màu xanh vàng, kèm theo đau vùng thượng vị, vã mồ hôi và có thể nôn khan.
Da và niêm mạc trở nên vàng, tình trạng này tăng lên sau mỗi cơn sốt rét. Da có thể chuyển sang màu vàng đậm và xanh thẫm nếu tán huyết cấp diễn và kéo dài.
Nước tiểu có chứa huyết cầu tố: Ban đầu nước tiểu có màu đỏ tươi, sau đó nhanh chóng chuyển sang màu nâu đen. Khi để lâu, nước tiểu phân thành hai lớp, lớp trên là nước tiểu màu nâu, lớp dưới là cặn màu nâu xám gồm huyết cầu tố, các trụ tế bào biểu mô, trụ hạt và trụ trong. Từ ngày thứ 2 - 3 trở đi, bệnh nhân tiểu ít dần do mất nước, sau đó có thể dẫn đến suy thận. Giữa các cơn tán huyết, nước tiểu bớt màu nâu đen và dần nhạt đi. Thời gian tiểu ra huyết cầu tố có thể kéo dài vài giờ, trung bình là 3 - 4 ngày.
Hội chứng thiếu máu, thiếu oxy cấp diễn: Da và niêm mạc trở nên xanh nhợt, bệnh nhân có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mạch nhanh, thở gấp, huyết áp tăng, tức ngực... Giai đoạn này thường kéo dài từ 4 - 7 ngày.
Một số biến chứng thường gặp của sốt rét đái huyết cầu tố
Biến chứng do sốt rét đái huyết cầu tố nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Suy thận cấp
Suy thận cấp là một trong những biến chứng thường gặp và nghiêm trọng nhất do sốt rét đái huyết cầu tố gây ra.
Loại nhẹ: Hematocrit tăng cao, lượng nước tiểu giảm nhưng độ thanh thải của ure, creatinin, và Na+ vẫn bình thường. Tình trạng này thường xuất hiện sớm ngay từ đầu.
Từ ngày thứ 4 trở đi: Suy thận thực thể do hoại tử ống thận, dẫn đến vô niệu, tăng nồng độ ure trong máu, giảm ure niệu và giảm độ thanh thải creatinin.
Bệnh nhân có nguy cơ chuyển sang toan chuyển hóa, nhiễm độc ure, tăng K+ huyết, và nguy cơ ngừng tim.
Trụy tim mạch, suy tuần hoàn
Trong trường hợp bệnh sốt rét nặng, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng trụy tim mạch hoặc suy tuần hoàn. Đây là tình trạng rất nguy hiểm khi huyết áp giảm đột ngột và mạch đập nhanh, yếu. Khi không được điều trị kịp thời, trụy tim mạch có thể dẫn đến sốc, suy tạng, và thậm chí tử vong.
Một trong những biến chứng đáng lo ngại của sốt rét, đặc biệt là sốt rét đái huyết cầu tố, là suy gan cấp. Tình trạng này xảy ra khi gan bị tổn thương nặng nề do tác động của ký sinh trùng và quá trình phá hủy hồng cầu hàng loạt.
Tử vong
Các biến chứng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong:
Suy thận cấp, dẫn đến tăng nồng độ ure và creatinin trong máu, tăng K+ máu, gây ngừng tim.
Hôn mê và co giật.
Trụy tim mạch, huyết áp tụt.
Sốt rét đái huyết cầu tố gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Đối với những trường hợp nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum tại các vùng có dịch sốt rét nặng, bệnh dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, cần chú ý đến các đặc điểm lâm sàng của bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.