Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Tăng đường huyết cấp cứu là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 29/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng đường huyết cấp cứu là tình trạng cần thận trọng vì nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Nhận biết sớm triệu chứng tăng đường huyết sẽ giúp kiểm soát và ngăn ngừa tốt những hệ lụy này.

Tăng đường huyết cấp cứu là gì và liệu nó có ảnh hưởng đến tính mạng không? Nguyên nhân và triệu chứng của tăng đường huyết là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây cùng Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin bổ ích trên để bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình bạn nhé.

Tăng đường huyết cấp cứu là gì?

Tăng đường huyết cấp cứu là một tình trạng nặng khi người bệnh bị tăng đường huyết quá cao và buộc phải đi cấp cứu kịp thời để bảo vệ tính mạng. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng xấu đến những người mắc bệnh tiểu đường. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng làm gia tăng tình trạng tăng đường huyết ở những người bệnh đái tháo đường, bao gồm không kiểm soát chế độ ăn uống, thiếu hoạt động thể chất, bệnh mãn tính và sử dụng thuốc.

Tăng đường huyết không phải là một bệnh mà là một hội chứng xảy ra khi lượng đường trong máu vượt quá mức bình thường. Nếu đường huyết tăng đột ngột và rất cao, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng đường huyết cấp cứu là gì? Có nguy hiểm không? 1
Tăng đường huyết cấp cứu là một tình trạng người bệnh bị tăng đường huyết quá cao và buộc phải đi cấp cứu

Về lâu dài, dù mức tăng đường huyết không quá cao nhưng kéo dài, có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến tim, mắt, thận, thần kinh và mạch máu.

Tăng đường huyết là một tình trạng cho thấy rằng chỉ số đường glucose trong máu vượt ngưỡng mức bình thường, điều này được thể hiện qua các chỉ số sau:

  • Đường huyết khi đói > 7.7 mmol/L (>140 mg/dL).
  • Đường huyết sau khi ăn khoảng 2 tiếng > 10 mmol/L (> 180 mg/dL).
  • Đường huyết báo động > 250-300 mg/dL (>13 mmol/L).
  • Đường huyết quá cao > 600 mg/dL → HI (máy đo đường huyết không đo được vì quá cao).

Thông qua những thông tin trên, bạn cũng đã hiểu đường tăng đường huyết cấp cứu là tình trạng nghiêm trọng như thế nào, vậy nguyên nhân gây đường huyết tăng cao là do đâu, cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp qua thông tin dưới đây nhé.

Nguyên nhân gây tình trạng đường huyết tăng cao là gì?

Tăng đường huyết cấp cứu thường gặp trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị đái tháo đường chưa được chẩn đoán và điều trị.
  • Bệnh nhân không tuân thủ theo chỉ định thuốc.
  • Bệnh nhân không tuân thủ các chế độ ăn uống khoa học, phù hợp và ít vận động.
  • Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc gây tăng đường huyết (như corticoid,...).
  • Người bệnh có các bệnh lý liên quan đến yếu tố stress, bao gồm nhiễm trùng, phẫu thuật, sang chấn,...
Tăng đường huyết cấp cứu là gì? Có nguy hiểm không? 2
Không tuân thủ các chế độ ăn uống khoa học gây tình trạng đường huyết tăng cao

Các triệu chứng của tăng đường huyết

Dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu cho bạn các triệu chứng tăng đường huyết phổ biến và tăng đường huyết ít gặp và nặng, điều này sẽ giúp bạn sớm phát hiện bệnh và có thể kịp thời ngăn ngừa được tình trạng tăng đường huyết cấp cứu nhé.

Triệu chứng tăng đường huyết phổ biến

Hầu hết các trường hợp tăng đường huyết không xuất hiện triệu chứng cho đến khi nồng độ glucose huyết vượt quá 180 - 200 mg/dL hoặc 10 - 11.1 mmol/L. Chỉ số đường máu càng cao thì các triệu chứng càng trầm trọng.

Các triệu chứng phổ biến:

  • Ăn nhiều;
  • Uống nhiều;
  • Gầy, sút cân nhanh;
  • Tiểu nhiều;
  • Đau nhức đầu;
  • Khả năng tập trung kém;
  • Mắt mờ;
  • Mệt mỏi, yếu cơ.

Triệu chứng tăng đường huyết ít gặp

Một số triệu chứng tăng đường huyết ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra gồm:

  • Tay chân bị tê, ngứa râm ran hoặc thậm chí đau đớn do dây thần kinh bị tổn thương.
  • Các biểu hiện rối loạn da: Vết thương lâu lành, ngứa, khô da, có nếp nhăn thâm đen ở vùng da cổ.
  • Rối loạn cương dương và hay bị nhiễm nấm.
  • Tăng áp lực thẩm thấu do ảnh hưởng bởi lượng đường huyết tăng không nhiễm ceton.
  • Tăng áp lực thẩm thấu là một triệu chứng tăng đường huyết do biến chứng ở tiểu đường type 1 hoặc 2, thường xảy ra khi lượng đường của bệnh nhân tăng cao > 33 mmol/l. Sự thiếu hụt Insulin dẫn đến tăng phân hủy glycogen tại gan, tăng tạo glucose, giảm sử dụng glucose của tổ chức, dẫn đến tăng nồng độ đường huyết. Kết quả là người bệnh có thể khát nước nặng, mệt mỏi, khô miệng, tiểu tiện quá mức, buồn nôn, nôn, đau bụng, thở nhanh. Nếu không phát hiện và tiến hành điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Các triệu chứng tăng đường huyết nặng

Khi đường huyết tăng quá cao hoặc trong thời gian dài, người bệnh sẽ có những triệu chứng cần được tăng đường huyết cấp cứu:

  • Đau bụng: Đường huyết cao làm tổn thương dây thần kinh dạ dày.
  • Sụt cân nhanh chóng: Do các tế bào đã đốt cháy các phân tử protein và mỡ để tạo ra năng lượng.
  • Rối loạn hệ hô hấp và tiêu hóa: Thở nhanh và sâu, có thể buồn nôn, hay bị nôn, mất ý thức. Nếu có những triệu chứng này, cần can thiệp y tế ngay để tránh tử vong.
Tăng đường huyết cấp cứu là gì? Có nguy hiểm không? 3
Sụt cân nhanh chóng có thể là biểu hiện tăng đường huyết nặng

Duy trì thói quen tốt để cân bằng đường huyết

Nếu mới phát hiện triệu chứng tăng đường huyết, bạn có thể tạm thời theo dõi tại nhà bằng máy đo đường huyết để ghi lại số lần tăng và lượng đường huyết đo được. Trường hợp phát hiện các triệu chứng tăng đường huyết nghiêm trọng, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài việc xét nghiệm đường huyết, Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu cho các bạn một số phương pháp sau cần duy trì mỗi ngày để cân bằng được lượng đường huyết trong cơ thể.

  • Tăng lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày để loại bỏ lượng đường huyết dư thừa qua nước tiểu và tránh tình trạng mất nước.
  • Thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Lưu ý, người có ceton trong nước tiểu không nên tập thể dục để tránh tạo điều kiện cho đường huyết tăng cao hơn.
  • Tạo lập thói quen ăn uống khoa học bằng cách nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về chế độ ăn cho người bị tăng đường huyết, điều chỉnh lại loại và lượng thực phẩm nạp vào cơ thể.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Kiểm tra đường huyết định kỳ.

Quan trọng nhất vẫn là ăn sạch, uống sạch và tập thể dục đều đặn, đúng khoa học để có cơ thể khoẻ mạnh các bạn nhé.

Một số phương pháp xử lý khi tăng đường huyết đột ngột tại nhà

Khi người bệnh gặp tình trạng tăng đường huyết quá cao, nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Đồng thời, các bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp phổ biến dưới đây để hỗ trợ làm giảm đường huyết:

  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước sẽ giúp pha loãng và làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cần thận trọng khi áp dụng cách này cho người bị bệnh thận nặng hoặc suy tim nặng chưa được kiểm soát.
  • Tiêm thêm 1 - 2 đơn vị Insulin: Tiêm thêm 1 - 2 đơn vị Insulin (so với liều thường dùng) có thể giúp giảm nhanh đường huyết. Đặc biệt lưu ý, phương pháp này chỉ nên thực hiện đối với trường hợp những bệnh nhận được chỉ định tiêm Insulin và đã tham khảo ý kiến của từ các bác sĩ.
  • Vận động 15 - 20 phút: Khi người bệnh còn tỉnh táo, có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng hoặc vận động tại chỗ nhằm tăng nhu cầu sử dụng glucose của cơ thể ở cơ bắp, điều này có thể giúp giảm đường huyết. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên tập luyện khi cảm thấy choáng váng, chóng mặt, hoặc có biểu hiện sốt.
Tăng đường huyết cấp cứu là gì? Có nguy hiểm không? 4
Tiêm Insulin có thể giúp giảm nhanh đường huyết

Lưu ý: Các biện pháp trên chỉ được thực hiện khi người bệnh có đường huyết cao đột ngột do thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, không áp dụng trong trường hợp người bệnh quên uống thuốc.

Bài viết trên Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cách xử lý tăng đường huyết cấp cứu. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân nên nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia và các chất kích thích khác để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:đường huyết