Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thế nào được xem là tăng acid uric máu không triệu chứng?

Ngày 05/10/2023
Kích thước chữ

Một số người đi khám được chẩn đoán là tăng acid uric dù cơ thể không gặp bất kì biểu hiện nào. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng qua bài viết dưới đây nhé!

Tăng acid uric máu thường được chẩn đoán ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Thế nhưng, nhiều người nhận được kết quả xét nghiệm nồng độ acid uric máu tăng cao nhưng cơ thể vẫn không có biểu hiện gì bất thường. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng thông qua bài viết dưới đây nhé!

Chỉ số acid uric máu bao nhiêu là cao?

Acid uric là sản phẩm của sự chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi một tế bào chết đi, quá trình thoái hóa purin sẽ tạo ra acid uric, còn được xem là acid uric nội sinh. Ngoài ra, các thực phẩm giàu purin như hải sản, thịt đỏ khi vào cơ thể khi diễn ra quá trình này, tạo ra acid uric ngoại sinh.

Ở sinh lý bình thường, acid uric sẽ được đào thải chủ yếu qua đường niệu (80%) và một phần qua đường tiêu hóa hay da (20%). Tuy nhiên, khi dung nạp quá nhiều purin mà thận không kịp đào thải có thể khiến acid uric bị lưu giữ lại trong máu. Nồng độ acid uric máu cao sẽ dẫn đến tình trạng lắng đọng các tinh thể urat tại mô, thường gặp nhất là tại các khớp. Các tinh thể urat lắng tại khớp gây đau nhức dữ dội cho người bệnh, được xem là bệnh gout.

Thông thường, nồng độ acid uric trong máu luôn duy trì ổn định ở mức dưới 7 mg/dL cho nam và dưới 6 mg/dL ở nữ. Lượng acid uric máu vượt quá ngưỡng này được xem là cao hơn giới hạn bình thường hay còn gọi là tăng acid uric máu trong các kết quả xét nghiệm.

Thế nào được xem là tăng acid uric máu không triệu chứng? 1
Acid uric máu tăng cao có thể lắng đọng tinh thể urat tại khớp gây đau nhức dữ dội

Thế nào được xem là tăng acid uric máu không triệu chứng?

Tình trạng acid uric máu tăng cao ở giai đoạn đầu thường không có các dấu hiệu lâm sàng cụ thể, được xem là tăng acid uric máu không triệu chứng. Các biểu hiện lâm sàng chỉ rõ rệt hơn khi tình trạng này đã kéo dài được thời gian dài mà không có các chiến lược điều trị thích hợp, dẫn đến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.

Thông thường, các triệu chứng của tăng acid uric máu là biến chứng của tình trạng này do các hạt tophi hay tinh thể urat lắng đọng tại khớp hay thận gây sỏi thận. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh gout thường là:

  • Viêm sưng khớp;
  • Cứng khớp, biến dạng khớp;
  • Vận động, đi lại bị cản trở nhất là tại vị trí các khớp;
  • Triệu chứng của sỏi thận bao gồm: rối loạn tiểu tiện, tiểu ra máu, nước tiểu có mùi hôi hay đau quặn bụng.

Thế nào được xem là tăng acid uric máu không triệu chứng? 2
Rối loạn tiểu tiện có thể là biểu hiện của sỏi thận do lắng đọng tinh thể urat

Tăng acid uric máu khi nào thì cần điều trị?

Đa số bệnh nhân được chẩn đoán tăng acid uric máu đều hoang mang với tình trạng của mình. Câu hỏi nhận được nhiều nhất khi nhận kết quả xét nghiệm là tăng acid uric máu có nguy hiểm không hay tăng acid uric máu khi nào thì cần điều trị?

Thực tế thì không phải bất kì trường hợp tăng acid uric máu nào cũng cần đến can thiệp nội khoa. Các bệnh nhân được chẩn đoán tăng acid uric máu không triệu chứng hay tăng acid uric máu ở mức độ trung bình (dưới 10 mg/dL) thường được bác sĩ khuyên nên tự điều chỉnh lối sống. Cụ thể hơn, người bệnh được hướng dẫn phải thiết lập chế độ ăn uống phù hợp nhằm ngăn ngừa sự tiến triển của chứng tăng acid uric máu.

Khi nồng độ acid uric tăng cao trên mức 12 mg/dL kèm theo các nguy cơ về bệnh tim mạch, người bệnh cần thực hiện điều trị với các thuốc hạ acid uric. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phải hóa trị, xạ trị cũng cần dùng liệu pháp dự phòng tăng acid uric máu. Nguyên nhân là vì người bệnh gặp phải tình trạng phá hủy tế bào quá nhiều dẫn đến sự sản xuất acid uric cấp tính, tiềm ẩn nguy cơ suy thận cấp do lắng đọng tinh thể urat tại thận.

Các trường hợp khác như thường xuyên xét nghiệm acid uric tăng trên 10mg/dL dù đã áp dụng chế độ ăn uống khoa học, tiền sử gia đình mắc bệnh gout hay sỏi thận kèm tăng acid uric máu cũng được bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ acid uric.

Lời khuyên cho người mắc chứng acid uric máu tăng cao

Theo nhận định của các chuyên gia, việc dùng thuốc hạ acid uric máu cần phải được cân nhắc dựa trên lợi ích nguy cơ. Các trường hợp tăng acid uric máu không triệu chứng dùng thuốc hạ acid uric không đem lại hiệu quả mà ngược lại gây ra phản tác dụng. Lợi ích ít ỏi thu được từ thuốc không quan trọng bằng việc bệnh nhân mất nhiều chi phí cho điều trị mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng khác do dùng thuốc.

Bệnh nhân gặp tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng nên tích cực thay đổi lối sống và chế độ ăn uống sinh hoạt trước để khắc phục vấn đề sức khỏe của mình. Các can thiệp về dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì nồng độ acid uric máu về mức ổn định, bao gồm:

  • Uống nhiều nước.
  • Hạn chế các thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ (dê, cừu, bò), một số loại rau xanh (măng tây, rau chân vịt),…
  • Tránh lạm dụng rượu bia.
  • Ưu tiên các loại rau xanh giàu chất chống oxy hóa như súp lơ, cà chua dưa chuột hay các loại trái cây giàu chất xơ như táo, chuối, cherry, bơ,…

Thế nào được xem là tăng acid uric máu không triệu chứng? 3
Người mắc chứng tăng acid uric máu không triệu chứng nên tích cực thay đổi chế độ dinh dưỡng trước khi điều trị bằng thuốc

Tóm lại, tăng acid uric là một dấu hiệu đáng báo động bởi tiến triển bệnh thành gout hay sỏi thận có thể gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, các đối tượng gặp tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng nên ưu tiên thiết lập chế độ ăn uống khoa học hơn là dùng thuốc để ổn định tình trạng này.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng cùng các lời khuyên cho những ai đang gặp phải vấn đề sức khỏe này. Theo dõi thêm các bài viết mới của Nhà thuốc Long Châu để trang bị thêm kiến thức bổ ích cho sức khỏe của bạn và gia đình nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin