Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thoát vị màng não tủy cùng cụt: Chẩn đoán, chỉ định và quy trình phẫu thuật

Ngày 15/11/2023
Kích thước chữ

Thoát vị màng não tủy cùng cụt là bệnh hiếm gặp với nguyên nhân là do khuyết tật bẩm sinh trong vùng não bộ của trẻ nhỏ. Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn thông tin về chỉ định và quy trình phẫu thuật màng não tủy cùng cụt để gia đình có thêm kiến thức hữu ích.

Thoát vị màng não tủy cùng cụt được liệt kê trong danh sách những bệnh lý nặng. Bệnh nhân sẽ bị mất hoặc rối loạn chức năng thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày, ngoại hình và đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về phẫu thuật thoát vị màng não tủy cùng cụt.

Thoát vị màng não tủy và thoát vị màng não tủy cùng cụt

Thuộc dạng bệnh hiếm gặp, thoát vị màng não tủy cùng cụt có nguyên nhân do dị tật bẩm sinh ở vị trí ống sống của trẻ nhỏ. Cụ thể, nguyên nhân của tình trạng này là do cung sau của đốt sống bị khuyết rộng, ống sống thông với phần mềm ngoài ống sống, màng cứng của tủy sẽ phình ra dễ dàng tạo nên túi thoát vị. 

Đây là tình trạng bệnh lý nặng khiến chức năng thần kinh bị rối loạn hoặc bị mất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân, tác động đến hình dáng bên ngoài, sinh hoạt cùng nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.

Thoát vị màng não tủy cùng cụt: Chỉ định và quy trình phẫu thuật 1
Thoát vị màng não tủy là khuyết tật bẩm sinh ở trẻ

Bệnh thoát vị màng não tủy vùng lưng/cùng cụt có đặc trưng là vùng thắt lưng - cùng xuất hiện khối u. Khối u này mềm, được che phủ bên ngoài bởi một lớp da nhăn nheo chứa dịch não tủy hoặc hỗn hợp mô não và dịch não tủy bên trong. Bệnh được xem như một dạng của dị tật nứt đốt sống. 

Nứt đốt sống là khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh, trong đó, một vài đốt xương cột sống không khép kín khiến tủy sống lộ ra, màng và dịch não tủy tồn tại dưới dạng túi thần kinh sẫm màu, mềm, nổi lên trên lưng, dọc theo cột sống. Dị tật nứt đốt sống có 3 dạng là tật nứt đốt sống ẩn (spina bifida occulta), thoát vị màng não (meningocele), thoát vị màng não tủy (meningomyelocele).

Chẩn đoán thoát vị màng não tủy

Để chẩn đoán bệnh thoát vị màng não tủy cùng cụt, các bác sĩ sẽ trải qua 2 chẩn đoán bao gồm:

Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh thoát vị màng não tủy của trẻ có đặc điểm dễ nhận biết là khối u tại vùng thắt lưng - cùng. Khối u này mềm, có màu sẫm. Về đặc điểm hình thái, khối u có thể tồn tại ở nhiều hình dạng khác nhau như:

  • Lớp da khá dày, ít khi vỡ ra làm rò rỉ dịch não tủy;
  • Lớp da căng bóng, mỏng manh, dễ bị rách khiến cho dịch não tủy bị rò rỉ;
  • Lớp da và mỡ dưới da tại túi thoát vị khá dày dặn, khi sờ nắn bên ngoài có cảm giác như một khối u.
Thoát vị màng não tủy cùng cụt: Chỉ định và quy trình phẫu thuật 2
Thoát vị màng não tủy cùng cụt có đặc điểm là khối u vùng thắt lưng

Một số đặc điểm khác của túi thoát vị còn được mô tả là thấy lõm khi ấn vào và phồng lên nhanh chóng. Tùy thuộc vào nhịp tim và nhịp thở của trẻ mà túi thoát vị này có thể thay đổi kích thước.

Bệnh thường không có dấu hiệu gì về rối loạn cảm giác hay vận động. Tuy vậy, người bệnh có thể bị liệt một phần hoặc hoàn toàn ở cả hai chân, mất cảm giác và rối loạn cơ thất, đặc biệt xảy ra trong trường hợp túi thoát vị có chứa rễ thần kinh và tủy.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Hình chụp X-quang cột sống của bệnh nhân sẽ cho thấy vị trí cũng như mức độ khuyết cung sau đốt sống. Ngoài ra chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng cùng cũng giúp đánh giá được tình trạng bệnh. MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho giá trị tốt nhất hiện nay, giúp chẩn đoán bệnh lý thoát vị màng não tủy cùng cụt. 

Ở đa số trường hợp, MRI xác định được người bệnh có bị thoát vị hay không, loại thoát vị gì, tính chất của khối thoát vị, kích thước khối thoát vị, vị trí cổ túi thoát vị, vị trí của chóp tủy so với thân đốt sống, mô mỡ dưới da, hình ảnh tủy bám thấp. Nhờ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được mối liên quan giữa khối thoát vị và tủy sống, toàn trục thần kinh cùng các dị tật đi kèm, xác định được các chẩn đoán và đầy đủ tình hình tổng thể cả trước lẫn sau khi mổ.

Chỉ định phẫu thuật màng não tủy

Phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu khi mắc thoát vị màng não tủy nói chung và thoát vị màng não tủy cùng cụt nói riêng. Khi khối u chưa vỡ, trẻ có thể được phẫu thuật ngay trong vòng 24 giờ đầu sau khi chào đời. Mặc dù vậy, đây là cuộc phẫu thuật yêu cầu kỹ thuật hết sức phức tạp, trẻ cần được chuẩn bị trước khi tiến hành phẫu thuật vô cùng cẩn thận nhằm đánh giá các mức độ tổn thương thần kinh. 

Sau cuộc phẫu thuật, trẻ cần được theo dõi sát sao nhằm phát hiện các biến chứng kịp thời, nhất là tình trạng nhiễm trùng.

Có 2 hình thức phẫu thuật điều trị thoát vị màng não tủy là:

  • Phẫu thuật màng não tủy qua đường mở nắp sọ với phương pháp mở nắp sọ trán, mở nắp sọ thái dương.
  • Phẫu thuật nội soi qua đường mũi nếu khối thoát vị màng não tủy ở xoang sàng hoặc xoang bướm.
Thoát vị màng não tủy cùng cụt: Chỉ định và quy trình phẫu thuật 3
Phẫu thuật được chỉ định trong vòng 24 giờ đầu sau sinh

Quy trình phẫu thuật thoát vị màng não tủy

Các bước chuẩn bị và tiến hành cuộc phẫu thuật thoát vị màng não tủy cho trẻ cần được thực hiện cẩn trọng. Khi trẻ được sinh ra và được chẩn đoán bị thoát vị màng não tủy cùng cụt, bác sĩ sẽ đặt miếng gạc vô trùng đã tẩm nước muối lên vùng bị tổn thương nhằm tránh gây khô da. Sau đó, bé sẽ được thăm khám, đánh giá mức độ cảm giác, giới hạn vận động, mức độ não úng thuỷ và dùng kháng sinh phổ rộng Cephalosporin.

Theo khuyến cáo, phẫu thuật thoát vị màng não tủy vùng lưng/ cùng cụt nên được thực hiện trong vòng 24 giờ đầu sau sinh với các bước:

  • Rạch da ở quanh túi thoát vị, dần mở rộng sang hai bên, bóc tách chân túi thoát vị ra khỏi các tổ chức xung quanh.
  • Cắt bớt một phần của túi thoát vị màng não tủy rồi khâu lại.
  • Dùng cân vuông thắt lưng ở hai bên để che phủ lỗ khuyết xương.

Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật màng não tủy

Sau cuộc phẫu thuật, trẻ cần được chăm sóc và theo dõi kỹ bao gồm:

  • Thiết lập đường truyền và duy trì truyền dịch vào những giờ đầu.
  • Theo dõi kỹ các dấu hiệu sinh tồn và tri giác của trẻ trong 24 giờ đầu bao gồm nhịp thở, mạch huyết áp, dấu hiệu thần kinh khu trú, nhiệt độ. Nếu trẻ bị giảm tri giác hoặc có dấu hiệu thần kinh khu trú mới thì cần cho trẻ chụp cắt lớp vi tính nhằm kiểm tra, phát hiện phù não, tổn thương dập não tiến triển, biến chứng máu tụ ngoài màng cứng hay tụ máu dưới màng cứng.
  • Theo dõi tình trạng chảy dịch não tủy qua mũi.
  • Tiếp tục cho trẻ dùng thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
  • Sau phẫu thuật cần liên tục theo dõi vòng đầu và kích thước thóp trước của trẻ nhằm phát hiện tai biến não úng thủy kịp thời.
Thoát vị màng não tủy cùng cụt: Chỉ định và quy trình phẫu thuật 4
Trẻ cần được theo dõi cẩn thận sau phẫu thuật

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về căn bệnh thoát vị màng não tủy cùng cụt. Ngay khi phát hiện dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ con trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và phẫu thuật chỉ định kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin