Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thông tin cần biết về cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Ngày 05/12/2023
Kích thước chữ

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính, thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh rất nguy hiểm với mức độ lây lan cao và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Đối tượng thường mắc bệnh là trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông tin cũng như cách phòng ngừa bệnh bạch hầu để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Bệnh bạch hầu không còn là bệnh quá xa lạ với nhiều người. Hiện nay ở nước ta mặc dù đã có vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu, tuy nhiên bệnh này vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh bạch hầu để bạn đọc có thể bổ sung thêm kiến thức cũng như có thể chủ động bảo vệ sức khỏe cho con em và người thân của mình.

Bệnh bạch hầu là gì? Nguyên nhân và cách truyền bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và cả hệ thống thần kinh. Hiện nay, bệnh này có thể được phòng ngừa thông qua việc tiêm vaccine và giữ vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với nguồn mang bệnh để tránh lây nhiễm. Trong trường hợp bị nhiễm bệnh, bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn với kháng sinh và thuốc trợ giúp hô hấp.

Con đường lây nhiễm bệnh bạch hầu chủ yếu là qua đường hô hấp. Bệnh có thể được lây truyền thông qua sự tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Ngoài ra việc sử dụng chung các vật dụng như quần áo, chén, đũa, ly uống nước và các thiết bị y tế có chứa vi khuẩn bạch hầu mà không được sát khuẩn sạch sẽ.

cach-phong-ngua-benh-bach-hau 1.jpg
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae - Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu ở người

Khi vi khuẩn bạch hầu đi vào với cơ thể, nó sẽ giải phóng độc tố, có thể gây ra tình trạng viêm và hình thành màng bạch hầu trong cổ họng và mũi gọi là giả mạc gây khó thở, khó nuốt, nghiêm trọng hơn có thể gây tắc nghẽn đường thở dẫn để suy hô hấp.

Ai cũng có nguy cơ mắc phải bệnh bạch hầu, bất kể độ tuổi hay giới tính. Trong đó, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đó là trẻ em và người lớn nếu tiếp xúc với bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Triệu chứng khi mắc bệnh bạch hầu

Vi khuẩn bạch hầu cần thời gian ủ bệnh, cho nên sau khoảng 2 - 5 ngày bị nhiễm, người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Viêm họng và đau họng;
  • Khó thở, thở khò khè;
  • Mệt mỏi và dễ bị mất sức;
  • Sốt cao và đau đầu;
  • Sưng hạch bạch huyết và đau vùng cổ, cảm giác khó nuốt và khó ăn;
  • Quan sát thấy lớp màng màu xám trắng bám dính ở vùng hầu họng, nếu bóc tách có thể gây chảy máu.

Biến chứng của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu nguy hiểm bởi khả năng diễn tiến nhanh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dao động từ 5 – 10%, thậm chí con số này có thể tăng lên đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Một số biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như:

  • Biến chứng trên tim mạch: Viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền cơ tim, loạn nhịp, hình thành huyết khối trong tim, suy tim,… Biến chứng này có thể xảy ra ngay trong giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi các triệu chứng trên lâm sàng. Vì vậy sau khi khỏi triệu chứng lâm sàng cần theo dõi người bệnh thêm khoảng 2 - 3 tuần.
  • Biến chứng thần kinh: Người bệnh có thể bị liệt màn hầu, gây khó khăn trong việc nuốt và nói chuyện. Ngoài ra có thể liệt các bộ phận khác như liệt bàn tay, liệt cả hai chân và liệt các cơ quan khác,… Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ hồi phục sau một thời gian nếu người bệnh không mắc biến chứng khác gây tử vong.
  • Biến chứng thận: Gây tổn thương cho cầu thận và ống thận dẫn đến hội chứng thận hư hay suy thận.
  • Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, dễ gặp các biến chứng như viêm kết mạc hay suy hô hấp.
cach-phong-ngua-benh-bach-hau 2.jpg
Lớp giả mạc hình thành và lây lan vùng hầu họng, thanh quản gây đau và khó khăn trong việc nuột và nói chuyện

Bệnh bạch hầu cũng có thể bắt gặp phải ở bà bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc phụ nữ ở giai đoạn sau khi sinh. Tỷ lệ tử vong đối với phụ nữ mang thai tương đối cao khoảng 50%, một số trường hợp sống sót thường gặp phải biến chứng sảy thai hoặc sinh non. Điều trị bệnh sớm bệnh bạch hầu có thể làm tăng tỷ lệ sống sót và sức khỏe cho thai nhi. Điều trị biến chứng của bệnh bạch hầu cần được duy trì trong một khoảng thời gian dài.

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất bao gồm các truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng. Hiểu được mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh chóng của bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra Chương trình tiêm chủng mở rộng để tất cả trẻ em đều được tiêm phòng đầy đủ, tạo kháng thể chủ động chống lại bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Phụ huynh cần chủ động theo dõi, nắm thông tin về tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng hàng năm mà Bộ Y tế đề ra. Những người trưởng thành chưa từng tiêm chủng, chưa có kháng thể nên chủ động tiêm phòng. Trong trường hợp đã từng tiêm phòng nhưng lượng kháng thể không đủ hoặc chuẩn bị tới các vùng dễ có dịch bệnh, bạn nên tiêm mũi nhắc lại để tăng kháng thể bảo vệ cơ thể tốt hơn.

cach-phong-ngua-benh-bach-hau 3.jpg
Tiêm phòng vaccine theo Chương trình tiêm chủng mở rộng cho tất cả trẻ em

Ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh, để ngăn ngừa việc lây lan bệnh, một số khuyến cáo được đưa ra như sau:

  • Tuyên truyền giáo dục về bệnh: Tất cả mọi người bao gồm cả trẻ nhỏ và người trưởng thành đều nên nắm được những thông tin cơ bản về bệnh bạch hầu. Điều này sẽ giúp nâng cao ý thức của toàn người dân trong công tác phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tốt hơn trước vi khuẩn gây bệnh này.
  • Vệ sinh không gian sống: Hãy đảm bảo không gian sống và sinh hoạt, nhất là không gian chung như nhà ở, nhà trẻ, lớp học,… được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Môi trường thông thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu, hạn chế lây lan bệnh.
  • Cách ly người bệnh: Người bệnh bạch hầu ngoài được chăm sóc y tế và điều trị bệnh thì cần cách ly riêng biệt để ngăn chặn việc lây lan bệnh cho những người xung quanh.
  • Hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân: Tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh là con đường lây truyền bệnh rất dễ dàng. Vì vậy, cần hạn chế tối thiểu việc dùng chung các vật dụng cá nhân, nhất là với người có dấu hiệu bệnh. Người bệnh bạch hầu cần vệ sinh thường xuyên những đồ dùng cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn và tránh vi khuẩn lây lan rộng.
  • Đeo khẩu trang: Việc đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh, và đây cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Lớp khẩu trang sẽ giúp ngăn cách vi khuẩn có mặt trong không khí với đường hô hấp của chúng ta và từ đó giúp bảo vệ khỏi lây nhiễm bệnh.

Mặc dù hiện nay đã có vaccine phòng ngừa và có thuốc điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên căn bệnh này vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh và chịu ảnh hưởng xấu từ loài vi khuẩn gây bệnh này. Vì vậy hãy chủ động tìm hiểu thông tin của bệnh, tiêm phòng vaccine đầy đủ và nắm rõ các cách phòng ngừa bệnh bạch hầu để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và những người xung quanh khỏi những tác nhân gây bệnh độc hại.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin